Báo Mỹ nói về sức mạnh nền khoa học công nghệ của CHDCND Triều Tiên

Các nhà khoa học vẫn đang tìm cách lý giải cho câu hỏi rằng, làm thế nào Triều Tiên có thể vượt qua hàng chục năm bị cộng đồng quốc tế trừng phạt và đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng như vậy

Khu phức hợp khoa học lấy cảm hứng từ mô hình nguyên tử của CHDCND Triều Tiên.

Là lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, ông Kim Jong-un luôn dành những lời khen ngợi và khích lệ dành cho các nhà khoa học, nâng tầm họ thành những vị anh hùng và là biểu tượng cho tiến trình phát triển của đất nước.

“Chúng ta chưa bao giờ nghe thấy tin ông ấy thanh trừng các nhà khoa học. Ông ấy hiểu rằng việc thử nghiệm và mắc lỗi là một phần trong quá trình làm khoa học”, Choi Hyun-kyoo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hàn Quốc và là người điều hành trang mạng NK News chuyên đưa tin về các ấn phẩm khoa học của Triều Tiên, cho biết.

Các nhà khoa học vẫn đang tìm cách lý giải cho câu hỏi rằng, làm thế nào Triều Tiên có thể vượt qua hàng chục năm bị cộng đồng quốc tế trừng phạt và đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng như vậy. Rõ ràng, Triều Tiên đã tích lũy được một nền tảng khoa học vững chắc dù luôn bị coi là quốc gia tụt hậu.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 mới nhất do Bình Nhưỡng phóng thử hôm 29/11 là một thành tựu về vật lý và kỹ thuật khiến thế giới sửng sốt. Còn trong 6 vụ thử hạt nhân từ trước đến nay của nước này, vụ thử sau luôn mạnh hơn vụ thử trước. Tất cả đều góp phần tôn vinh hình ảnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại quê nhà, cũng như nâng cao cán cân sức mạnh của ông trên trường quốc tế.

Tôn vinh khoa học

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nâng tầm khoa học như một lý tưởng sống trong các hoạt động tuyên truyền tại Triều Tiên và sự trọng vọng của ông dành cho các nhà khoa học cũng như các kỹ sư luôn được thể hiện nổi bật trên khắp đất nước này.

Đây là điều khác biệt của ông Kim Jong-un so với thế hệ trước đó. Cố lãnh đạo Kim Jong-Il, cha của ông Kim Jong-un, thường tập trung vào phim ảnh và nghệ thuật, coi đây là công cụ tuyên truyền của Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011 và chỉ 4 năm sau đó, ông đã cho mở một đại lộ 6 làn đường ở thủ đô Bình Nhưỡng và đặt tên là Phố Nhà khoa học Tương lai. Tại đây, ông cho xây dựng các tòa nhà cao tầng dành cho các nhà khoa học, các kỹ sư và gia đình của họ.

Ngoài ra, ông Kim Jong-un cũng cho xây dựng một khu phức hợp bề thế lấy cảm hứng từ mô hình nguyên tử để trưng bày các thành tựu về khoa học hạt nhân của Triều tiên. Ông cũng thường tổ chức các sự kiện tầm cỡ để ăn mừng các tiến bộ khoa học.

Sau các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân thành công, các nhà khoa học và các kỹ sư Triều Tiên sẽ được đông đảo người dân tập trung ngoài trời để chào đón họ. Truyền thông nhà nước Triều Tiên từng đăng tải các bức ảnh chụp đoàn xe chở các nhà khoa học tiến về thủ đô Bình Nhưỡng trong niềm hân hoan của người dân.

“Họ khá tỉ mỉ trong ngành luyện kim, cơ khí, và ở mức độ nào đó là ngành hóa học. Tất cả đều là những ngành gắn bó với nhu cầu quân sự và dân sự của Triều Tiên”, Joshua Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey, bang California, Mỹ nhận định.

Phát triển khoa học

Từ hàng chục năm nay, Triều Tiên đã nhập các tài liệu và tạp chí khoa học từ Nhật Bản. Theo Michael Madden – người vận hành trang web Giám sát Lãnh đạo Triều Tiên, khi cử sinh viên ra nước ngoài du học, Bình Nhưỡng thường yêu cầu các sinh viên này tìm cách sao chép các tài liệu khoa học để mang về nước.

Mặc dù các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cấm các nước dạy các môn khoa học ứng dụng quân sự cho sinh viên Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng vẫn gửi các học sinh tới nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, hay thậm chí cả Đức.

Ngoài ra, internet cũng được xem là mỏ vàng đối với Triều Tiên. Triều Tiên cấm người dân truy cập internet, nhưng nước này cho phép các nhà khoa học hàng đầu được tìm kiếm dữ liệu nguồn mở trên internet dưới sự giám sát. Bình Nhưỡng cũng xây dựng một thư viện điện tử để cho người dân cả nước có thể theo dõi.

Triều Tiên thường chọn các sinh viên khoa học xuất sắc nhất để tham gia vào các dự án quân sự. Những sinh viên được chọn vào chương trình hạt nhân tên lửa phải rời khỏi quê nhà và chỉ được về thăm gia đình dưới sự giám sát của những người quản lý từ chính phủ.

Các sinh viên này được nhà nước nuôi ăn ở tốt hơn và có cơ hội tiếp cận với các bản thiết kế cũng như các thiết bị vũ khí do các điệp viên và tin tặc Triều Tiên lấy được từ nước ngoài.

Chiến lược chính trị

Từ sau khi chiến tranh liên Triều kết thúc năm 1953, các nhà khoa học và kỹ sư tại Triều Tiên đã được hưởng đặc ân dưới thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành khi ông tìm cách tái thiết đất nước Triều Tiên. Ông Kim Nhật Thành thời đó đã thu nạp những người từng được đào tạo tại Nhật Bản khi Triều Tiên còn là một thuộc địa của Nhật, sau đó gửi hàng trăm sinh viên tới Liên Xô, Đông Đức và các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đã tiến hành sự thay đổi về thế hệ đối với đội ngũ những người đứng đầu chương trình vũ khí. Ông Kim Jong-un cất nhắc các nhà khoa học và quan chức chưa có nhiều tiếng tăm trước đây. Ông cũng bổ nhiệm các nhà khoa học vào các dự án khác nhau để tạo sự cạnh tranh.

Theo Trung tâm Thông tin Chiến lược Triều Tiên tại Seoul, Hàn Quốc, Bình Nhưỡng cũng tuyển dụng các nhà khoa học từ Liên Xô trước đây và trả lương cho họ lên tới 10.000 USD/tháng.

Ông Theodore A. Postol, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, các động cơ và thiết kế tên lửa của Triều Tiên về cơ bản giống với tên lửa của Nga. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng học được kinh nghiệm từ các kỹ sư Nga để giải quyết các vấn đề liên quan tới tên lửa.

“Bằng cách phóng tên lửa và đối đãi với các nhà khoa học như những ngôi sao, ông Kim Jong-un đã khiến cho người dân Triều Tiên cảm nhận được sự tiến bộ. Đó không chỉ là một dự án quân sự mà còn một chiến lược chính trị”, ông Lee cho biết.

Theo DÂN TRÍ / THE NEW YORK TIMES

Tags: , ,