2022: Năm đánh dấu sự chấm dứt kỷ nguyên thế giới đơn cực

Trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh được cho là đã chấm dứt sau năm 2022, với việc Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina.

2022: Năm đánh dấu sự chấm dứt kỷ nguyên thế giới đơn cực

Bước ngoặt lớn

Năm 2022 vừa kết thúc. Đây là năm với nhiều tác động lớn lên tương lai địa chính trị thế giới.

Theo nhà phân tích chính trị Timur Fomenko, năm 2022 đánh dấu sự khép lại thế đơn cực của nước Mỹ bắt đầu từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 và việc thế giới chuyển sang một trật tự mới đa cực với nhiều nước lớn cạnh tranh với nhau.

Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Mỹ bước vào thời kỳ giành ưu thế áp đảo chưa từng có tiền lệ trên trường quốc tế. Sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự của Mỹ khi ấy ở mức vô song, nên họ có thể chủ động định hình trật tự thế giới theo ý mình. Không phải ngẫu nhiên trong thời kỳ này, Mỹ không theo đuổi “cạnh tranh nước lớn” mà tích cực can thiệp ở nhiều nơi trên toàn cầu nhằm thiết lập “trật tự thế giới mới” theo ý của Mỹ.

Những nơi Mỹ can thiệp bao gồm Iraq, Nam Tư, Libya, Afghanistan và Syria… Tương tự, Mỹ có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động lên các thể chế như Liên Hợp Quốc để áp lệnh trừng phạt lên các nước nhỏ đối đầu với Mỹ như Iran và Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong thời kỳ này, Mỹ chưa nỗ lực đối đầu với các quốc gia như Nga và Trung Quốc do họ cho rằng các nước này đang tất yếu trên con đường “Tây phương hóa và Tự do hóa”.

Mỹ tích cực thúc đẩy toàn cầu hóa thông qua tự do thương mại và đầu tư, cho rằng đây là phương tiện để đạt mục đích của mình.

Kết thúc trật tự hậu Xô viết

Nhà phân tích Timur Fomenko cho rằng, trong năm 2022, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là một bước ngoặt quyết định khi phá bỏ sự kết nối cuối cùng với trật tự thế giới hậu Xô viết.

Chứng kiến sự trỗi dậy của các nước như Trung Quốc và Nga, Mỹ bắt đầu quay lại với cạnh tranh nước lớn, đồng thời có những nỗ lực nhằm xác lập kiểm soát đối với các đồng minh có xu hướng xa rời mình. Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã có cách tiếp cận không khoan nhượng trong việc mở rộng khối quân sự NATO, đồng thời triển khai nhiều biện pháp đề kiềm chế Trung Quốc thông qua việc xây dựng các hệ thống liên minh mới như AUKUS.

Thông qua các xung đột địa chính trị, Mỹ cố gắng tái xác lập ảnh hưởng quân sự của mình, đồng thời ép các đồng minh tách xa các nước bị Mỹ coi là địch thủ, ngay cả khi các đồng minh đó của Mỹ có thể bị thiệt thòi về kinh tế. Vừa rồi, Mỹ đã gây áp lực để Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua năng lượng của Nga và chuyển sang mua khí đốt của Mỹ với giá cao hơn. Tương tự, Mỹ cũng có động thái để cô lập Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Các động thái trên của Mỹ lại tạo ra các cuộc chạy đua vũ trang mới, chạy đua công nghệ mới, cũng như sự mở rộng của các khối khác như BRIS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Thế giới ngày nay ngày càng giống với thế giới trước năm 1914 hoặc trước năm 1939, khi không chỉ có 2 đại cường quốc đối địch mà có rất nhiều nước cùng tranh giành ảnh hưởng. Khi Mỹ cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, còn có các nước đang nổi lên khác như Ấn Độ và Indonesia.

Thế giới mới chứa nhiều yếu tố bất định, ít ổn định hơn và có nhiều chia rẽ.

Theo VOV / RT

Tags: