⠀
Biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng kim chi ở Hàn Quốc
Hiện người dân Hàn Quốc phải chi gần gấp đôi mức trung bình, từ 4,17 lên 7,81 USD/người mỗi tháng, để được ăn món kim chi truyền thống.
Ở chân núi Taebeak (tỉnh Gangwon), Roh Sung-sang đang khảo sát thiệt hại hoa màu của ông. Hơn một nửa số cải thảo trên mảnh đất rộng hơn 20,2 ha bị héo úa và biến dạng do phải chống chọi với cái nóng và lượng mưa lớn đột biến trong suốt mùa hè.
“Vụ mất mùa này không phải tình trạng chỉ diễn ra trong ngày một, ngày hai. Tôi đã tưởng rằng những cây cải thảo sẽ được bảo vệ bởi địa hình cao và rặng núi xung quanh”, ông Roh (67 tuổi), người đã trồng cải thảo ở vùng cao nguyên tỉnh Gangwon suốt 2 thập kỷ qua, nói với The Washington Post.
Với khí hậu mát mẻ điển hình, vùng núi cao này ở Hàn Quốc là trung tâm sản xuất cải thảo vào mùa hè, thành phần chính của kim chi.
Nhưng năm nay, gần nửa triệu cây cải thảo sẽ bị bỏ lại trên cánh đồng của ông Roh, thay vì được tẩm ướp và lên men. Nhìn chung, tổng thu hoạch cải thảo ở khu vực Taebaek chỉ bằng 2/3 so với thường niên, theo ước tính của chính quyền địa phương.
Kết quả là một cuộc khủng hoảng kim chi đã nổ ra.
Tập đoàn Thương mại Nông thủy sản Hàn Quốc cho biết giá tiêu dùng của cải thảo ở Hàn Quốc trong tháng này tăng vọt lên 7,81 USD/người, so với mức trung bình hàng năm chỉ 4,17 USD.
Trong khi đó, bất chấp giá thị trường của cải thảo tăng vọt, ông Roh và những người nông dân khác vẫn thua lỗ do chi phí chìm khổng lồ.
Theo cuộc khảo sát năm 2020 của Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, người dân nước này ăn kim chi trung bình 7 lần/tuần.
“Không còn cách nào khác, tôi vẫn phải chi tiền mua cải thảo”, Sung Ok-Koung (56 tuổi), một người nội trợ ở thủ đô Seoul, người coi việc làm kim chi là một hoạt động quan trọng của gia đình, chia sẻ.
Tình trạng khan hiếm cải thảo ảnh hưởng đến không chỉ kim chi nhà làm, mà còn cả kim chi sản xuất thương mại.
Phát ngôn viên của công ty Daesang, nhà sản xuất kim chi hàng đầu Hàn Quốc, cho biết chi phí tăng cao đã khiến họ phải nâng giá thêm 10% kể từ đầu tháng tới. Kim chi cải thảo, mặt hàng phổ biến nhất trong số các sản phẩm kim chi của công ty, luôn trong tình trạng cháy hàng trên sàn thương mại điện tử suốt một tháng.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho rằng nguyên nhân do “thời tiết bất lợi” ở vùng cao nguyên Gangwon, cam kết sẽ thực hiện “mọi biện pháp có thể”, bao gồm cả nhập khẩu, để ổn định giá cả thị trường.
Hiện nguồn nhập khẩu cải thảo của nước này chủ yếu từ Trung Quốc – chiếm 40% lượng kim chi sản xuất thương mại được tiêu thụ ở Hàn Quốc.
Thế nhưng, kim chi, cùng với một số sản phẩm khác tồn tại ở cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc, trở thành chủ đề của cuộc tranh cãi gần đây về nguồn gốc xuất xứ, và dần leo thang thành cuộc chiến quyền lực mềm giữa các nước láng giềng châu Á, theo The Washington Post.
“Cuộc chiến thu hút sự chú ý của người Hàn Quốc bởi kim chi là di sản văn hóa quốc gia. Món ăn này đã trở thành một ‘cách sống’ của người Hàn Quốc”, Koo Jeong-woo, giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan ở Seoul, nói.
Một số người tiêu dùng, ít nhất ở thời điểm này, sẵn sàng trả giá cao hơn. Bà Sung cho biết vẫn sẽ lựa chọn cải thảo sản xuất trong nước cho món kim chi tự làm của mình, bởi “chất lượng và hương vị ngon hơn” so với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, mối quan tâm lớn hơn là thực trạng thay đổi khí hậu. Suốt 5 mùa hè qua ở Taeebaek có khoảng 20 ngày nhiệt độ lên đến 33 độ C. Trong những năm 1990, địa phương này chưa ngày nào từng trải qua mức nhiệt đó, theo Cục Khí tượng Hàn Quốc.
Ngoài việc đối mặt với thời tiết nóng lên, người nông dân còn phải chống chọi với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên, bao gồm mưa lớn và bão có thể phá hủy hoa màu.
“Nếu tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến với tốc độ hiện tại, tới những năm 2090, sản lượng cải thảo ở vùng cao nguyên Hàn Quốc sẽ giảm 99%, đồng nghĩa rằng chẳng còn gì để thu hoạch”, Kim Myung-hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Nông nghiệp Quốc gia Hàn Quốc, nói.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Biến đổi khí hậu, Hàn Quốc, Nông nghiệp