⠀
7 câu nói của cha mẹ khiến trẻ em tổn thương
Những lời than trách, hay thậm chí những câu nói vô thưởng vô phạt của cha mẹ có thể khiến đứa trẻ tổn thương. Mối quan hệ cha mẹ, con cái cũng bị ảnh hưởng.
1. “Con thật lắm chuyện”: Trẻ nhỏ không giỏi kiểm soát cảm xúc, hành động của bản thân. Đôi khi, những lần trẻ khóc, giận dữ khiến cha mẹ mệt mỏi, khó chịu. Nhiều cha mẹ sẽ nói “con thật lắm chuyện” như một cách để yêu cầu trẻ giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng cách nói này sẽ vô tình bác bỏ cảm xúc thật của trẻ. Trẻ thường tìm đến cha mẹ để bày tỏ và học cách quản lý cảm xúc. Nếu cha mẹ cho rằng cảm xúc của trẻ là ngớ ngẩn, các em sẽ dần coi nhẹ tâm trạng, suy nghĩ của bản thân và người khác, theo Best Life.
2. “Con thật ích kỷ”: Trẻ nhỏ chưa có nhận thức về việc chia sẻ, đặc biệt là chia sẻ món đồ yêu thích với người khác. Nhiều gia đình từng gặp tình huống khó xử khi con từ chối chia sẻ đồ chơi với bạn bè. Khi đó, phần lớn cha mẹ sẽ yêu cầu con nhường, nếu trẻ không làm theo sẽ trách rằng “con thật ích kỷ”. Thực tế, ép con phải chia sẻ những món đồ mình thích không phải cách giúp con nâng cao các kỹ năng xã hội. Ngược lại, điều này vô tình khiến trẻ tổn thương và có những hiểu biết sai lệch về các mối quan hệ, theo Aboluowang. Vì thế, thay vì trách con, cha mẹ cần cho trẻ hiểu rõ bạn đang thất vọng về hành động chứ không phải con người của chúng.
3. “Ta ước chưa từng sinh con ra”: Dù thất vọng với trẻ, bạn cũng không nên nói rằng bạn ước chưa từng sinh chúng. Chuyên gia tâm lý Karen R. Koenig cho biết bà từng gặp nhiều trường hợp khách hàng bị tổn thương suốt đời vì câu nói này của cha mẹ. Bà Koenig khuyên rằng khi gặp chuyện bực bội, không vui, cha mẹ cần tạo cho mình không gian riêng để lấy lại bình tĩnh trước khi nói chuyện với con, tránh nói ra những lời gây tổn thương trẻ.
4. “Tại sao con không giỏi như anh chị?”: Nhiều cha mẹ cho rằng sự cạnh tranh, ganh đua sẽ giúp trẻ nỗ lực và biết cải thiện bản thân. Thực tế, những lời so sánh trẻ với anh chị em trong nhà có thể khiến đứa trẻ tổn thương nặng nè. Nhà trị liệu tâm lý Shirley Porter nhận thấy lời nói này của cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy bản thân không đủ tốt và không được cha mẹ coi trọng. Thậm chí, nhiều em dễ sinh lòng đố kỵ và ghen ghét với người thân của mình.
5. “Con thật chậm chạp”: Trẻ đôi khi lơ là, chểnh mảng và không làm việc kịp với tiến độ cha mẹ đặt ra. Những lúc như thế, cha mẹ thường giục hoặc trách rằng con thật chậm chạp. Cách nói này có thể khiến trẻ căng thẳng. Nhiều em vì bị cha mẹ giục đã trở nên lo lắng mỗi khi làm việc. Các chuyên gia tâm lý khuyên cha mẹ có thể cải thiện tình trạng này bằng cách biến các hoạt động thành trò chơi để tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho con. Ví dụ, khi chuẩn bị ra ngoài, bạn hãy chơi trò “ai mặc quần áo nhanh nhất” để tạo động lực cho trẻ chuẩn bị nhanh mà không cảm thấy căng thẳng.
6. “Vì sao con không thể làm gì nên hồn?”: Đây là một câu hỏi, nhưng về tính chất, nó lại là một câu khẳng định mang tính buộc tội. Những câu khẳng định mang tính buộc tội với trẻ thường không mang lại những tác dụng tích cực và có thể khiến trẻ tổn thương tâm lý. Khi trẻ mắc lỗi hoặc làm chưa tốt, cha mẹ cần bình tĩnh chỉ ra những điều trẻ cần cải thiện, thay vì chỉ tập trung chỉ trích những điều trẻ làm sai.
7. “Ta không tin con”: Cha mẹ luôn là người gần gũi và được trẻ tin tưởng nhất. Khi có tâm sự hoặc gặp những chuyện không hay, trẻ thường tìm đến cha mẹ để trải lòng. Đôi khi, những câu chuyện của trẻ thiếu thực tế và sẽ bị cha mẹ bác bỏ bằng cách nói rằng “ta không tin con”. Nếu bị cha mẹ đáp lại bằng câu nói này, trẻ sẽ tổn thương và cảm thấy không ai có thể lắng nghe các em tâm sự. Tiến sĩ tâm lý Meghan Marcum khuyên rằng, nếu muốn trẻ cảm thấy thoải mái khi mở lòng, cha mẹ cần tạo lòng tin bằng cách lắng nghe mọi điều trẻ nói ra. Sau khi nghe trẻ nói, bạn có thể bắt đầu đi vào phân tích đúng sai và giúp trẻ tìm cách xử lý cho vấn đề của mình.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Trẻ em, Gia đình, Tâm lý học