Bối cảnh hình thành và đặc điểm nổi bật của cục diện thế giới hiện nay

Cục diện thế giới hiện nay được hình thành và vận động trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, với những chuyển động ở tầng sâu khoa học – công nghệ, kinh tế – vật chất và tầng cao an ninh, chính trị và sẽ còn vận động, biến động nhiều chiều trong những năm tới. Do vậy, nó rất cần được quan sát và phân tích, đánh giá thường xuyên từ phía các giới học thuật và phía các nhà hoạt động thực tiễn.

Bối cảnh hình thành và đặc điểm nổi bật của cục diện thế giới hiện nay

Tác giả: PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 541 (tháng 3/2023).

Cục diện thế giới (world configuration) là tương quan lực lượng giữa các siêu cường hoặc các cường quốc, cũng như giữa các chủ thể quốc tế khác trên các lĩnh vực chủ yếu, trước hết là chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh; là diện mạo thế giới, những thể chế vận hành và xu thế vận động của nó trong khoảng thời gian nhất định. Những cục diện khác nhau có thể xuất hiện trong cùng thời kỳ của một trật tự thế giới; hoặc có thể trong những thời điểm quá độ từ trật tự này sang trật tự khác. Nghiên cứu cục diện thế giới nhất thiết phải đặt nó trong bối cảnh lịch sử cụ thể và nêu rõ những đặc điểm nổi bật đang chi phối đời sống quốc tế.

Cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi kết cấu của tất cả các không gian địa kinh tế, địa chính trị, cũng như các cấu trúc quyền lực và phương thức vận hành của chúng. Thế giới thực hiện quá trình tư duy lại về mục tiêu phát triển; đồng thời, thường xuyên bất ổn do các cuộc khủng hoảng gây ra, lớn nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và Đại dịch COVID-19. Xuất hiện ngày càng đồng bộ nền quản trị toàn cầu, bên cạnh chính phủ quốc gia, cùng nhau quản trị xã hội thế giới và cộng đồng quốc tế.

Cục diện thế giới hiện nay có một số đặc điểm nổi bật, phân biệt nó với các cục diện khác: Một là, do nhiều loại hình chủ thể quốc tế cùng nhau tạo thành: các quốc gia dân tộc, các tổ chức quốc tế, các thực thể xuyên quốc gia… Hai là, là cục diện đa cực, đa trung tâm vừa cạnh tranh và phối hợp, vừa đấu tranh và hợp tác, vừa đối trọng và thỏa hiệp lẫn nhau. Ba là, có tương quan lực lượng rất bất cân xứng giữa các cực, các trung tâm quyền lực do có ưu thế vượt trội cả về quyền lực cứng và quyền lực mềm (Mỹ hiện nay được thừa nhận là siêu cường duy nhất, có khi còn được tôn làm đại cường; sau nó, hàng thứ hai mới là các cường quốc thế giới). Bốn là, có cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt, quyết liệt giữa các nước lớn: giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương; giữa Mỹ, phương Tây với Nga ở châu Âu – Đại Tây Dương. Năm là, không đồng dạng, mà trên mỗi bình diện đều có diện mạo, tương quan lực lượng rất khác nhau: trên bình diện kinh tế, diện mạo đa cực, đa trung tâm là rõ nét nhất; trên bình diện quân sự và khoa học – công nghệ, diện mạo đa cực, đa trung tâm rất mờ nhạt; trên bình diện an ninh thế giới có vô cùng nhiều cực đến mức có thể nói là hỗn cực hoặc vô cực.

Thế giới ngày nay được hiểu một cách phổ biến là thế giới sau Chiến tranh lạnh, thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trên từng phương diện, giới nghiên cứu quốc tế đã ghi nhận sự ra đời của một số cục diện thế giới từ năm 1991 đến nay. Tuy nhiên, trên bình diện chính trị tổng quát, có thể nhận rõ hai cục diện thế giới: cục diện từ năm 1991 đến năm 2000 và cục diện từ năm 2001 đến nay. Cả hai cục diện này được hình thành và vận động trong hoàn cảnh có nhiều chuyển động mang tầm cỡ lịch sử thế giới nên đều có những đặc điểm tác động đa chiều đến đời sống quốc tế và đời sống các quốc gia dân tộc trong nhiều năm tới. Nhận thức đầy đủ, thống nhất về những nội dung quan trọng này là cơ sở không thể thiếu cho quá trình hoạch định và thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược từ nay đến năm 2025, năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1. Cục diện thế giới hiện nay được hình thành và vận động trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, với nhiều bước ngoặt ở tầng sâu khoa học – công nghệ, kinh tế – vật chất và tầng cao an ninh, chính trị

Một là, cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi kết cấu của tất cả các không gian địa kinh tế, địa chính trị, cũng như các cấu trúc quyền lực và phương thức vận hành của chúng

Trong khoảng 50 năm qua, khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại có nhiều phát triển mới, đánh dấu cuộc cách mạng khoa học công nghệ từ những năm 70 của thế kỷ 20 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ đầu thế kỷ 21. Những cuộc cách mạng này tạo ra nhiều tư liệu sản xuất mới, thay thế không chỉ lao động chân tay mà cả lao động trí óc của con người, buộc con người phải tổ chức, quản lý nền sản xuất vật chất và toàn bộ đời sống xã hội theo cách thức mới. Những thời đại kinh tế mới bắt đầu xuất hiện, làm khuynh hướng vận động của lịch sử liên tục biến động, trong đó có sự vận động của thế giới từ cục diện này sang cục diện khác.

Nền kinh tế tri thức, còn gọi là kinh tế dựa vào tri thức (KBE – Knowledge – Based Economy) là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức, trên cơ sở phát triển của khoa học – công nghệ tiên tiến; là nền kinh tế ngày càng phụ thuộc trực tiếp vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức và thông tin; là nền kinh tế mà trong đó quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trở thành động lực chính cho tăng trưởng, cho quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Nền kinh tế tri thức được biểu hiện ra thành các dạng thức khác nhau, trong đó có nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… đang rất thịnh hành trên toàn thế giới hiện nay.

Trong giai đoạn hiện nay, toàn cầu hóa đang mang nặng tính chất tư bản chủ nghĩa, do chủ nghĩa tư bản chi phối với mục tiêu chiến lược là thiết lập các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, trong những năm vừa qua, đã xuất hiện nhiều yếu tố, quá trình, chính sách… đối nội và đối ngoại ưu tiên lợi ích quốc gia dân tộc, đòi xem xét và sắp xếp lại khung khổ của quá trình toàn cầu hóa. Tính hai mặt của toàn cầu hóa đang và tiếp tục tạo ra cục diện vừa hợp tác chặt chẽ, vừa đấu tranh, cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ, an ninh, chính trị… nhằm giành lợi thế, ưu thế, cơ hội và điều kiện phát triển. Trong bối cảnh này, mọi liên minh và các hình thái tập hợp lực lượng trong cục diện thế giới đều phải được cấu trúc lại, làm phong phú gấp bội các xu hướng lịch sử so với các thập kỷ trước.

Hai là, thế giới thực hiện quá trình tư duy lại về mục tiêu phát triển; đồng thời, thường xuyên bất ổn do các cuộc khủng hoảng gây ra

Khái niệm “phát triển” được xem xét lại trên tất cả các bình diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường… Phát triển là sự hài hòa giữa thỏa mãn về vật chất và toại nguyện về tinh thần; giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội; giữa hiệu quả sản xuất kinh doanh và an toàn môi trường sinh thái; giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội; giữa tự do sáng tạo và chuẩn mực giá trị; giữa dân chủ xã hội và trật tự kỷ cương; giữa cá nhân và cộng đồng, gia đình và xã hội, truyền thống và hiện đại, v.v.. Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không gây tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai; là mô hình phát triển có nền kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường sinh thái vững chắc.

Sau các cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, năm 2001 và nhất là năm 2008, cộng đồng quốc tế thức tỉnh nhiều nhận thức quan trọng. Đây không đơn thuần là sự sụp đổ của hàng loạt hệ thống ngân hàng, chính sách tài chính, cơ cấu kinh tế, chuỗi thị trường toàn cầu,…mà đó còn là sự phá sản của những mô hình tăng trưởng, mô hình phát triển không phù hợp. Năm 2015, Liên hợp quốc nêu ra hệ thống 17 mục tiêu phát triển bền vững, được cụ thể hóa thành 169 chỉ tiêu rất sinh động(1), trở thành khung khổ chung cho chính phủ các nước điều chỉnh, tái cấu trúc mô hình phát triển, từ đó, quyết định cách hành xử của mình trong cục diện thế giới. Quốc gia nào nắm giữ được ưu thế, lợi thế để phát triển bền vững, quốc gia đó sẽ có vị trí cao trong cục diện thế giới mới.

Ba là, xuất hiện ngày càng đồng bộ nền quản trị toàn cầu, bên cạnh chính phủ quốc gia, cùng nhau quản trị xã hội quốc tế và cộng đồng quốc tế

Quản trị toàn cầu (global governance) là một sản phẩm của lịch sử, có nguyên nhân từ chính sự vận động của nền kinh tế, xã hội, môi trường và chính trị của thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Có thể hiểu, quản trị toàn cầu là tổng hợp các thiết chế quyền lực, định chế, quy định, chuẩn mực, phương thức và giá trị xuyên quốc gia được đông đảo cộng đồng quốc tế thừa nhận và cam kết thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề chung liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới như một chỉnh thể; của mỗi quốc gia, khu vực, tổ chức, cá nhân… như những bộ phận hữu cơ(2).

Trong thế giới hiện đại, tồn tại hai thực thể rất gắn bó với nhau nhưng không đồng nhất là xã hội quốc tế và cộng đồng quốc tế. Xã hội quốc tế (international society) là thực thể thế giới mà ở đó các thành viên điều chỉnh các mối quan hệ với nhau bằng luật pháp quốc tế hoặc luật pháp quốc gia (law) khi các bên có liên quan thỏa thuận tương hỗ với nhau. Cộng đồng quốc tế (international community) là thực thể thế giới mà ở đó các thành viên điều chỉnh các mối quan hệ với nhau bằng các giá trị chung, không bằng phương thức mệnh lệnh, mà bằng kêu gọi, vận động, thuyết phục, chia sẻ, đối thoại, đồng thuận… Đây là các không gian mà trên đó cục diện thế giới hiện nay ra đời, tồn tại và vận động.

2. Một số đặc điểm nổi bật của cục diện thế giới hiện nay

Một là, cục diện thế giới hiện nay do nhiều loại hình chủ thể quốc tế tạo thành. Trước hết, đó là 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đang thể hiện vai trò, vị trí của mình trong đời sống quốc tế nhờ vào nguyên tắc bình đẳng “mỗi nước, một phiếu bầu” tại diễn đàn lớn nhất toàn cầu này. Các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5) là: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp; Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) là: Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italia, Nhật Bản, Canađa; Nhóm 20 nước mới nổi (G20)…, đương nhiên là những chủ thể quan trọng hàng đầu. Trong đó, các nước lớn vẫn là những chủ thể chi phối.

Loại hình chủ thể thứ hai là các lực lượng quốc tế rất phong phú, đa dạng gồm: các tổ chức quốc tế liên chính phủ; các tổ chức quốc tế phi chính phủ; các phong trào xã hội toàn cầu; các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia và các thực thể xuyên quốc gia khác. Các tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập từ các quốc gia có chủ quyền, gọi tắt là các nước thành viên. Tổ chức quốc tế liên chính phủ lớn nhất là Liên hợp quốc, thành lập vào tháng 10-1945 với mục đích duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

Một số tổ chức quốc tế liên chính phủ quan trọng khác, có thể kể đến: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); Liên minh châu Âu (EU); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Tổ chức Các nhà nước châu Mỹ (OAS) và Liên minh châu Phi (AU)…

Hai là, cục diện thế giới hiện nay là cục diện đa cực, đa trung tâm. Mặc dù một cực trước kia là Liên Xô tự tan rã, nhưng cực còn lại là Mỹ cũng không vì thế mà xác lập được cục diện đơn cực; thế giới cũng không trở thành độc tôn của siêu cường Mỹ(3). Đã có một số cường quốc vươn lên chiếm thứ hạng cao; trong khi đó, sức mạnh Mỹ trên một số lĩnh vực có sự sa sút nhất định, địa vị siêu cường của Mỹ có sự suy giảm tương đối, thậm chí bị thách thức. Nổi bật nhất là sự phát triển đáng kinh ngạc của Trung Quốc sau gần 45 năm cải cách, mở cửa từ năm 1978 đến nay. Từ một quốc gia chậm phát triển, Trung Quốc trở thành nước lớn, đã vươn lên vị trí là nền kinh tế thứ hai thế giới, là quốc gia hàng đầu thế giới trên một số mũi nhọn khoa học – công nghệ (mạng 5G, thiết bị cảm biến, trí tuệ nhân tạo…); là chủ thể đang dẫn dắt nhiều chương trình hội nhập quốc tế tầm cỡ thế kỷ; là chủ thể có sức mạnh mềm đặc sắc, hiệu quả;…

Bên cạnh các nước lớn, đã xuất hiện một số khối quyền lực mà có thể xem là các trung tâm, các cực trong cục diện hiện hành. BRICS ra đời năm 2009, gồm các nước Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi là một tổ chức chính trị, quốc tế hàng đầu của những nước có dân số lớn, diện tích rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh, các nền kinh tế mới nổi; là một cơ cấu hợp tác như đối trọng có thể thay thế cho các mô hình kinh tế do phương Tây chủ xướng trong thế giới hiện đại. Nhóm G20 được thành lập năm 1999, là diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các nguyên thủ và thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng với EU, theo đuổi mục đích thảo luận về những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế toàn cầu. ASEAN đã trưởng thành như một tổ chức khu vực đoàn kết, thống nhất, vững mạnh và năng động, đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế, tiến trình hợp tác ở khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Trên thế giới, có nhiều quan niệm về số lượng và danh sách các cực, các trung tâm quyền lực toàn cầu. Các cực, các trung tâm quyền lực vừa cạnh tranh vừa phối hợp, vừa đấu tranh vừa hợp tác, vừa đối trọng vừa thỏa hiệp với nhau trong quá trình giải quyết các công việc quốc tế(4).

Ba là, cục diện thế giới hiện nay có tương quan lực lượng rất bất cân xứng giữa các cực, các trung tâm quyền lực. Về mặt chi tiêu quân sự, Mỹ có ngân sách quốc phòng từ 600 tỷ USD/năm đến trên 800 tỷ USD/năm, chiếm từ 40% đến 50% tổng ngân sách quốc phòng của toàn thế giới trong 5 năm (từ năm 2016-2020). Trên lĩnh vực kinh tế, Mỹ chiếm trên 20% GDP toàn cầu; sở hữu đồng đô la như tiền tệ quốc tế hàng đầu; chi phối các tổ chức ngân hàng, tiền tệ, thương mại thế giới. Mặt khác, Mỹ cũng chiếm gần 1/2 các mũi nhọn công nghệ của tương lai; chiếm phần lớn các trường đại học danh giá nhất; chi phối các tập đoàn truyền thông toàn cầu… Chính vì ưu thế vượt trội cả về quyền lực cứng và quyền lực mềm như vậy, Mỹ hiện nay được thừa nhận là siêu cường duy nhất, có khi còn được tôn làm đại cường(5); sau nó mới là các cường quốc khác trên thế giới.

Với tính chất là một trung tâm quyền lực quốc tế, EU đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử tồn tại của mình. Khủng hoảng nợ công, suy thoái kinh tế, bất ổn định xã hội ở nhiều quốc gia thành viên, làn sóng di dân, khuynh hướng ly khai, dân tộc chủ nghĩa cực đoan với trường hợp điển hình là Brexit năm 2016… đang đẩy toàn bộ cấu trúc của EU vào tình trạng trì trệ, bất đồng nội bộ gay gắt khi bàn đến tương lai nhất thể hóa châu Âu và củng cố sức mạnh chung.

Liên bang Nga tuy có một số biểu hiện khẳng định vị thế quốc tế thông qua các hoạt động quân sự, an ninh trong những năm qua, nhưng về tổng thể vẫn là một cường quốc trong thế yếu, bị suy giảm nhiều trong so sánh lực lượng với các cực, các trung tâm quyền lực khác. Nền kinh tế thiếu sức cạnh tranh, các vấn đề nội bộ trong liên bang, chính sách bao vây kinh tế của phương Tây… sẽ tiếp tục làm cho Nga trong những năm tới chỉ là cường quốc thế giới trên lĩnh vực quân sự.

Các thực thể quyền lực quốc tế mới xuất hiện, trong đó có Nhóm BRICS; Tổ chức Hợp tác Thượng Hải; Nhóm G20; Tứ giác kim cương (Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia và Ấn Độ)… đều chưa trở thành những tổ chức quyền lực theo đúng nghĩa, chưa là sức mạnh vật chất đối trọng được với các cực, các trung tâm quyền lực truyền thống trong cục diện thế giới.

Bốn là, cục diện thế giới hiện nay có cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt, quyết liệt giữa các nước lớn. Trong những năm vừa qua, quan hệ giữa siêu cường Mỹ và các cường quốc đang trỗi dậy, lớn nhất là Trung Quốc, biến động khó dự đoán giữa đối tác và đối thủ, giữa hợp tác và kiềm chế; giữa đối thoại và đối trọng, đối đầu…, thậm chí có cả lời đe dọa về một cuộc chiến tranh lạnh mới. Cả hai bên có liên quan và cộng đồng quốc tế đều khẳng định đây là một cuộc cạnh tranh chiến lược, có tác động nhiều mặt đến cục diện thế giới, ít nhất là đến giữa thế kỷ 21. Với tầm nhìn về Trung Quốc như đối thủ cạnh tranh chiến lược, chính quyền Mỹ, cả thời kỳ của Donald Trump và của Joe Biden, đã triển khai đồng loạt các chính sách, chiến dịch, hoạt động chống Trung Quốc trên mọi lĩnh vực chủ yếu: kinh tế – thương mại, khoa học – công nghệ, quân sự, quan hệ quốc tế và tập hợp lực lượng, hệ tư tưởng và các giá trị nền tảng…(6)

Cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ và phương Tây với Nga trên thực tế được triển khai ngay sau năm 1991 và bùng phát thành chiến sự ở Ucraina đầu năm 2022. Trong hơn 30 năm, NATO và EU đã có 4 – 5 lần mở rộng sang phía Đông, kết nạp hầu hết các quốc gia thuộc Liên Xô cũ vào các cơ cấu chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh do Mỹ kiểm soát. Cạnh tranh chiến lược về không gian ảnh hưởng giữa một bên là Mỹ, NATO, EU, phương Tây với một bên là Nga cùng các đồng minh ngày càng gay gắt, quyết liệt. Quá trình mở rộng NATO và EU về phía đông đã làm thay đổi trật tự an ninh châu Âu và đẩy Liên bang Nga vào tình thế không còn cơ hội cho những giải pháp phi quân sự. Mọi nỗ lực pháp lý hóa cam kết của Mỹ và NATO không mở rộng về phía Đông, không kết nạp Ucraina và Gruzia vào NATO, bảo đảm an ninh cho Nga đã thất bại. Nga đứng trước nguy cơ bị Mỹ, NATO tấn công từ Ucraina. Cuộc cạnh tranh chiến lược này, do không được kiểm soát, đã thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh ở Ucraina từ ngày 24-2-2022 đến nay với sự leo thang ngày càng nguy hiểm đối với an ninh và phát triển toàn thế giới.

Năm là, cục diện thế giới hiện nay không đồng dạng, mà trên mỗi bình diện đều có diện mạo, tương quan lực lượng rất khác nhau. Trên bình diện kinh tế, diện mạo đa cực, đa trung tâm là rõ nét nhất, được thể hiện qua sự tương tác giữa các trung tâm là Mỹ, EU, Nhật Bản, BRICS, G20, ASEAN, MERCOSUR… Toàn thế giới trở thành một chuỗi sản xuất – kinh doanh toàn cầu, trong đó các mắt khâu phụ thuộc và quyết định lẫn nhau một cách hữu cơ. Trên bình diện quân sự và khoa học – công nghệ, diện mạo đa cực, đa trung tâm rất mờ nhạt; thay vào đó là bóng dáng của cục diện đơn cực do siêu cường Mỹ thống trị. Trên bình diện an ninh, trước các nguy cơ truyền thống và phi truyền thống ngày càng lợi hại, thế giới có vô cùng nhiều cực đến mức có thể nói là hỗn cực, hoặc vô cực. Không siêu cường, cường quốc, hoặc thiết chế quyền lực nào có thể trở thành trung tâm bảo đảm an ninh thế giới; thậm chí, dù là siêu cường, cũng không thể tự mình bảo đảm an ninh quốc gia cho chính mình.

Cục diện châu Á – Thái Bình Dương vừa mang nét chung của cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm vừa có khác biệt, đặc thù. Với sức mạnh của nước lớn bước vào thời đại mới, cộng thêm sự gần gũi về lãnh thổ, văn hóa, lịch sử với các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc ngày nay cần được xem như siêu cường khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược một cách ngày càng lợi hại với siêu cường Mỹ, vốn từ thuở lập quốc đến nay, về cơ bản, là một quốc gia gắn kết với châu Âu – Đại Tây Dương. Không nhận biết kịp thời và sáng tỏ sự thống nhất và khác biệt giữa cục diện thế giới và cục diện châu Á – Thái Bình Dương sẽ làm suy giảm đáng kể năng lực ứng phó với một thế giới đang thay đổi một cách đa dạng, phức tạp. Tính chất đa chiều, đa bình diện đặt ra yêu cầu phải sử dụng tư duy hình học không gian để nhận dạng đầy đủ cục diện thế giới ngày nay, đánh giá nó trên từng phương diện cụ thể, tiến tới nhận thức nó một cách tổng thể.

Thế giới đang trải qua và sẽ tiếp tục có những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo(7). Cục diện thế giới hiện nay (từ đầu thế kỷ 21 đến nay), vừa chứa đựng một số đặc điểm kế thừa từ các cục diện trước đó, vừa có biểu hiện mới của đặc điểm cũ và cả những đặc điểm mới. Rõ nhất là đặc điểm đa cực, đa trung tâm: hiển nhiên đã từng xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ 20, nhưng từ khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới (năm 2010), tương quan quyền lực giữa các cực, các trung tâm đã khác hẳn, tạo cơ sở cho quyết định chấm dứt thời kỳ “giấu mình, chờ thời”(năm 2017) của cường quốc đang trỗi dậy. Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những năm vừa qua có thể được xem như đặc điểm mới của cục diện thế giới hiện nay, mặc dù đã manh nha từ nhiều năm trước. Do vậy, nhận diện kịp thời bối cảnh mới để từ đó xác định được những đặc điểm cụ thể của cục diện thế giới trong từng bước vận động của lịch sử là công việc ngày càng cấp thiết đối với các thiết chế cầm quyền, các tổ chức xã hội và giới nghiên cứu.

————————-

Chú thích:

(1) https://www.undp.org/sustainable-development-goals
(2) https://www.sciencedirect.com/topics/social-sciences/global-governance
(3) https://www.foreignaffairs.com/articles/1990-01-01/unipolar-moment
(4), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.106, 105.
(5) https://www.nytimes.com/1999/02/05/news/to-paris-us-looks-like-a-hyperpower.html
(6) https://mn.usembassy.gov/speech-secretary-pompeo-07-23-2020/

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: