Bài viết 100 năm trước về sự khó khăn của việc thay đổi lề thói cũ

Tập tục cũ đã đổ nát hết mức rồi. Còn an tâm nỗi gì mà không biến đổi! Ở trên có nói đến sự khó khăn, chỉ là muốn dân ta tự mình biến đổi tính tình phong tục để tạo cơ sở cho sự biến đổi về chính trị mà thôi. Mà muốn biến đổi tính tình, phong tục của dân ta, tất lại phải bắt đầu bằng sự tự giáo dục.

Bài viết 100 năm trước về sự khó khăn của việc thay đổi lề thói cũ

Quốc Dân độc bản (Đông Kinh Nghĩa Thục) – Bản chữ Hán năm 1907

Xưa nay trong ngoài (nước) không nơi nào vài mươi năm, vài trăm năm lại không có cuộc biến đổi về những tập tục cũ. Ngày nay, vạn quốc giao thông với nhau, học thức cùng trao đổi với nhau. Cái sở trường của kẻ khác có thể dùng để cải biến cái sở đoản của mình. Những tập tục cũ ắt phải biến đổi không ngừng. Tuy vậy có cái khó khăn ở đây. Phép cũ cùng truyền mãi, theo cũ lâu ngày thì đến miệng, tai, tay chân cũng quen với sự yên ổn, ít có sự biến đổi, thì việc lấy bên phải, đặt bên trái, chắc không phải là điều mong ước của lòng người. Đó là một điều khó.

Biến đổi một việc thì toàn cục cũng lay động theo, cái nghề công thương trong nước ắt là có sự lo lắng đến bàng hoàng và do dự. Việc làm tưởng là tiện lợi cho dân, trái lại thành làm hại dân. Đó là điều khó thứ hai.

Cái gọi là tiện lợi cho dân, thì đối với quốc dân lại có kẻ tiện lợi nhiều, có kẻ tiện lợi ít, làm gì có cái chuyện mọi người đều tiện như nhau cả. Những người không được hưởng cái tiện lợi, tất sẽ xúi giục ép buộc để cho việc không thể thi hành được. Đó là điều khó thứ ba.

Giữa lúc cũ mới giao nhau, ý kiến trái ngược nhau, nọ kia cũng khác, trên dưới rối loạn, gây thành họa lớn. Đó là điều khó thứ tư.

Việc biến đổi tập tục cũ đúng là rất khó và nguy hiểm, cho nên các nước châu Âu, đại khái là khi biến nền chuyên chế thành lập hiến, rồi lập hiến thành chế độ cộng hòa, tất phải trải qua cuộc biến loạn lớn. Đó là điều khó thứ năm.

Cái khó của việc biến đổi cái cũ, ở các nước đều như nhau, có riêng gì nước ta đâu? Nay nước ta, ví thử đưa ra một nghị định rằng: khắp cả nước ai cũng phải theo chế độ làm lính, ngày nọ sẽ phải đến tụ họp. Tôi biết dân ta sẽ có cảnh mẹ giữ con khóc suốt đêm, không an giấc. Lại bàn tiếp một nghị định rằng: nay xin mời các địa phương mở hội nghị để lo liệu lấy công việc chính trị trong địa phương mình. Tôi biết dân ta ắt sẽ nhìn nhau kinh ngạc hoang mang, không biết thi thố gì. Như thế thì tập tục sẽ mãi mãi không thể biến đổi được chăng? Không! Tập tục cũ đã đổ nát hết mức rồi. Còn an tâm nỗi gì mà không biến đổi! Ở trên có nói đến sự khó khăn, chỉ là muốn dân ta tự mình biến đổi tính tình phong tục để tạo cơ sở cho sự biến đổi về chính trị mà thôi. Mà muốn biến đổi tính tình, phong tục của dân ta, tất lại phải bắt đầu bằng sự tự giáo dục.

S.T

Tags: ,