9 ảo tưởng mà chúng ta thường dùng để dối gạt bản thân

Bằng cách đánh lừa chính mình, chúng ta đánh đổi những nhu cầu lâu dài chỉ để thỏa mãn những ước muốn ngắn hạn. Vì thế, sự trưởng thành chẳng qua chỉ là tiến trình xoá bớt những dối lừa chúng ta đang tự gạt bản thân.

9 ảo tưởng mà chúng ta thường dùng để dối gạt bản thân

Khi còn ở trường đại học, tôi đã tự nhủ rằng mình muốn trở thành nhà đầu tư ngân hàng và làm tại Wall Street. Một năm sau, với chỉ chưa tới 3 giờ đồng hồ mắc kẹt trong toà nhà ngột ngạt mang tên State Street, ước mơ của tôi đã nhanh chóng tiêu biến như bọt biển. Tôi muộn màng nhận ra rằng mình hòan toàn không muốn trở thành chủ nhà băng mà chính cảm giác có được quyền lực cũng như trở nên quan trọng thôi thúc tôi hết thảy. May mắn là tôi đã tìm được các cách khác nhau để thỏa mãn ước muốn của mình.

Đã có lúc tôi tự thuyết phục chính mình rằng bạn gái cũ đã “đá” tôi vì tôi không đủ tốt với cô ấy và tôi cần phải chứng tỏ bản thân mình cho bất cứ người phụ nữ nào mà sau này tôi gặp. Nhưng sau khi kinh qua hàng loạt những cuộc tình chả đi đến đâu thì tôi nhận ra rằng tôi hoàn toàn ổn và vẫn sống tốt mà không cần cặp kè với ai.

Tôi cũng từng tin rằng tất cả những cảm xúc tệ hại mà tôi có là kết quả của những nỗi đau thẳm sâu đâu đó trong lòng, và bằng cách cố vượt qua nó, tôi sẽ thay đổi chính mình thành một bản thể tốt đẹp hơn. Xin thưa các vị, đó chỉ là ảo tưởng (Thỉnh thoảng bạn cảm thấy tệ chỉ bởi vì bạn cảm thấy tệ mà thôi)

Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta thường là những quan tòa kém cỏi trong việc nhìn nhận cảm xúc và ham muốn của chính mình. Chúng ta đang tự lừa dối chính mình. Và chúng ta làm vậy chỉ với một lý do duy nhất là để tự cảm thấy tốt hơn.

Có thể chúng ta không nhìn nhận chính xác những lời nói dối mình tự đặt ra, nhưng hoàn toàn không sao cả khi phải thừa nhận rằng điều chúng ta tin là “sự thật” chẳng qua chỉ là cơ chế phòng thủ của bản thân khỏi việc chấp nhận những sự thật thẳm sâu và đớn đau hơn.

Bằng cách đánh lừa chính mình, chúng ta đánh đổi những nhu cầu lâu dài chỉ để thỏa mãn những ước muốn ngắn hạn. Vì thế, sự trưởng thành chẳng qua chỉ là tiến trình xoá bớt những dối lừa chúng ta đang tự gạt bản thân.

Nhiều người trong chúng ta dùng những lời nói dối tương tự để bảo vệ bản thân mình. Dưới đây là một số lời nói dối mà tôi đã tổng hợp lại dựa trên chính thực tế cuộc sống của mình cũng như của những người tôi đã làm việc.

1. “Nếu TÔi có thể X thì cuộc sống của tôi sẽ vô cùng tuyệt vời”

Trước tiên hãy chọn bất cứ việc gì bạn muốn để thế vào chữ X: kết hôn, làm tình, được thăng chức, mua xe hơi đời mới, có một căn nhà mới, sở hữu một con vật nuôi mới, gì cũngđược. Bạn rõ ràng đủ thông minh để hiểu được rằng không có mục tiêu nào có thể đưa bạn đến trạng thái hạnh phúc mãi mãi. Vậy thì, câu thần chú “Chỉ khi nào tôi có X, tôi sẽ …” không bao giờ trở thành hiện thực.

Chúng ta là loài sinh vật được tiến hóa nhờ việc không ngừng tìm cách thỏa mãn những nhu cầu chưa được đáp ứng. Đây là cơ chế sinh học hoàn toàn tự nhiên. Những con linh trưởng không chịu thỏa mãn cái chúng đang có, không ngừng muốn thêm nữa thường lại là những con có thể tồn tại và sinh trưởng mạnh mẽ hơn.

Đó là một chiến lược tiến hóa tuyệt vời, nhưng lại không phải là một phương pháp để đạt được hạnh phúc. Nếu chúng ta cứ không ngừng tìm kiếm điều sẽ xảy đến trong tương lai, chúng ta sẽ không thể trân quý những điều hiện hữu trong thời khắc này. Chúng ta biết thế, chúng ta cố gắng tách mình ra khỏi cơ chế tiến hóa này bằng việc thay đổi hành vi, tư duy và từ giáo dục.Tuy nhiên, đó vẫn luôn là điều bất di bất dịch trong mỗi người, là điều mà mỗi người phải luôn đấu tranh để chống lại.

Thế thì giải pháp ở đây là gì? Hãy học cách tận hưởng cuộc sống. Học cách tận hưởng cả những khó khăn. Học cách tận hưởng những đổi thay cũng như khát khao đạt được thành quả cao hơn. Tận hưởng cuộc đua mà bạn tự đặt ra cho chính mình. Người ta thường hay hiểu lầm rằng việc thỏa mãn mỗi giây phút của hiện tại và nỗ lực không ngừng để đạt được thành công trong tương lai là hai thái cực đối nghịch. Hoàn toàn không. Nếu cuộc đời được ví như vòng xoay của chú chuột hamster thì mục tiêu trong cuộc đời không nằm ở việc đi đến được đâu mà là tìm thấy được niềm vui trong tiến trình chạy đua.

2. “Nếu tôi có nhiều thời gian hơn, tôi sẽ làm X”

Vớ vẩn. Hoặc là bạn muốn làm cái gì đó hoặc là không muốn. Chúng ta thường thích ý tưởng của việc làm một cái gì đó hơn là việc thực sự bắt tay vào làm.

Tôi thích ý tưởng của việc trở thành vận động viên lướt sóng và có thể lướt sóng ở bất cứ nơi copngầu nào mà tôi đến mỗi năm. Nhưng mỗi khi thuê ván trượt, bao nhiêu ham thích thuở ban đầu bỗng dưng tiêu tan và tôi bỏ cuộc chỉ sau vài giờ. Tôi thích ý tưởng của việc giỏi chơi cờ vua nhưng lại không dành quá nhiều thời gian vào nó. Ngược lại, tôi rất muốn học thêm nhiều ngoại ngữ nên tôi đã tận dụng rất nhiều thời gian trong ngày để học.

Người ta hay kể lể rằng họ muốn khởi nghiệp, muốn có 6 múi, muốn trở thành nhạc sĩ đại tài. Nhưng thực ra họ không hề muốn. Bởi nếu có, họ đã dành thời gian và theo đuổi ước muốn đó. Họ chỉ đang đắm chìm vào thành quả lý tưởng sau cùng hơn là trực tiếp đối đầu vơí những khó khăn sẽ gặp phải khi theo đuổi mục tiêu trên.

Bạn có thể biện minh rằng: “Oh Mark, anh không hiểu đâu, tôi rất bận”.

Nhưng việc bận cái gì lại là chọn lựa của bản thân, và bạn sẽ lựa chọn việc đầu tư thời gian vào những điều có ý nghĩa với mình. Nếu công việc mà bạn đang làm ngốn đến 80 tiếng một tuần, điều đó có nghĩa là bạn muốn công việc này hơn bất cứ thứ gì mà bạn nói rằng bạn muốn. Và nếu vì lí do khách quan nào đó mà bạn phải làm nhiều đến vậy, bạn hoàn toàn có thể chọn cách để ngừng làm việc điên cuồng lại. Bạn hoàn toàn có thể chọn cách không đi làm. Bạn có thể chọn sống với ước mơ của mình hơn là việc trong túi rủng rỉnh tiền bạc hoặc ngủ đủ giấc hoặc ăn tại nhà hàng ưa thích hàng tuần. Nhưng bạn đã không…

3. “Nếu tôi nói hoặc làm X, mọi người sẽ nghĩ tôi ngu ngốc”

Sự thật là chả ai quan tâm việc bạn có làm X hay không, và nếu có quan tâm, họ sẽ để ý nhiều đến việc bạn nghĩ gì về họ hơn. Sự thật rằng bạn chả việc gì phải sợ mọi người nghĩ mình ngu ngốc, kì cục hay đáng ghét. Bạn sợ vì chính bạn đang nghĩ mình ngu ngốc, kì cục và đáng ghét.

Đây là vấn đề liên quan đến sự tôn trọng. Lời nói dối này xuất phát từ cảm giác thiếu an toàn khi nghĩ rằng bản thân chưa đủ giỏi. Nó hoàn toàn không liên quan gì đến việc những người xung quanh bạn tốt hay xấu vì họ còn bận lo lắng về việc bạn nghĩ gì về họ cơ mà.

4. “NẾU TÔI NÓI HOẶC LÀM X, NGƯỜI ĐÓ CUỐI CÙNG SẼ THAY ĐỔI”

Bạn không thể thay đổi được ai hết. Bạn chỉ có thể giúp họ tự thay đổi chính bản thân mình mà thôi. Tất cả hành động giúp đỡ nhằm để người đó thấy được ánh sáng cuối con đường hay trở nên tốt đẹp hơn, suy cho cùng đều xuất phát từ thói lo chuyện bao đồng của bạn mà thôi.

Đồng thời, bạn phải thấu hiểu một điều rằng tất cả lời khuyên và sự giúp đỡ nên được trao đi mà không đòi hỏi sự hồi đáp. Hãy yêu thương họ như chính họ đang là, dù đó là cái tôi chưa hoàn chỉnh, chứ đừng trao tình thương kèm theo điều kiện.

5. “Mọi thứ đều tuyệt/ mọi thứ đều tệ hại”

Vấn đề không nằm ở sự việc mà là ở cách bạn nhìn nhận chúng. Vậy nên, hãy đưa ra những lựa chọn sáng suốt.

6. “Có cái gì đó không đúng hoặc khác người vốn dĩ đã tồn tại bên trong”

Chính lời nói dối này là nguyên nhân tạo nên nỗi mặc cảm, niềm tin rằng đã có một phần khiếm khuyết nào đó vốn đã tồn tại trong ta ngay khi vừa mới sinh ra. Không may thay, khi phải sống trong một xã hội với hàng trăm triệu người kết nối ngày càng chặt chẽ với nhau, chúng ta không ngừng cổ vũ cho việc so sánh bản thân mình với các chuẩn mực xã hội. Khi lớn lên, chúng ta nhận ra rằng (và được nhiều người lặp đi lặp lại) mình cao hơn/thấp hơn, đẹp hơn/xấu hơn, thông minh hơn/ngu dốt hơn, ngầu hơn/lập dị hơn so với tiêu chuẩn sẵn có.

Công cuộc xã hội hóa này được tạo ra nhằm phục vụ một số mục tiêu thiết thực. Chúng ta được quy về 1 lối suy nghĩ, sống cộng sinh với nhau dựa theo một loạt các chuẩn mực văn hóa. Chúng ta biết rằng việc đâm vào cổ họng người khác hay dùng thịt trẻ chết non làm bữa sáng là sai. Xã hội hóa (phần lớn) giúp ích cho loài người.

Nhưng cái giá phải trả để tạo nên một xã hội bình ổn và gắn kết chính là nỗi ám ảnh khôn nguôi rằng chúng ta không đủ tốt, chưa đủ hoàn mỹ và đáng ghê tởm. Nỗi sợ đó còn đặc biệt nghiêm trọng hơn ở những người đã từng bị lạm dụng hoặc mang trong mình các chấn thương tâm lý từ quá khứ.

Niềm tin dai dẳng đó ảnh hưởng đến cả cách chúng ta nghĩ và là tác nhân tạo ra nhiều điều đau khổ trong suốt cuộc đời.

Nhưng đây mới chính là phần rắc rối nhất của cuộc sống: Chúng ta sợ phải từ bỏ cái niềm tin rằng chúng ta vốn khiếm khuyết từ khi mới sinh ra.

Tại sao vậy? Tại sao chúng ta cứ khư khư giữ niềm tin rằng chúng ta không hoàn hảo, chúng ta không xứng đáng với tình yêu thương và sự thành công như những người khác?

Lý do thật đơn giản: niềm tin đó giúp chúng ta cảm thấy mình đặc biệt. Nếu cuộc đời chúng ta chứa đầy những khiếm khuyết, chúng ta sẽ có quyền tự cho phép mình là phái yếu, là những người cố gắng vượt qua nỗi đau để trở thành 1 điều gì đó tốt đẹp hơn, một cá thể đặc biệt. Ngược lại, nếu chúng ta chấp nhận cái đẹp trong chính mình, trân quý giá trị của bản thân, chúng ta sẽ trở thành 1 kẻ vô danh, 1 phần của đám đông ngoài kia.

Và cứ như thế, chúng ta mãi khư khư giữ lấy cái nỗi đau mà chúng ta tự tạo ra và cho đó là một điều vinh dự. Bởi đó là nét nhận diện duy nhất mà chúng ta có…

7. “Tôi muốn thay đổi, nhưng tôi không thể bởi vì X”

Trừ phi X là “Tôi không thực sự muốn thay đổi”, không thì mọi biện minh đều là ngụy biện. Điều này hoàn toàn OK, ai cũng đều có những lúc như thế cả, vấn đề là bạn phải chịu trách nhiệm với chính lời nói đó. Bạn thực sự không muốn thay đổi, vì nếu có, bạn đã làm rồi. Và nếu bạn không thay đổi thì hẳn cái nỗi đau nỗi buồn gì đó bằng cách này hay cách khác đem lại cho bạn một số lợi ích.

Tôi từng có 1 cuộc nói chuyện với 1 vị khách hàng đầy tham vọng. Anh ấy cứ càm ràm đổ lỗi cho những bất công của hệ thống kinh tế và xã hội hiện tại. ”Chính chúng đã làm cho tôi không thể biến những ý tưởng kinh doanh của mình thành hiện thực” anh ta nghĩ thế. Thế nhưng xuyên suốt cuộc hội thoại, chàng trai dần nhìn vào một số niềm tin của bản thân và nhận ra rằng rất nhiều trong số chúng chỉ là lời bào chữa cho việc anh ta đang không cảm thấy hạnh phúc.

Nhưng tất nhiên, vẫn chả có hành động cụ thể nào được đưa ra. Đó là bởi cốt lõi của vấn đề còn sâu hơn thế nữa. Nỗi oán hận sự bất công của hệ thống hiện tại không chỉ là lời bào chữa cho việc anh chàng này dậm chân tại chỗ. Nó thậm chí còn giúp anh ta cảm thấy tầm quan trọng của bản thân. Nó nuôi dưỡng niềm tin rằng “Nếu tôi được phép thử, tôi sẽ trở nên vô cùng tuyệt vời”. Nhưng vì anh ta nghĩ mình không được phép thử, anh ta sẽ sống mãi trong cơn tức giận và nỗi buồn tủi.

Khát khao cảm thấy mình quan trọng là một trong những nhu cầu tâm lý cơ bản. Và trong trường hợp này, chàng trai trẻ vẫn muốn tiếp tục giữ cái nỗi đau buồn đó hơn là chịu đánh cược số phận mình để rồi cuối cùng thất bại.

8. “Tôi không thể sống nếu thiếu X”

Ồ thực ra trong hầu hết các trường hợp, bạn hoàn toàn có thể. Bài học lớn mà tôi nhận được sau khi đi du lịch nhiều nơi trên thế giới và phải sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt chính là: con người có khả năng thích nghi đáng kinh ngạc. Tôi (và nhiều người khác) đã quay lại quá trình chúng tôi đau khổ bán/cho đi hầu như tất cả các vật dụng của mình như thế nào. Và chỉ sau một thời gian ngắn sau đó, chúng tôi nhận ra rằng mình thậm chí còn không thèm nhớ mình đã trao đi cái gì nữa.

Xã hội này đang không ngừng thúc đẩy việc tiêu dùng hàng hóa để rồi chúng ta quên mất rằng về mặt tâm lý, chúng ta đã có tất cả những thứ mà mình cần. Tâm trí con người sở hữu khả năng kì diệu, có thể nhanh chóng thích nghi với những điều kiện ngoại cảnh mà vẫn giữ được trạng thái hạnh phúc. Và vượt trên cả những điều kiện cần của sự sống cũng như sự sung túc, điều quan trọng không nằm ở cái chúng ta sở hữu hay việc chúng ta làm gì mà chính là các mối quan hệ và hoạt động đó mang lại ý nghĩa gì cho chính mình.

Hãy biến cuộc sống thành một hành trình tìm kiếm những ý nghĩa đích thực trong đời. Đó chính là thang đo của sự thành công.

9. “Tôi biết mình đang làm gì”

Bạn hiền ơi, ắt hẳn là bạn biết mình đang làm gì rồi.

Cuộc sống của chúng ta được lấp đầy bởi những ước đoán tương đối, cho phép chúng ta thử để rồi thất bại để rồi lại tiếp tục thử. Và hiện tại suy đoán của tôi là bài viết này đã hết.

Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM / MARKMANSON

Tags: , ,