Bi kịch của tầng lớp nằm ở tận cùng xã hội Ấn Độ thời dịch bệnh

“Trước đây, họ chỉ tránh xa tôi. Còn bây giờ, họ coi tôi là mầm bệnh nữa. Mỗi khi tôi thò mặt ra cửa, mọi người lại hét corona, corona kìa”.

Bi kịch của tầng lớp nằm ở tận cùng xã hội Ấn Độ thời dịch bệnh

Tầng lớp dưới cả tầng đáy

Có tất cả 4 tầng lớp xã hội chính thức ở Ấn Độ. Tầng cao nhất là Bramin, bao gồm các thầy tu và nhà tri thức. Tầng thứ 2 là Kshatriya, những nhà thống trị. Tầng thứ 3 là Vaishya, công-nông-thương. Và tầng thứ 4 là Shudra, đầy tớ.

Ngoài ra còn một tầng thứ 5 không chính thức, Dalit và Adivasi. Những người ở tầng thứ 5 này bị cả 4 tầng lớp trên khinh khi, xa lánh, phải chịu thiệt thòi về mọi mặt. Vào năm 1950, Ấn Độ chính thức xóa bỏ hệ thống phân cấp xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là trên bề mặt, vì hệ thống tồn tại suốt hơn 2000 năm vẫn đang hiện diện trong đời sống xã hội của dân Ấn Độ. Ngày nay trong Ấn Độ vẫn có khoảng 25% dân số là Dalit và Adivasi, rơi vào tầm 325 triệu người.

Suốt nhiều thế kỷ, các Dalit và Adivasi chỉ có thể làm công việc nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh kiếm sống. Người Ấn Độ kỳ thị họ bẩn thỉu, luôn cố ý tránh xa. Toàn Ấn Độ có khoảng 600.000 làng mạc. Hầu hết các làng đều cắt ra một góc nhỏ biệt lập, cách xa khu tập trung dân cư làm nơi dành riêng cho người Dalit và Adivasi.

“Những góc này đều xa bệnh viện, ngân hàng, trường học…,” – Paul Divakar, nhà hoạt động nhân quyền Dalit, Ấn Độ cho biết. “Khi COVID-19 bùng nổ, sợ rằng các gói viện trợ không đến nổi đây”.

Ngày 25/3/2020, Ấn Độ thực hiện phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Người Dalit và Adivasi trong nhiều khu ổ chuột tách biệt, trong đó là nhóm 57 gia đình trên đỉnh đồi Vijayawada, Andhra Pradesh bị cấm túc. Họ thậm chí không được phép xuống đồi để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm và thuốc men.

Polamma đang mang thai tháng thứ 9 và có 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Cô bê cái bụng bầu to tướng, ì ạch đi bộ suốt 1km để đến cửa hàng tạp hóa gần nhất mua đồ. Giữa đường, Polamma bị mọi người dưới chân đồi chặn lối, đuổi về. “Chúng tôi bị nhốt ở đây như những tù nhân” – cô nói.

“Tôi đang sống gần một nhà máy chế biến sữa mà không có nổi một giọt cho con uống”.

Bị từ chối cung cấp đồ bảo hộ

Từ năm 2017, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ đã ban hành chỉ thị, mọi công nhân vệ sinh đều phải được cung cấp trang phục bảo hộ cá nhân, chí ít cũng phải có khẩu trang và găng tay. Tuy nhiên theo Suryaprakash Solanke, lãnh đạo Hiệp hội Công nhân Dalit ở Mumbai, nhiều người dù đang là nhân viên dọn dẹp cho bệnh viện mà vẫn không được cung cấp trang phục bảo hộ.

“Họ đã dọn dẹp, cọ rửa các bệnh viện, khu dân cư, đường phố và nhà ga suốt nhiều năm”- Solanke phản ánh. “Nhưng thay vì trao đồ bảo hộ và khen thưởng, mọi người lại tẩy chay họ”.

Đáng ngại nhất là trong thời điểm COVID-19 hoành hành, các nhân viên vệ sinh người Dalit và Adivasi vẫn thiếu trang thiết bị bảo hộ. “Chúng tôi dọn dẹp phòng bệnh, giặt giũ quần áo bẩn của bệnh nhân suốt ngày mà chỉ được trả mỗi 8.500 rupee/tháng (khoảng 2,6 triệu VNĐ)” – Salvi, một nhân viên vệ sinh lên tiếng. “Và bây giờ, chúng tôi còn có nguy cơ bị lây bệnh cao hơn”.

Salvi cũng sợ bị nhiễm COVID-19, không muốn đi làm nhưng lại không thể nghỉ vì vấn đề cơm áo. Công việc ấy là tất cả những gì cô có, để nuôi sống cả gia đình.

Bên lề xã hội

Ngày 26/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nirmala Sitharaman tuyên bố tất cả các nhân viên trong ngành y tế đều được trợ cấp gói bảo hiểm y tế 3 tháng, riêng các nhân viên vệ sinh còn được hưởng gói bảo hiểm đặc biệt. Họ chỉ cần trình thẻ căn cước và thẻ nhân viên là hoàn tất thủ tục đăng ký.

Thế nhưng theo Trung tâm Tài nguyên Dalit Bahujan, vấn đề nằm ở chỗ có đến 22% lao động Dalit chưa được cấp chứng minh nhân dân, và 33% không được phát thẻ nhân khẩu. Những người này không thể tiếp cận bất cứ gói hỗ trợ bảo hiểm, tài chính hay thực phẩm nào hết.

Một số Dalit là nhân viên vệ sinh chính thức, có chứng minh thư nhưng lại chưa được cấp thẻ nhân viên, ví dụ như Salvi. Cô không được phép lên xe buýt, phải lội bộ 90 phút tới chỗ làm. Vì quá vất vả, Salvi cố tiếp cận trưởng khoa, xin thẻ nhân viên. “Bà ấy cấm tôi tới gần và gọi bảo vệ đến lôi tôi đi. Trong mắt bà ta, tôi vốn là rác rưởi, và bây giờ thì còn ghê gớm hơn cả rác rưởi” – Salvi kể.

Chính phủ Ấn Độ cũng mới mở gói hỗ trợ tài chính trong 3 tháng cho phụ nữ nghèo, mỗi người được phát 500 rupee/tháng (khoảng 150.000 VNĐ), chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Song nhiều chị em Dalit và Adivasi, trong đó có Estheramma, lại không có số tài khoản, bởi cô chẳng có căn cước mà mở.

“Lẽ ra, các gói cứu trợ không nên quá cứng nhắc vấn đề thẻ nhận dạng” – nhà kinh tế Jayati Ghosh phàn nàn.

Nghe tin COVID-19, Sanoj Kumar-một Dalit đang làm việc tại lò gạch ở Tamil Nadu liền lên tàu về quê trước lệnh phong tỏa. Vừa xuống sân ga, anh đã bị cảnh sát lôi đến bệnh viện kiểm tra, sau đó ra lệnh tự cách ly tại nhà 14 ngày. Cứ 2 ngày một lần, nhân viên y tế lại đến khám. “Mỗi khi tôi thò mặt ra cửa, mọi người lại hét corona, corona kìa” – Kumar chua chát.

“Trước đây, họ chỉ tránh xa tôi vì tôi là dân Dalit nhưng bây giờ, họ còn gọi tôi là mầm bệnh nữa”.

Chính phủ Ấn Độ đã hạ lệnh kéo dài giãn cách-cách ly xã hội đến hết ngày 3/5/2020. Sau 2 tuần, Polamma phải nhờ các nhà hoạt động Dalit và cảnh sát can thiệp thì mới vào được tiệm tạp hóa. Còn Salvi vẫn đi bộ đến chỗ làm, dọn dẹp vệ sinh bệnh viện trong tình trạng thiếu đồ bảo hộ.

Theo TRÍ THỨC TRẺ / CNN

Tags: , ,