⠀
Vì sao dân Trung Quốc ngày càng thù ghét những kẻ thích khoe của?
Khi người bình thường phải chật vật kiếm sống mới kiếm được một khoản rất nhỏ so với thu nhập của người giàu, hành động khoe mẽ độ sang chảnh bị coi là thiếu văn hóa.
Cuối tháng 5, Su Mang – cựu tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Trung Quốc, người có quan hệ rộng trong giới showbiz – gây tranh cãi với phát ngôn 650 nhân dân tệ (101 USD) không đủ tiền ăn một ngày.
“Chúng ta phải ăn uống tử tế hơn. Sao có thể có tiêu chuẩn thấp như vậy?”, Su Mang nói trong chương trình truyền hình thực tế 50 km Đào Hoa Ô, nơi 15 người nổi tiếng sống cùng nhau trong 21 ngày.
Phát ngôn này bị “ném đá” ngay lập tức. “Nhiều người mỗi ngày ăn khoảng 5 USD. Các người đang làm gì trên sóng truyền hình vậy?”, trích một bình luận của người dùng mạng Trung Quốc.
Nếu trước kia, các hành động khoe sự giàu có, sang chảnh của giới lắm tiền Trung Quốc có thể được công chúng thích thú dõi theo và ganh tị thì giờ thái độ đã thay đổi theo hướng ngược lại.
Hiện tại, bất kỳ hình thức phô trương nào, dù có chủ đích hay không, đều vấp phải sự thù ghét. Người nổi tiếng và các cậu ấm, cô chiêu thừa hưởng tài sản khổng lồ từ cha mẹ bị chỉ trích là không xứng đáng với thu nhập cao ngất.
Căm tức người giàu
“Sự chênh lệch giữa khoản tiền kếch xù các ngôi sao dễ dàng thu về và khoản thu nhập ít ỏi trung bình mà số đông phải chăm chỉ làm mới có được là điều gây ra bất bình”, tiến sĩ Jian Xu từ Đại học Deakin, người nghiên cứu về văn hóa truyền thông Trung Quốc, cho biết.
Tiến sĩ Haiqing Yu, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học RMIT Melbourne, nói thêm rằng “Phát biểu của Su Mang về tiền ăn khiến mọi người tức giận vì họ đang bóc trần tình trạng Trung Quốc đang cố gắng che giấu là người ăn không hết kẻ lần chẳng ra”.
Sau tranh cãi, Tencent cho biết khán giả hiểu lầm câu nói của Su Mang. Cô muốn nói 101 USD không đủ cho 21 ngày trong chương trình. Song, theo SCMP, khán giả không hài lòng với giải đáp trên.
“Cô ấy có thể cố thanh minh, nhưng sự thật là người nổi tiếng đều sống theo kiểu quá thượng đẳng mà không hề nhận ra”, một người viết trên Weibo.
Theo công ty phân tích dữ liệu Tianyancha, Trung Quốc có mức chênh lệch sinh hoạt phí cao giữa ngôi sao và người bình thường. Tại buổi hòa nhạc ở Trùng Khách, Vương Phi được hỗ trợ tiền ăn 313 USD, trong khi cấp dưới của cô là 31 USD.
Hồi tháng 1, Diêu An Na, con gái ông Nhậm Chính Phi, bất ngờ tuyên bố gia nhập làng giải trí Hoa ngữ với vai trò người mẫu, ca sĩ. “Công chúa Huawei” cho biết hợp đồng ký với công ty giải trí là món quà cô tự tặng bản thân nhân tuổi mới.
Trong bộ phim tài liệu dài 17 phút đánh dấu sự ra mắt, cô bị khán giả Trung Quốc chế giễu khi tự nhận mình giống như bao người bình thường khác, phải cố gắng và đấu tranh trong cuộc sống.
“Tôi chưa bao giờ gọi mình là ‘công chúa’. Tôi cũng phải học tập và làm việc chăm chỉ”, Annabel Yao nói trong đoạn phim.
Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra
Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc là rất lớn. Theo báo cáo của công ty theo dõi Hurun Report, giới nhà giàu Trung Quốc kiếm được kỷ lục 1,5 tỷ USD vào năm 2020, gần bằng một nửa GDP của Anh.
Trong khi đó, thu nhập trung bình của người dân nước này là 32.189 nhân dân tệ, tương đương khoảng 2.682 nhân dân tệ/tháng, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Do đó, việc người giàu phô trương tài sản bị coi là vô cảm. Theo các chuyên gia, điều này phổ biến tại hầu hết quốc gia có vấn đề bất bình đẳng thu nhập nhưng Trung Quốc lại đang ở tình huống khó xử.
“Trong một thời gian dài, người dân nghĩ rằng họ có thể đạt được ‘thịnh vượng chung’. Nhưng sau hơn 40 năm kể từ khi kinh tế đất nước đi lên, người giàu ngày càng tích lũy nhiều của cải hơn, còn tầng lớp phía dưới bị tụt lại và kẹt trong cảm giác chán nản”.
Sự căm tức với giới nhà giàu càng nổi cộm khi nhóm những người này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều đóng góp có ích cho xã hội hơn.
Những bê bối xung quanh đời tư gây chấn động giới showbiz của Trịnh Sảng gần đây càng làm khán giả phẫn nộ trước thù lao kếch xù của nữ diễn viên. Trịnh Sảng được trả khoảng 2 triệu nhân dân tệ/ngày cho một vai diễn truyền hình, tổng cộng 160 triệu nhân dân tệ cho toàn bộ dự án.
“Để kiếm được số tiền đó, những nhân viên bình thường kiếm được 6.000 nhân dân tệ/tháng phải làm việc liên tục trong 2.222 năm, tức là từ thời lịch sử xa xưa”, một người dùng Weibo so sánh.
Năm 2018, “nữ hoàng giải trí” Phạm Băng Băng vướng vào bê bối trốn thuế và tới nay vẫn chật vật tìm đường quay lại showbiz vì khán giả ghẻ lạnh. Nhân cách không tốt nhưng lại kiếm được số tiền lớn là điều công chúng không chấp nhận.
Các chuyên gia cho rằng, trào lưu khoe của bị tẩy chay vì bị coi là thiếu văn hóa.
Khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc tăng lên, những người thành thị có học thức coi việc phô trương là “thiếu tinh tế hay trưởng giả học làm sang”, tiến sĩ John Osburg, tác giả một cuốn sách về giới nhà giàu Trung Quốc, viết.
“Khoe khoang cũng là biểu hiện cho thấy một người đang bất an về địa vị xã hội của mình”, ông nói.
“Sự khiêm tốn mới”
Tuy nhiên, cơn khát xài đồ hiệu ở xứ tỷ dân đang ngày càng mạnh mẽ.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Trung Quốc đã vượt mặt Nhật Bản để trở thành thị trường hàng xa xỉ nhộn nhịp nhất châu Á.
Trước xu hướng ghét bỏ, nhiều người giàu chuyển sang tìm cách ý nhị hơn để khoe khéo cuộc sống xa xỉ của họ, thay vì chỉ chia sẻ những bức ảnh trên mạng phô bày của cải vật chất.
Song, “sự khiêm tốn” mới của tầng lớp lắm tiền nhiều của vẫn khó làm hài lòng số đông.
MengQiqi77 – blogger được biết đến với các video cập nhật thường xuyên về lối sống xa hoa của mình – từng “phàn nàn” trên Weibo rằng không có đủ trạm sạc xe điện trong khu phố của mình.
“Vì vậy, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn với gara riêng cho chiếc Tesla của chồng tôi”, cô viết. Một lần khác, cô nhận xét chồng mình “quá tằn tiện” khi chọn mặc bộ đồ len của Zegna có giá “chỉ 30.000 nhân dân tệ”.
Tất nhiên, các phát ngôn đó như “đổ thêm dầu vào lửa” vào nỗi căm tức người giàu và bị “ném đá” dữ dội bởi cộng đồng mạng.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Trung Quốc, Công bằng xã hội, Văn hóa ứng xử