Bóng đá và các đường ranh giới của con người

Khi trái bóng cất tiếng, thì không còn ranh giới của màu da, đức tin hay tôn giáo, chỉ còn lại một thứ cao hơn tất cả – Tổ quốc.

23/1/2018, ngay sau khi U23 Việt Nam gây nên cơn địa chấn ở Trung Quốc, bản lĩnh loại U23 Qatar ở trận bán kết U23 Châu Á, hiên ngang tiến vào trận chung kết trong mơ, những đường phố Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Tp. HCM… trở thành những dòng sông đỏ rực màu cờ; Trên mạng xã hội Facebook cũng đầy ắp không khí chiến thắng đến ngây ngất qua những dòng trạng thái thể hiện niềm tự hào dân tộc, những tiếng gọi tên tổ quốc Việt Nam tha thiết…, và Facebook cũng tràn ngập màu cờ đỏ sao vàng.

Ngày 9/7/2011, nước Cộng hòa Nam Sudan ra đời, trở thành quốc gia non trẻ nhất trên thế giới. Buổi sáng sau ngày độc lập, đội tuyển bóng đá quốc gia Nam Sudan có trận đấu đầu tiên trong lịch sử, trên mặt sân đất bụi bặm ngổn ngang ở thủ đô Juba.

Tháng 10/2005, khi ĐTQG Angola giành vé dự World Cup tại Đức, hàng trăm nghìn người dân Angola đã đổ ra các đường phố hát vang bài ca “Chúng ta là một quốc gia”.

Có điều gì chung giữa những con người đó? Giữa những cầu thủ cầm súng và sống trong ranh giới sống-chết ở Nam Sudan và những công dân Angola vốn bao năm phải chịu đựng lo âu bạo lực và cuộc mưu sinh đắt đỏ dù sống ở châu lục nghèo nhất thế giới?

Năm 1994, nhà văn Brazil, Nelson Rodrigues viết một cuốn sách nổi tiếng “Tổ quốc dưới đinh giày. Biên niên sử mới của bóng đá”. Những điều Rodrigues viết không tạo ra một cuộc cách mạng nhưng nó khúc triết được nhận thức trong một câu đắt giá: Tổ quốc dưới đinh giày. Lịch sử vắt qua 3 thế kỷ của môn bóng đá hiện đại minh họa cho câu nói đó, nơi tầm vóc của trái bóng tròn đủ sức tạo nên một chất keo gắn kết quốc gia.

Bóng đá hiện đại, dù có đổi mới đến đâu về luật lệ, vẫn giữ được tinh thần nguyên thủy là tình đồng đội và sự hy sinh. Khi trái bóng được chơi giữa những người bạn, nó đem lại cho người chơi cảm giác mình thuộc về tập thể, thuộc về một- cái- gì- đó. Khi đội bóng là đại diện cho một quốc gia, nó đem lại niềm tự hào được bảo vệ một giá trị chung. Một bản sắc chung. Một Tổ quốc.

Không chỉ ở những nước thuộc thế giới thứ 3 như Nam Sudan hay Angola, cảm giác thuộc về một cái gì đó mới được bày tỏ mạnh mẽ. Ở bất kỳ nơi nào có trái bóng lăn, nhu cầu được thể hiện mình là một phần của màu cờ sắc áo cũng sục sôi.

Khi quá đà, nó mang khuôn mặt xấu xí của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ở mức nhẹ là hooligan, bạo lực sân cỏ, kỳ thị chủng tộc, nặng hơn có thể là chiến tranh giữa các quốc gia, như “cuộc chiến 100 giờ” giữa Honduras và El Salvador năm 1969.

Nhưng trong đại đa số trường hợp, nó mang tinh thần gắn kết và cải biến xã hội. World Cup 1998, khi chính trị gia cực hữu Jean Marie Le Pen chỉ trích ĐT Pháp có quá nhiều cầu thủ không phải da trắng, Lilian Thuram đã đáp trả với sự tự hào mạnh mẽ “Tôi không phải người da đen, tôi là người Pháp”. Khi trái bóng cất tiếng, thì không còn ranh giới của màu da, đức tin hay tôn giáo, chỉ còn lại một thứ cao hơn tất cả – Tổ quốc.

Trong thời đại của thế giới phẳng và toàn cầu hóa, khi các đường biên giới truyền thống và các khái niệm về quốc gia, chủ quyền cổ điển có xu hướng trở nên mờ nhạt, sự thôi thúc tái lập và bảo vệ một “đường biên giới” khác về tinh thần thông qua bóng đá càng ráo riết hơn. Không hề quá nếu nói rằng một quốc gia sẽ không thể coi là toàn vẹn nếu không có một đội tuyển bóng đá (hoặc một môn thể thao khác) để bảo vệ “biên giới” và chiến đấu dưới cái tên của nó.

Liên Hợp quốc, thiết chế chính trị lớn nhất thế giới, có 193 thành viên nhưng FIFA có đến 209 thành viên. Sự khác biệt không chỉ nằm ở con số. Có những vùng lãnh thổ, vốn không có đầy đủ chủ quyền, như: Aruba, Tahiti, đảo Caiman, Đài Loan, Palestine… không được công nhận ở LHQ nhưng được là thành viên FIFA.

Khi tìm đến bóng đá, những thành viên này không chỉ tìm đến môn thể thao phổ biến nhất hành tinh mà còn tìm đến một không gian mang bản sắc của riêng mình. Và họ được đón nhận trong vòng tay mở rộng.

Với tư cách là một môn thể thao, bóng đá vốn dĩ không có biên giới. Nhưng khi đặt “Tổ quốc dưới đinh giày” thì có vô vàn biên giới được dựng nên. Đó, thực ra là điều tốt vì theo cách nào đó, thế giới bóng đá giờ trở thành thế giới của những cuộc chiến “biên giới”, những cuộc chiến mang giá trị cao thượng, nhân văn và đại chúng.

Đó là lí do tại sao bóng đá luôn tạo ra sức cuốn hút đặc biệt và niềm đam mê bất tận.

Theo QUANG DŨNG / VOV

Tags: