⠀
Ảnh hưởng của sư Vạn Hạnh với hai triều Tiền Lê và Lý
Ông đã dốc lòng ủng hộ vua cha Lê Đại Hành nhưng cũng vì việc nước mà không phù con vua là Lê Long Đĩnh. Hơn nữa, ông đã quyết định giành ngôi cho Lý Công Uẩn, một người tài có tâm với nước.
Ông tham gia chính trị nhưng đứng ngoài hệ thống quyền lực để tránh xa danh lợi. Bởi thế, không chỉ Lý Thái Tổ mà các đời vua nhà Lý về sau đều sùng kính ông. Đó là sư Vạn Hạnh.
Một tinh thần nhập thế vì việc nước
Sách Thiền Uyển Tập Anh chép: “Chùa Lục tổ, làng dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Người Cổ Pháp, họ Nguyễn. Gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ sư đã khác thường, gồm thông ba học nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh. Năm 21 tuổi xuất gia, cùng với Định Huệ thờ Thiền Ông chùa Lục tổ làm thầy. Ngoài lúc hầu hạ, sư học quên cả mệt mỏi”.
Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, sinh năm 937 (hoặc 938?), từ lúc tuổi còn nhỏ đã bộc lộ bản tính thông minh, lớn lên thông cả Nho, Lão, Phật. Sư được sinh ra đúng lúc Ngô Quyền xưng vương và lập võ công hiển hách chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam.
Ông xuất gia vào khoảng năm 958, là khi nhà Đinh rối ren, từ loạn Dương Tam Kha (945) đến việc Ngô Xương Ngập bệnh chết rồi đến em là Ngô Xương Văn tử trận. Lê Hoàn lên ngôi thay nhà Đinh, đánh thắng quân Tống, tiếp tục củng cố chính quyền nhà nước tự chủ trong tình thế thù ngoài loạn trong. Là người theo thiền Tỳ Ni Đà Chi Lưu có yếu tố Mật giáo, gần cận với tín ngưỡng thần linh dân gian, chủ trương đi sát với quần chúng Nhân dân, biến nhà chùa thành nơi nương tự tinh thần cho dân chúng, sẵn sàng tham gia hành động chính trị xã hội, cùng với tinh thần yêu nước sâu sắc, sư Vạn Hạnh đã chủ động nhập thế vào công cuộc chung của dân tộc. Sử sách không chép nhiều những việc cụ thể ông đã tham gia với triều Tiền Lê nhưng qua một số thư tịch cổ cho phép chúng ta nghĩ đến sự đóng góp to lớn của ông với vua Lê Đại Hành.
Thiền Uyển tập anh chép: “Sau khi Thiền Ông viên tịch, sư chuyên tập pháp môn Tổng trì tam ma địa, lấy đó làm việc riêng mình. Bấy giờ sư nói ra lời nào thiên hạ đều cho là phù sấm. Hoàng đế Lê Đại Hành hết lòng tôn kính sư.
Năm Thiên Phúc thứ 1 (980), tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang cướp nước ta, đóng quân tại Cương Giáp, Lãng Sơn. Vua mời Sư đến, đem chuyện thắng bại ra hỏi, Sư đáp: “Trong vòng 3, 7 ngày giặc phải lui”. Sau quả nhiên như thế.
Đến khi vua muốn đánh Chiêm Thành, việc bàn định chưa dứt khoát, Sư tâu: “Xin mau cất binh, nếu không, ắt mất cơ hội”. Sau đánh quả nhiên thắng trận.
Nhưng công lao lớn nhất của sư Vạn Hạnh là đã dày công chuẩn bị để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, thiết lập một triều đại mới – Triều Lý, mở ra một thời đại phát triển rực rỡ của lịch sử Việt Nam.
Nếu Lê Đại Hành đã “trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự” (Đại Việt sử ký toàn thư – ĐVSKTT), thành công trong việc củng cố chính quyền T.Ư vững mạnh, chăm lo vỗ về dân chúng, giữ yên nội trị, bảo vệ được bờ cõi trước thế lực nhà Tống ở phương Bắc, Chiêm Thành ở phương Nam thì “tiếc rằng không sớm chọn con nối, khiến cho con cái tranh nhau bên trong, dẫn đến mất ngôi” (ĐVSKTT). Lê Long Đĩnh nối ngôi ông là một kẻ tính tình hung ác, dâm dật, dám giết cả anh trai ruột để cướp ngôi. Sư Vạn Hạnh đã sớm nhìn ra mầm họa đó và bất hợp tác để âm thầm chuẩn bị cho một cuộc “Đổi mới” về chính trị của đất nước.
Năm 981, nhà Tiền Lê thay nhà Đinh. Lúc này, Lý Công Uẩn 7 tuổi, được gửi vào chùa Lục Tổ theo học với sư Vạn Hạnh. Sách ĐVSKTT chép: “… nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng : “Đứa trẻ này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”.
Khi trưởng thành Lý Công Uẩn là người văn võ song toàn, nhân từ, khoan dung và chắc là do thiền sư Vạn Hạnh tiến cử nên được vua Lê tin dùng, giao phò Thái Tử để chuẩn bị lên ngôi kế nghiệp. Đầu năm 1005, Lê Đại Hành mất, Thái Tử Lê Long Việt lên ngôi. “Vua lên ngôi được ba ngày thì bị Long Đĩnh giết, bầy tôi đều chạy trốn, duy có điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc. Lê Ngọa Triều khen là người trung, cho làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ, thăng lên đến Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ” (ĐVSKTT).
Sau đó, sư Vạn Hạnh còn bày kế để Lý Công Uẩn lấy chị của vua làm vợ, lại cho em của vua là Bà Chúa Ba làm đệ tử tu hành ở chùa Hương nên thanh thế của Lý Công Uẩn trong triều rất lớn.
Ở ngôi có 4 năm mà Lê Long Đĩnh bị muôn dân oán thán, chính sự bệ rạc, thế nước ngày càng suy buộc sư Vạn Hạnh nỗ lực thay đổi chính quyền, thực hành việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Ông cho loan truyền truyền thuyết sét đánh trúng cây gạo ở chùa Minh Châu mà thành bài thơ tiên tri rằng: Vua non thì chết yểu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất thì họ Lý lên ngôi. Ông cũng nói đó hợp với sấm truyền từ thời sư Đinh Không cách 200 năm về sự đổi ngôi.
Ông bảo Lý Công Uẩn rằng : “Mới rồi tôi trông thấy lời sấm kỳ dị, biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy nên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng ông là người khoan từ nhân thứ, lại được lòng dân chúng mà binh quyền nắm trong tay, người đứng đầu muôn dân chẳng phải ông thì còn ai nữa”…
Một việc làm khác, có ý nghĩa lâu bền nhất là sư Vạn Hạnh tư vấn cho Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Lên ngôi được 9 tháng, tháng 7 năm 1010, Lý Thái Tổ ban chiếu dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Việc dời đô này thật ra đã được thiền sư Vạn Hạnh chuẩn bị từ rất lâu bởi ông nhận rõ vị thế địa chính trị/kinh tế/văn hóa của Đại La/Thăng Long. Dời đô về Đại La là một cao kiến thể hiện tư duy chính trị, tầm nhìn văn hóa xuyên thời gian, không gian của sư Vạn Hạnh.
Tác giả Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật giáo sử luận, viết: “Về phong thủy học, các thiền sư Định Không (730 – 808), La Quý An (852 – 936), và Vạn Hạnh (937 – 1018) đều là những người nổi tiếng. Ta có nhiều lý do để tin rằng quốc sư Vạn Hạnh, thầy của Lý Công Uẩn, là người đã thuyết phục vua này dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long trong ý nguyện bảo vệ cho nền độc lập được lâu dài… Ta có thể nghĩ rằng thiền sư Vạn Hạnh vừa là người thảo chiếu, vừa là người thiết kế họa đồ cho kinh đô Thăng Long vậy”.
Những ông vua biết trọng người tài
Rõ ràng là vì tài mà sư Vạn Hạnh đã được Lê Đại Hành trọng dụng như bậc quân sư. Việc nước to lớn nhà vua đều tham vấn ông. Không phụ lòng vua, sư đã dốc lòng phù trợ và thành công. Đây là sự gặp gỡ của hai người tài và cùng có tâm với việc nước.
Sư Vạn Hạnh đã dốc lòng ủng hộ Lê Đại Hành nhưng cũng vì việc lớn của nước mà không phù Lê Long Đĩnh. Hơn nữa, ông đã quyết định giành ngôi cho Lý Công Uẩn, một người tài có tâm với nước. Ông tham gia chính trị nhưng đứng ngoài hệ thống quyền lực để tránh xa danh lợi. Bởi thế, không chỉ Lý Thái Tổ mà các đời vua nhà Lý về sau đều sùng kính ông.
Kế tục sự nghiệp của Lý Thái Tổ, ba triều vua kế tiếp, Thái Tông (1028 – 1054), (Thánh Tông 1054 – 1072), Nhân Tông (1072 – 1127 ) đã củng cố nền độc lập tự chủ của dân tộc, xây dựng nền thái bình, thịnh trị cho đất nước mà đỉnh cao là đời Nhân Tông.
Lúc còn trị vì, chính vua Lý Nhân Tông đã nhìn nhận và đánh giá rất cao ảnh hưởng tinh thần to lớn của Sư Vạn Hạnh trong công cuộc dựng nên vương triều qua bài thơ truy tán công lao của Sư như sau: Vạn Hạnh dung tam tế/ Chơn phù cổ sấm cơ/ Hương quan danh Cổ Pháp/ Trụ tích trấn vương kỳ.
Hòa Thượng Thích Mãn Giác dịch: Vạn Hạnh thông ba cõi/ Thật hợp lời sấm xưa/ Quê nhà tên Cổ Pháp/ Gậy chống giữ nghiệp vua.
Lý Nhân Tông ca ngợi thiền sư Vạn Hạnh đã tinh thông và hòa hợp được Phật, Nho, Lão vào trong tâm hồn dân tộc thành một giá trị riêng của Việt Nam, khiến cho nhà Lý vững vàng và trường trụ.
Làm quân sư mà đến 100 năm sau vẫn được nhà vua sùng kính như sư Vạn Hạnh cũng là điều không dễ thấy. Phải là bậc quân tử hiền minh như Lý Nhân Tông mới có thể trông thấu nguồn cơn và tri ơn sâu sắc đến vậy. |
Theo KINH TẾ ĐÔ THỊ
Tags: Nhà Lý, Danh nhân Việt Nam, Nhà Tiền Lê, Vạn Hạnh