Bản chất thực dân mới của ‘trật tự dựa trên luật lệ’ phương Tây

Rõ ràng là, “trật tự dựa trên luật lệ” do các nước Phương Tây đề ra mang khuynh hướng chủ nghĩa thực dân mới. Trật tự đó phân chia thế giới thành những quốc gia “được lựa chọn” có “pháp quyền thượng đẳng” và tất cả các quốc gia còn lại chỉ có nghĩa vụ duy nhất là phải phục tùng lợi ích của các quốc gia thuộc nhóm “tỷ phú vàng”.

Thông điệp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov gửi tới các đại biểu tham dự Diễn đàn pháp lý quốc tế St. Petersburg lần thứ XI về chủ đề “Các nguyên tắc cơ bản của trật tự pháp lý quốc tế đối lập với “trật tự dựa trên luật lệ”: tương lai của luật pháp quốc tế”.

Moskva ngày 12/5/2023

Các đồng nghiệp kính mến,

Tôi vui mừng gửi lời chào các đại biểu tham dự Diễn đàn pháp luật quốc tế St. Petersburg lần thứ XI.

Trong những năm qua, Diễn đàn này đã tự khẳng định mình là một nền tảng có uy tín để giới chuyên gia trao đổi quan điểm về các vấn đề của luật pháp Nga và luật pháp quốc tế. Hoạt động này nhằm xây dựng các cách tiếp cận chung để giải quyết các vấn đề pháp lý, phát triển khoa học pháp lý và giáo dục chuyên ngành pháp lý mà hiện nay đang có nhu cầu rất lớn.

Chủ đề của phiên thảo luận của các đồng nghiệp là “Các cơ sở nền tảng của trật tự pháp lý quốc tế đối lập với “trật tự dựa trên luật lệ’: tương lai của luật pháp quốc tế” là vấn đề rất cấp thiết.

Như các quý vị đã biết, Mỹ và các nước chư hầu của họ ở Phương Tây luôn tưởng tượng mình là người định đoạt số phận của nhân loại dựa trên cơ sở mô hình đơn cực của trật tự thế giới. Tình hình đó đã dẫn tới hậu quả là thiểu số các nước Phương Tây quyết định thay thế cấu trúc luật pháp quốc tế lấy Liên Hợp Quốc làm trung tâm đã từng được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai bằng cái gọi là “trật tự dựa trên luật lệ”. Những “luật lệ” hoàn toàn không cơ cơ sở pháp lý này được Washington và các đồng minh của họ tự nghĩ ra trong phạm vi hẹp và tự diễn giải chúng một cách tùy tiện. Sau đó, những “luật lệ” này được áp đặt lên cộng đồng thế giới như thể là điều lệ bắt buộc. Thế rồi họ ra sức trừng phạt những quốc gia không đồng thuận với những “luật lệ” này thông qua nhiều công cụ bất hợp pháp – từ gây áp lực mạnh mẽ đến phỉ báng họ trong không gian thông tin.

Rõ ràng là, “trật tự dựa trên luật lệ” do các nước Phương Tây đề ra mang khuynh hướng chủ nghĩa thực dân mới. Trật tự đó phân chia thế giới thành những quốc gia “được lựa chọn” có “pháp quyền thượng đẳng” và tất cả các quốc gia còn lại chỉ có nghĩa vụ duy nhất là phải phục tùng lợi ích của các quốc gia thuộc nhóm “tỷ phú vàng”.

Một “trật tự” lấy Phương Tây làm trung tâm sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu không áp dụng tiêu chuẩn kép. Chẳng hạn, một khi có lợi cho Phương Tây thì quyền tự quyết của các dân tộc được họ coi là “luật lệ có giá trị tuyệt đối”. Chúng ta chỉ cần đề cập đến câu chuyện tách Kosovo ra khỏi Serbia mà không dựa trên kết quả của bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào, hoặc là các tài sản thuộc địa cũ hiện nay vẫn còn có ở Paris và London hoàn toàn trái với nhiều quyết định của Liên Hợp Quốc. Còn một khi nguyên tắc tự quyết của các dân tộc mâu thuẫn với lợi ích địa chính trị của Phương Tây như trong trường hợp người dân Crimea tự do bày tỏ ý chí của họ, hay người dân Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk cũng như các vùng Zaporozhye và Kherson thể hiện mong muốn sáp nhập với Nga, thì Phương Tây không những phớt lờ mà còn nổi giận lôi đình và lên án quyền tự do lựa chọn của người dân và trừng phạt họ bằng các biện pháp cấm vận.

Ngày nay, bằng cách đổ lỗi của mình cho người khác, các quốc gia Phương Tây đang cay cú cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế. Cũng chính họ đã chà đạp luật pháp quốc tế khi phát động chiến tranh xâm lược Nam Tư, Iraq và Lybia. Họ cũng đã và đang hành động tương tự ở Syria.

Các nước Phương Tây cũng chà đạp một nguyên tắc cơ bản khác của Hiến chương Liên hợp quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Chúng ta hãy nhớ lại vòng bầu cử thứ ba được tổ chức vào cuối năm 2004 ở Ukraina, các cuộc “cách mạng màu” ở Gruzia và Kyrgyzstan. Họ còn công khai ủng hộ cuộc đảo chính đẫm máu ở Kiev trong tháng 2 năm 2014. Những hành động tương tự như vậy đang được lặp lại khi họ sử dụng biện pháp bạo loạn để giành chính quyền ở Belarus trong năm 2020.

Các đồng nghiệp Phương Tây nên nhớ rằng nguyên tắc then chốt của Hiến chương Liên hợp quốc là sự bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia, bất kể lớn hay nhỏ, thể chế chính trị ra sao, hình thức quản lý của chính phủ hay chế độ kinh tế-xã hội thế nào. Đồng thời, tôi xin nhắc lại, hành động theo truyền thống thuộc địa tồi tệ nhất, giới tinh hoa Phương Tây đang ra sức chia thế giới thành “chế độ dân chủ” và “chế độ độc tài”. Bản chất của “hội chứng độc quyền” này là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trắng trợn được người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu J. Borrell tuyên bố công khai rằng “Châu Âu là Vườn Địa đàng, còn phần thế giới còn lại là rừng rậm”.

Washington và những quốc gia ủng hộ họ chỉ trích và cáo buộc chúng tôi vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Một lần nữa tôi nhấn mạnh rằng chiến dịch quân sự đặc biệt được thực hiện trên cơ sở Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc quy định quyền tự vệ cá nhân và tập thể đã được Nga kịp thời thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chiến dịch này là phản ứng trước cuộc tấn công vũ trang do chính quyền Kiev tiến hành.

Đồng thời, trong chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga bảo vệ người Nga và những người nói tiếng Nga trước nguy cơ bị chính quyền Kiev tiêu diệt, đồng thời loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước Nga do Phương Tây tạo ra trong nhiều năm ngay trên biên giới của mình, chúng tôi phải hành động trước để ngăn chặn một cuộc chiến trạnh xâm lược quy mô lớn. Tôi xin lưu ý các quý vị rằng Nga đã làm tất cả những gì có thể để giảm mức độ căng thẳng ở Châu Âu. Các sáng kiến đã từng được biết đến của Tổng thống Vladimir Putin trong tháng 12 năm 2021 chính là nhằm mục tiêu này. Các cựu lãnh đạo Ukraina, Đức và Pháp cay cú thú nhận rằng chính họ đã phá hoại việc thực hiện các thỏa thuận này trong 7 năm liền để tuồn vũ khí cho Ukraina nhằm đối đầu với Nga là một bằng chứng sống động về điều này.

Một phần không thể thiếu của “trật tự dựa trên luật lệ” là việc các quốc gia Phương Tây sử dụng rộng rãi các biện pháp cấm vận đơn phương bất hợp pháp. Đây là một sự vi phạm trắng trợn tinh thần và nội dung của Hiến chương Liên Hợp Quốc bởi các biện pháp trừng phạt là đặc quyền của Hội đồng Bảo an.

Dựa vào cái gọi là “trật tự dựa trên luật lệ”, ngày một gia tăng các hành động xâm phạm cơ quan giải quyết tranh chấp hòa bình các cuộc xung đột. Tòa án Công lý quốc tế, cơ quan theo luật định của Liên Hợp Quốc có thẩm quyền không thể chối cãi trong việc giải trình luật pháp quốc tế hiện nay đang phải chịu áp lực rất lớn.

Trong trường hợp này, chế độ tân quốc xã Kiev và chủ nhân của họ là Mỹ đã khởi xướng một vụ kiện dựa trên tư duy logic sai lầm chống Liên bang Nga theo Công ước về ngăn ngừa tội ác diệt chủng. Tòa án đã không thể chống lại áp lực của “Phương Tây tập thể” và đến nay đã ra lệnh áp đặt cái gọi là các biện pháp tạm thời. Trong đó, hơn 30 quốc gia – chủ yếu là thành viên của EU và NATO, đang ra sức ủng hộ Ukraina. Chúng tôi coi những hành động như vậy là sự lạm dụng trắng trợn các thủ tục của Tòa án công lý quốc tế, một nỗ lực nhằm gây áp lực công khai và tống tiền.

Một ví dụ nổi bật khác về “trật tự dựa trên luật lệ” là một cơ quan như Tòa án hình sự quốc tế. Trên thực tế “Tòa án giả” này đã trở thành công cụ ngoan ngoãn phục tùng các thế lực Anglo-Saxon, tiếp tục thể hiện sự thiên vị chính trị, kém hiệu quả và thiếu chuyên nghiệp. Mối liên hệ của “Tòa án gỉa” này với các chủ thể trong khu vực chưa bao giờ góp phần giải quyết các xung đột về mặt chính trị mà chỉ làm cho xung đột thêm trầm trọng hơn.

Ngày nay, tổ chức này đang đưa ra những quyết định gây tranh cãi mới. Trong đó có quyết định đơn phương mở rộng phạm vi quyền tài phán. Vi phạm luật pháp quốc tế, tổ chức này đã hoàn toàn phớt lờ quyền miễn trừ của các quan chức nhà nước [nguyên thủ quốc gia]. Một chính sách như vậy trước đây đã từng dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ của ICC với các nước Châu Phi. Giờ đây, theo lệnh của các nhà tài trợ Phương Tây ở The Hague, họ đang dùng mọi thủ đoạn có tính chất phá hoại và thao túng để vẽ ra cách thức vận dụng mới. Nhân đây xin lưu ý, Vương quốc Anh, Hà Lan, Canada, Romania và Nhật Bản đã công khai đệ trình để xem xét hồ sơ của Ukraina với tên gọi các khoản chi ngoài ngân sách “theo mục tiêu”. Đây là một ví dụ điển hình về “quyền độc lập” của tư pháp theo “luật lệ” Phương Tây.

Các đồng nghiệp kính mến,

Nga nhất quán ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế mà nguồn gốc chủ yếu vẫn luôn là Hiến chương Liên Hợp Quốc, để củng cố các nguyên tắc dân chủ, hợp pháp trong quan hệ giữa các quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện củng cố vai trò trung tâm và điều phối của Tổ chức toàn cầu này trong các vấn đề của thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng tối đa khả năng tham gia của mình trong Hội đồng Bảo an, các cơ cấu khác của Liên hợp quốc, cũng như trong Nhóm những người bạn bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc.

Tôi xin được chúc tất cả các quý vị thành công trong hoạt động của mình và mọi điều tốt đẹp nhất.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM 

Tags: , , ,