Vì sao chúng ta nên ngừng chống lại hôn nhân đồng tính?

Tôi cũng không phải là cảm tình gì với các bạn đồng tính, thậm chí nói thẳng ra là còn thấy ghê ghê các bạn đồng tính nam. Nhưng để sống một cách nhất quán với giá trị của bản thân thì tôi ủng hộ việc hôn nhân đồng tính được công nhận về mặt pháp lý như hôn nhân dị tính.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Hữu Bảo Trung, Tiến sĩ đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Lý do cho việc này đơn giản là vì tất cả những ý kiến phản đối mà tôi bắt gặp từ trước tới giờ chẳng hề có một ý kiến nào đưa ra nổi bất cứ lý lẽ gì đủ thuyết phục cho việc không thừa nhận hôn nhân đồng tính cả. Dưới đây tôi xin phản biện một số cái gọi là lý do cho việc phản đối hôn nhân đồng tính thường gặp.

1. Đồng tính là trái tự nhiên

Nói toẹt ra đây là lý lẽ ngu ngốc nhất, nên đem mổ xẻ đầu tiên.

Trước hết, nếu hiểu “tự nhiên” là những gì xảy ra ngoài thiên nhiên hoang dã, thì thú vật cũng có quan hệ đồng tính và điều này đã được ghi nhận ở rất nhiều loài khác nhau. Ai muốn biết chi tiết hơn có thể tự tìm hiểu thêm dưới đây.

https://en.wikipedia.org/wiki/Homosexual_behavior_in_animals

Tiếp theo, nếu hiểu “tự nhiên” là để cho mọi việc tự diễn ra mà không có sự can thiệp nhân tạo, thì các bạn đồng tính không có ai tác động cũng vẫn có tình cảm đồng tính, đó mới là tự nhiên. Việc xã hội áp đặt quan niệm của mình rằng tình yêu phải là giữa nam với nữ chính là một hành động can thiệp trái tự nhiên.

Nói rộng thêm, việc công nhận hôn nhân đồng tính tương đương với hôn nhân dị tính mới là tự nhiên. Tôi nói tự nhiên ở đây là với nghĩa tương đối, bởi bản thân việc xã hội công nhận và bảo vệ hôn nhân dị tính với những quyền lợi và trách nhiệm đi kèm bằng pháp luật vốn đã là một sự can thiệp nhân tạo. Nếu công nhận một bên mà không công nhận bên còn lại tức là phân biệt đối xử, lại càng là nhân tạo hơn, không khác gì việc phân biệt đối xử màu da cả.

Cuối cùng, và quan trọng nhất, tự nhiên hay không tự nhiên chả liên quan gì đến việc có nên công nhận hôn nhân đồng tính hay không cả. Pháp luật là để bảo vệ và duy trì xã hội, phải dựa trên quan điểm cái gì là tốt, cái gì là không tốt cho xã hội, chứ không phải cái gì là tự nhiên với trái tự nhiên. Ai kêu gào tự nhiên tự nhiên, thì khi đứt chân đứt tay có thể cho ngồi một góc mà tự liếm vết thương, khỏi đưa đi cấp cứu, tốn tài nguyên của xã hội.

2. Đồng tính là suy đồi đạo đức, là trái với truyền thống văn hóa

Nói toẹt ra tiếp thì những người đưa ra lý do này cũng chỉ là những người thích áp đặt sở thích của mình lên người khác. Truyền thống văn hóa viết ở đâu? Ai quy định? Ai đồng ý? Tại sao lại nên theo? Tại sao lại phải theo?

Vốn truyền thống văn hóa là những giá trị quan và quy tắc hành xử phổ biến trong một cộng đồng người. Mục đích của nó là để mọi người trong cùng cộng đồng có chung một ngôn ngữ (vd. khoanh tay cúi đầu nghĩa là thể hiện kính trọng), từ đó dễ dàng lý giải và đoán biết suy nghĩ của nhau, giúp tăng gắn kết, giảm xung đột do bất đồng ngôn ngữ.

Việc trong một cộng đồng thế hệ này truyền lại các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau, trước hết là để cho thế hệ sau có thể hòa nhập được vào cộng đồng mà không gặp trở ngại, tiếp theo là để thỏa mãn cái mong muốn để lại di sản của bản thân. Tức truyền thống văn hóa tự nó cũng chỉ có ý nghĩa thực dụng và ích kỷ mà thôi, chứ không hề có một căn cứ khách quan nào để nói rằng chúng tốt đẹp cả.

Truyền thống với văn hóa, theo hay không theo hoàn toàn phụ thuộc vào việc thế hệ sau thấy những điều mà thế hệ trước truyền lại có xứng đáng để được giữ lại và noi theo hay không. Thế hệ trước có cố ép buộc thì cùng lắm cũng chỉ được tới lúc tắt thở mà thôi.

Chưa kể, xã hội càng lớn thì càng phải dựa trên những giá trị phổ quát rộng lớn của con người, ai ai cũng có thể chấp nhận, chứ không phải mấy thứ giá trị hẹp hòi làng xã, thì mới mong ổn định được trật tự lâu dài. Các truyền thống và giá trị cũ, nếu nó vẫn còn hữu dụng, không gây bất hạnh tới ai thì có thể giữ lại, bằng không thì nên bỏ, cần phải bỏ.

Từ đó, dựa trên những giá trị tự do, hạnh phúc, bình đẳng có trong chính Tuyên ngôn ngày lập nước và trong khẩu hiệu của nước nhà, thì việc công nhận hôn nhân đồng tính mới là việc hợp lẽ, đúng văn hóa.

3. Đồng tính làm suy thoái nòi giống, làm giảm dân số

Vốn tôi không phản đối những lý lẽ mang tính thực dụng, dù nó có thể tàn nhẫn. Nhưng lý lẽ này nghe có vẻ đúng, thực ra lại cũng rất ngu ngốc.

Nếu nói đến nòi giống, người đồng tính không thể sinh con, như vậy không thể truyền lại nòi giống của mình cho các thế hệ sau. Những người nào tin vào chuyện đồng tính có thể di truyền thì lại càng nên khuyến khích hôn nhân đồng tính, để gen đồng tính tự diệt mới phải. Mà nếu đã không di truyền, thì nòi giống cái gì ở đây?

Còn nếu nói đến dân số, tạm gác lại việc xã hội có nên đặt việc duy trì dân số lên trên hạnh phúc con người hay không, thì đây cũng là lý do ngớ ngẩn. Những người đồng tính bị cấm kết hôn, ai đảm bảo là họ sẽ kết hôn dị tính, sẽ sinh con đẻ cái? Cứ cho là họ sẽ kết hôn và sinh con đi, ai đảm bảo những đứa trẻ đó lớn lên sẽ hạnh phúc trong một cuộc hôn nhân không tình cảm thực sự?

Hơn nữa, nếu giá trị của hôn nhân, của gia đình chỉ là để sinh con duy trì dân số, thì những người bị bệnh vô sinh có nên bị cấm kết hôn không? Những gia đình không muốn sinh con có nên bị phạt, có nên bị bắt ly hôn không?

Chưa kể, người đồng tính có tỷ lệ rất nhỏ trong xã hội, chỉ khoảng 1-2%. không cho họ kết hôn thì tăng được tỷ lệ sinh lên bao nhiêu? Có đáng so với những bất công bất hạnh điều đó mang đến không? Nếu những người phản đối hôn nhân đồng tính thực sự lo nghĩ cho tương lai dân số, thiết nghĩ nên để họ được đóng thêm một loại thuế đặc biệt dùng để làm phúc lợi thúc đẩy việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái của đại đa số các gia đình dị tính, như vậy sẽ có hiệu quả hơn.

Xét cho cùng, gia đình là tế bào của xã hội. Trong cơ thể con người có những tế bào không hề sinh sản (phân chia) như tế bào thần kinh, nhưng chỉ cần chúng làm đúng chức trách thì có ai dám bảo rằng chúng vô dụng, có hại, không nên công nhận không? Ngược lại tế bào ung thư sinh sản vô tội vạ mới gây nên họa, cần phải loại bỏ.

Trong Luật hôn nhân và gia đình cũng chỉ hoàn toàn nói đến vấn đề bảo vệ hạnh phúc gia đình và quyền lợi các bên, từ khi chưa hôn nhân (cấm cưỡng ép, lừa dối, cản trở), tới khi đã kết hôn (cấm ngoại tình, bạo lực), cho tới khi ly hôn (phân chia tài sản, con cái). Luật không hề có một quy định nào về việc có phải sinh con hay không, mà cùng lắm chỉ là Nhà nước hỗ trợ.

Như vậy rõ ràng kể cả nhìn từ quan điểm của Nhà nước, thì chức năng chính yếu cần phải được đảm bảo của gia đình với tư cách tế bào xã hội là sự hạnh phúc yên ấm, chứ không phải sinh đẻ. Việc đem chuyện sinh đẻ ra để phản đối hôn nhân đồng tính là không đúng với chủ trương của Nhà nước về vai trò của gia đình trong xã hội.

4. Trẻ con lớn lên trong gia đình đồng tính sẽ chịu thiệt thòi

Từ bao giờ những người sẵn sàng ngăn cản hạnh phúc của người khác lại biết quan tâm tới hạnh phúc của trẻ con vậy? Nói nghiêm túc hơn, vấn đề đặt ra mới chỉ là công nhận hôn nhân đồng tính. Con cái trong gia đình đồng tính chỉ có thể đến từ nhận nuôi chứ không phải một vấn đề cố hữu đi liền, nên chưa tới lượt được đem ra để phủ nhận hôn nhân đồng tính.

Tiếp theo, nếu đã muốn nói tới hạnh phúc con trẻ, thì phải điều tra cho khoa học. Thực tế đã có những cuộc điều tra cho thấy những đứa con của các cặp đồng tính ít nhất là ngang bằng và thậm chí là nhỉnh hơn so với bình quân của xã hội về mặt sức khỏe và hạnh phúc. Điều này được lý giải là do các cặp đồng tính có xu hướng phân chia trách nhiệm gia đình công bằng và linh hoạt hơn. Như vậy, bản thân việc thiếu đi một giới tính ở bố mẹ không có ảnh hưởng tiêu cực mà thậm chí còn có phần tích cực cho việc nuôi dạy con cái.

https://www.washingtonpost.com/…/children-of-same-sex…/

Tuy nhiên, nghiên cứu trên có chỉ ra một thiệt thòi của những đứa trẻ trong các gia đình đồng tính, đó là sự hắt hủi (stigma) đến từ xã hội. Đây là một vấn đề đáng bàn, nhưng nếu lấy nó ra làm lý do để phản đối công nhận hôn nhân đồng tính, thì không khác nào vừa ăn cướp vừa la làng. Ấy là vì sự hắt hủi này đến từ chính những con người đang bô bô phản đối kia. Nếu thực sự quan tâm tới vấn đề này, thì tìm cách tuyên truyền thay đổi nhận thức xã hội, xóa đi tận gốc sự kỳ thị hắt hủi, mới là cách làm đúng đắn.

5. Người đồng tính đóng góp nhiều hơn rồi hẵng đòi quyền

Tạm không cãi cọ việc người đồng tính đã đóng góp được gì. Thế trẻ con đã đóng góp được gì mà lại có quyền? Có những thứ quyền được đặt ra bởi vì chúng ta là con người có hiểu biết chứ không phải thú vật hay thứ man di mọi rợ.

Quan trọng hơn, đó là việc yêu cầu công nhận hôn nhân đồng tính không phải là việc đòi một đặc quyền mới, mà là việc xóa bỏ một sự phân biệt đối xử cố hữu, xóa bỏ một sự bất công đang tồn tại.

Nhìn chung, những lý do mà tôi đã gặp cho việc phản đối hôn nhân đồng tính, rút cuộc lại cũng chỉ là để che đậy cho việc áp đặt quan điểm của bản thân lên người khác. Việc này xấu hay không tùy quan điểm, nhưng có thể và vẫn phải chấp nhận vì xã hội rốt cuộc vẫn phải vận hành theo cách không thỏa mãn hết mong muốn của tất cả mọi người.

Nhưng điều tôi ghét là việc không dám đứng ra công nhận suy nghĩ của bản thân, không điều tra và lý luận tới nơi tới chốn, mà lại lấy những lý lẽ lươn lẹo bất hợp lý ra để che đậy, làm ra vẻ cao thượng đạo đức. Mà những lý lẽ này vốn chỉ là thứ thoảng qua đầu, nhặt vội ra để nói, vốn không có căn cứ sâu xa, nên đương nhiên phân tích ra đều dễ dàng đập bỏ.

Nếu có bất kỳ ai biết có lý lẽ nào thuyết phục hơn, tôi đều xin lắng nghe.

Theo NGUYỄN HỮU BẢO TRUNG FACEBOOK

Tags: , ,