8 quan điểm Marxist vẫn ‘vững như bàn thạch’ trong thế kỷ 21

Có nhiều cách giải thích về tư tưởng của Marx. Nhiều trong số đó dựa trên phân tích khách quan. Nhưng cũng có người tìm cách bác bỏ Marx bằng cách viện dẫn những luận điệu chống Cộng sản theo kiểu hoang dã.

Nguồn: Eight Marxist Claims That May Surprise You; Mitchell Aboulafia; Jacobin Magazine; 1/12/2019.

Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net.

Tất nhiên, không phải lúc nào những nhận định của Marx cũng chính xác, nhưng ông vẫn là một gương mặt đáng được coi trọng vì những quan điểm vẫn còn nguyên giá trị trong thế kỷ 21.

1. Marx không chỉ đơn giản gạt bỏ chủ nghĩa tư bản. Ông ấy đã rất ấn tượng về nó. Ông cho rằng đây là hệ thống sản xuất có năng suất cao nhất mà thế giới từng đạt được.

“Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại. Sự chinh phục những lực lượng thiên nhiên, sự sản xuất bằng máy móc, việc áp dụng hoá học vào công nghiệp và nông nghiệp, việc dùng tàu chạy bằng hơi nước, đường sắt, máy điện báo, việc khai phá từng lục địa nguyên vẹn, việc khai thông các dòng sông cho tầu bè đi lại được, hàng khối dân cư tựa hồ như từ dưới đất trôi lên, có thế kỷ nào trước đây lại ngờ được rằng có những lực lượng sản xuất như thế vẫn nằm tiềm tàng trong lòng lao động xã hội?”.

– Tuyên ngôn Cộng sản.

2. Marx đã dự đoán chính xác rằng chủ nghĩa tư bản sẽ thúc đẩy cái mà ngày nay gọi là toàn cầu hóa. Ông nhìn thấy chủ nghĩa tư bản tạo ra một thị trường thế giới, trong đó các quốc gia sẽ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

“Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới. Mặc cho bọn phản động đau buồn, nó đã làm cho công nghiệp mất cơ sở dân tộc. Những ngành công nghiệp dân tộc đã bị tiêu diệt và đang ngày càng bị tiêu diệt… Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và các dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc”.

– Tuyên ngôn Cộng sản.

3. Không giống như các xã hội trước đây, có xu hướng bảo tồn cách thức sản xuất truyền thống, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh nhờ việc phát minh ra các phương thức sản xuất mới và ảnh hưởng mạnh đến lối sống của con người.

Công nghệ đã thay đổi cuộc sống của chúng ta với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Sản phẩm cũ liên tục phải nhường chỗ cho những sản phẩm mới (và tương tự với những người tạo ra chúng). Điều này có thể gây lo lắng sâu sắc, ngay cả khi những thay đổi mang tính tích cực. Nó có thể khiến nhiều người cảm thấy bị bỏ lại phía sau vì các giá trị và cách sống của họ không còn chỗ đứng trên thế giới.

Ngoài ra, việc sử dụng các công nghệ và phương pháp sản xuất mới để theo đuổi lợi nhuận cho số ít có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được. (Nếu sống trong thời đại của chúng ta, chắc chắn Marx sẽ tuyên bố rằng biến đổi khí hậu là hậu quả của một thứ chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát.)

“Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Trái lại đối với tất cả các giai cấp công nghiệp trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức sản xuất cũ là điều kiện kiên quyết cho sự tôn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước. Tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn năm đi kèm những quan hệ ấy, đều đang tiêu tan; những quan hệ xã hội thay thế những quan hệ đó chưa kịp cứng lại thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trí tuệ đều tiêu tan như mây khói; tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mỗi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo”.

– Tuyên ngôn Cộng sản.

4. Các công ty hùng mạnh, sự tập trung của cải và các phương pháp sản xuất mới khiến các chuyên gia độc lập và thương gia trung lưu ngày càng khó duy trì vị thế, khi kỹ năng của họ không còn được trọng dụng. Nói cách khác, Marx đã tiên liệu về sự tiến bộ của các xã hội tư bản.

“Những nhà tiểu công nghiệp, tiểu thương nghiệp và người thực lợi nhỏ, thợ thủ công và nông dân là những tầng lớp dưới của tầng lớp trung đẳng xa kia, đều bị rơi xuống hàng ngũ giai cấp vô sản, một phần vì số vốn ít ỏi của họ không đủ cho phép họ quản lý những xí nghiệp, nên họ bị sự cạnh tranh của bọn tư bản hơn đánh bại, một phần vì sự khéo léo nhà nghề của họ bị những phương pháp sản xuất mới làm giảm giá trị đi. Thành thử giai cấp vô sản được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp của dân cư”.

– Tuyên ngôn Cộng sản.

5. Marx không tìm cách xóa bỏ sở hữu tài sản. Ông không muốn đại đa số mọi người có ít của cải vật chất hơn. Ông không phải là người theo chủ nghĩa duy vật không tưởng.

Điều mà ông phản đối là một lượng lớn tài sản và của cải của xã hội lại thuộc sở hữu của một số ít các nhà tư bản trong giai cấp tư sản. Trên thực tế, ở phần cuối của trích dẫn dưới đây, Marx và F. Engels buộc tội chủ nghĩa tư bản tước đoạt tài sản mà người lao động xứng đáng được hưởng:

“Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ tài sản nói chung, mà là xóa bỏ tài sản tư sản. Nhưng chế độ tư hữu tư sản hiện thời, lại là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia.

Theo ý nghĩa đó, những người Cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu.

Người ta trách những người cộng sản chúng tôi là muốn xoá bỏ sở hữu do cá nhân mỗi người làm ra, kết quả lao động của cá nhân, sở hữu mà người ta bảo là cơ sở của mọi tự do, mọi hoạt động và mọi sự độc lập của cá nhân.

Cái sở hữu làm ra, kiếm được một cách lương thiện và do lao động của bản thân tạo ra! Phải chăng người ta muốn nói đến cái hình thức sở hữu có trước sở hữu tư sản, tức là sở hữu của người tiểu tư sản, của người tiểu nông? Chúng tôi có cần gì phải xoá bỏ cái đó, sự phát triển của công nghiệp đã xoá bỏ và hàng ngày vẫn tiếp tục xoá bỏ cái đó rồi”.

– Tuyên ngôn Cộng sản.

6. Marx nghĩ rằng con người có khuynh hướng tự nhiên là cảm thấy được kết nối với các đối tượng mà họ đã làm hoặc tạo ra.

Ông gọi đây là sự “đối tượng hóa” của lao động, theo đó ý ông muốn nói rằng chúng ta đặt một cái gì đó của bản thân vào công việc của mình. Khi một người không thể kết nối với công trình sáng tạo của chính mình, khi một người cảm thấy mình “ở bên ngoài” với nó, thì kết quả là sẽ bị tha hóa. Giống như thể bạn đang tạc một bức tượng, sau đó ai đó đã lấy nó khỏi bạn và bạn không bao giờ được phép nhìn thấy hoặc chạm vào nó nữa. Marx cho rằng công nhân ở vị trí tương đương như vỵ trong các nhà máy tư bản thế kỷ 19.

Vậy thì điều gì tạo nên sự tha hóa lao động?

“Đầu tiên, lao động trở thành mặt bên ngoài của người lao động, tức là nó không thuộc về bản chất bên trong của người đó. Vì vậy, trong công việc của mình, người lao động phủ nhận chính mình. Anh ta không hạnh phúc, không được phát triển tự do năng lực thể chất và tinh thần. Thậm chí, lạo động trở thành sự hành hạ thể xác và hủy hoại tâm trí. Người lao động thỉ cảm thấy mình là chính mình khi không làm việc, và khi làm việc thì thì anh ta không còn là mình nữa. Anh ta cảm thấy như ở nhà khi anh ta không làm việc, và khi anh ta làm việc anh ta không cảm thấy như ở nhà. Do đó, lao động của anh ta không phải là tự nguyện, mà là ép buộc. Đó là lao động cưỡng bức”.

– Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844.

7. Marx muốn chúng ta có thể thoát khỏi sự chuyên chế của sự phân công lao động và những ngày làm việc kéo dài, thứ ngăn cản các cá nhân phát triển năng lực và tài năng tiềm ẩn.

Trong xã hội tư bản, chúng ta trở thành người phục vụ cho một loại hoạt động chuyên biệt, và các khía cạnh khác của nhân cách chúng ta không được phát triển. Trong một đoạn văn đầy khát vọng, mà Marx viết khi còn trẻ, ông đã định hình tầm nhìn của mình như sau:

“Vì ngay khi sự phân phối sức lao động ra đời, mỗi người có một lĩnh vực hoạt động cụ thể, riêng biệt, bị ép buộc, và từ đó anh ta không thể thoát ra. Anh ta là một thợ săn, một người đánh cá, một người chăn gia súc, hay một nhà phê bình nghiêm khắc, và phải duy trì như vậy nếu anh ta không muốn mất phương tiện mưu sinh của mình. Trong khi đó xã hội Cộng sản là nơi không ai bị bắt buộc tham gia một lĩnh vực hoạt động chuyên biệt nào, mà mỗi người đều có thể làm bất kỳ việc gì mình muốn trong xã hội điều tiết sản xuất chung, và do đó, hôm nay tôi có thể làm việc này, rồi ngày mai chuyển sang một việc khác, đi săn vào buổi sáng, câu cá vào buổi chiều, chăn gia súc vào buổi tối, chỉ trích sau bữa ăn tối, chỉ vì tôi có trí tuệ, mà không bao giờ trở thành thợ săn, người đánh cá, người chăn gia súc hay nhà phê bình”.

– Hệ tư tưởng Đức.

8. Marx không phải là một người theo chủ nghĩa quyết định kinh tế thô thiển. Cách mọi người suy nghĩ và hành động để áp dụng quan điểm của ông mới là vấn đề.

Trong một bức thư Engels viết sau khi Marx qua đời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế học, nhưng ông cũng cố gắng làm rõ rằng Marx và ông đã bị hiểu sai, và đó là một phần lỗi của chính họ (hãy chú ý đến sự phê phán những người được gọi là “nhà Marxist” ở phần cuối của đoạn trinh dẫn):

“Bản thân tôi và Marx cũng phải chịu một phần trách nhiệm về việc những người trẻ tuổi đôi khi nhấn mạnh vào mặt kinh tế một cách quá mức. Chúng tôi phải nhấn mạnh vào các nguyên tắc chính khi tranh luận với đối thủ, những người đã phủ nhận nó, và không phải lúc nào chúng tôi cũng có thời gian, địa điểm hoặc cơ hội để diễn giải cho họ về các yếu tố khác có tương tác. Nhưng nói đến việc trình bày một phần của lịch sử, tức là để tạo vận dụng vào thực tiễn, thì lại là một vấn đề khác và không có sai sót nào được cho phép. Tuy nhiên, thật không may, điều đó xảy ra quá thường xuyên khi mọi người nghĩ rằng họ đã hiểu đầy đủ một lý thuyết mới và có thể áp dụng nó… Và tôi không thể miễn cho nhiều ‘Người theo chủ nghĩa Marx’ gần đây khỏi sự sỉ nhục này, cho thứ rác rưởi tuyệt vời nhất đã được họ tạo ra…”.

– Thư Engels gửi J. Bloch ở Königsberg.

ĐẠI VIỆT / REDSVN.NET

Tags: , , ,