Cái giá đắt mà Israel phải trả khi phớt lờ số phận của người Palestine

Cuộc tấn công mới nhất của Hamas đã chấm dứt niềm tin kéo dài hàng thập kỷ ở Israel rằng khát vọng chủ quyền của người Palestine có thể được “gạt sang một bên vô thời hạn” trong khi phần còn lại của Trung Đông vẫn có thể yên bình để tiến về phía trước.

Cái giá đắt mà Israel phải trả khi phớt lờ số phận của người Palestine

Vụ tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 khiến hàng trăm người thiệt mạng cho thấy chính sách mà Tel Aviv theo đuổi suốt hai thập kỷ qua với người Palestine đã chấm dứt. Giờ đây, Israel cần phải có cách tiếp cận mới trong vấn đề Palestine.

Rất khó để tìm ra giải pháp hữu hiệu nào lúc này để làm dịu đi tình hình đang nóng bỏng ở Gaza và khu vực Bờ Tây sau cuộc tấn công “bất ngờ với quy mô chưa từng có” với hàng ngàn tên lửa, máy bay chiến đấu, cả trên không và trên bộ và đường biển của Hamas vào lãnh thổ Israel. Cuộc tấn công đã khiến hàng trăm người thương vong, làm bùng phát phẫn nộ trong cả hai phía chưa từng có kể từ cuộc xung đột đẫm máu lần thứ hai nổ ra kể từ năm 2005.

Đáp trả thế nào?

Vẫn còn quá sớm để có thể dự đoán tình hình “chảo lửa” trong những ngày tới sẽ diễn ra như thế nào. Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu, như mọi khi, đã phải tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn khiến Hamas phải trả “một cái giá rất đắt” nhưng đáp trả thế nào lại là một bài toán cực kỳ hóc búa cho ông và đảng Likud cực hữu mà ông là người đứng đầu.

Ông Netanyahu không thể không đáp trả hành động này của Hamas. Nhưng đáp trả của Israel thế nào chắc chắn sẽ phải tính toán kỹ lưỡng bởi nó luôn đi kèm với những rủi ro không thể lường trước. Nếu Tel Aviv điều quân đội vào tấn công Gaza chắc chắn sẽ dẫn đến các cuộc giao tranh đẫm máu ngay trong lòng đô thị đông dân cư.

Giải pháp này càng là “hạ sách”, bởi nó có thể gây nguy hiểm hơn cho các con tin đang bị Palestine bắt giữ. Trong trường hợp giao tranh không thể giải quyết nhanh chóng ở Gaza, thì nguy cơ bạo lực chắc chắn sẽ lan rộng sang Bờ Tây và thậm chí cả Lebanon. Đặc biệt, nếu giao tranh leo thang khiến dân thường ở Gaza thương vong nhiều hơn, thì điều này chắc chắn sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến vị thế của Israel và càng cho thấy tính toán sai lầm và cách nhìn nhận của Tel Aviv về lực lượng Hamas và vai trò của họ trong vấn đề Palestine.

Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, cuộc tấn công mới nhất của Hamas đã chấm dứt niềm tin kéo dài hàng thập kỷ ở Israel rằng khát vọng chủ quyền của người Palestine có thể được “gạt sang một bên vô thời hạn” trong khi phần còn lại của Trung Đông vẫn có thể yên bình để tiến về phía trước. Ngoài ra, sau cuộc xung đột này, việc tìm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để người Israel và người Palestine có thể sống trong hòa bình lại được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.

Không thể phớt lờ

Chính sách “gạt người Palestine sang một bên” của Tel Aviv phụ thuộc vào ba tính toán của Thủ tướng Netanyahu sau khi ông đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 6 vào năm 2022. Thế nhưng, các toan tính này của ông dường như đã bị thổi bay bởi cuộc tấn công đẫm máu của Hamas trong ngày 7/10, đúng dịp 50 Cuộc chiến Tháng 10, khi quân Ai Cập và Syria bất ngờ đồng loạt tấn công Israel trong ngày lễ Yom Kippur, ngày lễ thiêng liêng của người Do Thái.

Tính toán đầu tiên của Thủ tướng Netanyahu dựa trên niềm tin rằng, ngay cả khi vấn đề Palestine bị bỏ ngỏ, người Israel vẫn có thể có được an toàn. Những người nắm quyền ở Tel Aviv tin rằng, sau những thương vong khủng khiếp trong cuộc xung đột lần thứ hai giữa Palestine và Israel vào năm 2005, Israel đã lập ra các hàng rào an ninh để ngăn chặn người Palestine cùng với mạng lưới tình báo vượt trội và hỏa lực áp đảo, hệ thống phòng không “vòm sắt” có thể ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Palestine. Và điều này khiến Tel Aviv yên tâm.

Thế nhưng, quan niệm đó đã bị phá vỡ khi Hamas nã hàng ngàn quả tên lửa và không kích ồ ạt. Trong khi đó, ở miền Nam Lebanon, lực lượng Hezbollah cũng có một kho vũ khí đáng sợ, lên tới 150 ngàn quả tên lửa và nhiều vũ khí tối tân do bên ngoài cung cấp. Trong bối cảnh này, khả năng cao là Tel Aviv phải tái lập ưu thế quân sự để đối phó với các lực lượng Palestine.

Nhưng ngay cả khi phía Israel tin rằng điều này có thể sẽ bảo vệ cho công dân của mình thì bản thân cử tri Israel cũng khó có thể đồng ý rằng việc đưa tình hình quay trở lại hiện trạng như trước khi cuộc tấn công nổ ra là đủ bảo đảm an ninh, an toàn cho họ. Cử tri Israel vẫn cần nhiều hơn thế ở chính phủ của Thủ tướng Netanyahu.

Giả định thứ hai khiến Tel Aviv yên tâm và sao nhãng “vấn đề Palestine” là lập luận cho rằng sự tồn tại của lực lượng Hamas sẽ giúp Israel dễ bề đối phó hơn với lực lượng Fatah ở Bờ Tây. Họ tin rằng chính sách “chia để trị” của Tel Aviv sẽ khiến người Palestine yếu đi bởi sự cạnh tranh giữa các lực lượng ủng hộ một Nhà nước Palestine độc lập. Thế nhưng, sau cuộc tấn công này, lực lượng Hamas đang khẳng định họ mới là tiếng nói thực sự trong cuộc kháng chiến của người Palestine. Sự cạnh tranh giữa các lực lượng Palestine, bao gồm Hamas và Fatah ở Bờ Tây được Tel Aviv cho rằng sẽ có lợi cho Israel nhưng hóa ra lại không hoàn toàn như những gì Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu tính toán.

Giả định thứ ba là Israel có thể duy trì an ninh bằng cách củng cố vị thế của Tel Aviv ở Trung Đông với chính sách ngoại giao khu vực ngay cả khi tiếp tục duy trì xung đột với người Palestine. Quan điểm đó đã được Tel Aviv thực hiện bằng việc bình thường hóa quan hệ với các nước Hồi giáo trong khu vực như Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) vào năm 2020 và Marocco, Sudan sau đó và sắp tới là Ả rập Xê út. Nhưng qua vụ tấn công này, Hamas đã cho thấy người Palestine cũng có tiếng nói và yếu tố Palestine cần được Israel tính đến khi theo đuổi chính sách ngoại giao mới với các nước Hồi giáo trong khu vực.

Bởi thế, các động thái sắp tới chống lại Hamas, dù ở cấp độ và hình thức nào từ Israel chắc chắn cũng sẽ chỉ làm gia tăng lập luận rằng đã đến lúc Tel Aviv phải có một cách tiếp cận mới nếu muốn có an ninh tại khu vực. Hơn nữa, cuộc tấn công cũng chỉ ra rằng Israel không thể tiêu diệt Hamas và tổ chức này vẫn nắm quyền ở Gaza và khó có gì có thể thay đổi thực tế này.

Bởi thế, để đáp trả Hamas với “cái giá rất đắt” như tuyên bố của Thủ tướng Netanyhu cũng không hề đơn giản và muốn là thực hiện được. Nếu tấn công bằng bộ binh, Lực lượng IDF của Israel không thể tấn công và chiếm đóng Gaza, đó là một ý tưởng hạ sách bởi vùng đất này nằm dưới quyền quản lý của người Palestine. Ý tưởng về một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế cũng khó tưởng tượng bởi không nước nào muốn nhận trách nhiệm tại “chảo lửa” này. Ngoài ra, nếu IDF tấn công với mục tiêu đánh bật Hamas ra khỏi Gaza rồi trở về Tel Aviv thì cũng không thể chắc chắn rằng lực lượng mới nào sẽ thế chân để bảo đảm an ninh ở Gaza khi các lực lượng Israel rút đi.

Hố sâu ngăn cách mới

Hơn nữa, sau cuộc xung đột đẫm máu năm 2005 đã để lại một vết sẹo lớn trong lòng thế hệ trẻ của cả hai phía, khiến thế hệ trẻ Israel không thể nói chuyện được với người Palestine. Sau cuộc tấn công này, chắc chắn sự phẫn nộ và vết sẹo năm xưa lại tươi mới, tạo ra một thế hệ người Israel mới, những người không thể tưởng tượng được làm thế nào các phe phái Palestine có thể trở thành đối tác vì hòa bình. Trong khi đó, liên minh cánh hữu tại Tel Aviv lại đang tập trung vào tham vọng sáp nhập thêm các phần ở Bờ Tây mà điều này sẽ chỉ khiến sự đối đầu giữa hai bên lại tăng lên gấp bội.

Trong bối cảnh như thế, những gì xẩy ra mới nhất sẽ khiến những người Israel theo quan điểm cứng rắn thấy rằng họ cần phải đối mặt với thực tế là phải khởi động một bước đi mới với người Palestine. Bộ máy an ninh của Israel cũng cần một đối tác để hợp tác nếu muốn có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với các vùng lãnh thổ của Palestine. Điều đó có nghĩa là họ cần một người đối thoại là người Palestine chứ không thể phớt lờ vấn đề Palestine trong các cuộc họp ở Tel Aviv.

Nhưng điều gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc rất lớn vào ai nắm quyền ở Jerusalem. Hiện tại, Israel đang đoàn kết lại do cú sốc của vụ tấn công. Nhưng có thể Tel Aviv sẽ sớm phải tính toán có thể dẫn đến một liên minh mới. Nếu Israel muốn được an toàn, thì bất cứ đảng phái nào lên cầm quyền, cũng cần phải coi vấn đề Palestine là vấn đề sống còn, không thể “gác lại vô thời hạn” và phải tiếp tục tìm kiếm giải pháp hợp tình hợp lý, phù hợp với các nghị quyết đã có của Liên Hợp quốc, tôn trọng tiếng nói và nguyện vọng cháy bỏng của người Palestine.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: , ,