⠀
7 loại sách độc hại bị cổ nhân lên án
Đành là ai cũng phải cố gắng tìm điều hay trong sách để học, thấy điều dở trong sách để tránh, nhưng phân biệt rạch ròi giữa điều hay và việc dở nào phải là dễ đâu.
Trích từ tham luận Tham luận cho Hội thảo “Sách và chấn hưng giáo dục” của tác giả Nguyễn Khắc Thuần
Xã hội ngày càng có quá nhiều những xu hướng nhận thức chính trị, khoa học và văn hóa khác nhau, tất cả được đọng lại trong từng trang sách. Lập trường chính trị đối nghịch đến mức quyết chí triệt tiêu nhau. Trình độ khoa học cao thấp đến độ biệt lập như trời với đất, như non cao với vực thẳm. Ứng xử văn hóa ngổn ngang trăm mối, gồm đủ cao thượng và thấp hèn, nhân bản và vô đạo.
Hóa ra, giữa người không có cơ may được đọc sách với người không biết nghiêm cẩn chọn lựa sách ngồn ngộn giữa thị trường để đọc, chưa chắc ai đã tệ hơn ai. Đành là ai cũng phải cố gắng tìm điều hay trong sách để học, thấy điều dở trong sách để tránh, nhưng phân biệt rạch ròi giữa điều hay và việc dở nào phải là dễ đâu.
Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê viết: những điều ghi chép trong sử sách luôn tỏ rõ sự phải trái, công bằng yêu ghét, vinh hơn hoa cổn, nghiêm hơn búa rìu. Đó đúng là cái cân, là cái gương của muôn đời vậy[1].
Hoàng Giáp Vũ Quỳnh tự sự: dấu xưa còn đó, tất cả chỉ cốt khuyên theo điều thiện, ngăn cấm điều ác, bỏ lòng dối trá và dưỡng tâm chân thực… tức là chỉ mong sao cho phong tục ngày một tốt đẹp mà thôi[2].
Sùng Nham Hầu Tiến Sĩ Dương Văn An bộc bạch: xem lời khen một người thiện thấy vinh dự hơn cả việc được áo gấm vua ban thì phải nuôi lòng hâm mộ đấng trung nghĩa để rồi cố noi theo. Xem lời chê một người ác, thấy ghê gớm hơn cả búa rìu thì phải biết xấu hổ thay cho kẻ loạn tặc để rồi luôn tự răn mình[3].
Cũng theo mạch tư duy này, Bảng Nhãn Lê Quý Đôn nói: ghi chép những lời dạy hay hoặc những lời nói phải của cổ nhân rồi dùng lời đó để lo giữ mình thì có thể được yên thân. Suy rộng những lời đó ra thì ta có thể làm được việc để giúp đời. Nghiên cứu mưu sâu và kế tốt của cổ nhân thì khi có người hỏi ta có thể ứng đối đầy đủ và khi hữu sự thì ta có thể theo đấy để mà châm chước[4].
Tóm lại, các cây đại bút của ngàn xưa đều đánh giá rất cao vai trò của sách vở. Nhưng một khi không phải sách nào cũng đều nặng lòng chuyển tải các giá trị học thuật và nghệ thuật thiêng liêng thì quả đúng tín thư bất như vô thư nghĩa là tin sách chẳng bằng không có sách.
Những loại sách mà người Anh gọi là counter-culture, người Pháp gọi là contre-culture và người Hoa gọi là 反 文 化 (phản văn hóa) thì không bao giờ vì chính nó hoàn toàn không thể nào tham gia quá trình mở lối vào văn minh và chấn hưng văn hóa nhân loại, ngược lại, chỉ lạnh lùng làm băng hoại luân thường và đại đạo làm người.
Cổ nhân vẫn thường nghiêm khắc lên án bảy loại sách sau đây:
Một là cuồng thư (狂 書): sách chuyên bàn những chuyện điên rồ, gây nguy hại cho sự yên bình của xã hội, tạo ra những tác động xấu tới nhận thức và hành vi của mọi người, nhất là tuổi trẻ.
Hai là loạn thư (乱 書): sách vô tình hoặc cố ý gây xáo trộn đối với kỷ cương và phong hóa của cộng đồng, xúi giục bốn phương thiên hạ làm những việc trái với phép nước.
Ba là hoang thư (荒 書): sách chuyên ghi chép những chuyện bịa đặt ly kỳ và khó tin nhằm đáp ứng tính háo sự lạ của bộ phận xã hội ít hiểu biết, khiến họ hay suy nghĩ theo xu hướng hoang đường.
Bốn là huyễn thư (炫 書): sách viết ra chỉ nhằm mục đích tự khoe khoang về họ tộc, gia đình và bản thân, gây nhiễu loạn nhận thức của không ít người, nhất là những người ở xa.
Năm là quái thư (怪 書): sách chuyên viết về những chuyện rất dị thường và quái đản khiến cho tư tưởng mê tín dị đoan có cơ hội phát triển, gây phương hại tới nền nếp gia phong.
Sáu là dâm thư (淫 書): sách cổ vũ hoặc đồng lõa với sự dâm loạn của những kẻ hư hỏng, khiến đạo hạnh làm người bị rẻ rúng và ngày càng suy đồi, sự thấp hèn có cơ hội trỗi dậy.
Bảy là đạo thư (盜 書): sách ăn cắp nội dung, ý tưởng hoặc phong cách diễn đạt của người khác. Ăn cắp, dù toàn bộ hay một phần tác phẩm cũng đều là ăn cắp và do vậy, cần phải nghiêm phê.
Không phải tất cả những quyển ngoài bảy loại nói trên đều là sách tốt nhưng ít ra cũng vô hại. Nếu một đời chỉ chuyên chú đọc sách từ loại vô hại trở lên, ích lợi nào phải là bé nhỏ đâu.
———————————————————-
Chú thích:
[1] ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (quyển thủ).
[2] Lời đề tựa viết cho bộ LĨNH NAM CHÍCH QUÁI.
[3] Ô CHÂU CẬN LỤC.
[4] KIẾN VĂN TIỂU LỤC.
Theo SACHHAY.ORG
Tags: Văn hóa đọc