Việt Nam và nền du lịch ‘xòe tay đòi tiền’

Khi không còn vị thế chủ nhân, không còn là người thụ hưởng và tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của quê hương mình nữa, người ta không thể yêu nó như xưa. Không phải là nhà thì không yêu, không trực tiếp ảnh hưởng tới danh dự, trái tim thì không ngại gì làm bẩn nó…

Cư dân mạng tấm tắc khen anh chàng Tây trong clip quảng cáo máy ảnh đang đi và chụp lại những khoảnh khắc của Việt Nam.

Nhưng có lẽ anh chàng Tây may mắn vì đang quay clip quảng cáo, chứ mà anh ta xách máy ảnh đi chơi thật, thì sau khi cười thật tươi, mấy em bé Sa Pa kia sẽ níu chân cho đến khi anh ta móc tiền ra mới thôi. Hoặc bi kịch hơn, các em bé sẽ không cười, mà bịt mặt lại, nói anh đưa tiền đây, rồi sẽ cười cho xem.

Các em bé Sa Pa ấy không có tội tình gì, nhưng hình ảnh bịt mặt xin tiền ấy thì đúng là biểu tượng của nền du lịch Việt Nam. Một nền du lịch của tất thảy những kẻ… xòe tay đòi tiền.

Khi di sản không thuộc về cư dân địa phương

Một buổi sáng, tôi đến thăm chùa Vĩnh Tràng tại Tiền Giang, hướng dẫn viên dắt theo 3 người nước ngoài. Chàng Tây nói to, bước thẳng ra giữa chính điện cúi người chổng mông đủ kiểu để chụp được tấm ảnh Phật mình muốn. Cô gái Tây mặc áo hai dây, vẫn đang nói chuyện với âm lượng lớn với chàng hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, nhà sư vẫn đều đặn gõ mõ, tạo ra từng âm thanh như giọt nước rơi thăm thẳm. Nhà sư không có can hệ gì đến cuộc hướng dẫn du lịch kia.

Vậy điều gì đã ngăn cản nhà sư không đến gần và góp ý rằng cô gái hãy nói nhỏ và chàng trai Tây hãy lịch sự hơn ở chốn nghiêm trang?

Một cảnh khác, dễ thấy hơn và xuất hiện khắp nơi ở Đà Lạt, một người ăn quà vặt, ngồi xuống ăn món bún cho ấm bụng, đứng lên bị tính cả trăm nghìn/tô. Không thỏa thuận xong thì chủ cãi nhau luôn với khách. Khách ấm ức vô cùng.

Tại sao người bán bún lại sỗ sàng như vậy với người khách hàng – đang trực tiếp trả tiền cho mình tại thành phố tình yêu này?

Tại Nhà thờ Đá Sa Pa, tôi đi dạo, và những người dân tộc kéo theo hàng đoàn, nằng nặc mời tôi mua một sợi vòng tay với giá 20 nghìn. Giả tưởng tôi là khách du lịch, tôi sẽ rất sợ hãi vì họ cứ bám theo hàng đoàn như thế. Tại sao họ lại làm vậy?

Tại một ngôi chùa cổ ở Ninh Bình, một ông lão có một con trâu được phủ lên lưng một tấm vải đỏ. Ông lão nằng nặc đi theo khách viếng chùa, chào mời việc cưỡi trâu chụp hình kiếm 10 nghìn đồng. Nhiều bà lão chạy theo khách, gần như van xin người ta hãy mua những chiếc quạt giấy giống hệt nhau. Tại sao họ lại làm thế?

Câu trả lời cho tất cả những hành vi trên đều có sẵn trong phương pháp quản lý du lịch mà tại Việt Nam đang thực hiện.

Vị hướng dẫn viên kia, khi bước vào chùa Vĩnh Tràng, đã trở thành người có “quyền lực”to hơn cả vị sư – chủ nhân của ngôi chùa. Ngôi chùa là di sản tâm linh của người địa phương và các nhà tu hành. Nhưng khi ngôi chùa được phong lên hàng “đồ cổ” tuyệt tác, nghiễm nhiên nó trở thành sản phẩm của bên Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch, nghĩa là nằm trong danh sách các công ty du lịch có quyền khai thác. Khi công ty du lịch đã được cho quyền khai thác, thì vị sư – về một mặt nào đó – không có quyền can thiệp vào “việc làm ăn” của anh tour guide và các anh chị Tây này. Nhà sư không được “trao quyền” ngay trong chính ngôi chùa của họ, nên không còn (hoặc không dám) mặn mà bảo vệ sự tĩnh lặng trang nghiêm của chùa nữa.

Cũng tương tự thế, hãy hỏi vài người bán sữa đậu nành lâu đời ở Đà Lạt, họ hoàn toàn khác hẳn cô bán bún trăm nghìn kia. Họ kể Đà Lạt là nhà họ, thành phố của họ, mái ấm của họ. Vì tự hào với vẻ đẹp của thành phố mình, họ bỏ công bảo vệ nó – họ yêu Đà Lạt – Đà Lạt cho họ miếng ăn nhờ khách du lịch – và họ tôn trọng mái nhà của mình nên không bôi tro trát trấu lên mặt thành phố.

Còn những người hàng rong phũ phàng? – Họ không cảm thấy lợi ích hay sự gắn bó thực thụ nào với thành phố đẹp này (ngoại trừ việc có thể ra thuê 1 chỗ bán hàng và móc tiền từ khách du lịch, thật sòng phẳng). Không phải là nhà thì không yêu, không trực tiếp ảnh hưởng tới danh dự, trái tim thì không ngại gì làm bẩn nó.

Với những bà lão dân tộc tại Sa Pa đi bán những chiếc vòng 20 nghìn, tôi từng nghe họ kể, nếu dệt được 1 xấp vải, có thể bán được 500 nghìn cho hàng chợ, nhưng như thế sao nuôi đủ gia đình khi dệt cũng hết hơn một tháng hoặc lâu hơn nữa. Vậy là họ đi bán vòng, trong chính cái Sa Pa đẹp tuyệt vời (mà một phần tuyệt vời ấy là do vẻ đẹp của người dân tộc tạo nên).

Sự “thặng dư” lớn nhất mà họ được hưởng từ chính vẻ đẹp của mình là bán được vòng với giá 20 nghìn, làm porter cho dân leo Fansipan với giá 150 nghìn/ngày. Trong lúc đó, các anh hướng dẫn viên du lịch từ miền xuôi lên – của các công ty du lịch – chỉ đi quãng đường y hệt như các porter từ chân lên đỉnh núi – hưởng tiền công cao gấp 3 -5 lần tùy chuyến. Chưa kể, trong chuyến đi, anh porter người dân tộc sẽ là người nấu ăn, cõng người phục vụ, cứu người nếu xảy ra tai nạn, anh tour guide không phải làm những việc quá nặng như thế. Người bản địa làm nhiều, văn hóa dày đặc, nhưng lợi ích thì ít. Họ phải kiếm đường khác làm ra tiền.  Cái đường làm tiền đó chính là thứ ta thấy, họ đi bán dạo vòng 20 nghìn/chiếc, đám trẻ con thì bịt mặt đòi chụp hình 10 nghìn/tấm.

Ngôi chùa cổ ở Ninh Bình cũng vậy, những ông già bà lão ấy không hưởng lợi gì từ ngôi chùa mà ông bà tổ tiên của chính họ đã kính thờ và chăm sóc. Các công ty du lịch mở tour đi thăm chùa, các công ty du lịch bố trí tour guide diễn giải về chùa. Còn họ là những người ngoài lề, họ phải tìm cách khác mưu sinh.

Không phải của mình thì không thể yêu hay bảo vệ

Tôi từng nghe một nhà văn hóa kể lại rằng, có một ngôi chùa rất nổi tiếng từng nhận được rất nhiều tiền cúng dường từ khách thập phương. Chùa có 1 hội đồng do dân trong núi bầu ra, hằng năm có ngày lễ kiểm tiền, rồi sẽ xây trường học, xây cầu hoặc mua xe cấp cứu, cứ theo nhu cầu của dân tại đó mà lấy tiền cúng ra làm. Truyền thống đó có từ lâu. Rồi bỗng chùa được giao lại cho bên làm du lịch, ông quản lý về nắm quyền chùa lấy tiền mua liền hai chiếc xe hơi, gọi là để đi công cán cho quản lý. Sự linh thiêng và tập tục tốt đẹp đã bị phá bỏ.

Đó chỉ là một câu chuyện rất nhỏ trong cách làm du lịch ở Việt Nam hiện nay. Những chính sách và cách làm du lịch đã biến người dân địa phương – vốn là chủ nhân của vẻ đẹp địa phương và giá trị di sản văn hóa – trở thành những người ngoài cuộc trong chốn làm ăn. Người dân thấy bên du lịch làm ăn xôm quá, họ phải nhảy vào, mà với suy nghĩ “thời làm ăn cả!” họ cũng phải giành giật mới ra miếng ăn, cũng khổ nhọc, khó khăn, trầy trật trăm bề. Thế là cái nơi thắng cảnh ấy trở thành cái chợ chứ còn gì nữa?

Người chủ không được trao quyền, không được trao lợi sẽ không thể yêu si mê cái di sản mà mình đang nắm giữ. Họ biết dệt vải thì đẹp và tốt, họ cũng thích truyền thống của mình mà, vậy tại sao họ phải đi bán vòng và mua vải Trung Quốc về mặc?- Bởi vì miếng ăn đè lên cổ họ, không làm thì chết đói, còn dệt vải thì 500 nghìn/tháng lấy gì nuôi con? Nhà sư biết anh chàng Tây chổng mông chụp hình thì không đẹp, nhưng làm sao dám nhắc. Nhà sư đâu có quyền can dự vào sự quản lý của bên du lịch với ngôi chùa của mình.

Bỗng nhiên, cái công việc du lịch toàn quốc toàn dân ấy, nghiễm nhiên là đem tiền về cho các tập đoàn, công ty du lịch nhưng không hề tính chút lợi còm nào đến những chủ nhân của di sản và thắng cảnh thiên nhiên.

Đừng ai nói rằng thiên nhiên là có sẵn nên ai kiếm được thì cứ khai thác. Nếu người Tây Bắc không còng lưng ra làm ruộng bậc thang thì liệu có ruộng bậc thang cho các bác làm du lịch chở xe bus hàng lô khách Tây đến rồi tuyên bố: Đây là di sản của Việt Nam không? Thiên nhiên cũng có những người chủ đã sống và làm đẹp nó cả ngàn năm đấy!

Rồi cũng bỗng nhiên, tại cái chợ Phố Cổ duy nhất giữa Đồng Văn, người ta tống cổ hết người dân tộc xuống cái chợ bê tông mới xây, lấy một cái nhà trong phố cổ, treo biển “Cà phê Phố Cổ”, cho đám du khách ngủ 50 nghìn/người/đêm, rồi gọi ấy là phố cổ. Vậy ai đã giữ gìn, làm đẹp và tạo ra sức sống cho phố cổ hàng trăm năm qua, có phải là đám người đang phải buôn bán ở cái chợ mới bằng bê tông gần đó?

Khi không còn vị thế chủ nhân, không còn là người thụ hưởng và tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của quê hương mình nữa, người ta không thể yêu nó như xưa….

Đó là cách làm du lịch của những tập đoàn, công ty… hệt như đám trẻ bịt mặt đòi chụp hình phải trả 10 nghìn/tấm.

Theo THANH NIÊN ONLINE

 

Tags: