⠀
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chiến lược của các nước lớn
Là khu vực có vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới thế kỷ 21, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã, đang là điểm đến và triển khai chiến lược của nhiều nước, nhất là đối với các nước lớn. Vậy, nội dung chiến lược của các nước như thế nào và sự tác động của nó đến an ninh khu vực ra sao đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có dân số chiếm hơn một nửa dân số thế giới và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nhiều tuyến đường biển quan trọng, có ý nghĩa “sống còn” đối với nền thương mại toàn cầu. Đây cũng là khu vực “phát triển năng động” khi có sự hiện diện của ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và 07 trong số 08 thị trường phát triển nhanh, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),… với GDP chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực này cũng là “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên thiên nhiên, phổ biến vũ khí hạt nhân cùng các thách thức an ninh phi truyền thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, ổn định khu vực và thế giới. Nhiều phân tích chỉ ra rằng, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực có vị trí địa chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, nếu kiểm soát được khu vực này về cơ bản sẽ kiểm soát được thế giới. Chính vì vậy, các nước lớn, tổ chức khu vực, đặc biệt là các cường quốc đã và đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực quan trọng này bằng những chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu, lợi ích quốc gia.
Chiến lược của Mỹ
Sau khi nắm quyền, Tổng thống Joe Biden rất chú trọng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi coi đây là khu vực ưu tiên về an ninh, kinh tế và đối ngoại của Mỹ. Với mục tiêu: (1) giữ vững vai trò “độc tôn” lãnh đạo thế giới trong bối cảnh Trung Quốc, Nga – “đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu” – đang đẩy mạnh các hoạt động tại khu vực; (2) bảo vệ quyền lưu thông tự do về hàng hải và hàng không; (3) đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh, ổn định khu vực. Để thực hiện mục tiêu trên, Washington nhấn mạnh vai trò của các liên minh, liên kết về kinh tế, chính trị và an ninh mà Mỹ giữ vai trò chủ đạo, như: “Bộ tứ kim cương” (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), Liên minh AUKUS (Mỹ, Anh, Australia), tam giác chiến lược “Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc”, “Mỹ – Ấn Độ – Nhật Bản”, coi đó là các “trụ cột” của chiến lược. Cùng với đó, Mỹ còn gắn kết chặt chẽ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia nhằm chia sẻ trách nhiệm và lợi ích; mở rộng hợp tác với các nước ASEAN – “mắt xích” quan trọng trong định hình cấu trúc an ninh khu vực.
Đồng thời, Mỹ còn lôi kéo một số nước thông qua việc đề cao nguyên tắc “tự do, công bằng và có đi, có lại”; đẩy mạnh hợp tác đa phương, song phương; tiến hành viện trợ kinh tế, tài chính và nhân đạo; đầu tư vào các dự án có ý nghĩa chiến lược; xây dựng bộ quy tắc ứng xử dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế,… để tập hợp lực lượng, tạo lợi thế trước các “đối thủ” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đặc biệt, Washington còn điều chỉnh chiến lược nhằm duy trì ưu thế sức mạnh quân sự vượt trội tại các khu vực trọng yếu để răn đe, ngăn chặn các mối đe dọa, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia cũng như khẳng định vai trò “độc tôn” lãnh đạo khu vực, thế giới.
Chiến lược của Liên minh châu Âu (EU)
Để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tháng 9/2021, EU đã công bố Chiến lược đối với khu vực quan trọng này. Việc EU công bố Chiến lược đã phản ánh tư duy, cách nhìn mới về vị trí, vai trò của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong việc định hình trật tự thế giới thế kỷ 21. Lãnh đạo EU khẳng định: Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có vị trí chiến lược quan trọng đối với vị thế và sự phát triển của Liên minh trong tương lai. Chính vì vậy, EU chủ trương can dự vào khu vực với vai trò là đối tác quan trọng, nhân tố có ảnh hưởng toàn cầu để xây dựng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thành khu vực tự do và rộng mở cho tất cả các nước; đồng thời, thiết lập các mối quan hệ, hợp tác lâu dài, toàn diện với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, EU xác định 07 lĩnh vực ưu tiên, gồm: thịnh vượng chung và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh; quản trị đại dương; quản trị kinh tế số; kết nối khu vực; an ninh, quốc phòng và an ninh con người. Trên cơ sở đó, EU đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác có giá trị, như: Liên minh Xanh, Mạng lưới Ngoại giao mạng, Thỏa thuận Đối tác số sử dụng trí tuệ nhân tạo, v.v. Đối với các tranh chấp chủ quyền biển, đảo tại khu vực, EU ủng hộ các giải pháp đối thoại hòa bình, giải quyết bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế; cam kết phối hợp với đồng minh, đối tác, bảo vệ tự do hàng hải, thương mại, xây dựng khu vực ổn định và phát triển.
Cùng với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Liên minh, một số nước thành viên, như Pháp, Đức, Hà Lan cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng mình, nhằm bảo vệ lợi ích và vị thế tại khu vực quan trọng này.
Chiến lược của Trung Quốc
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Trung Quốc xem là “cửa ngõ” để nước này tiến ra làm chủ đại dương. Theo đó, thời gian qua, cùng với đưa ra yêu sách chủ quyền “đường 09 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” và sự hiện diện lực lượng tại Biển Đông – vùng biển có vị trí trọng yếu tại khu vực Thái Bình Dương, nước này còn hình thành “chuỗi liên kết” – “chuỗi ngọc trai” hay “con đường tơ lụa trên biển” từ Trung Quốc đại lục đi qua eo biển: Mandeb, Malacca, Hormuz, Lombok và các nước: Singapore, Campuchia, Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Somalia đến Port Sudan trong khu vực Sừng châu Phi. Trên “chuỗi liên kết” này, Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia, đầu tư xây dựng các “đặc khu”, hành lang kinh tế, như: Trung Quốc – Pakistan; Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar – Bangladesh; trục kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Singapore với hai cánh là Hợp tác tiểu vùng Sông Mekong mở rộng và Hợp tác tiểu vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, v.v. Các dự án kinh tế cùng với các liên kết, hợp tác trong Sáng kiến “vành đai và con đường”, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là cơ sở để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, an ninh; nâng cao uy tín, vị thế cường quốc cũng như gia tăng khả năng kiểm soát các địa bàn trọng yếu, các tuyến vận tải biển “yết hầu” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Trung Quốc còn chú trọng đầu tư xây dựng lực lượng “Hải quân biển xanh” hùng mạnh, nhằm đối phó với thách thức từ bên ngoài và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chiến lược của Nga
Giống như các cường quốc khác, Moskva coi Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực trọng tâm trong triển khai chiến lược biển của mình. Vì thế, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Điện Kremli tập trung vào các lĩnh vực: đầu tư phát triển vùng Viễn Đông thành “Trung tâm phát triển quốc tế” – cầu nối thương mại giữa Nga với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; tăng cường quan hệ chiến lược với các nước truyền thống, các liên minh, liên kết; trong đó, chú trọng xây dựng quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc nhằm tạo “đối trọng” với Mỹ, hạn chế sức ép từ Mỹ và phương Tây. Nga cũng đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với các nước, các tổ chức, diễn đàn hợp tác kinh tế, chính trị, an ninh trong khu vực và coi đây là một kênh quan trọng để Nga bảo vệ lợi ích quốc gia, gia tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chiến lược của Nhật Bản
Tháng 4/2017, Tokyo đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) với nội dung chủ yếu: thúc đẩy kết nối giữa châu Á với Trung Đông và châu Phi; củng cố hình ảnh, nâng cao vị thế toàn cầu của Nhật Bản với vai trò là một nước lớn; kết hợp với các đồng minh, đối tác đảm bảo sự cân bằng chiến lược ở khu vực. Theo đó, Nhật Bản coi trọng tăng cường “sức mạnh mềm” thông qua các dự án hợp tác kinh tế, hỗ trợ tài chính cho các nước tại khu vực Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi. Nhật Bản cùng với Ấn Độ chi hàng trăm tỉ USD cho dự án đầy tham vọng – dự án “Hành lang tăng trưởng Á – Phi” để xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối hai lục địa giàu tiềm năng. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tích cực tham gia liên minh với Mỹ, Ấn Độ, Australia; tăng cường hợp tác quân sự, quốc phòng với một số nước để đối phó với các mối đe dọa, các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo vệ tự do hàng hải, bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng nên nhiều tổ chức, nước lớn khác cũng không đứng ngoài cuộc đua tranh giành ảnh hưởng đối với khu vực này, như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có “Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”; Ấn Độ có “Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”; Australia có “Kế hoạch Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, v.v.
Việc các nước lớn, nhất là các cường quốc dành sự quan tâm đặc biệt cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực. Về mặt tích cực, chiến lược của các nước lớn sẽ mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển, chậm phát triển trong khu vực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc có thể làm nảy sinh các cuộc chạy đua vũ trang, khiến những tranh chấp tại các “điểm nóng” vượt tầm kiểm soát, đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn. Chính vì vậy, dư luận quốc tế cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát, thì hơn lúc nào hết các nước lớn, các tổ chức trong khu vực cần tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chung tay ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, xây dựng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
Theo MINH ĐỨC / TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN
Tags: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nghiên cứu quốc tế