Bàn về ý nghĩa chung của nghệ thuật

Bây giờ ta đã có thể đưa ra một định nghĩa chung về bản chất của nghệ thuật thực thụ: mọi sự miêu tả cảm tính bất kỳ một vật thể sống hay hiện tượng nào từ giác độ trạng thái cuối cùng của nó, hay là dưới ánh sáng của thế giới tương lai, sẽ là tác phẩm nghệ thuật – Triết gia V. Soloviev.

Bài viết xuất hiện lần đầu tiên cũng trên tạp chí Những vấn đề triết học và tâm lý học, 1890, No 5. Quan điểm của Soloviev về bản chất và sứ mệnh của nghệ thuật, trình bày ở đây, ngày nay không được nhiều người thấu hiểu và chia sẻ.

I.

Một cây mọc tuyệt đẹp trong thiên nhiên và cũng cây ấy được vẽ tuyệt đẹp trong tranh sẽ gây ấn tượng thẩm mỹ tương đồng và cũng sẽ phải được mỹ học đánh giá là như thế: không phải ngẫu nhiên mà cùng một từ được sử dụng trong cả hai trường hợp để thể hiện sự đánh giá ấy. Nhưng nếu mọi sự đều chỉ giới hạn bằng tính tương đồng thấy được, nằm trên bề nổi ấy, thì có thể đặt câu hỏi và quả thật người ta đã từng hỏi: nhân đôi cái đẹp ấy để làm gì?

Phải chăng chỉ là trò chơi con trẻ lặp lại trên bức tranh cái mà đã có sự tồn tại tuyệt đẹp trong tự nhiên? Thông thường, người ta trả lời (thí dụ, Taine trong Triết học nghệ thuật của mình) là nghệ thuật tái tạo không phải bản thân những vật thể và hiện tượng của thực tại, mà chỉ cái mà người nghệ sĩ nhìn thấy ở chúng, mà người nghệ sĩ chân chính chỉ nhìn thấy ở chúng những nét điển hình, tiêu biểu; yếu tố thẩm mỹ của các hiện tượng tự nhiên, đi qua ý thức và trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, được tẩy lọc khỏi mọi sự ngẫu nhiên vật chất và do đó mà trở nên mạnh mẽ hơn, rực rỡ hơn.

Cái đẹp lan tỏa trong giới tự nhiên, trong các hình thể và sắc mầu của nó, hiện lên trên bức tranh một cách tập trung, được tô đậm và nhấn mạnh. Cách kiến giải này không thể làm ta thỏa mãn đến cùng vì một lẽ đơn thuần là hoàn toàn không thể áp dụng nó vào một loạt ngành nghệ thuật. Những hiện tượng tự nhiên nào được nhấn mạnh, thí dụ, trong các xônat của Beethoven? – Xem ra, quan hệ thẩm mỹ giữa nghệ thuật và giới tự nhiên sâu xa hơn và hệ trọng hơn nhiều. Rõ ràng đây không phải là sự lặp lại, mà là sự tiếp tục cái sự nghiệp nghệ thuật đã được thiên nhiên khởi thủy – sự thực hiện nối tiếp và đầy đủ hơn cũng cái nhiệm vụ thẩm mỹ ấy.

Kết quả của tiến trình tự nhiên là con người theo hai nghĩa: thứ nhất, như là một sinh linh tự nhiên đẹp nhất*, và thứ hai, như một sinh linh tự giác nhất. Với tư cách thứ hai ấy, con người, từ là kết quả, tự thân trở thành tác nhân của tiến trình thế giới và vì thế mà đáp ứng hoàn hảo hơn cái mục đích lý tưởng của tiến trình ấy. Mục đích ấy là sự thẩm thấu lẫn nhau toàn bộ và sự liên kết tự do của tất cả các nhân tố và yếu tố vật chất và tinh thần, lý tưởng và thực tại, chủ quan và khách quan của hoàn vũ. Nhưng người ta có thể hỏi, vì sao toàn bộ tiến trình thế giới, được thiên nhiên khởi thủy và con người tiếp tục, lại được chúng tôi xem từ giác độ thẩm mỹ, như là sự giải quyết một nhiệm vụ nghệ thuật nào đó?

Chẳng phải sẽ là đúng hơn, nếu xem mục đích ấy là sự thực hiện cái chân và cái thiện, sự toàn thắng của trí tuệ và ý chí tối cao? Nếu để trả lời câu hỏi đó chúng tôi nhắc lại rằng cái đẹp chỉ là sự thể hiện bằng những hình thức cảm hội được chính cái nội dung lý tưởng mà trước sự thể hiện ấy gọi là cái thiện và cái chân(1), thì lời nhắc này sẽ khêu gợi những phản bác mới. Nhà đạo đức học nghiêm nghị sẽ nói: cái thiện và cái chân không cần đến sự thể hiện thẩm mỹ. Làm điều thiện và nắm vững chân lý – đó là tất cả cái gì cần thiết.

Phúc đáp lời phản bác ấy, ta hãy giả định rằng cái thiện đã được thực hiện không chỉ trong cuộc sống riêng của một ai đó, mà trong cuộc sống của toàn thể xã hội, rằng một chế độ xã hội lý tưởng đã được kiến tạo, sự đoàn kết hoàn toàn, tình bác ái đại đồng đã thống ngự khắp nơi. Tính không thể thẩm thấu của chủ nghĩa ích kỷ đã được xóa bỏ; mọi người tìm thấy mình trong mỗi người, và mỗi người tìm thấy mình trong mọi người.

Nhưng nếu sự liên thẩm đại đồng ấy – mà nó là bản chất của cái thiện đạo đức – dừng lại trước giới tự nhiên vật chất, nếu yếu tố tinh thần đã chiến thắng tính không thể thẩm thấu của lòng ích kỷ con người, nhưng lại không thể khắc phục được tính không thể thẩm thấu của vật chất, hay là chủ nghĩa ích kỷ của tự nhiên, thì điều đó có nghĩa là sức mạnh của cái thiện hay của tình yêu không mạnh lắm, và nguyên tắc đạo đức không thể được thực hiện cho đến cùng và không thể được biện chính hoàn toàn.

Khi ấy sẽ xuất hiện câu hỏi: nếu sức mạnh tăm tối của tồn tại vật chất cuối cùng vẫn ưu thắng, nếu yếu tố thiện không khắc phục được nó, thì phải chăng chân lý đích thực của toàn bộ cái hiện hữu là ở nó, còn cái mà ta gọi là cái thiện, phải chăng chỉ là ảo ảnh chủ quan? Và quả thật, lẽ nào có thể nói về sự toàn thắng của cái thiện, khi mà một xã hội được tổ chức trên những nguyên tắc đạo đức lý tưởng nhất cũng có thể tử vong ngay lập tức do hệ quả một biến cố địa chất hay thiên văn học nào đó? Sự xa lạ tuyệt đối của yếu tố đạo đức đối với tồn tại vật chất là nguy hại rõ ràng không phải cho cái tồn tại ấy, mà cho chính yếu tố đạo đức.

Chính sự tồn tại của trật tự đạo đức trong thế giới quy định trước quan hệ của nó với trật tự vật chất, một kiểu phối hợp nào đó giữa hai trật tự ấy. Nhưng nếu là thế, thì phải chăng cần tìm kiếm quan hệ ấy bên ngoài mọi thứ thẩm mỹ, ở sự thống trị trực tiếp những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên bởi trí tuệ con người, ở sự thống ngự tuyệt đối của tinh thần đối với vật chất?

Xem ra một số bước quan trọng đã được thực hiện hướng về mục đích ấy; khi nó đã đạt, khi mà, như các nhà lạc quan chủ nghĩa hiện nay nghĩ, nhờ thành tựu của các khoa học ứng dụng chúng ta sẽ chiến thắng không chỉ không gian và thời gian, mà ngay cả cái chết; khi ấy sự tồn tại của cuộc sống hữu luân trong thế giới (trên cơ sở sự sống vật chất) sẽ được bảo đảm vĩnh viễn, song ở ngoài mọi quan hệ gì với lợi ích thẩm mỹ, cho nên ngay khi ấy vẫn sẽ có hiệu lực tuyên bố rằng cái thiện không cần đến cái đẹp.

Nhưng trong trường hợp ấy bản thân cái thiện có viên mãn hay không? Bởi lẽ nó không phải là sự toàn thắng của cái này đối với cái khác, mà là sự kết đoàn của tất cả mọi cái. Thế nhưng có thể loại trừ ra khỏi tất cả mọi cái ấy những sinh thể và những tác nhân của thế giới tự nhiên? Như vậy có nghĩa là cũng không thể xem xét chúng chỉ như là những phương tiện hay công cụ của sinh tồn con người, có nghĩa là cả chúng cũng phải gia nhập, với tư cách một yếu tố chính diện, cái cấu trúc lý tưởng của cuộc sống chúng ta.

Nếu trật tự đạo đức, vì sự bền vững của mình, phải dựa vào cái tự nhiên vật chất như là môi trường và phương tiện tồn tại của mình, thì vì sự đầy đủ và hoàn hảo của mình, nó phải thu nạp vào trong nó cái cơ sở vật chất của sinh tồn như thể một bộ phận độc lập của hoạt động đạo đức, hoạt động này giờ đây đã biến thành hoạt động thẩm mỹ, bởi vì tồn tại vật chất chỉ có thể được đưa vào trật tự đạo đức thông qua sự làm cho bừng sáng, làm cho chứa chan tinh thần, tức là dưới hình thức của cái đẹp. Như vậy, cái đẹp cần thiết cho sự thực hiện đầy đủ cái thiện trong thế giới vật chất, bởi lẽ chỉ nó mới làm sáng và mới chế ngự được bóng tối không lành của thế giới này.

Thế nhưng chẳng phải không có chúng ta thì cái việc làm – sáng – toàn – thế – giới ấy vẫn cứ đã hoàn thành xong xuôi? Cái đẹp tự nhiên đã trải lên trên toàn thế giới tấm vải phủ của mình, cái hỗn mang quái dị (chaos) cựa quậy một cách bất lực dưới hình hài cân đối của vũ trụ (cosmos) và không thể vứt bỏ nó khỏi mình cả trong cõi bao la vô tận của các thiên thể lẫn trong vòng chật hẹp của các vật sống trên trái đất này.

Vậy nghệ thuật của chúng ta phải chăng chỉ cần lo sao lột tả được cái đẹp của những quan hệ con người, bằng những hình tượng cảm tính làm hiện ra ý nghĩa chân chính của cuộc sống con người? Nhưng trong giới tự nhiên, những sức mạnh tăm tối mới chỉ bị chinh phục, chứ chưa được thuyết phục bởi ý nghĩa hoàn vũ, bản thân sự chinh phục ấy còn là bề ngoài và chưa đầy đủ, và cái đẹp của thiên nhiên mới là tấm vải phủ được choàng lên trên sự sống ác độc, chứ chưa phải là sự cải thể hóa hình sự sống ấy.

Chính vì thế mà con người với ý thức và trí tuệ của nó phải trở thành không chỉ mục đích của tiến trình tự nhiên, mà còn phương tiện cho sự tác động ngược lại, sâu xa hơn và đầy đủ hơn, từ phía yếu tố lý tưởng đến giới tự nhiên. Ta biết rằng sự hiện thực hóa yếu tố ấy ở ngay trong giới tự nhiên có nhiều độ sâu khác nhau, và mỗi độ sâu của mặt chính diện ứng với cũng sự đi sâu, sự tăng cường nội tại tương tự của mặt phản diện.

Nếu trong vật chất vô cơ, yếu tố phản diện chỉ tác động như là sức nặng và sự trơ ì, thì trong thế giới hữu cơ nó đã tự biểu hiện như là sự chết và sự phân hủy (mà cả ở đây, cái phản thẩm mỹ ưu thắng trong sự hủy hoại các thực vật không rõ bằng trong sự chết và phân rã của các động vật, và giữa chúng thì ở các động vật cấp cao mạnh hơn ở các động vật cấp thấp). ở con người thì yếu tố phản diện ấy, ngoài sự biểu hiện phức tạp hơn và mạnh mẽ hơn từ phía vật chất, còn thể hiện cả cái bản chất sâu xa vô cùng của mình như là cái ác tinh thần. Nhưng cũng ở đây ta thấy cả khả năng chiến thắng nó hoàn toàn và thể hiện sự chiến thắng ấy bằng cái đẹp bất hủ và vĩnh cửu.

Khá là phổ biến một quan niệm cũ, nay được phục hồi, nó đồng nhất hóa cái ác tinh thần với cuộc sống vật chất (xác thịt) tăm tối, vô ý thức, và cái thiện tinh thần với ánh sáng trí tuệ của ý thức tỏa rạng trong con người. ánh sáng của trí tuệ tự nó là thiện, điều này không phải hồ nghi, nhưng không thể gọi ánh sáng vật chất là cái ác. Ý nghĩa của hai kiểu ánh sáng này là như nhau trong hai lĩnh vực tương ứng.

Trong ánh sáng vật chất**, ý tưởng hoàn vũ (tính nhất thống chính diện của tất cả, sự sống vì nhau của tất cả bên trong một bản thể) được thực hiện chỉ một cách phản hồi: tất cả các vật thể và hiện tượng có được khả năng tồn tại cho nhau (tự mở cho nhau) trong sự phản ánh lẫn nhau thông qua môi trường phi trọng lượng. Cũng như thế, toàn bộ cái tồn tại được phản ánh trong trí tuệ bằng những khái niệm trừu tượng chung, chúng truyền đạt không phải sự tồn hữu nội tại của sự vật, mà chỉ những sơ đồ logic bề ngoài của chúng. Vì thế, trong nhận thức lý tính, chúng ta cũng chỉ tìm thấy sự phản ánh ý tưởng hoàn vũ, chứ không phải sự có mặt đích thực của nó trong con người nhận thức và trong cái được nhận thức.

Để được hiện thực hóa thực sự, cái thiện và cái chân phải trở thành sức mạnh sáng tạo ở trong chủ thể, sức mạnh cải hoá, chứ không chỉ phản ánh hiện thực. Cũng như trong thế giới vật chất, ánh sáng biến thành sự sống, trở thành nguyên lý tổ chức của các thực vật và động vật, để mà không chỉ phản chiếu các vật thể, nhưng còn nhập thân vào trong chúng, cũng như thế ánh sáng của trí tuệ không thể tự giới hạn bằng nhận thức, mà còn phải nhập thân cái ý nghĩa sự sống được nhận thức ấy vào trong một thực tại mới, thích hợp với nó hơn. Dĩ nhiên, trước khi làm điều đó, trước khi sáng tạo trong cái đẹp, hoặc là cải biến thực tại phi lý tưởng thành thực tại lý tưởng, cần phải biết sự khác biệt giữa chúng – biết không chỉ trong tư duy trừu tượng, mà trước hết trong cảm quan trực tiếp vốn là sở trường của người nghệ sĩ.

Chú thích:

  • Tôi hiểu cái đẹp ở đây theo nghĩa chung và khách quan, tức là ngoại hình con người có khả năng thể hiện một nội dung bên trong hoàn hảo hơn (lý tưởng hơn) cái nội dung mà các động vật khác có thể thể hiện.
    • Tất nhiên tôi nói ở đây về ánh sáng không phải theo nghĩa những cảm giác thị giác của con người và các động vật, mà theo nghĩa sự vận động của môi trường phi trọng lượng liên hệ các vật thể với nhau; sự tồn tại khách quan cho nhau của chúng phụ thuộc vào môi trường ấy và không phụ thuộc vào những cảm giác chủ quan của chúng ta. Từ ánh sáng được dùng để nói vắn tắt, bởi vì những hiện tượng động học khác: nhiệt, điện, v.v… cũng thuộc về đây. Vả lại, chúng ta không cần biết đến những giả thuyết này hay giả thuyết kia của khoa học vật lý: đối với chúng ta, chỉ một sự khác biệt hiện thực giữa những thuộc tính của những hiện tượng vừa được nhắc và những thuộc tính của vật chất hữu trọng đã là đủ.

II.

Sự khác biệt giữa tồn tại lý tưởng, tức là tồn tại xứng đáng, phải có, với tồn tại không xứng đáng, không được có nói chung phụ thuộc vào quan hệ thế này hay thế khác của những thành tố cục bộ của thế giới với nhau và với cái chỉnh thể. Khi mà, thứ nhất, các thành tố cục bộ không loại trừ nhau, mà, ngược lại, tìm thấy mình trong nhau, kết đoàn với nhau; khi mà, thứ hai, chúng không loại trừ cái chỉnh thể, mà khẳng định sự tồn tại cục bộ mà mình trên một cơ sở thống nhất phổ biến; và cuối cùng, thứ ba, khi mà cái cở sở thống nhất của tất cả ấy hay là cái bản thể tuyệt đối ấy không đè nén và không thu hút nhưng thành tố cục bộ, mà tự biểu hiện qua chúng, cho chúng được hoàn toàn tự do khoáng đạt ở bên trong mình, thì cái tồn tại như thế sẽ là tồn tại lý tưởng hay là xứng đáng – là cái phải có.

Và cái tồn tại ấy tự nó có* nhưng đối với chúng ta, nó không hiện ra như một thực tại nghiệm chứng, mà như một lý tưởng, chỉ có thể được thực hiện và đang được thực hiện một phần. Lý tưởng ấy, hiểu theo nghĩa ấy, trở thành mục đích cuối cùng và tiêu chuẩn tuyệt đối của những hoạt động sống của chúng ta: ý chí ta hướng về nó như là lợi ích tối cao của mình; nó ấn định tư duy của chúng ta, với tư cách chân lý tuyệt đối; và cũng nó một phần được cảm nhận, một phần được đoán biết bởi giác quan và trí tưởng tượng của chúng ta như là cái đẹp.

Giữa các định nghĩa chính diện, xuất phát từ lý tưởng, về cái tồn tại xứng đáng cũng có một sự đồng nhất về bản chất như là giữa các yếu tố diện tương ứng với chúng. Mọi cái ác có thể quy về sự phá vỡ mối liên kết gắn bó và tính cân bằng giữa các bộ phận và chỉnh thể; và thực chất mọi cái hư ngụy và xấu xí quái dị cũng quy tụ được về đây. Khi một thành tố cục bộ hay đơn nhất khẳng định mình trong thể biệt lập của mình, muốn loại trừ hay lấn át sự tồn tại của cái khác; khi những thành tố cục bộ hay đơn nhất, một cách riêng lẻ hay là cấu kết, muốn chiếm chỗ của cái chỉnh thể, loại trừ và phủ định tính thống nhất độc lập của nó, và qua đó loại trừ và phủ định cả mối quan hệ tương liên chung; và khi, ngược lại, vì sự thống nhất mà tự do của sinh tồn cục bộ bị thu hẹp và xóa bỏ; – tất cả những cái đó: cả sự một mình tự khẳng định (chủ nghĩa vị kỷ), cả sự khu biệt vô chính phủ, cả sự thống nhất độc tài, chúng ta đều phải xem là cái ác.

Nhưng cũng cái đó, chuyển từ lĩnh vực thực tiễn vào lĩnh vực lý luận, là sự hư ngụy. Ta gọi là hư ngụy một tư tưởng chỉ chú ý đến một mặt riêng lẻ nào đó của sinh tồn và vì nó mà phủ nhận những mặt khác; chúng ta cũng gọi là hư ngụy trạng thái trí não chỉ dành chỗ cho những tập hợp bất định của những tình huống được nghiệm chứng cục bộ, đồng thời phủ định ý nghĩa chung và sự thống nhất có lý của hoàn vũ; cuối cùng, ta cũng phải gọi là hư ngụy cả chủ nghĩa nhất nguyên trừu tượng hay thuyết phiếm thần phủ định bất kỳ một sự sinh tồn riêng biệt nào vì nguyên tắc thống nhất tuyệt đối**.

Và cũng những dấu hiệu cơ bản ấn định cái ác trong lĩnh vực đạo đức và cái hư ngụy trong lĩnh vực trí tuệ, cùng chúng ấn định cái quái dị trong lĩnh vực thẩm mỹ. Là quái dị tất cả những gì mà ở đó một bộ phận bành trướng vô độ và chiếm chỗ của cái khác, mà ở đó không có sự thống nhất và sự toàn vẹn và cuối cùng không có sự muôn hình muôn vẻ tự do. Cái số đông vô chính phủ cũng đối nghịch với cái thiện, cái chân, cái đẹp như là sự thống hợp cứng nhắc, đè nén: mọi cố gắng thực hiện sự thống hợp như thế đều dẫn đến quan niệm về sự trống rỗng vô tận, sự mất đi mọi hình ảnh đặc thù và xác định của sinh tồn, tức là cái quái dị thuần túy.

Cái tồn tại lý tưởng, hay là xứng đáng đòi hỏi một sự tự do như nhau cho cả cái chỉnh thể lẫn cái cục bộ, vì thế đây không phải là tự do khỏi những đặc điểm, mà là tự do khỏi tính độc nhất của chúng. Để có được đầy đủ cái tự do ấy, các thành phần cục bộ phải tìm thấy mình trong nhau và trong chỉnh thể, mỗi cái nhận ra mình trong cái khác và nhận ra cái khác trong mình, cảm thấy trong phần riêng của mình tính thống nhất của chỉnh thể và trong chỉnh thể cái phần của mình – tóm lại, sự đoàn tụ tuyệt đối của toàn bộ cái hiện hữu, Thượng Đế là tất cả trong tất cả.

Sự thực hiện đầy đủ để ta cảm nhận được mối kết đoàn chung hay là tính nhất thống chính diện của tất cả ấy – tức là cái đẹp hoàn hảo không chỉ như sự phản chiếu của ý tưởng từ bề mặt của vật chất mà như là sự có mặt thực sự của ý tưởng trong vật chất – trước hết đòi hỏi một sự tương tác sâu sắc nhất và mật thiết nhất giữa tồn tại bên trong hay là tinh thần và tồn tại bên ngoài hay là vật chất.

Đây là yêu cầu cơ bản và nội tại của cái thẩm mỹ, sự khác biệt đặc thù giữa cái đẹp với hai bình diện cơ bản khác của ý tưởng tuyệt đối cũng là ở đây. Nội dung lý tưởng, nếu nó vẫn chỉ là sở hữu nội tại của tinh thần, của ý chí và ý tưởng của tinh thần, thì chưa có được vẻ đẹp, mà chính sự vắng mặt của cái đẹp cho thấy sự bất lực của ý tưởng. Quả thật, chừng nào tinh thần chưa có khả năng làm cho nội dung bên trong của mình biểu hiện trực tiếp ra ngoài, hay là nhập thân vào hiện tượng vật chất; và, mặt khác, chừng nào vật chất chưa có khả năng tiếp thụ tác động lý tưởng của tinh thần, chưa có khả năng nhuần thấm tinh thần, tự cải biến hay là hóa hình thành tinh thần, thì tức là bản thân ý tưởng, mà nội dung của nó chính là sự liên kết hoàn hảo của toàn bộ cái hiện hữu, trong sự hiện diện của nó ở đây chưa có đủ sức mạnh để thực hiện mình đến cùng hay là thể hiện đầy đủ bản chất của mình.

Cái tinh thần trừu tượng, không có khả năng nhập thân một cách sáng tạo và cái vật chất vô hồn, không có khả năng nhuần thấm tinh thần – cả hai đều không ứng hợp với kiểu thức sinh tồn lý tưởng hay là xứng đáng và cả hai đều mang trên mình dấu chỉ rành rành về tính không xứng đáng ấy: cả hai đều không đẹp và không thể đẹp.

Như vậy, để cho phẩm chất đẹp ấy hiện diện đầy đủ cần có: 1) sự vật chất hóa trực tiếp bản chất tinh thần và 2) sự tinh thần hóa đến cùng hiện tượng vật chất với tư cách là hình thức chính thực không thể tách rời của nội dung lý tưởng. Cần phải bổ sung cho hai điều kiện nói trên một điều kiện thứ ba, hay nói đúng hơn, điều kiện này phối sinh trực tiếp từ hai điều kiện trước: một khi nội dung tinh thần và biểu hiện cảm tính đã nhất hợp một cách trực tiếp và không thể chia cắt trong cái đẹp, khi chúng đã thẩm thấu nhau hoàn toàn, thì hiện tượng vật chất, đã thực sự trở nên đẹp, tức là đã thực sự trở thành hiện thân của ý tưởng, thì cũng phải trở nên trường tồn và bất tử như chính ý tưởng.

Theo mỹ học Hegel cái đẹp là hiện thân của ý tưởng phổ quát và vĩnh hằng ở những hiện tượng cục bộ và nhất thời, mà những hiện tượng ấy sẽ mãi mãi là nhất thời, sẽ mất đi như thể những làn sóng riêng rẽ trong dòng chảy của quá trình vật chất, chỉ trong chốc lát phản chiếu ánh sáng rực rỡ của ý tưởng vĩnh hằng. Nhưng điều này chỉ có thể có được, khi yếu tố tinh thần và hiện tượng vật chất quan hệ với nhau một cách dửng dưng, thờ ơ. Cái đẹp đích thực và hoàn hảo, thể hiện sự liên kết triệt để và sự thẩm thấu lẫn nhau giữa hai yếu tố ấy, tất yếu phải làm cho một trong hai yếu tố (vật chất) thực sự dự phần sự bất tử của yếu tố khác.

Trở lại với những hiện tượng đẹp của thế giới vật chất, ta thấy rằng chúng còn xa mới thực hiện được đầy đủ những yêu cầu hay là những điều kiện của cái đẹp hoàn hảo. Thứ nhất, trong cái đẹp tự nhiên nội dung lý tưởng chưa đủ trong suốt, nó chưa khai lộ ra ở đây toàn bộ chiều sâu huyền bí của mình, mà mới bộc lộ những đường nét chung, có thể nói, chỉ mới minh họa bằng những hiện tượng cục bộ, cụ thể những dấu chỉ và định tính sơ đẳng của ý tưởng tuyệt đối. Thí dụ, ánh sáng bằng những phẩm chất cảm tính của nó cho thấy tính có thể thẩm thấu toàn bộ và tính phi trọng lượng của yếu tố ý tưởng; các thực vật bằng hình thể thấy được của chúng thể hiện tính quảng đại của ý tưởng sự sống và ý nguyện chung của hồn đất hướng tới những hình thái cao hơn của sinh tồn; những động vật đẹp thể hiện cường độ của các động cơ sống được tích hợp trong một chủ thể phức tạp và được cân bằng hóa đến mức có thể cho phép sự chơi dỡn tự do của các lực sống, v.v…

Trong tất cả những cái đó, không thể hồ nghi, có sự hiện thân của ý tưởng tuyệt đối, nhưng chỉ một cách chung nhất và hời hợt nhất, từ phía ngoài của mình. Trong cái đẹp tự nhiên, ứng với sự vật chất hóa yếu tố lý tưởng mới ở bề ngoài ấy là sự hấp thụ tinh thần cũng hời hợt như thế nơi vật chất; từ đó mà dễ có mâu thuẫn thấy được giữa hình thức và nội dung: một con ác thú điển hình có thể có ngoại hình rất đẹp (mâu thuẫn ở đây chỉ là cảm tính, bởi vì cái đẹp tự nhiên do tính phía ngoài của nó không có khả năng thể hiện ý tưởng sự sống trong bản chất nội tại, tinh thần, mà chỉ thông qua những thuộc tính bề ngoài, vật lý học như sức mạnh, sự nhanh nhẹn, sự chuyển động tự do…)

Liên quan với cái đó là mặt không hoàn hảo thứ ba của cái đẹp tự nhiên: do cái đẹp ấy chỉ che đậy một cách bên ngoài và chung chung cái phản thẩm mỹ của tồn tại vật chất, chứ không thẩm thấu nó một cách nội tại và toàn bộ (ở tất cả các bộ phận), cho nên cái đẹp ấy được bảo toàn bất di bất dịch và vĩnh viễn cũng chỉ một cách chung chung, trong những kiểu mẫu chung của nó – các loài và các giống, còn mỗi một hiện tượng và sinh thể đẹp trong cuộc sống của chính mình vẫn ở lại dưới quyền lực của quá trình vật chất, quá trình này ban đầu phá vỡ hình thức đẹp của chúng, sau đó tiêu hủy toàn bộ chúng.

Theo quan điểm của chủ nghĩa tự nhiên, tính mỏng manh của mọi sự biểu hiện cá thể của cái đẹp là một quy luật định mệnh, không thể tránh khỏi. Nhưng để dàn hòa, dù chỉ trong lý thuyết, với sự toàn thắng ấy của quá trình vật chất hủy hoại tất cả, cần phải thừa nhận (và những trí tuệ nhất quán theo khuynh hướng này quả đã làm đúng như thế) cái đẹp và nói chung mọi thứ lý tưởng trên đời này là ảo giác chủ quan của trí tưởng tượng con người. Song chúng ta biết rằng cái đẹp có ý nghĩa khách quan, nó tác động cả ở ngoài thế giới con người, bản thân thiên nhiên cũng không dửng dưng với cái đẹp.

Thế thì, trong trường hợp ấy, nếu thiên nhiên không thực hiện được cái đẹp hoàn hảo trong lĩnh vực sự sống vật chất, chẳng phải ngẫu nhiên mà nó bằng những công lao và nỗ lực vĩ đại, kinh qua những tai biến khủng khiếp và những sản phẩm quái dị, nhưng cần thiết cho mục đích cuối cùng đã từ lĩnh vực chung ấy vươn tới khu vực sự sống có ý thức của con người. Nhiệm vụ mà không thể thi hành bằng những phương tiện của sự sống vật chất, phải được thi hành bằng những phương tiện của công cuộc sáng tạo của con người.

Từ đó nảy sinh nhiệm vụ gồm ba thành phần của nghệ thuật nói chung: 1) khách thể hóa trực tiếp những định tích và phẩm chất nội tại sâu sắc nhất của ý tưởng sự sống, mà không thể được thể hiện trong giới tự nhiên; 2) làm cho cái đẹp tự nhiên nhuần thấm tinh thần và qua đó 3) vĩnh cửu hóa những hiện tượng cá thể của nó.

Đây là việc biến sự sống vật chất thành sự sống tinh thần, tức là sự sống mà, thứ nhất, tự nó có lời khải huyền của nó, có khả năng tự biểu hiện trực tiếp ra ngoài, thứ hai, nó có khả năng cải hóa vật chất từ bên trong, làm cho vật chất chứa chan tinh thần hay là trở thành hiện thân của tinh thần và, thứ ba, nó đã thoát khỏi quyền lực của quá trình vật chất và vì thế mà tồn tại vĩnh viễn. Sự thể hiện hoàn hảo thể viên mãn tinh thần ấy trong thực tại của chúng ta, sự thể hiện ở đây cái đẹp tuyệt đối hay là sự kiến tạo một cơ thể hoàn vũ nhuần thấm tinh thần là nhiệm vụ cao nhất của nghệ thuật.

Rõ ràng sự thực hiện đầy đủ nhiệm vụ ấy phải trùng hợp với sự khánh chung của toàn bộ tiến trình thế giới. Chừng nào lịch sử còn tiếp tục, chúng ta chỉ có thể có những dự liệu (tiên báo) cục bộ và rời rạc về cái đẹp hoàn hảo ấy; các nền nghệ thuật tồn tại hiện nay, trong những tác phẩm vĩ đại nhất của mình, nắm bắt và nối dài thêm những tia sáng của cái đẹp vĩnh cửu trong thực tại hôm nay, bằng cách đó chúng báo trước, cho ta cảm thấy trước cái hiện thực không ở đây sẽ đến với ta, và bằng cách đó chúng làm cầu nối, làm khâu liên lạc giữa cái đẹp tự nhiên và cái đẹp của cuộc sống tương lai.

Được hiểu như vậy, nghệ thuật không còn là một trò tiêu khiển trống rỗng nữa mà trở thành một công việc quan trọng và giàu tác dụng giáo dục, những không phải theo nghĩa thuyết giáo dạy đời, mà theo nghĩa sự tiên tri đầy cảm hứng. ý nghĩa cao cả ấy của nghệ thuật không phải là một đòi hỏi tuỳ tiện, điều này có thể thấy rõ từ quan hệ không thể tách rời mà xưa kia đã từng tồn tại giữa nghệ thuật và tôn giáo. Tính không tách rời nguyên thủy ấy của sự nghiệp tôn giáo và sự nghiệp nghệ thuật chúng tôi, tất nhiên, không xem là lý tưởng.

Cái đẹp chân chính, viên mãn đòi hỏi độ tự do lớn hơn cho yếu tố con người và sự phát triển đời sống xã hội cao hơn, phức tạp hơn cái mức có thể đạt được trong văn hóa nguyên thủy. Chúng tôi xem sự xa cách hiện nay giữa tôn giáo và nghệ thuật như một trạng thái quá độ từ tính nguyên hợp cổ xưa của chúng hướng tới sự tổng hợp tự do trong tương lai. Bởi lẽ cả cuộc sống hoàn hảo, mà những tiên báo ta tìm thấy trong nghệ thuật chân chính, sẽ được xây dựng không trên cơ sở sự hút thu yếu tố con người bởi yếu tố thần thánh, mà bằng sự tương tác tự do giữa chúng.

Bây giờ ta đã có thể đưa ra một định nghĩa chung về bản chất của nghệ thuật thực thụ: mọi sự miêu tả cảm tính bất kỳ một vật thể sống hay hiện tượng nào từ giác độ trạng thái cuối cùng của nó, hay là dưới ánh sáng của thế giới tương lai, sẽ là tác phẩm nghệ thuật.

Chú thích:

  • Việc luận chứng cho điều khẳng định này đã thuộc về lĩnh vực siêu hình học chứ không phải mỹ học.
    • Cái sai của nguyên tắc này, trong cách ứng dụng như thế của nó, bộc lộ rõ từ mâu thuẫn nội tại mà nó mắc phải, bởi vì khi đã trở thành độc nhất, thì thể thống nhất đã không còn là vô điều kiện nữa.

III.

Những tiên báo ấy về cái đẹp hoàn hảo trong nghệ thuật con người gồm ba loại lớn:

1) Loại trực tiếp hay là huyền diệu, khi mà những trạng thái nội tâm sâu kín nhất, gắn nối chúng ta với bản chất chân chính của các sự vật và với thế giới không ở nơi đây (hay là nếu bạn thích nói như thế, với sự tồn tại an sich(2) của toàn thể cái hiện hữu), vượt qua mọi ước lệ và hạn chế vật chất, đã tìm được cho mình cách thể hiện trực tiếp và đầy đủ bằng những âm thanh và ngôn từ tuyệt mỹ (âm nhạc và một phần thơ trữ tình thuần túy)*;

2) Loại gián tiếp, thông qua sự tăng cường (làm mạnh lên) cái đẹp hiện tồn, khi mà ý nghĩa nội tại, hệ trọng và vĩnh cửu của sự sống, ẩn giấu trong những hiện tượng của thế giới tự nhiên và con người chỉ hiện ra lờ mờ và không đầy đủ trong vẻ đẹp tự nhiên của chúng, được người nghệ sĩ phát lộ và làm sáng tỏ bằng cách tái tạo nhưng hiện tượng ấy dưới hình thức tập trung, được thanh lọc và lý tưởng hoá: thí dụ nghệ thuật kiến trúc tái thiết dưới dạng lý tưởng hóa một số hình thức cân đối nhất định của các vật thể tự nhiên và thể hiện sự chiến thắng của những hình thức lý tưởng ấy đối với một thuộc tính phản lý tưởng cơ bản của vật chất là trọng lượng; nghệ thuật điêu khắc cổ điển, lý tưởng hóa vẻ đẹp của thân thể con người và giữ nghiêm ngặt các giới tuyến mỏng manh, nhưng chính xác gián cách vẻ đẹp thân thể với vẻ đẹp xác thịt, bằng hình tượng cho ta thấy trước cái kiểu thức thân thể nhuần thấm tinh thần mà một ngày nào đó sẽ hiện ra trước ta trong hiện thực sống động; hội họa phong cảnh (và một phần thơ trữ tình) tái tạo dưới dạng tập trung cái mặt lý tưởng của những hiện tượng phức hợp của giới tự nhiên bên ngoài, gạn lọc chúng khỏi những ngẫu nhiên vật chất (thậm chí khỏi cả quảng tính ba chiều), còn hội họa (và thơ) tôn giáo là sự tái tạo lý tưởng hóa những hiện tượng trong lịch sử loài người, mà ở đó đã khai mở trước ý nghĩa cao nhất của cuộc sống chúng ta;

3) loại thứ ba, loại phản diện của những tiên báo thẩm mỹ về hiện thực hoàn hảo tương lai, cũng là loại gián tiếp, thông qua phản xạ của lý tưởng khỏi môi trường không tương hợp với nó, môi trường ấy được người nghệ sĩ làm mạnh lên theo hướng điển hình hóa để cho ánh sáng phản xạ trở nên rực rỡ hơn. Tính không tương hợp giữa thực tại hiện hữu và lý tưởng hay là ý nghĩa cao nhất của sự sống có thể có nhiều dạng thức khác nhau: thứ nhất, một thực tại con người nào đó, hoàn hảo và tuyệt mỹ theo cách của mình (đích thị theo ý nghĩa con người tự nhiên) lại tỏ ra không xứng với cái lý tưởng tuyệt đối được dành cho con người tinh thần và nhân loại tinh thần.

Achille và Hector, Priame và Agamemnone, Krishna, Arjuna và Rama(3) rõ ràng là những con người tuyệt đẹp, thế nhưng việc làm của họ càng được mô tả một cách tài tình hơn, thì ở kết quả cuối cùng, càng nổi rõ hơn: họ chưa phải là những con người chân chính và không phải những chiến công của họ là sự nghiệp chân chính của loài người. Rất có thể, Homère – và chắc cả những tác giả của các bài trường ca ấn Độ – không ý thức được tư tưởng ấy, cho nên ta phải gọi sử thi Hy Lạp là sự phản xạ vô ý thức và mơ hồ của lý tưởng tuyệt đối khỏi cái thực tại con người tuyệt đẹp, nhưng vẫn không tương xứng với lý tưởng; thực tại ấy vì thế mà phải diệt vong:

Ngày đó sẽ đến, thành Troye thiêng liêng sẽ tử trận,
Sẽ tử trận cùng với thành cả Priame và dân cầm giáo của Priame(4).

Các nhà thơ thời mới, trở về với những đề tài sử thi cổ đại, thể hiện một cách có ý thức và dưới hình thức chân lý phổ biến cũng cái ý tưởng mà trước đây đã hiện ra một cách tự nhiên trong những tác phẩm làm mẫu mực cho họ. Bài Khúc khải hoàn của người chiến thắng của Schiller là như thế:

Mọi thứ vĩ đại trên đời
Đều tan biến như khói;
Hôm nay ngày định mệnh của Troye,
Ngày mai đến lượt thành khác.

Và còn sáng rõ hơn (như là một ấn tượng được nhấn mạnh) trong bài ballade của Zhukovski:

Dòng sông Ida mờ sương,
Thành Ilion chìm trong bóng tối,
Đoàn quân của Atride say giấc trong đêm,
Bình nguyên chiến trường lặng im trong giấc ngủ(5)…

Những quan hệ sâu sắc hơn với cái lý tưởng không được thực hiện ta tìm thấy trong bi kịch, ở đây bản thân các nhân vật được mô tả thấm nhuần ý thức về mâu thuẫn nội tại giữa cái thực tại của mình và cái phải có. Hài kịch, về phía mình, làm mạnh lên và khơi sâu cái cảm quan về lý tưởng bằng cách, thứ nhất, nhấn mạnh cái mặt của thực tại mà không thể gọi là đẹp bất kỳ theo nghĩa nào, thứ hai, cho ta thấy các nhân vật sống trong thực tại ấy như là những người hoàn toàn thỏa mãn với nó, bằng cách ấy mâu thuẫn của họ với lý tưởng càng trở nên sâu sắc hơn.

Sự tự mãn ấy, chứ nhất thiết không phải những thuộc tính bề ngoài của chủ đề, là dấu chỉ cơ bản của cái hài trong sự khác biệt với cái bi. Thí dụ, Oedipe, người đã giết cha và lấy mẹ của mình, vẫn có thể, bất chấp tất cả, là một nhân vật hài cao độ, nếu như y cho rằng tất cả đã đến một cách ngẫu nhiên và y không có tội tình gì, cho nên y có thể bình thản cai trị cái vương quốc đã rơi vào tay y**.

Định nghĩa hài kịch như là sự tiên báo phản diện cái đẹp của sự sống thông qua miêu tả điển hình hóa cái thực tại phản lý tưởng trong sự tự mãn của nó, chúng tôi hiểu cái tự mãn ấy, tất nhiên, không phải như là sự hài lòng của nhân vật này hay nhân vật kia đối với tình trạng cục bộ này hay tình trạng kia, mà chỉ như là sự thỏa mãn chung đối với toàn bộ thể chế cuộc sống nào đó; sự thỏa mãn ấy được chia sẻ bởi cả những nhân vật hành động mà trong giờ phút nào đó đương bất mãn với một cái gì đó.

Chẳng hạn, những nhân vật của Molière, tất nhiên, rất bất mãn khi người khác dùng gậy đánh đập chúng, nhưng chúng hoàn toàn thỏa mãn với cái trật tự cuộc sống mà trong đó sự đánh đập bằng gậy là một trong những hình thức cơ bản của sự sống chung. Tương tự như thế, mặc dù Chatski trong kịch Khổ vì thông minh rất phẫn nộ trước lối sống của xã hội Moskva, nhưng từ những phát biểu của y rõ rành rành là y sẽ hoàn toàn thỏa mãn với cuộc sống ấy, nếu mà Sophia Pavlovna quan tâm đến y hơn, và nếu các vị khách của ông Famusov không vểnh tai nghe gã người Pháp quê ở Bordeaux và không nói nhăng nói nhít bằng tiếng Pháp.

Vì thế, bất chấp sự bất mãn và thậm chí sự tuyệt vọng của mình, Chatski sẽ mãi mãi là nhân vật hài hoàn toàn, giả sử y là một nhân vật sống động thực sự. Đôi khi tinh thần phẫn nộ trước một chi tiết nào đó chỉ tô đậm thêm sự thỏa mãn đối với toàn bộ thực tại xấu xa, do đó mà ấn tượng hài lại càng mạnh thêm. Chẳng hạn trong kịch Đám cưới của Krechinski(7) cái hài lồ lộ của một độc thoại nảy sinh từ chỗ nhân vật nói độc thoại, bị thiệt hại vì cờ gian bạc lận, cho rằng trong trò cờ bạc kẻ thì gian lận, kẻ khác thì sát phạt, đó là chuyện bình thường, nhưng hắn chỉ phẫn nộ vì đã bị sát phạt quá mức.

Nếu ngoài sự khác biệt đã nêu giữa các yếu tố sử thi, bi kịch và hài kịch***, ta còn phân chia tất cả các kiểu người được nghệ thuật tái tạo thành chính diện và phản diện (như người ta vẫn thường làm), thì dễ thấy rằng kiểu thứ nhất phải chiếm ưu thế trong nghệ thuật tạo hình (điêu khắc và hội hoạ) còn kiểu thứ hai – trong văn chương. Bởi vì nghệ thuật điêu khắc và hội họa quan hệ trực tiếp với những hình thức thân thể, mà vẻ đẹp của chúng đã được hiện thực hóa trong thực tại, mặc dù chúng vẫn đòi hỏi được gia tăng, hay là lý tưởng hoá, trong khi ấy thì đối tượng chính của văn chương là đời sống đạo đức và xã hội của loài người, mà nó thì còn xa vô tận với các lý tưởng phải được thực hiện.

Để khắc một thân thể hay vẽ một gương mặt tuyệt đẹp, chắc không cần đến cái năng lực tiên tri thấy trước, biết trước và cái sức mạnh đúng nghĩa sáng tạo mà không thể thiếu được cho sự mô tả trong thơ văn một con người hoàn hảo**** hay một xã hội lý tưởng. Vì thế, ngoài những tác phẩm sử thi tôn giáo (trừ một số ít ngoại lệ, chúng đáng được khen ngợi vì ý đồ, chứ không phải vì sự thực thi), các nhà thơ vĩ đại nhất thường kiêng mô tả trực tiếp những điển hình lý tưởng hay là chính diện. ở Shakespeare, những điển hình như thế là hoặc những ẩn sĩ (trong Roméo và Juliette) hoặc những pháp sư (trong Dông bão) và nhiều hơn là những phụ nữ, song ở họ cái bản chất trong sáng tự nhiên trực tiếp nổi lên rõ hơn cái phẩm cách đức độ của con người tinh thần. Còn Schiller, yêu thích những kiểu người đức hạnh thuộc cả hai giới, lại mô tả chúng một cách tương đối yếu kém.

Để thấy ngay ở những tác phẩm thi ca vĩ đại nhất, ý nghĩa của sự sống tinh thần chỉ được thể hiện thông qua sự phản chiếu khỏi cái thực tại con ngươì phi lý tưởng, ta hãy lấy Faust của Goethe làm ví dụ. Ý nghĩa chính diện của vở bi kịch trữ tình – tự sự này chỉ hé mở trực tiếp ở màn cuối của phần II và được thâu tóm trừu tượng trong hợp xướng kết thúc Alles Vargangliche ist nur ein Gleichniss, v.v…(8) Nhưng ở đâu mối quan hệ hữu cơ trực tiếp giữa cái màn kết huy hoàng ấy và những phần khác của bi kịch? Những sức mạnh thiên giới và “das Ewig Weibliche”(9) hiện ra từ phía trên, có nghĩa là vẫn từ bên ngoài chứ không phải từ bên trong nội dung kịch. Tư tưởng của màn cuối có mặt trong toàn bộ Faust, nhưng nó chỉ phản xạ từ cái hành động một phần hiện thực, một phần kỳ ảo làm nên bản thân bi kịch.

Tựa như tia sáng lung linh sắc màu trong kim cương, làm cho người xem thích thú, nhưng tuyệt nhiên không làm biến đổi cơ sở vật chất của viên đá, ở đây cũng thế, ánh sáng tinh thần của lý tưởng tuyệt đối, được khúc xạ bởi trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, soi sáng hoạt động tăm tối của con người, nhưng không hề làm thay đổi bản chất của nó.

Ta cứ giả định rằng một nhà thơ nào đó mạnh hơn Goethe và Schiller đã cho ta, trong một tác phẩm thơ ca phức hợp, sự mô tả thực sự nghệ thuật, tức là chân thật và cụ thể, về cuộc sống tinh thần chân chính – cái cuộc sống phải có, cuộc sống hiện thực hóa một cách hoàn hảo lý tưởng tuyệt đối – thế nhưng ngay cái phép màu ấy của nghệ thuật, mà xưa nay chưa một nhà thơ nào làm được*****, phép màu ấy giữa cái đời thực vẫn sẽ chỉ như một ảo ảnh tuyệt vời trong sa mạc không có nước, nó làm hưng phấn nhưng không thỏa mãn nỗi khát tinh thần nơi ta.

Nghệ thuật hoàn hảo, trong nhiệm vụ cuối cùng của nó, phải làm hiển hiện lý tưởng tuyệt đối không chỉ trong trí tưởng tượng, mà cả trong đời thật – nó phải làm cho nhuần thấm tinh thần, làm hóa hình biến thể cái thực tại của chúng ta. Nếu có người bảo: việc này đã vượt ra ngoài biên giới của nghệ thuật, thì xin hỏi: ai đã đặt ra những đường biên ấy? chúng ta không nhìn thấy chúng trong lịch sử; ở đây chúng ta chỉ thấy nghệ thuật không ngừng biến đổi trong quá trình phát triển. Một số ngành của nó đạt được độ hoàn hảo có thể có được cho mình và không tiến bộ thêm nữa; song những ngành khác lại xuất hiện.

Hình như mọi người đều đồng ý rằng nghệ thuật điêu khắc đã được người Hy Lạp cổ đại phát triển đến độ hoàn hảo tột đỉnh, khó lòng mong chờ sự tiến bộ tiếp tục cả ở trong khu vực sử thi anh hùng và bi kịch. Tôi cho phép mình đi xa hơn nữa và không thấy là quá mạnh bạo tư tưởng cho rằng, cũng giống như những hình thái nghệ thuật vừa nêu đã được người đời xưa phát triển hoàn tất xong xuôi, các dân tộc châu Âu mới đã vắt kiệt tất cả những loại hình nghệ thuật khác mà ta biết, và nếu nghệ thuật vẫn có tương lai, thì là ở trong lĩnh vực tác động hoàn toàn mới. Đương nhiên sự phát triển mai sau của sáng tạo thẩm mỹ phụ thuộc vào tiến trình lịch sử chung, bởi vì nghệ thuật nhìn chung là khu vực thể hiện các ý tưởng, chứ không phải nơi chúng khởi thủy nảy sinh và phát triển.

Chú thích:

  • Tôi muốn nói đến những bài thơ trữ tình (và cả những đoạn trữ tình trong một số trường ca và kịch) mà ấn tượng thẩm mỹ về chúng không bị vắt kiệt bởi những ý tưởng và hình ảnh tạo nên nội dung ngôn từ của chúng. Có lẽ Lermontov đã ám dụ điều này trong những câu thơ nổi tiếng:
Có những lời nói – ý nghĩa
Sao tối tăm hay nhỏ nhặt
Nhưng không thể nào nghe chúng
Mà lòng không xao xuyến.
    • Tất nhiên, cái hài ở đây có thể có được chính bởi vì tội ác đã không phải là một hành vi có chủ ý. Một kẻ phạm tội ác tự giác, thỏa mãn với mình và những việc làm của mình, không bi và lại càng không hài, mà gây tởm.
      • Trong khu vực nghệ thuật tạo hình, hội họa lịch sử ứng với sử thi và một phần với bi kịch, hội họa phong tục với hài kịch, còn hội họa chân dung thì, tùy theo đối tượng, có thể có cả nghĩa sử thi, bi kịch và hài kịch.
        • Nhân cách của Kitô được mô tả đầy chất thơ chỉ trong kinh Phúc Âm, bởi những nhân chứng và nhưng người chép sử, chứ không phải bởi những nghệ sĩ.
          • Trong phần ba Thần khúc của Dante thiên đường được mô tả bằng những nét có thể là đúng, nhưng dù sao thì vẫn chưa đủ sống động và cụ thể – một thiếu sót quan trọng, không đền bồi được bằng những câu thơ dù êm tai nhất.

 —————————————

Chú thích:

  1. Đây là tư tưởng mỹ học cơ bản của Soloviev, đã được nói lên trong những trước tác thời trẻ như “Những nguyên lý triết học của tri thức toàn vẹn”, “Những thuyết trình về Thần-Nhân loại”.
  2. An sich – Bên trong mình (Đức).
  3. Soloviev gọi tên các nhân vật anh hùng trong sử thi cổ Hy Lạp và ấn Độ: Achille, Hector, Priame, Agamennon là những nhân vật trong “Iliat”; Krishna và Arjuna – trong “Mahabra hata”; Rama – trong “Ramajana”.
  4. Iliat IV, 164 – 165.
  5. Soloviev dẫn bốn câu thơ mở đầu bài thơ “Achille” của Zhukovski. Ida – dòng sông chảy dưới chân thành Troie; Ilion – tên gọi khác của Troie, Atrid – Agamennon, con trai Atreus.
  6. Khổ vì thông minh – kịch thơ (1824) của nhà văn Nga A. S. Gribojedov (1795-1829).
  7. Đám cưới Krechinski – hài kịch của nhà văn Nga A. V. Sukhovo – Kobylin (1817-1903).
  8. Alles Vergọngliche ist nur ein Gleichniss – Mọi cái nhất thời chỉ là những ảnh hình giông giống (Đức).
  9. “das Ewig Weibliche” – Nữ tính Vĩnh hằng (Đức).

Theo ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI / VLOS

Tags: