Vì sao không dẹp bỏ lễ khai ấn đền Trần?

Vì sao lại loạn khai ấn? Vì sao loạn này không dẹp bỏ được, dù nó phản cảm gấp nhiều lần chuyện chém lợn của làng Ném Thượng ở tỉnh Bắc Ninh?

Vượt hàng rào nhảy vào đền tại lễ khai ấn đền Trần Nam Định 2016. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến.

Lễ khai ấn – phát ấn ngày càng tràn lan. Không còn là chuyện của một đền, một tỉnh, vụ việc hàng chục ngàn người chen lấn hỗn loạn để tranh giành một mảnh giấy (hoặc lụa) cỡ hai bàn tay đang thật sự gây nhiều phản cảm về một “tín ngưỡng” không biết đến từ đâu. Bài viết của tiến sĩ sử học Nguyễn Hồng Kiên mổ xẻ thực trạng này.

Từ tháng 3/2010, tôi đã có ý kiến rằng chuyện tổ chức khai ấn rầm rộ ở đền Trần Nam Định là một xuyên tạc lịch sử, không hề “bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên – Mông, vua Trần thiết triều ở Tức Mặc – Thiên Trường để thưởng công, ban tước…” như nhiều ý kiến này nọ bịa ra. Chính sử, thư tịch cổ không hề chép gì về cái gọi là “lễ khai ấn đền Trần” như vậy.

Ngày 21/2/2011, tôi cũng đã khẳng định “không có” khi trả lời câu hỏi của báo Tuổi TrẻCó không tục “khai ấn đền Trần”?

Ngày 18/7/2011, tại hội thảo khoa học Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012 do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam và UBND Nam Định tổ chức ở thành phố Nam Định, tôi đã nhấn mạnh điều đó trong tham luận của mình và đề nghị:

“Để chấm dứt việc xuyên tạc lịch sử, xin hãy trả lại lễ đóng ấn đầu năm cho nhà đền. Chính quyền không nên tham gia việc này nữa”.

Tuy nhiên sau đó báo chí tiếp tục phản ánh về loạn khai ấn, về chuyện cạnh tranh tổ chức lễ hội đền Trần (chủ yếu là đóng ấn), tôi tiếp tục khẳng định trước 
công luận:

– Lễ khai ấn ở đền Trần Thái Bình đã sử dụng một cái ấn rởm mua trôi nổi trong giới buôn đồ cổ.

– Lễ phát lương – phát ấn ở đền Trần (Thương) Hà Nam, khai ấn ở đền Trần (Tràng Kênh) Hải Phòng không ai biết nguồn gốc của cái ấn từ đâu ra.

Đến nay, theo thông tin tôi có được (chắc chắn là chưa đầy đủ) thì đã có rất nhiều đền đã và đang có dịch vụ này.

Ngoài Nam Định thì nhiều “đền Trần” ở Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình, rồi đền Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương). Rồi khai ấn không chỉ là lễ hội ở đền nữa mà đã lan tràn sang khu trung tâm văn hóa núi Bài Thơ ở Quảng Ninh (khai ấn Hội Tao đàn, niên hiệu Hồng Đức, bắt đầu từ năm 2014), sang cả chùa Trúc Lâm đại giác – Việt Nam Trần triều điện (Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Đến cả khu di tích/di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long năm nay cũng thể nghiệm khai ấn, lấy mẫu chữ từ một hiện vật còn chưa đồng thuận về công dụng/công năng.

Vì sao lại như vậy? Vì sao loạn này không dẹp bỏ được, dù nó phản cảm, gấp nhiều lần chuyện chém lợn của làng Ném Thượng ở tỉnh Bắc Ninh?

Tôi cho rằng có ba nguyên nhân chính:

1. Lễ hội nhỏ cấp làng xã bị thổi lên thành lễ hội lớn, thậm chí mang tính quốc gia. Vì vậy, người ta đã buộc phải nâng cấp, gán ghép và bịa đặt ra các “ý nghĩa” mới để thu hút người tham dự.

Cụ thể ở chuyện khai ấn đền Trần Nam Định là đã kết hợp hai chuyện hoàn toàn xa 
lạ thành một:

a- Việc các công sở của chính quyền thời phong kiến phong ấn trước tết – khai ấn sau tết (tức là tuyên bố ngừng việc và bắt đầu “phục vụ” trở lại).

b- Việc khai ấn đầu năm ở đền Lộc Vượng (Nam Định).

Việc chính quyền nghỉ tết và trở lại làm việc là chuyện rất bình thường, một việc rất hành chính, tất nhiên không hề/không thể bao hàm một ý nghĩa gì của việc phong chức – ban phúc.

Còn việc đền Trần ở Lộc Vượng khai ấn ngày rằm tháng giêng (đóng một số lượng ấn cực kỳ ít, đủ để phát cho các nhà đền thờ Đức Hưng Đạo vương xung quanh) thì chỉ diễn ra dưới thời Nguyễn (từ triều Minh Mạng). Và cũng không có gì liên quan đến phong 
chức – ban phúc.

2. Một số nhà nghiên cứu, một số cơ quan hữu quan (nghiên cứu, quản lý) chống chế, bênh vực… Không tiện dẫn cụ thể, nhưng ý kiến của họ đầy trên các báo.

Cũng xin dẫn một thông tin trên báo Lao Động ngày 27/2/2015: “nguồn thu mang lại quá lớn cho địa phương (gần 14 tỉ đồng, năm 2013)”. Xin nói thẳng rằng: Có rất ít ý nghĩa văn hóa ở các “lễ khai ấn” này, vì nói chung nó đã bị thương mại hóa!

3. Nguyên nhân cực kỳ nguy hiểm theo nhiều nghĩa, đó là sự có mặt của các quan chức nhà nước. Nhiều quan chức cấp cao liên tục được mời về phát lương, phát ấn.

Báo chí cũng liên tục đưa hình ảnh nhiều bộ trưởng về nhiều nơi để khai ấn. Với những tiêu cực chưa khắc phục được tại các cái gọi là “lễ hội khai ấn”, tôi cho rằng đó là một việc rất nên/cần/phải cân nhắc kỹ.

Chẳng hiểu có thiêng không

Lần kẹt xe kinh hoàng nhất mình từng trải qua trong đời chính là đêm khai ấn ở một ngôi đền nổi tiếng. Bảy tiếng rưỡi. Xe nhích từng centimet và sáng hôm sau bác tài không thể lái về được vì chân bị tê cứng sau một đêm ròng rà côn với ga.

Vào được đền, bảo vệ dẫn vào hậu điện. Đập vào mắt là thủ từ đang ngồi đếm tiền cúng tiến xoèn xoẹt. Toàn tiền mệnh giá tối thiểu 50.000 đồng, mới cứng (tiền lẻ mệnh giá thấp hơn thì cho vào bao tải, có một đội đếm sau). Thủ từ rút ra mừng tuổi ngay mỗi người 2 triệu. Rồi hỏi có muốn vào dâng hương không? Vâng có.

Thế là mấy lớp cửa khóa chốt được mở ra, thủ từ dẫn vào ban thờ chính, tít bên trong. Tha hồ mà thắp hương xin xỏ. Xong lại phát cho một xấp vải có in ấn đỏ chót từ bao giờ. Dấu xịn đấy, yên tâm – thủ từ nháy mắt, cho thêm mấy cành “lá ngọc cành vàng” gọi là lộc.

Về phát cho mỗi sếp một lá ấn. Nay các sếp vẫn là sếp cả. Mình thì thôi việc. Rốt cuộc chả hiểu có thiêng không.

(Trích Facebook nhà báo 
Phạm Gia Hiền)

.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE (2016)

Tags: , ,