Về tham vọng ‘đế chế giải trí’ toàn cầu của Hàn Quốc

Điện ảnh và âm nhạc Hàn Quốc đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ châu Á. Đối với người Hàn, điều này là chưa đủ. Họ muốn tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Tại một trường quay tối tăm ở ngoại ô thủ đô Seoul, bộ phim “Bulgasal” đang được thực hiện. Bộ phim sẽ lên sóng Netflix vào tháng 12 tới. Đạo diễn Jang Young Woo kỳ vọng bộ phim sẽ trở thành một hiện tượng và nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Dù “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) đã “càn quét” châu Á và mở rộng ra toàn cầu từ nhiều năm qua, nước này vẫn thiếu đi một sản phẩm văn hóa mang tính đột phá. Đối với nhiều người phương Tây, họ chỉ biết đến Hàn Quốc qua các công ty điện tử như Samsung hay LG.

Tuy vậy, sau khi nhóm nhạc Black Pink và hai bộ phim phim “Squid Game”, “Parasite” trở thành những hiện tượng toàn cầu, phương Tây có cái nhìn mới về Hàn Quốc: Một đất nước với tầm ảnh hưởng văn hóa toàn cầu.

Bước ra thế giới

Nửa thế kỷ trước, người Hàn Quốc nhìn vào Mỹ và Nhật Bản để học tập cách công nghiệp hóa đất nước. Gần đây, các nhà sản xuất phim xứ sở kimchi nhìn sang Hollywood và các trung tâm giải trí khác, học tập mô hình và bổ sung các yếu tố đặc sắc Hàn Quốc. Nhờ các nền tảng toàn cầu như Netflix, Hàn Quốc chuyển mình thành một “cường quốc giải trí toàn cầu”.

Năm 2019, Hàn Quốc khiến thế giới sững sờ khi ra mắt bộ phim đình đám “Parasite”. Hai năm sau, bộ phim “Squid Game” một lần nữa trở thành hiện tượng toàn cầu. Nước này cũng đang sở hữu hai trong số các nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới: BTS và Black Pink.

“Khi làm phim ‘Quý ngài Ánh dương’, ‘Hạ cánh nơi anh’ hay ‘Sweet Home’, chúng tôi không có tư duy toàn cầu”, đạo diễn Jang, người tham gia sản xuất vào đạo diễn cả ba bộ phim trên, chia sẻ.

“Chúng tôi chỉ cố gắng làm hay nhất, ý nghĩa nhất có thể. Thế giới đã thấu hiểu và cảm nhận những cảm xúc mà chúng tôi tạo ra”, ông nói.

“Thế hệ chúng tôi rất yêu thích các bộ phim Mỹ như ‘The Six Million Dollar Man’ và ‘Miami Vice’. Chúng tôi học các quy tắc cơ bản từ đó và thử nghiệm bổ sung các yếu tố Hàn Quốc”, biên kịch Seo Jea Won của “Bulgasal” nói. “Khi các nền tảng như Netflix xuất hiện và kéo theo cuộc cách mạng về phim truyền hình, chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh”.

Nếu xét theo quy mô kinh tế, xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các sản phẩm khác. Tuy vậy, các văn hóa phẩm giúp Hàn Quốc có thêm sức mạnh mềm khó có thể đong đếm.

Thành công của Hàn Quốc không đến từ những nỗ lực trong một sớm một chiều. Trong nhiều năm qua, các nhóm nhạc và bộ phim Hàn Quốc đã khuấy đảo thị trường châu Á. Tuy vậy, Big Bang hay Girls’ Generation chưa thể vươn ra cấp độ toàn cầu. “Gangnam Style” làm được điều này, nhưng chỉ là hiện tượng đơn lẻ.

“Chúng tôi muốn kể câu chuyện của mình và có nhiều câu chuyện hay để kể”, ông Kim Young Kyu, Giám đốc điều hành Studio Dragon, công ty sản xuất và phân phối phim truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, chia sẻ. “Tuy vậy, thị trường nội địa quá bé nhỏ và chật chội. Chúng tôi cần vươn ra thế giới”.

Phải đến khi “Parasite” trở thành bộ phim nước ngoài đầu tiên giành giải Oscar, khán giả quốc tế mới thực sự chú ý đến sản phẩm văn hóa Hàn Quốc, dù các sản phẩm tương tự xuất hiện từ nhiều năm trước.

“Thế giới không biết đến chúng cho đến khi các nền tảng trực tuyến như Netflix hay YouTube đưa ra ánh sáng”, giáo sư Kang Yu Jung tại Đại học Kangnam, Hàn Quốc, nói.

Lý giải thành công

Theo các nhà sản xuất, chính sách kiểm duyệt các cảnh bạo lực hoặc tình dục trên phim truyền hình của Hàn Quốc buộc họ suy nghĩ thấu đáo hơn, xây dựng nội dung và nhân vật có chiều sâu hơn.

Các cảnh phim Hàn Quốc thường rất giàu cảm xúc. Anh hùng thường có xuất thân bình thường, không hoàn hảo. Các nhà làm phim cho biết họ muốn mọi nhân vật “có tính người”.

Khi xã hội Hàn Quốc thay đổi trong những thập kỷ qua, các nhà làm phim luôn lắng nghe mong muốn của người xem. Các bộ phim đình đám thường nói về những vấn đề mà người dân phải đối mặt, từ bất bình đẳng, sự tuyệt vọng hay xung đột giai cấp.

Ông Hwang Dong Hyuk, đạo diễn “Squid Game”, làm nên tên tuổi nhờ bộ phim “Dogani” năm 2011. Bộ phim này kể về một vụ bê bối lạm dụng tình dục trong trường học có thật. Sau khi phim lên sóng, áp lực từ dư luận buộc chính phủ mở chiến dịch điều tra những giáo viên từng lạm dụng tình dục trẻ khuyết tật.

Dù K-pop ít khi đề cập đến chính trị, thể loại nhạc này là một phần không thể thiếu trong văn hóa phản kháng của giới trẻ Hàn Quốc.

Trong một cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2016 tại Đại học Ewha, Seoul, người biểu tình hát bài “Into the New World” của Girls’ Generation. Bài hát “One Candle” của nhóm nhạc g.o.d được coi là bài ca không chính thức của cuộc biểu tình kéo theo việc Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất năm 2017.

“Một đặc điểm chủ đạo của nội dung văn hóa Hàn Quốc là tính chiến đấu”, ông Lim Myeong Mook, tác giả một cuốn sách về văn hóa trẻ Hàn Quốc, nhận định. “Nó nói đến những mong muốn vô vọng của con người như leo lên các nấc thang xã hội, cũng như sự tức giận và động lực tham gia các phong trào quần chúng của họ”.

Với việc nhiều người cảm thấy căng thẳng, lo lắng do đại dịch, thông điệp này dễ dàng được cộng đồng quốc tế đón nhận.

“Các nhà sản xuất Hàn Quốc rất giỏi học tập những điều thú vị từ nước ngoài và khiến chúng hấp dẫn hơn”, giáo sư Lee Hark Joon tại Đại học Kyungil nhận xét.

Tại phim trường ở ngoại ô Seoul, bộ phim của đạo diễn Jang có nội dung siêu tự nhiên giống như các bộ phim nổi tiếng của Mỹ như “X-Files” hay “Stranger Thing”. Tuy vậy, đạo diễn Jang đưa thêm quan niệm về “nghiệp chướng” của người Hàn Quốc vào phim.

Qua các câu chuyện thành công gần đây của văn hóa Hàn Quốc, đạo diễn Jang kỳ vọng khán giả sẽ đổ xô đến xem bộ phim của ông.

“Điều tôi rút ra là: Cái gì được đón nhận ở Hàn Quốc sẽ được đón nhận trên thế giới”, đạo diễn Jang nói.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / THE NEW YORK TIMES

Tags: ,