Bàn về giá trị của tín ngưỡng mang bản sắc thuần Việt

Loại đi vài điều không hay, tín ngưỡng mang bản sắc thuần Việt luôn là những viên ngọc quý, nó tạo một sinh lực dồi dào cho sức sống của dân tộc.

Bàn về giá trị của tín ngưỡng mang bản sắc thuần Việt

Sự tồn tại hào hùng và quật cường của bất cứ một dân tộc nào, trong bất cứ một hoàn cảnh địa lý nào, bao giờ cũng đặt ra những câu hỏi lớn. Bởi lịch sử của nhân loại đã có tiền lệ, không ít những quốc gia thịnh trị, sau một thời gian dài rực rỡ xuất hiện đã dần dần tàn lụi, thậm chí vĩnh viễn biến mất. Chẳng nói đâu xa, những quốc gia lừng lẫy một thời ở phía nam Đại Việt ví như Chiêm Thành hay Phù Nam là một minh chứng. Ở họ, từng có những thiết chế xã hội văn minh, từng có những giá trị văn hóa độc đáo đỉnh cao. Vậy mà…

Đã có rất nhiều những đại thuyết sâu sắc bàn về sự tồn vong của một quốc gia, một dân tộc từ góc nhìn văn hóa. Ngoài vô số những nguyên nhân hữu lý khác nhau, thì tựu chung đều cho rằng, sự tồn vong của một đất nước luôn phụ thuộc vào hai yếu tố lớn. Đầu tiên phải thâm hậu mang một nội lực tinh hoa văn hóa của riêng mình, và tinh hoa (elite) đó được đặc biệt thể hiện ở con người. Hai là luôn bền vững bảo đảm một nền văn minh đích thực, ngang bằng cao không kém những nền văn minh chung quanh đang lăm le xâm nội. Hạnh phúc thay cho nước Việt, hơn ngàn năm nay chúng ta luôn sở hữu cả hai điều đó. Vấn đề con người tinh hoa thì quá dễ thấy, bởi như “Đại cáo bình Ngô” tự tin từng viết: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Nhưng hào kiệt đời nào cũng có”. Còn về sự cao cả của văn hóa văn minh, chỉ cần cảm nhận qua những hình thức tín ngưỡng tôn giáo mang đậm đà bản sắc Việt là thấy rõ.

Những hình thức tín ngưỡng sinh hoạt tâm linh mang mầu sắc bản địa, luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đại bộ phận cư dân Việt. Với tuyệt đối người Việt, gia đình dòng họ là nhất, nên tín ngưỡng thờ kính tổ tiên có thể coi gần như là “quốc đạo”. Không kể sang hèn, nhà nào nhà nấy đều thành kính gìn giữ một bàn thờ gia tiên. Vào những ngày giỗ Tết, con cháu chân thành làm một mâm cỗ cúng hoặc chay, hoặc mặn tôn kính dâng lên bàn thờ, mong ông bà, tổ tông quây quần cùng về che chở phù hộ cho đám cháu con đang vất vả mưu sinh. Tất cả bỗng như quên đi những ám ảnh danh lợi, xì xụp khấn khứa. Ai ai mặt cũng long lanh một mầu thành thực sám hối, từ quan chí dân tất thẩy sắc diện đều thăng hoa thành thánh thiện.

Nói chung những thao tác cầu cúng, với các nghi thức trang trọng phong phú, đa dạng luôn hiện diện thường xuyên ở mọi thành phần dân tộc khác nhau trên đất nước. Tục thờ thần, thờ thánh thể hiện tính chất tín ngưỡng đa thần đã có từ xa xưa. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền thì “trong lịch sử, ông cha ta đã bảo lưu rất nhiều hình thái tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Sẽ thấy sự hiện diện của những hình thái sơ khai nguyên thủy như tín ngưỡng vạn vật hữu linh, các tín ngưỡng thờ sinh thực khí, các tín ngưỡng thờ thần thiên nhiên như Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, chớp), tín ngưỡng Tứ Phủ, tín ngưỡng thờ động vật, thờ nhân thần… Với hệ thống nhân thần thì các nhân vật được thờ phụng thường là các anh hùng có công với nước, giúp dân khai hoang lập ấp hay dựng nghề khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các thần nhiều khi cũng là những nhân vật hết sức bình thường, thậm chí tầm thường nhưng giống nhau ở chỗ đều chết vào giờ “thiêng” nên linh ứng với cộng đồng”. Cùng với nghi thức cúng lễ bản địa, cũng có rất nhiều nghi lễ tôn giáo ảnh hưởng từ bên ngoài, đặc biệt là từ nền văn minh sông Hằng, sông Dương Tử và vài thế kỷ gần đây có thêm Thiên Chúa giáo tới từ Tây phương, bởi bản chất của người Việt vốn khoan hòa cởi mở. Có điều, hầu hết những nghi lễ này đã được tinh tế sâu sắc Việt hóa.

Quan sát những người dân hôm nay nườm nượp đi cúng lễ, thì đàn bà phụ nữ luôn trội hơn, thế nhưng đàn ông cũng không hề là hiếm. Thuở ban sơ, do chưa có smartphone để hấp tấp “pốt” ảnh lên mạng xã hội nên hình hài của họ thường mơ hồ không rõ rệt. Theo những hình vẽ ở tranh dân gian như Đông Hồ, như Hàng Trống, đàn ông đi lễ hồi xưa (tất nhiên không kể những người tham gia với vai trò tổ chức) ăn mặc khá sặc sỡ, mặt mũi mang nét phảng phất nữ tính. Hơn nữa, nói như cụ Phan Huy Chú trong lời thưa đầu phần Lễ Nghi chí thì “từ đời Đinh, đời Lý về trước, nghi tiết còn đơn giản. Đến đời Trần, đời Lê về sau, lễ chế mới nhiều. Hoặc trước sơ lược mà sau mới tường tận hơn, hoặc trước không mà sau mới có”. Đó là do thói đời bị câu nệ “phú quý sinh lễ nghĩa”, cái thành ngữ này đúng cả cho rườm rà triều đình hay thô mãng thảo dân. Và nó cực kỳ đúng cho những thị dân ham đi lễ thời nay.

Tất nhiên người đi lễ bây giờ thì cũng nhang nhác, hao hao giống như thời xưa thôi, bởi lịch sử nhiều khi mang hình trôn ốc xoáy đi xoáy lại. Nếu có điều khác biệt thì đó là càng ngày càng ít những trong trắng ngây thơ. May mắn thay, ở nhiều vùng miền giờ đây vẫn thỉnh thoảng còn. Hoặc vô cùng đáng yêu như cô bé trong bài thơ kiệt tác “chùa Hương” của thi sĩ trẻ Nguyễn Nhược Pháp. Nàng đi lễ chỉ cầu xin ái tình và khối chân tâm trắng trong đấy đã được Trời Phật đền đáp. “Ngun ngút khói hương vàng. Say trong giấc mơ màng. Em cầu xin Trời Phật. Sao cho em lấy chàng”. Hoặc đám văn nghệ sĩ hay giắt theo chai rượu, la cà phóng túng từ hội vui này sang hội vui kia, miệng hớn hở cười vô tư thanh thản. Có họ, tín ngưỡng lễ hội dường như được “nhuận sắc” hơn, bởi họ luôn chân thành yêu quý mọi phong tục, mọi truyền thống của từng vùng quê. Đám này hay tìm đến những chùa nhỏ hay đền vắng ở khuất nẻo, rồi bỏ hàng buổi ngồi “chém gió” với mấy vị tu hành bơ vơ ở đấy. Họ thường không thấy mặt ở những chùa to mới xây đông người, vì họ quan niệm “đại tự” phải có “đại sư”. Đã là thiêng liêng, hoành tráng thì vị trụ trì chủ chăn ở đó không được phép thấp bé. Đã là đức tin, đã là tín ngưỡng thì không bao giờ có chuyện “vô lễ”.

Mươi năm gần đây, với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Nhà nước, thì “đạo thờ Thánh Mẫu” hay còn gọi tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ đã được phục hồi và nhắc tới nhiều. Đây là một tín ngưỡng thuần Việt vô cùng đặc sắc, mang một tín lý tinh tế giản dị, sâu sắc dung hòa Phật giáo Ấn Độ, Đạo giáo Trung Hoa vào tục thờ thần thánh đậm đà bản địa. “Tháng tám giỗ cha (hình ảnh thiêng hóa từ vị anh hùng lỗi lạc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn), tháng ba giỗ mẹ (bà Chúa Liễu Hạnh, Thánh Mẫu của người Việt). Những nghi thức Hầu Đồng ở tín ngưỡng này, là sự kết hợp đỉnh cao giữa âm nhạc và vũ đạo. Tất nhiên, ở hoàn cảnh ồn tạp từ các ứng xử văn hóa bây giờ, nó rất khó tránh khỏi những biến tướng không lành mạnh. Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cảm thán “ngày nay, nhiều ban cung văn không giữ được chất giọng hát văn chầu như xưa, mà nhiều nơi hát văn pha chèo, pha cải lương, thậm chí cả Opera nữa” (*).

Loại đi vài điều không hay, tín ngưỡng mang bản sắc thuần Việt luôn là những viên ngọc quý, nó tạo một sinh lực dồi dào cho sức sống của dân tộc. Trong bối cảnh quốc tế đương đại, khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang lên ngôi ở vô số các quốc gia lớn nhỏ, thì một chủ nghĩa dân tộc chân chính luôn đem đến những bài học quý giá. Có thể minh bạch thấy điều này qua sự nghiệp vĩ đại của Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Người đã đi từ lòng yêu nước thiết tha trong sáng rồi hòa nhập tiến tới những giá trị tinh hoa phổ quát. Ở sâu xa trong tư tưởng của Người, sức mạnh dân tộc luôn có một vị trí hàng đầu. Các tín ngưỡng tôn giáo thuần chất bản địa cũng vậy thôi. Nó là kết tinh đặc sắc của tâm thế Việt. Để giản dị từ đó, nó tự tin hiện diện trong tiến trình văn minh thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà vào ngày 1-12-2016, UNESCO đã tự hào chính thức công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

———————

Chút hích:

(*) Đạo Mẫu tam phủ tứ phủ, Nxb Dân Trí, trang 213.

Theo NGUYỄN VIỆT HÀ / NHÂN DÂN ONLINE

Tags: ,