Bệnh nhân 91, tôi chờ anh kể câu chuyện thần kỳ

Tôi rất muốn được bệnh nhân 91 kể lại những gì anh ấy đã trải qua. Trên hết, tôi mong anh ấy sớm khỏe mạnh lại hoàn toàn. Tôi mong được nhìn thấy nụ cười của một người trở về từ cõi chết.

Bài viết của tác giả Gavin Wheeldon, chuyên gia người Anh về thương mại điện tử. Wheeldon từ London đến Hà Nội vào lúc 5h sáng ngày 14/3 trên chuyến bay VN0054 và được cách ly 14 ngày. Đây là bài viết riêng của anh cho Zing.

Xuyên suốt lịch sử và kéo dài đến tận ngày nay, sự ra đi, hy sinh của một hay nhiều cá nhân nào đó luôn để lại tác động của những người ở lại. Cái chết trở thành chất xúc tác và biểu tượng để mọi người hành động.

Nhưng trong trường hợp này, sự sống đã làm thay nhiệm vụ đó.

Câu chuyện hồi phục thần kỳ của bệnh nhân 91, nam phi công người Anh, là minh chứng cho việc Việt Nam quyết tâm giành lại sự sống mong manh từ “cửa tử”, rằng một ca tử vong cũng là quá nhiều.

Khi nhập viện để điều trị, bệnh nhân 91 không có người thân thích ở bên. Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn của trại trẻ mồ côi, không có cha mẹ yêu thương, tôi phần nào đồng cảm với hoàn cảnh khi đó của đồng hương mình.

Khi cần đến người thân nhất, họ lại không thể ở bên. Mặc dù Đại sứ quán Anh chắc chắn đã nỗ lực liên lạc với bất cứ người thân nào của bệnh nhân, sự đơn độc trên giường bệnh ở một đất nước xa lạ khiến bất cứ ai cũng dễ rơi vào “hố sâu” chán chường, tuyệt vọng.

Suy cho cùng, tình thương gia đình vẫn luôn là “liều thuốc” giúp mỗi người có thêm sức mạnh trong mọi tình huống, nhất là khi đang chiến đấu với bệnh tật.

Theo giáo sư Xã hội học Brad Wilcox (Đại học Virginia, Mỹ), khi xã hội đối mặt với một vấn nạn lớn và số đông đều chịu ảnh hưởng, mọi người thường có xu hướng tách mình khỏi đám đông ngoài kia và quay về, tìm chỗ an toàn trong ngôi nhà của mình, nơi có gia đình ở bên.

Dù đó không phải là phương án tuyệt đối, nhiều gia đình vẫn khẳng định khi biến cố qua đi, các thành viên sẽ dành nhiều thời gian bên nhau hơn, bếp nhà cũng sẽ có đầy đủ mọi người đến ăn quây quần cùng nhau. Khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra, người Mỹ vẫn thường nói nhờ đó mà hiểu rõ và trân trọng giá trị của tình thân và ý nghĩa cuộc sống hơn.

Thế nhưng, điều cốt lõi là mỗi người trong chúng ta không cần phải gặp biến cố như bệnh nhân 91 để mới có thể hiểu và trân quý giá trị của tình thương và gia đình hơn trước. Đại dịch COVID-19 đã là quá đủ để bất kỳ ai cũng có thể tĩnh tâm lại và yêu thương nhiều hơn những giá trị, người thân xung quanh mình.

Những lúc diễn biến sức khỏe chuyển xấu hay rơi vào tình trạng nguy kịch, tôi nghĩ chỉ có những suy nghĩ trong đầu mới giúp bệnh nhân 91 tiếp tục chiến đấu từng phút, không buông tay bỏ cuộc trước sự tàn phá của virus lên cơ thể.

Không chỉ riêng các y bác sĩ cố gắng giành giật sự sống, bản thân bệnh nhân 91 cũng có cuộc chiến của riêng mình. Cuộc đấu tranh cả về mặt tinh thần và thể chất. Khi “hàng phòng thủ” cơ thể dần yếu ớt, tinh thần bắt buộc phải gượng dậy nếu muốn chiến thắng bệnh tật.

Đó là điều sẽ xảy đến khi chúng ta nằm đó, một mình trong phòng cách ly. Những suy nghĩ trong đầu sẽ chi phối đến sự tỉnh táo, nhận thức của mỗi người.

Tôi đã luôn mong đợi dù mọi thứ có mong manh thế nào, viên phi công vẫn giữ được sự lạc quan. Nhưng trên thực tế, anh ấy không hề đơn độc trên giường bệnh, khi mà đội ngũ y bác sĩ và cả người dân Việt Nam vẫn cập nhật tình hình sức khỏe từng ngày, với hy vọng nam phi công sớm bình phục trở lại. Trước đó, tôi đã biết đến văn hóa trọng tình cảm, đoàn kết của người Việt và điều đó càng thể hiện rõ hơn trong trường hợp của bệnh nhân 91.

Thời điểm giữa tháng 5, khả năng chiến thắng trước virus của bệnh nhân 91 càng trở nên ít ỏi hơn. Các phương pháp điều trị của bác sĩ Việt Nam chưa đem lại kết quả khả quan nào, còn lá phổi của bệnh nhân ngày càng tổn thương, với chỉ 10% phổi còn hoạt động.

Khi phương án ghép phổi được đưa ra, đã có 60 người tình nguyện hiến tặng. Điều này làm tôi thật sự cảm kích bởi trong thời khắc có lẽ đen tối nhất của cuộc đời viên phi công, bỗng xuất hiện rất nhiều người xa lạ sẵn sàng trao cho anh ấy phần cơ thể quý giá của mình. Chỉ vì họ sẵn sàng cứu người.

Khi biết đến thông tin đó, tôi chợt nhớ tới quãng thời gian mình đi cách ly tập trung. Thời điểm đó, tôi bắt gặp rất nhiều người trong cùng khu, tình nguyện đóng góp số tiền lớn để giúp đất nước có thêm kinh phí chống dịch.

Thông điệp cốt lõi và xuyên suốt tôi rút ra từ đó luôn là: Người Việt luôn sẵn sàng muốn đóng góp bất cứ điều gì có thể cho đất nước, trong những thời khắc quan trọng nhất. Và ở đây là quyết tâm để Việt Nam không có ca tử vong vì COVID-19 nào.

Đến giờ, bệnh nhân 91 đã dần tỉnh táo trở lại, thậm chí còn nở nụ cười. Nụ cười của một người trở về từ cõi chết là điều mà những người bấy lâu nay dõi theo quá trình của anh ấy mong đợi. Nụ cười ấy khiến mọi người cảm thấy nhẹ nhõm, là tín hiệu cho thấy trong cuộc chiến đẩy lùi virus Corona, Việt Nam đã giành phần thắng.

Sự hồi phục thần kỳ đó là minh chứng cho việc đội ngũ y bác sĩ Việt Nam nhất quyết không chịu bỏ cuộc, gắng sức đến cùng, như lời khẳng định: “Cuộc chiến này không để ai lại phía sau”.

Bệnh nhân 91 dần hồi phục là tín hiệu đáng mừng, khi thời khắc hiểm nghèo nhất đã đi qua. Việt Nam dần quay lại với việc phục hồi kinh tế sau dịch, và tôi hy vọng những hành động tốt đẹp chúng ta đã làm để đối phó với dịch bệnh sẽ vẫn duy trì lâu về sau.

Sự bùng phát diện rộng của virus Corona ra toàn cầu đã dạy nhân loại một bài học rằng không ai hay một quốc gia nào có thể chủ quan, vỗ ngực tự bảo rằng dịch bệnh hay các nguy cơ có sức tàn phá nào khác sẽ không xảy đến với mình.

Tôi thật lòng mong rằng sau khi đại dịch chấm dứt, các cảnh báo về sức khỏe, giữ gìn vệ sinh vẫn sẽ tiếp tục được mọi người nhớ tới. Và quan trọng không kém là trao nhau lòng tốt, sự sẻ chia, thấu cảm.

Tôi rất muốn được bệnh nhân 91 kể lại những gì anh ấy đã trải qua. Trên hết, tôi mong anh ấy sớm khỏe mạnh lại hoàn toàn. Tôi mong được nhìn thấy nụ cười của một người trở về từ cõi chết.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,