Cái nhìn từ Mỹ: Nước Mỹ cần củng cố trật tự châu Á như thế nào?

Sự kết hợp giữa sự hung hăng của Trung Quốc và sự dao động của Mỹ đã khiến khu vực châu Á rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đương đại giống như châu Âu trước chiến tranh – mất cân bằng, trật tự rạn nứt và không có liên minh rõ ràng để giải quyết vấn đề.

Cái nhìn từ Mỹ: Nước Mỹ cần củng cố trật tự châu Á như thế nào?

Tác giả:

– Kurt M. Campbell, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Asia Group và là cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Campbell vừa được Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn làm quan chức cấp cao phụ trách chính sách châu Á.
– Rush Doshi: Giám đốc Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc của Viện Brookings.

Nguồn: Kurt M. Campbell and Rush Doshi, “How America Can Shore Up Asian Order”, Foreign Affairs, 12/01/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên.

Trong suốt nửa thế kỷ trỗi dậy chưa từng có của châu Á, Henry Kissinger là một nhân vật quan trọng, giúp dẫn dắt việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào đầu những năm 1970 và sau đó tiếp tục viết những cuốn sách quan trọng về chiến lược Trung Quốc và trật tự thế giới. Nhưng vào thời điểm chuyển giao này ở châu Á, những quan sát phù hợp nhất của Kissinger có thể được tìm thấy ở một nơi đáng ngạc nhiên hơn: một luận án tiến sĩ về châu Âu thế kỷ 19, luận án mà ông đã vật lộn để tìm nhà xuất bản nhiều năm trước khi ông nổi tiếng. Cuốn sách đó, A World Restored: Metternich, Castlereagh and the Problems of Peace, 1812–22 (Một thế giới được khôi phục: Metternich, Castlereagh và những vấn đề của hòa bình, 1812–22), tìm hiểu cách hai chính khách châu Âu – một người Anh, một người Áo – đã làm việc cùng nhau để củng cố mối quan hệ bất hòa giữa hai quốc gia hàng đầu châu lục vào cuối Chiến tranh Napoléon. Những nỗ lực của họ đã đặt nền móng cho cái gọi là nền hòa bình lâu dài của châu Âu — 100 năm bình yên và thịnh vượng từ 1815 cho đến Thế chiến I. Tư tưởng của cuốn sách có những ý nghĩa đặc biệt đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày nay, với sự gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc và một trật tự khu vực căng thẳng.

Hàm ý chính ngày nay của cuốn sách không phải là việc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cần một phiên bản kiểu hòa hợp châu Âu hoặc sự chung sống hiện đại giữa Mỹ và Trung Quốc. Thay vào đó, các trật tự khu vực hoạt động tốt nhất khi chúng duy trì được cả sự cân bằng và tính chính đáng, và rằng Washington nên nỗ lực để thúc đẩy cả hai điều này ở châu Á. Kissinger lập luận rằng chính sự tập trung của Castlereagh vào sự cân bằng kết hợp với sự tập trung của Klemens von Metternich vào tính chính đáng của trật tự trong mắt các quốc gia thành viên đã thiết lập nên một hệ thống ổn định. Một chiến lược cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày nay sẽ được hưởng lợi nếu biết kết hợp ba bài học từ giai đoạn lịch sử này của châu Âu: sự cần thiết của cân bằng quyền lực; nhu cầu về một trật tự mà các quốc gia trong khu vực công nhận là chính đáng; và sự cần thiết của một liên minh giữa các đồng minh và đối tác để giải quyết thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho cả hai bên. Một cách tiếp cận như vậy có thể đảm bảo rằng tương lai của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được đặc trưng bởi sự cân bằng và sự cởi mở của thế kỷ 21 chứ không phải là bá quyền và phạm vi ảnh hưởng của thế kỷ 19.

QUÁ KHỨ CỦA CHÂU ÂU, TƯƠNG LAI CỦA CHÂU Á?

Câu hỏi liệu “quá khứ của Châu Âu có phải là tương lai của Châu Á” hay không, như giáo sư Aaron Friedberg của Đại học Princeton đã đặt ra cách đây hai thập niên, vẫn là một câu hỏi mang tính thời sự. Cả châu Âu thế kỷ 19 và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày nay đều có một quốc gia đang trỗi dậy, các cường quốc cạnh tranh lẫn nhau, nhiều con đường dẫn đến xung đột, chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng, xung đột giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa chuyên chế, và các thể chế khu vực mong manh.

Tuy nhiên, sự khác biệt cũng quan trọng. Không giống như châu Âu trước chiến tranh, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không nổi lên sau những biến động cách mạng và chiến tranh giữa các cường quốc. Thay vào đó, khu vực này đã được hưởng “nền hòa bình lâu dài” trong 40 năm. Nhìn chung châu Á cũng phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, tài chính và công nghệ nhiều hơn so với châu Âu hồi thế kỷ 19. Ví dụ, phần lớn thương mại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được tiến hành trong nội bộ khu vực và bản thân khu vực này cũng là trung tâm của sự thịnh vượng và tăng trưởng của Mỹ. Thách thức đối với chính sách của Mỹ không phải là tạo ra một trật tự từ sự hỗn loạn, như đối với các nhà lãnh đạo châu Âu thế kỷ 19, mà là hiện đại hóa và củng cố các yếu tố của một hệ thống hiện có.

Một yếu tố đặc biệt khác của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là việc “hệ điều hành” đã phát triển của nó, không giống như trật tự được tạo ra ở châu Âu trước chiến tranh, là nhằm thúc đẩy thương mại lẫn ngăn chặn xung đột. Được xây dựng sau Thế chiến II, hệ thống của khu vực là sự kết hợp của các thỏa thuận pháp lý, an ninh và kinh tế đã giải phóng hàng trăm triệu người khỏi đói nghèo, thúc đẩy vô số tiến bộ thương mại và dẫn đến sự tích lũy của cải đáng kể. Trọng tâm của nó là các nguyên tắc đã được thời gian kiểm nghiệm: tự do hàng hải, bình đẳng chủ quyền, minh bạch, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tính tôn nghiêm của các hợp đồng, thương mại xuyên biên giới và hợp tác để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia. Hơn nữa, cam kết lâu dài của Mỹ trong việc duy trì các lực lượng quân sự được triển khai tiền phương đã giúp làm bệ đỡ cho những nguyên tắc này.

Tuy nhiên, có hai thách thức cụ thể đe dọa sự cân bằng và tính chính đáng của trật tự này. Đầu tiên là sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm một nửa GDP và chi tiêu quân sự khu vực, một khoảng cách ngày càng tăng lên kể từ sau đại dịch COVID-19. Và giống như bất kỳ quốc gia đang trỗi dậy nào khác, Trung Quốc tìm cách định hình lại môi trường xung quanh và buộc các nước khác nhường nhịn các lợi ích của mình. Cách thức Bắc Kinh theo đuổi các mục tiêu này – như xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, xâm nhập Biển Hoa Đông, xung đột với Ấn Độ, đe dọa xâm lược Đài Loan, và đàn áp nội bộ ở Hồng Kông và Tân Cương – làm suy yếu các quy tắc quan trọng của hệ thống khu vực đã được thiết lập. Hành vi này, kết hợp với việc Trung Quốc ưa thích cưỡng ép kinh tế, gần đây nhất là nhắm vào Australia, có nghĩa là nhiều nguyên tắc tổ chức của trật tự đang gặp rủi ro.

Thách thức thứ hai đáng ngạc nhiên hơn vì nó đến từ kiến trúc sư ban đầu và người bảo trợ lâu năm của hệ thống hiện tại – Mỹ. Bất chấp những nỗ lực kiên quyết của các chuyên gia châu Á trong chính quyền Trump nhằm giảm thiểu thiệt hại, bản thân Tổng thống Donald Trump đã làm căng thẳng hầu như mọi yếu tố trong “hệ điều hành” của khu vực. Ông đã thúc ép các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc đàm phán lại các thỏa thuận chia sẻ chi phí cho các căn cứ và việc đồn trú quân đội Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ rút toàn bộ lực lượng nếu các bên không đáp ứng các điều khoản mới. Cả hai động thái này đều làm suy yếu các liên minh mà Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cần có để duy trì sự cân bằng. Trump nhìn chung cũng rút khỏi các tiến trình đa phương khu vực và các cuộc đàm phán kinh tế, nhường không gian cho Trung Quốc viết lại các quy tắc vốn thiết yếu đối với nội dung và tính chính đáng của trật tự. Cuối cùng, ông cũng xem nhẹ việc ủng hộ dân chủ và nhân quyền theo những cách làm suy yếu các đối tác tự nhiên của Mỹ và khuyến khích chính quyền Trung Quốc mạnh tay ở Hồng Kông và Tân Cương.

Sự kết hợp giữa sự hung hăng của Trung Quốc và sự dao động của Mỹ đã khiến khu vực này rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đương đại có cảm giác giống như châu Âu trước chiến tranh – mất cân bằng, trật tự rạn nứt và không có liên minh rõ ràng để giải quyết vấn đề. Nếu chính quyền tiếp theo của Mỹ muốn duy trì “hệ điều hành” khu vực đã tạo nên hòa bình và sự thịnh vượng chưa từng có, thì chính quyền đó cần phải bắt đầu bằng cách lần lượt giải quyết từng xu hướng này.

KHÔI PHỤC CÂN BẰNG

“Cân bằng quyền lực”, Kissinger viết trong cuốn A World Restored, “là cách diễn đạt kinh điển của bài học lịch sử rằng không có trật tự nào là an toàn nếu không có các biện pháp bảo vệ thực tế chống lại sự xâm lược.” Áp dụng cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một cảnh báo như vậy là rõ ràng: sức mạnh cứng ngày càng tăng của Trung Quốc đã thực sự làm mất ổn định sự cân bằng mong manh của khu vực và thúc đẩy chủ nghĩa phiêu lưu lãnh thổ của Bắc Kinh. Nếu không được kiểm soát, hành vi của Trung Quốc có thể chấm dứt nền hòa bình lâu dài của khu vực.

Sự mất cân bằng cứng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và phần còn lại của khu vực là đáng chú ý. Bắc Kinh chi tiêu cho quân sự nhiều hơn tất cả các nước láng giềng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cộng lại. Trung Quốc đã đầu tư vào vũ khí chống tiếp cận / chống xâm nhập (bao gồm tên lửa siêu thanh và thủy lôi “thông minh”) đe dọa khả năng can thiệp vào khu vực của Mỹ. Họ cũng đã đầu tư vào năng lực hải quân xa bờ, đổ bộ và triển khai sức mạnh mà Bắc Kinh có thể sử dụng cho các vụ tấn công chống lại Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam và những nước khác.

Để đối phó với những mối đe dọa này, Mỹ cần phải có một nỗ lực rõ ràng để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc. Washington có thể bắt đầu bằng cách giảm tập trung vào việc duy trì sự vượt trội và các nền tảng đắt tiền và dễ bị tấn công như tàu sân bay. Thay vào đó, Mỹ nên ưu tiên ngăn chặn Trung Quốc thông qua các năng lực với chi phí tương đối thấp và phi đối xứng mà Bắc Kinh đã sử dụng từ lâu. Điều này có nghĩa là cần đầu tư vào tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo thông thường tầm xa, máy bay tấn công không người lái phóng từ tàu sân bay và tàu lặn không người lái, tàu ngầm có tên lửa dẫn đường, và vũ khí tấn công tốc độ cao. Những loại vũ khí này sẽ làm phức tạp các tính toán của Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải đánh giá lại liệu các hành động khiêu khích mạo hiểm có thể thành công hay không.

Tuy nhiên, cân bằng khu vực thực sự cũng đòi hỏi phải có hành động phối hợp với các đồng minh và đối tác. Mỹ cần giúp các quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phát triển năng lực phi đối xứng của riêng họ để ngăn chặn hành vi của Trung Quốc. Mặc dù Washington nên duy trì sự hiện diện tiền phương, nhưng Washington cũng cần làm việc với các quốc gia khác để phân bổ lực lượng của Mỹ trên khắp Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào một số ít các cơ sở dễ bị tổn thương ở Đông Á. Cuối cùng, Mỹ nên khuyến khích các mối quan hệ đối tác quân sự và tình báo mới giữa các quốc gia trong khu vực, trong khi làm sâu sắc hơn các mối quan hệ nơi Mỹ đóng vai trò chính — lắp một “cái lốp” vào hệ thống liên minh khu vực kiểu “trục và nan hoa” quen thuộc nơi Mỹ đóng vai trò trung tâm.

PHỤC HỒI TÍNH CHÍNH ĐÁNG

Tuy nhiên, chỉ cân bằng quân sự và vật chất sẽ không thể duy trì một trật tự khu vực được đổi mới. Kissinger viết rằng sự ổn định của bất kỳ hệ thống quốc tế nào cuối cùng cũng dựa vào điều mà ông gọi là “tính chính đáng được đa số chấp nhận”. Bất kỳ khuôn khổ quốc tế nào cũng cần phải được các cường quốc bên trong nó ủng hộ. Ở đây, Mỹ sẽ một lần nữa cần đóng vai trò trung tâm.

Không giống như châu Âu trước chiến tranh, tính chính đáng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ là vấn đề chính trị và an ninh quốc tế. Thương mại, công nghệ và hợp tác xuyên quốc gia cũng rất quan trọng. Như Evan Feigenbaum lập luận, có “hai châu Á” cùng nhau tạo nên trật tự khu vực: một tập trung vào chính trị và an ninh và một tập trung vào kinh tế. Chủ nghĩa phiêu lưu lãnh thổ của Trung Quốc làm suy yếu nhóm đầu tiên, các chính sách kinh tế mang tính cưỡng bức của họ làm suy yếu nhóm thứ hai, và sự mâu thuẫn của Mỹ dưới thời Trump làm suy yếu cả hai. Nếu những xu hướng đó tiếp tục và các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bắt đầu coi trật tự hiện tại là không chính đáng, họ có thể rơi vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc — đẩy khu vực này về hướng thế kỷ 19 chứ không phải thế kỷ 21. Nếu điều đó xảy ra, khu vực năng động này có thể bị chia thành các vùng ảnh hưởng: các cường quốc bên ngoài bị chặn ở ngoài cửa, các tranh chấp được giải quyết thông qua vũ lực, cưỡng bức kinh tế trở thành điều bình thường, các liên minh của Mỹ suy yếu và các quốc gia nhỏ hơn không có quyền tự chủ và tự do vận động. Việc đảo ngược những xu hướng này sẽ là một thách thức và đòi hỏi sự khéo léo trong ngoại giao, đổi mới thương mại và sáng tạo thể chế từ phía các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Trong lĩnh vực chính trị và an ninh, việc củng cố tính chính đáng của trật tự hiện tại ít nhất sẽ đòi hỏi sự tái can dự một cách nghiêm túc từ phía Mỹ: chấm dứt việc xem thường đồng minh, bỏ qua các hội nghị thượng đỉnh khu vực, tránh can dự kinh tế và lãng tránh hợp tác xuyên quốc gia. Tư thế mới này sẽ mang lại cho Mỹ một vai trò lớn hơn trong khu vực và làm tăng sức mạnh của các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi đối mặt với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, củng cố trật tự hiện tại có nghĩa là đảm bảo hệ thống tiếp tục mang lại lợi ích vật chất cho các thành viên, ngay cả khi Trung Quốc ngày càng tinh vi hơn trong việc sử dụng cây gậy và củ cà rốt kinh tế. Trái ngược với các cuộc đàm phán của Châu Âu trước chiến tranh, vốn nhấn mạnh đến biên giới lãnh thổ và sự công nhận chính trị, các cuộc đàm phán ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ xoay quanh chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn, cơ chế đầu tư và các thỏa thuận thương mại. Ngay cả khi nỗ lực phục hồi các ngành công nghiệp nhạy cảm và theo đuổi một “sự tách rời có trật tự” khỏi Trung Quốc, Mỹ có thể trấn an các quốc gia khu vực đang cảnh giác rằng việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thường có nghĩa là chuyển chúng sang các nền kinh tế khu vực khác, tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới. Hơn nữa, khi Trung Quốc cung cấp tài chính cho xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, Mỹ nên phát triển các cách cung cấp tài chính và hỗ trợ kỹ thuật thay thế.

Đàm phán về vai trò của Bắc Kinh trong trật tự này là yếu tố phức tạp nhất. Mặc dù các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để duy trì quyền tự chủ của họ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng họ nhận thấy việc loại trừ Bắc Kinh khỏi tương lai sôi động của châu Á là không thực tế và cũng không có lợi. Các quốc gia trong khu vực cũng không muốn bị buộc phải “lựa chọn” giữa hai siêu cường.

Một giải pháp tốt hơn sẽ là Mỹ và các đối tác thuyết phục Trung Quốc rằng Trung Quốc có lợi ích trong một khu vực mang tính cạnh tranh nhưng hòa bình được tổ chức xung quanh một số yêu cầu thiết yếu: một vị trí cho Bắc Kinh trong trật tự khu vực; tư cách thành viên cho Trung Quốc trong các thể chế chính của trật tự này; một môi trường thương mại có thể dự đoán được nếu các quốc gia chơi đúng luật; và cơ hội cùng hưởng lợi từ sự hợp tác về khí hậu, cơ sở hạ tầng và chống đại dịch COVID-19. Cho đến nay, sự ủng hộ phần nào từ Trung Quốc đã đóng vai trò trung tâm trong thành công của khu vực. Điều này sẽ vẫn quan trọng trong những năm tới.

Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác, hành vi của Bắc Kinh chắc chắn sẽ đụng độ với tầm nhìn của Mỹ và châu Á về một trật tự Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Để phản ứng lại, Washington sẽ phải làm việc với các nước khác để củng cố hệ thống, mang lại cho Bắc Kinh động lực để hợp tác có hiệu quả, và sau đó đưa ra các hình phạt chung nếu Trung Quốc quyết định thực hiện các bước đe dọa trật tự nói chung. Tuy nhiên, điều này sẽ ngày càng khó khăn hơn khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên. Do đó, việc duy trì sự cân bằng và tính chính đáng của hệ thống sẽ đòi hỏi sự sát cánh của các nước đồng minh và đối tác — cũng như một mức độ đồng ý và chấp nhận từ phía Trung Quốc.

THIẾT LẬP CÁC LIÊN MINH

Mặc dù ý tưởng rằng Mỹ nên “làm việc với các đồng minh” gần như là một lời sáo rỗng, nhưng những thách thức cản trở điều này lại rất lớn. Duy trì trật tự Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện có chắc chắn sẽ cần đến một liên minh rộng khắp và bản thân các thành viên tham gia có thể không thấy giá trị của cách tiếp cận như vậy cho đến khi hệ thống hiện tại bị phá hủy không thể phục hồi. Nhu cầu về đồng minh và đối tác thường chỉ xuất hiện sau khi hiện trạng bị đảo ngược. Kissinger đã quan sát thấy điều này ở châu Âu thế kỷ 19, nhưng tình hình ngày nay cũng vậy. Các nhà lãnh đạo châu Âu ở xa chắc chắn ít lo ngại hơn về sự hung hăng của Trung Quốc so với các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ở ngay cạnh. Theo đó, thách thức chính mà Mỹ phải đối mặt là làm cầu nối các cách tiếp cận của châu Âu và khu vực đối với các thách thức xuất phát từ Trung Quốc. Nhiệm vụ đó càng trở nên khó khăn hơn bởi sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh: tháng trước, Trung Quốc đã đưa ra các nhượng bộ vào phút chót để kéo EU thành công vào một thỏa thuận đầu tư song phương lớn bất chấp lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ làm phức tạp thêm cách tiếp cận chung xuyên Đại Tây Dương dưới thời chính quyền Biden.

Đối mặt những hạn chế này, Mỹ sẽ cần phải linh hoạt và sáng tạo khi xây dựng quan hệ đối tác. Thay vì thành lập một liên minh lớn tập trung vào mọi vấn đề, Mỹ nên theo đuổi các liên minh riêng biệt hoặc tạm thời tập trung vào các vấn đề riêng lẻ, chẳng hạn như nhóm D-10 do Vương quốc Anh đề xuất (các nền dân chủ G-7 cộng với Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc). Những liên minh này sẽ có vai trò cấp bách nhất đối với các vấn đề về thương mại, công nghệ, chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, các liên minh khác có thể tập trung vào việc răn đe quân sự bằng cách mở rộng cái gọi là Bộ tứ hiện bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ, và nhân quyền thông qua hơn 20 quốc gia chỉ trích các trại quản chế của Bắc Kinh ở Tân Cương và cuộc tấn công của họ vào quyền tự trị của Hồng Kông.

Mục đích của các liên minh khác nhau này — và của chiến lược nói chung — là tạo ra sự cân bằng trong một số trường hợp, tăng cường sự đồng thuận về các khía cạnh quan trọng của trật tự khu vực trong một số trường hợp khác, và gửi thông điệp rằng có những rủi ro đối với đường lối hiện tại của Trung Quốc. Nhiệm vụ này sẽ là một trong những thách thức lớn nhất trong lịch sử ngoại giao đương đại của Mỹ.

Hai thế kỷ trước, Metternich và Castlereagh là những người bi quan lo lắng về một hệ thống đang bị căng thẳng. Tuy nhiên, ngay cả khi luôn hoài nghi về tham vọng đen tối của các quốc gia khác, hai chính khách vẫn đã thành công trong việc xây dựng một hệ thống bền vững và linh hoạt, mở rộng hòa bình và thịnh vượng vượt xa những gì mà nhiều người nghĩ là có thể. Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên khắp châu Âu cần có một cảm giác lo lắng và tham vọng tương tự như vậy ngày nay. Nếu được như vậy, họ có thể đảm bảo rằng một khu vực chiếm một nửa nền kinh tế toàn cầu, một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, và một nửa số quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới vẫn có thể thịnh vượng, hòa bình và cởi mở – vì lợi ích của tất cả mọi người.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , , ,