Về mối liên hệ giữa Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố

Đại đa số các tín đồ Hồi Giáo là những phần tử ôn hòa chứ không phải là những kẻ bảo thủ cực đoan (fundamentalists). Đại đa số các phần tử bảo thủ cực đoan cũng không phải là những kẻ khủng bố. Tuy nhiên hầu hết những kẻ khủng bố trên thế giới hiện nay là tín đồ Hồi Giáo.

Điều cần biết về Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố

Thế giới Hồi Giáo có xu hướng chấp nhận thánh chiến với Mỹ

Sau biến cố 11/9/2001, Tổng Thống Mỹ và một số chính khách Tây Phương đã công khai tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố – nhưng đồng thời xác định đây không phải là cuộc chiến chống người Ả Rập hoặc chống những người Hồi Giáo. Đối với Osama Bin Ladin và những người theo ông ta thì đây là cuộc chiến tranh tôn giáo – một cuộc chiến tranh của đạo Hồi chống lại những kẻ ngoại đạo (infidels, unbelievers). Và vì thế đương nhiên Hồi Giáo phải chống Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ là nước lớn nhất trong thế giới ngoại đạo.

Trong một cuốn băng video được phổ biến trên đài truyền hình ngày 7/10/2001, Osama Bin Ladin nói đến “những điều sỉ nhục mà Hồi Giáo phải chịu trong hơn 80 năm qua”. Đó là vào năm 1918, đế quốc Ottoman là đế quốc lớn nhất của Hồi Giáo đã bị Tây Phương đánh bại. Thủ đô Constantinople bị chiếm đóng. Toàn lãnh thổ của đế quốc Ottoman bị Anh và Pháp chia nhau thống trị. Anh chiếm Iraq và Palestine. Pháp chiếm Syria. Anh chia Palestine thành hai nước là Jordan và Palestine. Pháp cũng chia Syria thành hai nước là Lebanon và Syria.

Trong khi đó tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi xuất phát của đế quốc Ottoman – người hùng Mustapha Kemal lãnh đạo thành công một cuộc cách mạng của “phong trào quốc gia thế tục” (a secular nationalit movement) giải phóng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi ách thống trị của Tây Phương nhưng đồng thời cũng loại bỏ vai trò quốc giáo của Hồi Giáo ra khỏi chính quyền.

Đế quốc Ottoman được thành lập từ thế kỷ 13 và bị suy tàn vào đầu thế kỷ 20. Trong suốt 7 thế kỷ hưng thịnh, vị hoàng đế của đế quốc Ottoman cũng là người đứng đầu giáo phái Sunni của toàn thế giới Hồi Giáo (chiếm 80% tổng số tín đồ Hồi Giáo). Vua Hồi Giáo (Sultan) cũng là người kế vị giáo chủ Mohammad trong vai trò lãnh đạo cộng đồng Hồi Giáo, được gọi là Caliph. Nhưng cuộc cách mạng của Mustapha Kemal đã chính thức hủy bỏ “chế độ Caliph” (caliphage) trong tháng 3-1924.

Nhiều người Hồi Giáo cảm thấy đau đớn về điều này vì “chế độ calyph” tượng trưng cho sự thống nhất của Hồi Giáo từ nay không còn nữa.

Ngày 23/2/1998, tờ nhật báo bằng tiếng Ả Rập xuất bản tại Luân Đôn đã đăng “Bản Tuyên Ngôn của Mặt Trận Thế Giới Hồi Giáo kêu gọi Thánh Chiến chống Do Thái và Thập Tự Quân” có chữ ký của Osama Bin Ladin và những người lãnh đạo các nhóm Thánh chiến ở Ai Cập, Pakistan và Bangladesh. Bản tuyên ngôn mở đầu bằng các lời trích dẫn từ kinh Koran hoặc lời của tiên tri Muhammad. Bản tuyên ngôn kể ra ba tội chính của Hoa Kỳ:

Thứ nhất: Trong hơn 7 năm qua, Hoa Kỳ đã chiếm đóng đất thánh thiêng liêng nhất của Hồi giáo là Arabia, cướp phá tài nguyên và sỉ nhục nhân dân nước này. Hơn nữa, Hoa Kỳ xử dụng Arabia làm nơi xuất phát các cuộc chiến tranh chống các nước láng giềng Hồi Giáo.

Thứ hai: Hợp tác với đồng minh Do Thái, Hoa Kỳ đã gây chiến với Iraq làm thiệt mạng trên một triệu người. Sau đó Hoa Kỳ còn bao vây kinh tế nước này một thời gian lâu dài.

Thứ ba: Mục tiêu chính của Hoa Kỳ là chiến tranh tôn giáo và kinh tế. Rõ rệt nhất là quyết tâm của Hoa Kỳ hủy diệt Iraq là nước lớn nhất trong các nước Ả Rập. Hoa Kỳ âm mưu gây chia rẽ và làm suy yếu các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Sudan để tạo điều kiện sống còn cho Israel và sự tiếp tục chiếm đóng của Thập Tự Quân tại các vùng đất của Hồi Giáo.

Bản tuyên ngôn kết luận: Rõ ràng Hoa Kỳ là kẻ đã chống lại Allah, chống lại tiên tri của Ngài và các tín đồ Hồi Giáo. Do đó, Thánh chiến đã trở thành một bổn phận cá nhân (a personal duty) của mọi người Hồi Giáo.

Phần cuối cùng, cũng là phần quan trọng nhất của bản tuyên ngôn, kêu gọi toàn thể tín đồ Hồi Giáo “hãy giết người Mỹ và đồng minh, kể cả dân sự lẫn quân sự, là nghĩa vụ cá nhân của mọi tín đồ Hồi Giáo tại mọi quốc gia” (to kill Americans and their allies, both civil and military, is an individual duty of every Muslim who is able, in any country where there is possible).

Sau khi nêu lên nhiều câu thơ trong kinh Koran, bản tuyên ngôn kêu gọi tiếp như sau: “Do được Thiên Chúa cho phép, chúng tôi kêu gọi mọi tín đồ Hồi Giáo có lòng tin nơi Thiên Chúa và sẵn sàng tuân lệnh của Ngài hãy giết bọn Mỹ và cướp phá tài sản của chúng ở bất cứ nơi nào họ thấy và bất cứ khi nào có thể làm được. Chúng tôi cũng kêu gọi các học sĩ và các vị lãnh đạo, các thanh niên và các chiến sĩ hãy tấn công quân đội Mỹ và đồng minh của chúng”. (By God’s leave, we call on every Muslim who believes in God and hopes for reward to obey God’s command to kill the Americans and plunder their possessions wherever he finds them and wherever he can. Likewise we call on the Muslim ulema and leaders and youth and soldiers to launch attacks against the armies of the American devils and against those who are allied with them…)

Điều bất lợi cho Hoa Kỳ là dư luận rộng rãi trong thế giới Hồi Giáo chấp nhận quan niệm cho rằng Hoa Kỳ là kẻ chủ mưu xâm lấn Iraq. Trước khi kết thúc, bản tuyên ngôn còn trích dẫn nhiều câu thơ trong kinh Koran và nhiều lời nói của tiên tri Muhammad kêu gọi Thánh chiến bằng những hành vi bạo động hoặc quân sự. Phần đông các tín đồ Hồi Giáo ngày nay có xu hướng tán thành bản tuyên ngôn kêu gọi Thánh chiến chống Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay Hoa Kỳ là một siêu cường về nhiều mặt trên thế giới. Các đồng minh của Hoa Kỳ như Anh Quốc và Israel cũng là những cường quốc quân sự. Trong khi đó, tuyệt đại đa số các tín đồ Hồi Giáo đều thuộc thế giới thứ ba gồm các nước nghèo như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, các nước Ả Rập, Phi Châu và Trung Á. Nạn nghèo đói và thất học là hai căn bệnh trầm kha của thế giới đạo Hồi. Do đó, để thực hiện cuộc thánh chiến chống Hoa Kỳ và đồng minh, thế giới Hồi Giáo không thể chọn con đường nào khác hơn là chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố là một hình thức chiến tranh của kẻ yếu chống lại kẻ thù lớn mạnh hơn mình để tồn tại.

Chủ nghĩa khủng bố có liên hệ mật thiết với giáo lý đạo Hồi

Đại đa số các tín đồ Hồi Giáo là những phần tử ôn hòa chứ không phải là những kẻ bảo thủ cực đoan (fundamentalists). Đại đa số các phần tử bảo thủ cực đoan cũng không phải là những kẻ khủng bố. Tuy nhiên hầu hết những kẻ khủng bố hiện nay trên thế giới đều là những tín đồ Hồi Giáo! Đó là một sự thật không ai có thể phủ nhận. Do đó, vấn đề được đặt ra là: Phải chăng chủ nghĩa khủng bố có liên hệ với giáo lý đạo Hồi?

Từ các tổ chức khủng bố nhỏ ở Saudi Arabia, Ai Cập, Nam Dương, Philippines, Palestine cho đến tổ chức khủng bố lớn như Al-Qaida có tầm hoạt động quốc tế, tất cả đều tự xưng là những tín đồ của đạo Hồi chính thống (authentic Islam). Tất cả đều “thánh hóa” các hành vi khủng bố của mình bằng cách dẫn chứng những câu thơ trong kinh Koran hoặc những lời nói của giáo chủ Muhammad trong các sách Hadiths.

Ngày 14/2/1989, giáo chủ Khomenei tuyên án tử hình nhà văn Anh Quốc gốc Ấn Độ, tác giả cuốn tiểu thuyết “The Satanic Verses” có nội dung phỉ báng tiên tri Muhammad và treo giải thưởng 3 triệu đô la cho ai giết được nhà văn này.

Cả thế giới Tây Phương đều lên án hành động của giáo chủ Khomenei. Trong khi đó, thế giới Hồi Giáo cho hành động của Khomenei là hợp với tiêu chuẩn của đạo Hồi. (a standard Islamic practice) vì trong sách Hadith có chép lời tiên tri Muhammad như sau: “Nếu có kẻ nào nhục mạ ta mà tín đồ nghe thấy thì hãy giết nó ngay lập tức” (If anyone insults me, then any Muslim who hears this must kill him immediately” (The Crisis of Islamn, by Bernard Lewis – The Modern Library 2003 – page 141)

Các tổ chức khủng bố của đạo Hồi không phải mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà thực sự đã xuất hiện từ thế kỷ 11 tại Iran và Syria. Đó là tổ chức Assassins, bắt nguồn từ tiếng Ả Rập Hashishiyya – có nghĩa là những kẻ hút ma túy (hashish takers). Tổ chức khủng bố Assassins đã gây kinh hoàng khắp Trung Đông trong hai thế kỷ, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, với chủ trương tiêu diệt bất cứ ai muốn cải tổ xã hội Hồi Giáo. Có thể nói tổ chức khủng bố Assassins là tiền thân và là khuôn mẫu cho các tổ chức khủng bố của Hồi Giáo hiện nay.

Tuy nhiên, khác với các tổ chức khủng bố thời xưa, các tổ chức khủng bố ngày nay rất coi thường sự sát hại các thường dân vô tội. Hơn thế nữa, dường như họ coi các thường dân vô tội là mục tiêu chính bởi lẽ càng có nhiều nạn nhân chết trong một vụ khủng bố họ càng đạt được tiếng vang lớn trong dư luận quần chúng và càng gây được sự sợ hãi cho đối phương. Họ coi đó là một chiến thắng về tâm lý (apsychological victory). Điển hình là vụ tổ chức Al-Qaida cho nổ bom tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Đông Phi năm 1998 nhằm giết hại 12 nhà ngoại giao Mỹ, nhưng vụ khủng bố này đã làm thiệt mạng trên 200 người vô tội gồm hầu hết là người Hồi Giáo Phi Châu. Ngay sau đó, các báo Hồi Giáo bằng tiếng Ả Rập đều gọi các nạn nhân vô tội này là “các thánh tử đạo” và tán tụng rằng: “Allah đã tập họp các thánh tử đạo trên nước thiên đàng!”

Bắt đầu từ thập niên 1980, các vụ khủng bố leo thang dưới hình thức ôm bom tự sát (suicide bombing). Các vụ khủng bố tự sát được khởi đầu từ năm 1982 với nhóm khủng bố Hamas và Hizbulla ở Palestine và Li Băng nhằm chống Israel. Các phần tử khủng bố tự sát thường được tuyển mộ trong số các thanh niên trẻ tuổi và nghèo, sống vất vưởng trong các trại tỵ nạn. Họ được hứa hẹn hai điều: một là được lên thiên đàng hưởng thú nhục dục với 72 cô gái đẹp đến muôn đời. Hai là thân nhân của họ được trợ cấp một số tiền lớn.

Các thiếu nữ khủng bố tự sát đầu tiên được tuyển lựa trong số những người Kurk ở Thổ Nhĩ Kỳ trong các năm 1996-1999 và tại Palestine trong năm 2002.

Giáo lý Hồi Giáo từ xa xưa vốn coi hành đông tự sát là một trọng tội và kẻ tự sát sẽ bị phạt bằng lửa hỏa ngục. Nhưng ngày nay, hành vi ôm bom tự sát lại được các giáo sĩ Hồi Giáo giải thích là sự hy sinh trong cuộc Thánh chiến nên người tự sát phải được coi là “thánh tử đạo”! Giáo chủ Hồi Giáo Ai Cập Yousef Quaradawi tuyên bố: Mọi người chết vì tham gia thánh chiến đều là tử đạo vì thánh chiến là một bổn phận và là một điều răn tôn giáo (a religious commandment).

Sau biến cố 9-11, giới trí thức Hoa Kỳ không xét đoán Hồi Giáo qua hành động của các nhóm khủng bố, nhưng xét đoán Hồi Giáo qua những điều được thuyết giảng trong kinh Koran, trong truyền thống Hồi Giáo (Islamic tradition) và trong các học thuyết của các nhóm Hồi Giáo cực đoan:

1. Kinh Koran: Nếu hình ảnh Thiên Chúa trong Cựu Ước của đạo Do Thái là một vị thần Chiến Tranh (God of War) thì hình ảnh Thiên Chúa Allah trong kinh Koran là một vị thần của sự kinh hoàng (God of Terror) vì thiên chúa Allah công khai ra lệnh cho các tín đồ Hồi Giáo phải giết hại những người ngoại đạo:

“Ta sẽ gieo kinh hoàng nơi trái tim của những kẻ ngoại đạo. Các con hãy chặt đầu chúng và hãy cắt rời tất cả các đầu ngón tay của chúng”. (I will cast terrors into the hearts of those who disbelieve. Therefore, trike of their heads and strike off every fingertips of them – Koran 8:12).

Kinh Koran của đạo Hồi cũng như Cựu Ước của đạo Do Thái và Tân Ước của đạo Ki Tô đều qui các kẻ thù của đạo mình thành kẻ thù của Thiên Chúa (enemies of God). Nói chung, các tôn giáo độc thần đều có ý tưởng cho rằng Thiên Chúa có kẻ thù và Ngài cần có sự giúp đỡ của các tín đồ để chống lại những kẻ thù đó. Do đó, chiến đấu chống kẻ thù của tôn giáo mình là chiến đấu cho Thiên Chúa hoặc chiến đấu theo con đường của Ngài (fighting in the path of God).

Điều nguy hiểm đáng chú ý là kinh Koran xúi giục các tín đồ Hồi Giáo giết người ngoại đạo (kẻ thù của Thiên Chúa) mà không phải chịu trách nhiệm về hành vi sát nhân này vì đó là việc Thiên Chúa làm. Kinh Koran xác nhận: “Không phải các con đã giết chúng mà Thiên Chúa mới là đấng đã giết chúng và không phải các con đã đập tan kẻ thù mà Thiên Chúa mới là đấng đã dẹp tan chúng” (You did not slay them but it was God who slew them. You did not smite when you smote the enemy but it was God who smote – Koran 8:17).

2. Truyền thống Hồi Giáo (Islamic Tradition). Truyền thống Hồi Giáo được tạo thành do các sách Hadiths và các sách Sunnas. Hadiths ghi chép các lời nói và hành động của Muhammad. Sunna là sách sưu tầm các bài giảng nổi tiếng của các giáo sĩ Hồi Giáo qua nhiều thế kỷ. Truyền thống Hồi Giáo đã hình thành những quan niệm đặc biệt trong đời sống của các tín đồ.

Một trong những quan niệm đặc biệt mang tính chất cực đoan nguy hiểm của đạo Hồi là Đạo Hồi chia thế giới thành hai khu vực:

– Khu vực Hồi Giáo (Dar al-Islam/Land of Islam), còn được gọi là Nền Hòa Bình Hồi Giáo (Pax Islamica). Các nước Hồi Giáo đều trở thành anh em nên không được đánh phá lẫn nhau. Khu vực Hồi Giáo phải được sống trong hòa bình.

– Khu vực ngoại đạo (Dar al-Harb/Land of unbelievers) được kinh Koran định nghĩa là khu vực của những kẻ “theo sự sai lầm”. Tất cả những kẻ ngoại đạo đều đáng bị chặt đầu hoặc bị bỏ tù! (The unbelievers follow falsehood. When you meet the unbelievers in the battlefield, strike off their heads or make them prisoners – Koran 47: 4).

Nhiệm vụ của thế giới Hồi Giáo là phải truyền bá đạo Hồi đến toàn thể nhân loại bằng mọi phương tiện kể cả chiến tranh. Mục tiêu của đạo Hồi là sự nhận biết về Thiên Chúa Allah bao trùm trái đất như nước bao trùm đại dương (Islam’s aime is that the knowledge of God should cover the earth as the waters cover the ocean).

Các nước Hồi Giáo quan niệm tôn giáo và chính trị là một, do đó luật pháp Hồi Giáo (sharia) luôn luôn chi phối mọi khía cạnh của đời sống toàn dân. Các ý niệm về “dân chủ” và “nhân quyền” là những điều xa lạ trong các nước Hồi Giáo. Hầu hết các nước Hồi Giáo đều ngăn cấm dân của họ đổi đạo với những hình phá hết sức nặng nề.

– Tại Morocco: Ai bỏ đạo Hồi để theo đạo khác sẽ bị phạt tử hình. Kẻ dụ dỗ tín đồ Hồi Giáo bỏ đạo bị phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

– Luật Pháp của xứ Saudi Arabia khẳng định: Không thể có hai tôn giáo trên bán đảo Ả Rập. Do đó, việc thiết lập bất cứ một tôn giáo nào khác ngoài đạo Hồi đều bị cấm chỉ tại Saudi Arabia.

– Tại xứ Hồi Giáo Sudan, trong thập niên 1990, hơn hai triệu người Ki Tô Giáo da đen đã bị sát hại.

– Luật pháp Iran qui định hình phạt tử hình đối với ai bỏ đạo Hồi để theo đạo Ki Tô.

Quả thật thần học Hồi Giáo đã mang lại những hậu quả nguy hiểm chết người (the lethal consequences) cho những người ngoại đạo. Vì thế nhiều người đã coi Hồi Giáo như một tôn giáo của sự khủng bố (a religion of terror) và kinh Koran như một cuốn sách của tử thần (the book of Death), mặc dù theo sự ước lượng của các chuyên viên chống khủng bố thì các thành phần theo xu hướng cực đoan chỉ chiếm 15% trong tổng số các tín đồ Hồi Giáo mà thôi.

Theo SÁCH HIẾM

Tags: ,