Ba vị thái giám quyền lực nhất trong lịch sử Việt Nam

Người ta thường quan niệm thái giám là những người “yếu đuối”. Nhưng một số thái giám trong cung đình Việt xưa là những nhân tài kiệt xuất, lập nhiều công trạng to lớn cho giang sơn xã tắc.

Tượng Lý Thường Kiệt trong Đại Nam Quốc Tự, Bình Dương.

Vị anh hùng dân tộc – nhà quân sự – chính trị – ngoại giao Lý Thường Kiệt (1019-1105)

Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, sinh năm 1019 vào thời vua Lý Thái Tổ và mất năm 1105 dưới thời vua Lý Nhân Tông. Ông được lịch sử ghi nhận là một nhà quân sự – chính trị – ngoại giao lỗi lạc.

Sử cũ chép: “Vua Lý Thánh Tông thấy Lý Thường Kiệt dung mạo đẹp đẽ, tài năng khác thường, mới khuyên ông tự thiến mình đi để tiện việc gần gũi nhà vua trong cung cấm. Lý Thường Kiệt thuận theo. Hằng ngày, ông hầu cận bên vua, hiến việc tốt, can việc xấu, giúp vua hết mọi cách”. Vì công lao đó, ông được cử giữ chức Kiểm hiệu Thái bảo – một chức rất cao trong triều”. Ngoài ra, cũng có giả thuyết rằng, Lý Thường Kiệt tự hoạn vì tiền. Cụ thể, Lý Thái Tông thấy Lý Thường Kiệt “mặt mũi đẹp đẽ” nên cho 3 vạn quan tiền bảo tự hoạn để vào cung hầu hạ…

Tuy nhiên, cũng theo sử sách, người tịnh thân khi xưa thường là hoạn quan, không được trọng dụng trong những việc quốc gia đại sự. Vậy tại sao một người có tài và có trí như Lý Thường Kiệt lại can tâm làm việc này? Và khi đã tịnh thân sao ông vẫn được giao trọng trách cầm quân đánh giặc và lập nhiều chiến công hiển hách khiến quân Tống phía Bắc, quân Chiêm phía Nam phải khiếp sợ. Thêm vào đó, ông là con một công thần của nhà Lý nên gia sản của người cha để lại đủ để sống dư dả. Ông cũng không thể nào tự nguyện tịnh thân để vào cung làm quan bởi với cương vị là con của một công thần, việc đó chẳng khó khăn gì…

Dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Thái Bá Tân chỉ ra rằng, giả thuyết ông trở thành hoạn quan do bị hại là có vẻ hợp lý hơn cả. Sử sách cho biết, thời trẻ, Lý Thường Kiệt có một mối tình với Dương Hồng Hạc, tức hoàng hậu Thượng Dương sau này. Dương Hồng Hạc là con của Dương Đức Uy và là cháu gọi Hoàng hậu Thiên Cảm, vợ Vua Lý Thái Tông, bằng cô. Khi Hoàng hậu Thiên Cảm được Vua Lý Thái Tông sủng ái, cha của bà là Dương Đức Thành được phong làm Tể tướng. Từ đó, thế lực họ Dương được hình thành như: Dương Đạo Gia, Dương Đức Uy, Dương Đức Thao, Dương Đức Huy… ba thế hệ lần lượt nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều. Để tạo thêm thế lực cho họ Dương, Hoàng hậu Thiên Cảm đã đem đứa cháu gọi bằng cô ruột là Dương Hồng Hạc gả cho con chồng là Thái tử Lý Nhật Tôn để khi Nhật Tôn lên làm vua thì Hồng Hạc trở thành hoàng hậu.

Song, trước khi lấy Hồng Hạc, Thái tử Nhật Tôn đã được cảnh giác về việc họ Dương lộng quyền, có thể dẫn đến cướp ngôi vua, vì vậy Nhật Tôn không muốn gần gũi với Hồng Hạc vì lo sợ nếu có con sẽ trúng kế họ Dương. Mặc dù làm vợ Thái tử nhưng Dương Hồng Hạc không hề được chồng đoái hoài tới nên bà muốn nhờ người tình cũ là Lý Thường Kiệt giúp thái tử Nhật Tôn ở Đông cung, để được “ban hồng ân”. Và có lẽ vì lo cho hậu vận nhà Lý, Thường Kiệt đã không nhận lời giúp đỡ Hồng Hạc. Do vậy, một số nhà nghiên cứu lịch sử đương thời cho rằng, đó là lý do khiến ông bị Hồng Hạc và Hoàng hậu Thiên Cảm ra tay bức hại trong một đợt tịnh thân tuyển hoạn quan vào cung?

Nguyên do nào mà Lý Thường Kiệt trở thành thái giám? Câu hỏi này vẫn là đề tài tranh luận và nghiên cứu của các sử gia hiện nay. Thế nhưng, một minh chứng hùng hồn là thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống (1075-1077) gắn liền với tên tuổi của ông. Năm 1072, Lý Thánh Tông từ trần. Lý Nhân Tông lên nối ngôi khi mới có 7 tuổi. Lý Thường Kiệt được giữ chức Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng phụ công. Vào thời gian đó, chính quyền phương Bắc vẫn luôn nhòm ngó. Chúng xem đây là một cơ hội tốt để tiến hành ráo riết việc chuẩn bị xâm lược nước ta. Tại ba châu Ung, Khâm, Liêm, chúng xây dựng những căn cứ quân sự và hậu cứ to lớn để làm nơi xuất phát trực tiếp cho các đạo quân xâm lược.

Nhớ lại Chiến dịch Ung Châu, trước âm mưu và hành động rõ ràng công khai của địch, Lý Thường Kiệt cho rằng: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước, chặn thế mạnh của giặc”. Được triều đình tán thành, ông huy động 10 vạn quân tiến hành một cuộc tập kích đánh thẳng vào các căn cứ chuẩn bị xâm lược của kẻ thù ngay trên đất Tống.

Quân Việt bắt đầu tiến công vào đất Tống từ ngày 27 tháng 10 năm 1075. Thoạt tiên, quân Việt phá hủy một loạt các đồn trại biên giới, rồi lần lượt đổ bộ lên cảng và đánh chiếm các thành Khâm, Liêm. Sau đó, đại quân tiếp tục tiến sâu vào đất địch. Ngày 18 tháng 1 năm 1076 áp sát thành Ung. Đây là căn cứ quan trọng nhất trong những căn cứ địch dùng cho cuộc viễn chinh xâm lược vào Đại Việt. Sau 42 ngày vây hãm và tấn công quyết liệt, ta hạ được thành, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch.

Theo chủ trương đã định, quân ta được lệnh san bằng các thành lũy lớn nhỏ, tiêu huy các kho tàng lương thực, vũ khí, giáng đòn sấm sét làm tổn thất nghiêm trọng các cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của địch, làm nhụt nhuệ của bọn cầm quyền phương Bắc trong việc chuẩn bị chiến tranh xâm lược. Sau khi đã đạt mục tiêu của cuộc đánh sang đất Tống, Lý Thường Kiệt quyết định rút nhanh quân về nước. Cuộc rút quân rất đúng lúc, vừa bảo toàn được lực lượng, vừa phá được kế hiểm của giặc: chúng định điều quân lẻn sang đánh úp Đại Việt nhân lúc đại quân còn đang ở bên nước chúng.

Ghi nhận chiến công kỳ diệu, có một không hai trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt, trong Việt sử tiêu án, nhà viết sử Ngô Thì Sĩ đã ca ngợi Lý Thương Kiệt: “Bày trận đường đường, kéo cờ chính chính, mười vạn thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới còn không ai dám địch, lúc rút quân còn không ai dám đuổi, dụng binh như thế, chẳng phải nước ta chưa từng có bao giờ”.

Bị thua đau, nhưng nhà Tống vẫn rất ngoan cố. Lý Thường Kiệt biết chắc thế nào chúng cũng sẽ kéo quân sang phục thù và tiếp tục thực hiện mục tiêu xâm lược mà chúng chưa bao giờ chịu từ bỏ. Do vậy, ông phái người vào đất Tống để theo dõi cụ thể mọi động thái; đồng thời tập trung xây dựng phòng tuyến chính của quân ta dựa vào bờ nam sông Như Nguyệt (sông Cầu), có rào giậu nhiều tầng, chạy dài trên 200 dặm từ chân núi Tam Đảo đến sông Lục Đầu. Dưới sông có thủy quân, trên thành có quân đóng và tuần tiễu. Với phòng tuyến này, quân ta nắm chắc khả năng chặn địch, bảo vệ an toàn kinh thành Thăng Long và cả một vùng trung châu rộng lớn và trù phú của đất nước.

Cuối năm 1076, đại quân Tống chia làm nhiều cách vượt biên giới tiên ào ạt vào Đại Việt. Sau một tháng phải luôn luôn đối phó với những cuộc chống trả quyết liệt của nhân dân Đại Việt trên vùng biên giới và thượng du. Cuối cùng, ngày 18 tháng 1 năm 1077, đại quân Tống cũng tiến được tới bờ bắc sông Cầu. Nhưng đến đây, chúng đã bị chặn đứng lại. Thế nhưng, lần tiếp, chúng tập trung binh lực, đột phá trận tuyến quân Việt ở bến đò Như Nguyệt, chọc thủng được một đoạn phòng tuyến, tiến về Thăng Long… Song, dưới sự chỉ huy linh hoạt sắc sảo của Lý Thưởng Kiệt, hết lần này đến lần khác, địch đều bị tiêu diệt, tháo chạy hoặc đầu hàng.

Tuy nhiên, phải nói rằng, trong trận chiến Như Nguyệt, chiến lược phản công hiệu quả nhất của Lý Thương Kiệt là sức mạnh kỳ lạ của bài thơ Nam quốc sơn hà – làm tăng nhuệ khí và thêm sức chiến đấu cho quân ta, đồng thời làm nao núng tinh thần quân địch; giúp đại quân ta vượt sông bất ngờ đánh úp vào doanh trại chính của địch. Theo Việt sử lược, quân Tống đại bại, bị tiêu diệt đến năm, sáu phần mười…

Như vậy, có thể nói rằng, trong quá khứ hay hiện nay, Lý Thường Kiệt mãi được ghi nhận là một vị anh hùng dân tộc có nhiều đóng góp trong công cuộc phá Tống, bình Chiêm. Đặc biệt, bài thơ thần Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) của ông được coi như bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Hoàng Ngũ Phúc – văn võ song toàn, lập nhiều chiến công hiển hách

Hoàng Ngũ Phúc (1713 – 1776) quê ở xã Phụng Công, huyện Yên Dũng (nay là thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, Bắc Giang); làm quan nội thị thời Lê Trịnh.

Là một trong những thân tín của Chúa Trịnh Doanh, Hoàng Ngũ Phúc được thăng quan tiến chức rất nhanh. Sách Các quan thái giám trong lịch sử Việt Nam ghi: Đầu năm 1740, Hoàng Ngũ Phúc được trao chức Tả thiếu giám, sau đó không bao lâu lại được sung chức Nội sai của Hình phiên.

Năm 1743, Hoàng Ngũ Phúc dâng 12 điều binh pháp, được nhà chúa tán thưởng, vì thế Trịnh Doanh vừa hạ lệnh thi hành, vừa phong cho Hoàng Ngũ Phúc chức Thống lĩnh đạo kì binh 3, cùng Phạm Đình Trọng đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương.

Tiếp đến, năm 1754, Hoàng Ngũ Phúc đem quân đánh Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chiếm Thuận Hóa và Quảng Nam, dùng mưu lược chấp nhận kế giảng hòa của Nguyễn Nhạc, giữ vùng đất phía Nam được yên.

Không chỉ là người có công ổn định tình hình Bắc Hà, Hoàng Ngũ Phúc còn có công mở mang đất đai Bắc Hà xuống phía nam, lần đầu tiên đánh bật Chúa Nguyễn khỏi Thuận – Quảng, khôi phục lại cương thổ như thời Lê Sơ, chấm dứt giai đoạn phân tranh Nam – Bắc kéo dài hơn 200 năm.

Nhờ công lao đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, Hoàng Ngũ Phúc được phong Việp quận công, thường gọi là quận Việp. Từ đó, uy thế của Hoàng Ngũ Phúc trong triều rất lớn. Ông nổi tiếng là người mưu kế, có nhiều quân công, biết ứng xử tiến lui đúng lúc cả trong chính trường và ngoài chiến trường.

Theo sử sách, năm 1774, biến cố ở Nam Hà buộc Chúa Trịnh gọi quận Việp Hoàng Ngũ Phúc – lúc này đã 62 tuổi, về nghỉ hưu, quay trở lại cầm quân. Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm phong Hoàng Ngũ Phúc làm Bình nam vương thượng tướng quân, Bùi Thế Đạt làm phó tướng mang theo 4 vạn quân nam tiến, lấy danh nghĩa giúp Nguyễn đánh Tây Sơn.

Bách khoa toàn thư mở viết: Chúa Nguyễn biết lý do Trịnh vào giúp đánh Tây Sơn chỉ là chiêu bài, nên sai Kiêm Long đến nói với quận Việp Hoàng Ngũ Phúc rằng, Đàng Trong tự dẹp được Tây Sơn không cần quân Trịnh. Quận Việp hỏi nhỏ việc Đàng Trong, Kiêm Long nói khéo: “Đường không đi không đến, chuông không gõ không kêu”.

Quận Việp hiểu thâm ý của Long bèn quyết định tiến quân. Ông sai Hoàng Đình Thể tiến đánh luỹ Trấn Ninh. Các tướng Nguyễn làm nội ứng mở cửa đầu hàng. Quân Trịnh chiếm được Quảng Bình.

Tháng 11 năm 1774, Trịnh Sâm tự cầm thuỷ quân vào Nghệ An làm thanh viện cho Hoàng Ngũ Phúc. Ông điều quân đánh Lưu Đồn, thống suất bên Nguyễn là Tống Hữu Trường bỏ chạy. Quận Việp tiến đến Hồ Xá bèn dùng chiêu bài khác, lấy cớ trừng phạt Trương Phúc Loan chuyên quyền để nam tiến tiếp.

Quân Nguyễn yếu thế không chống nổi, Định vương Nguyễn Phúc Thuần phải trói Trương Phúc Loan nộp quân Trịnh. Bắt được Phúc Loan, Hoàng Ngũ Phúc lại dùng lý do giúp Nguyễn đánh Tây Sơn để tiến vào Phú Xuân hội binh.

Chúa Nguyễn sai các tướng trá hàng để quấy rối Quảng Bình, Bố Chính sau lưng quân Trịnh, nhưng các cánh quân đó bị quân Trịnh nhanh chóng phá tan. Chúa Nguyễn điều Tôn Thất Chí, Nguyễn Văn Chính ra đánh đều bị quận Việp đánh bại. Ông sai Hoàng Đình Thể, Hoàng Nghĩa Phác theo đường núi qua thác Trầm Ma đánh tan quân Nguyễn, giết chết Chính.

Đầu năm 1775, quân Trịnh tiến vào Phú Xuân. Chúa Nguyễn không chống nổi phải bỏ chạy vào Quảng Nam. Quân Trịnh chiếm toàn bộ Thuận Hoá. Thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc nhân chúa Nguyễn bỏ chạy vào Quảng Nam bèn mang quân hai đường thuỷ bộ ra đánh. Nguyễn Phúc Thuần vội bỏ Quảng Nam theo đường biển trốn vào Gia Định, để lại Nguyễn Phúc Dương với ý định sai Dương chiêu mộ quân Quảng Nam để đánh Tây Sơn từ phía bắc, còn Thuần đánh từ phía nam.

Dù đã lập công với chúa Trịnh là đánh bại quân Tây Sơn, nhưng Hoàng Ngũ Phúc cũng khá thức thời. Vào tháng 7 năm 1775, cùng lúc bệnh dịch hoành hành, lại nghe tin Nguyễn Huệ thắng quân Nguyễn chiếm lại Phú Yên, quận Việp án binh lại. Ông biết Tây Sơn đã đủ thực lực đứng vững, quân Trịnh không thể diệt được, nhất là khi quân của ông đi xa nhà đã mệt mỏi và phát dịch bệnh.

Theo đề nghị của Nguyễn Nhạc, ông đã phong chức cho Nguyễn Huệ làm “Tây Sơn hiệu tiền tướng quân”. Biết mình không thể đương nổi việc quân nữa, tháng 9 năm đó ông bí mật bàn với các tướng rút quân về. Hai tướng văn là Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Lệnh Tân bàn nên rút về Quảng Nam và đặt quan trông giữ phần lãnh thổ chiếm được.

Còn Hoàng Ngũ Phúc chủ trương rút hẳn về Thuận Hóa, vùng đất Quảng Nam. Ông sai người cầm thư đi gấp về Thăng Long xin ý kiến Trịnh Sâm. Trịnh Sâm xưa nay rất tin tưởng ông nên chấp nhận. Quân Trịnh rút khỏi Quảng Ngãi, lui hẳn về Phú Xuân…

Vì bỗng dưng phát bệnh, Hoàng Ngũ Phúc giao lại thành Phú Xuân cho phó tướng Bùi Thế Đạt, còn mình dẫn đại quân về bắc, nhưng giữa đường ngả bệnh mà chết. Về điều này, các sử gia đương thời cho rằng, tiếc cho nhà Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc chết khi đang thắng thế, nếu không… rất có thể ông ta đã làm lịch sử Việt Nam thay đổi không ít.

Tuy có uy thế lớn trong triều, quận Việp Hoàng Ngũ Phúc lại bị quần thần dị nghị rằng, một ngày nào đó ông sẽ tiếm quyền Chúa Trịnh. Bấy giờ lan truyền lời sấm: Thảo nhất điền bát, nghĩa là bốn chữ đó ghép lại thành chữ Hoàng.

Lại có câu sấm khác: Thổ sất vân gian nguyệt, Hoàng hoa ánh nhật hương, trong đó chữ nhật và chữ hoa thành chữ Việp, Hoàng là họ Hoàng. Thêm nữa cháu nuôi của Hoàng Ngũ Phúc là Hoàng Đình Bảo, vốn tên là Đăng Bảo – có nghĩa là lên ngôi báu, nên nhiều lời đồn thổi lan truyền sau này chú cháu quận Việp sẽ cướp ngôi chúa.

Để tránh hậu họa, Hoàng Ngũ Phúc đã đổi tên cho Đăng Bảo thành Hoáng Tố Lý để an lòng Chúa Trịnh và sau ông xin từ chức về hưu, được phong làm Quốc lão.

Lê Văn Duyệt – “Cọp gầm Đồng Nai” – một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự.

“Lê Văn Duyệt (1764-1832) là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự và trong các tư duy chiến lược của ông có sự kế thừa từ các anh hùng dân tộc trước đó” – Đây là nhận định chung của các nhà sử học, các giáo sư chuyên ngành và các học giả có tên tuổi trong nước tại các hội thảo của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng khoa học TP HCM, Tạp chí Xưa và Nay…

Theo sách Đại Nam liệt truyện do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn: “Lê Văn Duyệt có tổ tiên là người huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; cha là Toại dời đến ở tỉnh Định Tường, sinh được 4 con trai. Duyệt là con trưởng sinh ra nhưng không dái, mình thể ngắn nhỏ, tinh hãn, có tài lực. Năm Canh Tý (1780) Thế tổ (Nguyễn Ánh – Gia Long) lên ngôi vương ở Gia Định, Duyệt năm ấy 17 tuổi, được tuyển dụng làm Thái giám…”.

Lúc này, câu hỏi được đặt ra là tại sao Nguyễn Ánh chọn Duyệt làm hoạn quan? Chuyện rằng, Lê Văn Duyệt từng cứu Nguyễn Ánh cùng vài tùy tùng khỏi tử thần. Đêm hôm đó, Nguyễn Ánh bị quân Nguyễn Lữ đuổi bắt. Nhờ mưa to gió lớn, thuyền của Nguyễn Lữ không đuổi theo được thuyền Nguyễn Ánh. Nhưng khi đến Vàm Trà Lọt, thuyền chở Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng bị sóng lớn làm cho suýt bị chìm. Lê Văn Duyệt xuất hiện kịp lúc, đỡ thuyền Nguyễn Ánh đưa vào bờ, giúp Nguyễn Ánh thoát nạn.

Biết Nguyễn Ánh là dòng dõi Chúa Nguyễn, cha Duyệt hết sức cung kính, lo lắng cho Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng tạm trú ở đây mấy hôm. Sau đó, Nguyễn Ánh lại phải tiếp tục tìm đường lẩn trốn đoàn quân Nguyễn Lữ đang lùng sục khắp nơi. Lúc chia tay, Nguyễn Ánh cám ơn ông bà Lê Văn Toại và hứa là sau này trở lại đem Lê Văn Duyệt theo hầu.

Cuộc đời của Lê Văn Duyệt gắn bó chặt chẽ với Nguyễn Ánh – Gia Long. Ông cũng chính là một trong những công thần số một đã có công theo phò Vua khởi nghiệp triều Nguyễn từ những ngày còn lánh nạn Tây Sơn đến khi thống nhất và điều hành giang sơn. Sử sách ghi: Nhờ có biệt tài cầm quân, Lê Văn Duyệt dần dần trở thành võ tướng xuất sắc và điều này khiến chính Nguyễn Ánh không ngờ. Lê Văn Duyệt được Nguyễn Ánh tin cậy, giao việc chỉ huy tả quân, đồng thời nhiều phen trao quyền tiết chế, điều khiển cả các danh tướng…

Cụ thể, năm 1801, Vua Gia Long phong ông làm Khâm sai chưởng tả quân bình Tây tướng quân, Tước quận công. Năm 1802, ông chỉ đạo cả Nguyễn Văn Thành, Lê Chất đem quân đi bình định miền Bắc, được lãnh chức Kinh lược xứ Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1812, ông được phong làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ nước Chân Lạp (Campuchia) và được trao cho “Thượng phương kiếm” – kiếm của vua dùng và được quyền “tiền trảm hậu tấu” uy quyền như một vị phó vương (người Pháp thường gọi ông là Vice-Roi). Lần thứ hai, vào năm 1820, dưới thời Vua Minh Mạng, ông lại được cử làm Tổng trấn Gia Định. Ông cai quản thành Gia Định và cả miền Nam đến khi mất (1832).

Lê Văn Duyệt là người cương trực và trung thành, nhiều lần đã can ngăn vua, làm trái ý vua… Ông đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Ông vừa làm tốt công tác bảo hộ Cao Miên, ngăn chặn hữu hiệu ý đồ xâm lược của Xiêm La. Trong thời gian ở Gia Định, ông đã đề xuất với triều đình đào kênh Vĩnh Tế nhằm thoát nước, tiêu úng thay chua rửa phèn cho đồng ruộng. Và công trình kênh Vĩnh Tế có ý nghĩa to lớn về kinh tế, quốc phòng và hiệu quả mang lại rất lớn cho cho đất nước đến hôm nay.

Không dừng ở đó, Lê Văn Duyệt rất có tài đối nội lẫn đối ngoại. Ông đã khôn khéo mở rộng giao thương với các nước. Thời kỳ ông trấn nhậm đất Nam kỳ, nhiều tàu buôn của các nước: Trung Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện, Phương Tây và Châu Mỹ đã cập bến Gia Định, Bến Nghé để mua bán trao đổi hàng hoá. Sài Gòn Gia Định thời bấy giờ như một đặc khu kinh tế mở của nước ta.

Năm 1822, Crawfurd – người cầm đầu Phái bộ ngoại giao của toàn quyền Ấn Độ – ghé vào Bến Nghé và Gia Định, được yết kiến Lê Văn Duyệt và đã viết về ông: “Con người này ít học, nhưng lạ lùng thay lại có cái nhìn cởi mở hơn nhiều đại thần và cả nhà vua học rộng làu làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, mong muốn mở mang đất Gia Định trù phú hơn mọi quốc gia khác trong vùng biển Đông”.

Trong cuộc đời làm quan, dù quyền hành lớn, Lê Văn Duyệt không hề hiếp đáp kẻ dưới hoặc tìm mọi cách tư túi riêng. Thậm chí, có tư liệu viết, ông còn bỏ tiền cá nhân để làm việc công. Quân lính của ông rất có kỷ luật, không hề phá phách, cướp bóc… Khi được triều đình cử đi dẹp loạn, ông bao giờ cũng điều tra kỹ nguyên nhân, nếu biết đám quan lại hà hiếp dân, ông thẳng tay trừng trị… Vì thế, đương thời oai phong của Lê Văn Duyệt luôn khiến các nước lân cận nể sợ, gọi ông là “Cọp gầm Đồng Nai”, một trong “ngũ hổ tướng” ở Gia Định.

Thế nhưng tiếc rằng, sau khi ông mất, nhân vụ người con nuôi là Lê Văn Khôi khởi binh chống nhà Nguyễn, ông bị truy tội, mãi đến đời Tự Đức mới được phục hồi danh dự.

S.T

Tags: ,