Bốn nhận thức quan trọng về chính trị của ASEAN đương đại

Cần nắm bắt bản chất cộng sinh giữa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực, đồng thời vun đắp cả hai nhằm củng cố năng lực của ASEAN trong việc định hình những diễn biến trong khu vực.

Bốn nhận thức quan trọng về chính trị của ASEAN đương đại

Bài viết của tác giả Hoàng Thị Hà và Glenn Ong, lần lượt là Trưởng nhóm nghiên cứu (Chính trị và An ninh) và Cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện Yusof Ishak-ISEAS. Bài viết được đăng trên ISEAS-Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

Khảo sát tình trạng Đông Nam Á 2020 thăm dò quan điểm của 1.308 quan chức nhà nước, học giả, doanh nhân, nhà lãnh đạo xã hội dân sự và chuyên gia truyền thông về tình trạng của khu vực. Từ kết quả khảo sát, có thể rút ra 4 điểm then chốt làm cơ sở cho việc ra quyết định của ASEAN cũng như các nước thành viên.

Thứ nhất, các nước thành viên ASEAN vẫn bận tâm đến những vấn đề trong nước và nội khối, hạn chế năng lực tập trung vào các thách thức khu vực. Thứ hai, mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm vẫn còn xa vời khi những quan ngại về sự thiếu kết nối giữa hành động của ASEAN ở cấp liên chính phủ và tác động của khối trên thực địa vẫn còn rất lớn. Thứ ba, những phát hiện qua khảo sát chứng thực cam kết lâu dài của ASEAN và các nước thành viên trong việc bảo vệ một trật tự khu vực cởi mở và bao trùm ở Đông Nam Á và bên ngoài khu vực này. Thứ tư, tỷ lệ chọn Mỹ và Trung Quốc gần như nhau – trong một kịch bản giả định mà ở đó cuộc cạnh tranh giữa hai bên buộc khu vực phải chọn phe – nêu bật hậu quả mang tính phân cực của việc đưa ra sự lựa chọn đối với sự thống nhất của ASEAN, và đòi hỏi cấp thiết phải duy trì vị thế của ASEAN là trung gian cởi mở và bao trùm cho sự hợp tác đa phương giữa các đối tác bên ngoài.

Những người tham gia khảo sát vừa chú trọng các vấn đề trong nước vừa muốn ASEAN chủ động và hướng ngoại hơn, hai điều vốn dĩ mâu thuẫn với nhau, vì một ASEAN chủ động đòi hỏi nỗ lực và cam kết nhất quán từ phía các nhà lãnh đạo ASEAN. Điều này nêu bật thách thức tối quan trọng đối với các nhà lãnh đạo ASEAN khi vừa phải đáp ứng yêu cầu của các cử tri trong nước, vừa phải đầu tư thích đáng vào năng lực của ASEAN. Họ cần nắm bắt bản chất cộng sinh giữa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực, đồng thời vun đắp cả hai nhằm củng cố năng lực của ASEAN trong việc định hình những diễn biến trong khu vực.

Bận tâm đến những thách thức trong nước

Những người tham gia khảo sát xác định 3 thách thức an ninh hàng đầu mà Đông Nam Á đang phải đối mặt, bao gồm bất ổn chính trị trong nước (70,5%), suy thoái kinh tế (68,5%) và biến đổi khí hậu (66,8%). Bất ổn chính trị trong nước bao gồm những thách thức như căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, cũng như nhận thức về nguy cơ sụp đổ của các chính phủ và thể chế công. Đây là năm thứ hai liên tiếp bất ổn chính trị trong nước được xếp cao hơn các mối đe dọa khác mang tính khu vực hoặc toàn cầu hơn. Trong cuộc khảo sát năm 2019, bất ổn chính trị trong nước và căng thẳng sắc tộc và tôn giáo (hai lựa chọn này trước đây được tách riêng) cũng được xếp cao hơn căng thẳng quân sự gia tăng phát sinh từ những điểm nóng như Biển Đông và chủ nghĩa khủng bố.

Việc những mối quan ngại trong nước tiếp tục được ưu tiên phản ánh nguy cơ đổ vỡ đã tồn tại bao lâu nay trong việc xây dựng nhà nước ở Đông Nam Á. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các nước mà ở đó, chính phủ phải đối mặt với tình trạng thiếu tính hợp pháp, những biến động trong giai đoạn chuyển tiếp dân chủ hay những căng thẳng sắc tộc-tôn giáo bùng phát trong các chu kỳ bầu cử. Do đó, đại đa số người tham gia khảo sát ở Campuchia (88,5%), Indonesia (83,8%), Malaysia (81%), Myanmar (88,1%) và Thái Lan (86,5%) cho rằng bất ổn chính trị trong nước là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với họ. Mối quan tâm cao độ về sự ổn định chính trị trong nước ở các quốc gia này cũng phản ánh thứ hạng trung bình-thấp của các nước này về chỉ số Ổn định chính trị và Không bạo lực/khủng bố trong Bộ chỉ số quản trị toàn cầu của Ngân hàng thế giới: Campuchia (51,4/100), Indonesia (27,6), Malaysia (54,3), Myanmar (10,5) và Thái Lan (19,5).

Mặc dù việc chú trọng những vấn đề trong nước và có tầm nhìn khu vực không nhất thiết loại trừ lẫn nhau, nhưng việc dành nhiều thời gian hơn cho một mục tiêu chắc chắn sẽ chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực ở mức độ nào đó khỏi mục tiêu còn lại. Trong ngắn hạn, các kết quả cho thấy Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế cần có những kỳ vọng thực tế về khả năng của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực. Tuy nhiên, nếu trong dài hạn, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tiếp tục bận tâm đến sự bất ổn trong nước, thì khả năng của họ trong việc xoay xở và tiếp cận các vấn đề khu vực với tư duy khu vực sẽ bị suy giảm. Quả thật, nhiều nhà quan sát than phiền về tình trạng thiếu vắng sự lãnh đạo lâu dài trong ASEAN, khi mà các nước thành viên chỉ đủ sức chịu đựng để đảm nhận vai trò này trong 1 năm nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên.

Trong kỷ nguyên kết nối rộng rãi và phụ thuộc lẫn nhau này, những người tham gia khảo sát được hỏi ý kiến về việc liệu ASEAN có nên nỗ lực hơn nữa để giúp các nước thành viên giải quyết những thách thức trong nước, cho dù phải chịu sự kiềm chế của nguyên tắc không can thiệp hay không. Chẳng hạn, ASEAN đã thực hiện việc này khi cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người tha hương ở bang Rakhine, Myanmar và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương người Rohingya thông qua đánh giá nhu cầu và xây dựng năng lực. Tuy nhiên, một nửa số người tham gia khảo sát (54,6%) không tán thành cách ASEAN xử lý cuộc khủng hoảng Rakhine vì họ cho rằng ASEAN có thể đóng góp nhiều hơn nữa. Trong nhóm những người không tán thành, 62,2% muốn ASEAN gia tăng viện trợ nhân đạo hoặc làm trung gian hòa giải giữa Chính phủ Myanmar và cộng đồng người Rakhine và Rohingya, trong khi 37,8% còn lại ủng hộ những bước đi mang tính can thiệp hơn như gia tăng sức ép ngoại giao đối với Yangon hoặc chỉ đạo sứ mệnh duy trì hòa bình khu vực. Sự đan xen các mối quan ngại quốc gia và khu vực đồng nghĩa với việc ASEAN cần phải tăng cường phối hợp và tham vấn nội bộ để tạo ra sự hài hòa giữa nguyên tắc không can thiệp và đòi hỏi cấp thiết về sự can thiệp ở mức độ khu vực.

Tìm kiếm một ASEAN nổi bật và có sức nặng hơn

Mặc dù những người được hỏi bận tâm về các mối quan ngại trong nước, nhưng kết quả thăm dò cho thấy họ ủng hộ một ASEAN nổi bật và có sức ảnh hưởng hơn. Đại đa số (74,9%) coi việc người dân không cảm nhận được những lợi ích hữu hình của ASEAN là mối quan ngại hàng đầu của họ về khối này. Năm 2019, mối quan ngại này cũng xếp trên các vấn đề khác. Sự thiếu kết nối giữa ASEAN và công chúng là một mối quan ngại dai dẳng, và lời kêu gọi ASEAN chú trọng hơn đến việc lấy con người làm trung tâm đã tồn tại từ lâu. Cách đây 15 năm, Nhóm các nhân vật nổi tiếng (EPG) khi góp ý về Hiến chương ASEAN đã nêu bật rằng ASEAN cần rũ bỏ hình ảnh một tổ chức dành cho giới tinh hoa chỉ bao gồm các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ. Tham khảo đề xuất của EPG, Hiến chương ASEAN đặt ra mục tiêu thúc đẩy một ASEAN hướng tới con người mà trong đó mọi bộ phận của xã hội đều được khuyến khích tham gia và hưởng lợi từ tiến trình hội nhập và xây dựng cộng đồng ASEAN.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ASEAN cần tăng cường nỗ lực thông tin về công việc của khối tới công chúng. ASEAN không nên bằng lòng với việc “áo gấm đi đêm”, mà cần đẩy mạnh những nỗ lực tiếp cận cộng đồng và các chương trình giáo dục nhằm tăng cường nhận thức về công việc của khối – điều mà nhiều người trong ASEAN không hề biết tới. Người dân ASEAN sẽ khó có thể ủng hộ những sáng kiến hay thể chế mà họ không hiểu rõ. Do đó, các công dân ASEAN phải được hòa nhập xã hội để nhìn nhận Cộng đồng ASEAN như một trong những trụ cột chính trong việc duy trì bản sắc của họ. Việc tạo ra Cộng đồng ASEAN là chưa đủ; người dân ASEAN phải nhận ra rằng cộng đồng này có tồn tại và họ là một phần trong đó. Khi thiếu đi ý thức về sự hòa nhập và liên kết như vậy, ASEAN không còn là tổ chức hướng tới con người như đã tuyên bố, và điều đó có thể làm xói mòn sự ủng hộ dành cho các sáng kiến thực chất của khối.

Có thể nhận thấy tác động của sự “vô hình” của ASEAN và tình trạng thiếu tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề này trong sự suy giảm nhận thức của người dân về sức ảnh hưởng của ASEAN trong khu vực. Chỉ 8,3% số người được hỏi coi ASEAN là bên tham gia kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực, giảm so với tỷ lệ 10,3% vào năm 2019. Tỷ lệ người được hỏi coi ASEAN là bên tham gia chính trị-chiến lược có ảnh hưởng lớn nhất cũng giảm từ 20,8% (2019) xuống còn 18,1% (2020).

Tuy nhiên, cũng có những hạn chế vốn có về mặt cấu trúc khiến người dân khó có thể cảm nhận được sức ảnh hưởng của ASEAN ở địa phương. ASEAN là một tổ chức liên chính phủ, nên các thỏa thuận của ASEAN phải được cụ thể hóa thành luật và thực thi ở từng nước, trước khi mang lại lợi ích cho địa phương. Sự chậm trễ hay chệch hướng trong việc thực thi ở từng quốc gia là nút thắt lớn nhất trong hoạt động cung cấp hàng hóa công cộng của ASEAN. Chính phủ một số nước thành viên ASEAN đã đưa ra những sáng kiến nhằm lấp đầy khoảng trống này, chẳng hạn như thiết lập làn đường nhập cảnh ASEAN tại sân bay quốc tế của các nước ASEAN, phát hành Thẻ đi lại của doanh nhân ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của những người này trong khu vực, hay cử các phái đoàn ASEAN đến hỗ trợ thủ tục lãnh sự cho công dân những nước thành viên ASEAN ở các nước thứ ba mà họ không có cơ quan đại diện. Mặc dù đó là những mục tiêu dễ dàng đạt được, nhưng việc thực thi vẫn còn chậm chạp và thường bị trì hoãn do những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, khó khăn trong chia sẻ chi phí hay khác biệt về khung pháp lý giữa các nước thành viên. Những giải pháp được đề xuất có tác động lớn khác như thiết lập múi giờ chung ASEAN hay cấp thị thực chung ASEAN đều vấp phải những rào cản.

Duy trì trật tự khu vực cởi mở và bao trùm

Kết quả thăm dò cho thấy rõ rằng phần lớn những người tham gia khảo sát vẫn tiếp tục xem xét các giải pháp trong một khu vực cởi mở và hướng ngoại hơn khi phải đối mặt với khó khăn. Chẳng hạn, ngay cả khi ASEAN bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, thì phương án ASEAN nên giữ Mỹ và Trung Quốc ở bên ngoài khu vực được ít người lựa chọn nhất (2,9%), trong khi đó 14,7% muốn ASEAN tìm kiếm các bên thứ ba để mở rộng không gian và lựa chọn chiến lược.

Trong số các bên thứ ba ngoài bộ đôi Mỹ-Trung, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) là những đối tác được tin cậy nhất của khu vực, với tỷ lệ ủng hộ tương ứng là 61,2% và 38,7%, so với 30,3% dành cho Mỹ và 16,1% dành cho Trung Quốc. Những lý do chính giải thích cho sự thiếu tin tưởng này là nhận thức về tình trạng thiếu năng lực và thiếu ý chí chính trị của các nước lớn, hoặc sự xao nhãng của họ do các vấn đề nội bộ. Trung Quốc là ngoại lệ duy nhất, với 53,5% số người tham gia khảo sát bày tỏ quan ngại rằng Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để đe dọa lợi ích và chủ quyền của đất nước họ. Nhìn chung, lý do giải thích cho sự thiếu tin tưởng của khu vực đối với các nước lớn không nhất thiết là thái độ không hoan nghênh sự can dự của họ, mà là sự không chắc chắn về chiều sâu và độ tin cậy của cam kết của họ.

Mong muốn duy trì một Đông Nam Á cởi mở và bao trùm được phản ánh trong suốt cuộc khảo sát. Chẳng hạn, hầu hết những người được hỏi hoan nghênh việc ASEAN ủng hộ nước Anh hậu Brexit: 42,4% ủng hộ Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN cho dù tiến trình thiết lập quan hệ đối tác đối thoại mới giữa ASEAN và Anh đã bị đình chỉ suốt 2 thập kỷ qua, và 54,8% lựa chọn cách tiếp cận theo từng giai đoạn với các hình thức can dự mới vào lúc này, chẳng hạn như quan hệ đối tác theo lĩnh vực hay quan hệ đối tác phát triển. Một phát hiện đáng chú ý khác là nhận thức của những người tham gia khảo sát về Đối thoại an ninh Tứ giác (Bộ tứ) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, với 61,6% cho rằng nước họ nên tham gia các sáng kiến an ninh và các cuộc tập trận có liên quan tới nhóm này. Việc hầu hết các nước trong khu vực vẫn muốn can dự với các thành viên Bộ tứ, cho dù bất đồng về tác động của Bộ tứ đối với an ninh khu vực hay nhạy cảm với Trung Quốc, cho thấy động lực chính đằng sau sự ủng hộ này không phải là thái độ ủng hộ đối với bản thân Bộ tứ, mà là lợi ích mà Đông Nam Á sẽ có được khi duy trì không gian chiến lược cởi mở và bao trùm của mình ở mức độ như nhau đối với tất cả các cường quốc bên ngoài.

Hơn nữa, quan điểm chung của khu vực vẫn thiên về thương mại tự do và cởi mở, cho dù kết quả khảo sát ở từng quốc gia cho thấy một bức tranh phức tạp hơn. Lập trường ủng hộ thương mại mạnh mẽ nhất được thấy ở những người tham gia khảo sát đến từ Việt Nam và Singapore – hai nền kinh tế cởi mở nhất trong ASEAN với tỷ trọng thương mại năm 2018 tương ứng là 208% và 326% GDP. Trái lại, những người tham gia khảo sát đến từ Indonesia và Malaysia có thái độ dè dặt hơn. Chẳng hạn, hơn một nửa số người được hỏi (55,8%) cho rằng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cần được mở ra cho tất cả các bên đủ điều kiện và không nên bị giới hạn bởi địa lý, để bao gồm cả các bên như EU và Anh. Quan điểm này được đa số những người tham gia khảo sát đến từ các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam ủng hộ. Tuy nhiên, quan điểm mở rộng RCEP bị phản đối nhiều hơn ở các nước Brunei, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, một thỏa thuận thương mại tự do ASEAN-EU, được sự ủng hộ nhiều hơn trên khắp khu vực với 88,7% số người được hỏi bày tỏ sự ủng hộ ở mức độ nhất định hoặc ủng hộ mạnh mẽ. Một lần nữa, sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đến từ Singapore (95,9%) và Việt Nam (92,8%), trong khi đó thái độ dè dặt hơn được ghi nhận ở Indonesia (14,2%) và Malaysia (14,1%). Nhìn chung, kết quả khảo sát cho thấy người dân trong khu vực vẫn hào hứng với việc tăng cường hợp tác kinh tế đa phương và đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác của ASEAN nhằm duy trì tính cởi mở và bao trùm của khu vực.

Hậu quả của việc lựa chọn một trong hai

Về tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại của ASEAN khi bị kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ, cuộc khảo sát cũng là cơ hội để ASEAN tự xem xét lại mình. Cuộc khảo sát năm 2020 yêu cầu những người tham gia khảo sát lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc nếu tình hình trở nên cấp bách. Tỷ lệ lựa chọn gần như nhau – 53,6% đối với Mỹ và 46,4% đối với Trung Quốc – có ý nghĩa không phải vì nó là thước đo định lượng về sự ủng hộ đối với hai bên, mà vì nó nhấn mạnh điểm cốt lõi của vấn đề: Khu vực này không thể cho phép mình chọn phe trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, vì hành động này sẽ làm chia rẽ ASEAN và khu vực.

Hậu quả gây chia rẽ của việc lựa chọn một trong hai là rất rõ ràng khi xem xét dữ liệu từ câu hỏi này ở cấp độ từng quốc gia. Đa số những người được hỏi đến từ 7 quốc gia thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar và Thái Lan) chọn theo phe Trung Quốc, trong khi 3 nước thành viên Philippines, Singapore và Việt Nam lựa chọn Mỹ. Kết quả cho thấy rõ rằng khu vực này sẽ bị chia rẽ nếu bị buộc phải chọn phe trong cuộc cạnh tranh này, điều chắc chắn sẽ gây thiệt hại lâu dài cho sự thống nhất trong nội bộ ASEAN và sự tồn tại của chính ASEAN với tư cách là nhóm đại diện cho khu vực Đông Nam Á.

Những câu trả lời khác trong cuộc khảo sát cung cấp thêm bối cảnh giúp giải thích cho sự chia rẽ nói trên. Trong một câu hỏi trước đó, những người tham gia khảo sát được yêu cầu trình bày quan điểm về phản ứng mà họ cho là tốt nhất đối với ASEAN trước cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Phản ứng được nhiều người ủng hộ nhất (48%) là ASEAN cần tăng cường khả năng phục hồi và sự thống nhất của mình để chống lại sức ép từ hai cường quốc, trong khi câu trả lời được lựa chọn nhiều thứ hai (31,3%) là ASEAN nên tiếp tục lập trường không đứng về phía Trung Quốc hay Mỹ. Trái lại, chỉ 3,1% số người được hỏi cho rằng ASEAN không có lựa chọn nào khác ngoài việc đứng về một phe nào đó, và chỉ 2,9% cho rằng ASEAN phải giữ cả hai cường quốc ở bên ngoài khu vực. Do đó, thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược của ASEAN xuất phát từ việc khối này từ chối chọn phe như một giải pháp cho cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ngay cả khi tình hình trở nên cấp bách.

Kết luận

Khảo sát tình trạng Đông Nam Á 2020 cho thấy 4 điểm then chốt về ASEAN. Tất cả những điểm này đều không mới, nhưng giúp củng cố các điểm dữ liệu cho việc hoạch định chính sách về các vấn đề có liên quan tới ASEAN.

Thứ nhất, những thách thức chính trị nội bộ tiếp tục chi phối nghị trình của hầu hết các nước thành viên ASEAN, nhất là những nước đang trong quá trình chuyển tiếp dân chủ (Myanmar), củng cố nền dân chủ (Indonesia và Malaysia) hoặc đang có bước lùi về dân chủ (Campuchia và Thái Lan). Điều này cũng ngụ ý rằng mối bận tâm của các nhà lãnh đạo ASEAN về những vấn đề trong nước có khả năng sẽ cản trở năng lực tư duy của họ ở tầm khu vực, và tình trạng thiếu vắng vai trò lãnh đạo hiện tại trong ASEAN có khả năng sẽ kéo dài. Các nhà lãnh đạo ASEAN cần chống lại sự cám dỗ của tư duy thiển cận, nhưng phải công nhận những lợi ích mà tổ chức khu vực này mang lại cho họ khi theo đuổi các lợi ích quốc gia tương ứng.

Thứ hai, ASEAN cần thu hẹp khoảng cách giữa sự hợp tác khu vực và cảm nhận của công chúng về tác động của khối. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, vì ASEAN cần vượt qua những hạn chế về mặt cấu trúc trong việc thực thi và tuân thủ các thỏa thuận khu vực tại các nước, và từng bước chuyển đổi từ văn hóa chú trọng vào tiến trình sang văn hóa chú trọng vào kết quả trong việc thiết kế và đánh giá các chương trình của khối. Bên cạnh đó, ASEAN cần đẩy mạnh những nỗ lực quảng bá những hàng hóa công cộng của mình nhằm thu hút sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng khu vực, nhất là đối với các sáng kiến có tác động lớn như các thỏa thuận thương mại tự do, Cơ chế một cửa ASEAN và nhiều sáng kiến khác.

Thứ ba, báo cáo cho thấy mong muốn mạnh mẽ là giữ gìn trật tự khu vực cởi mở và bao trùm, vốn đã trở thành giá trị cốt lõi của Đông Nam Á. Điều này sẽ giúp duy trì tính đa cực trong khu vực, mà đến lượt nó sẽ tạo ra không gian và cơ hội để các nước thành viên ASEAN phát huy thực lực trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng.

Cuối cùng, phản ứng của ASEAN được ủng hộ nhiều nhất trong khu vực trước cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung là củng cố sự thống nhất nội bộ và đa dạng hóa quan hệ bên ngoài nhằm tìm ra hướng đi trong cuộc cạnh tranh nước lớn. Kết quả khảo sát cho thấy những hậu quả thảm khốc sẽ chờ đợi ASEAN nếu các nước thành viên của khối bị buộc phải chọn phe trong cuộc cạnh tranh chiến lược này.

Phân tích trên cũng bao hàm một lưu ý mang tính cảnh báo khác. Mặc dù kết quả khảo sát chỉ ra những xu hướng trên phạm vi khu vực, nhưng dữ liệu cấp quốc gia lại thường bộc lộ những khác biệt và sắc thái khác nhau. Khi xét tới việc ASEAN ra quyết định trên cơ sở đồng thuận giữa tất cả 10 nước thành viên của khối, thì cần tránh việc “vơ đũa cả nắm” khi đưa ra những nhận định về quan điểm của khu vực, đồng thời cần phân tích dữ liệu ở cấp quốc gia để có thể đánh giá đầy đủ tính đa dạng của các ý kiến trong khu vực.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: ,