Tương lai u ám của thế hệ trẻ ‘gia tộc ánh trăng’ ở Trung Quốc

Khi việc mua nhà trở nên bất khả thi, nhiều người trẻ, còn độc thân ở Trung Quốc vung tiền để thỏa mãn bản thân thay vì tiết kiệm.

Eric Hsu (38 tuổi, kỹ sư xây dựng) nhớ lại khoảng thời gian khi 10 ngày nữa mới đến kỳ lãnh lương nhưng trong túi chỉ còn 32 USD. Anh không có tiền tiết kiệm để phòng thân.

“Tôi dùng vài đồng ít ỏi để mua ổ bánh mì trắng và ăn trong ba bữa, chờ đến khi nhận lương. Tôi kiếm được không ít tiền, thậm chí thu nhập mức trung bình cao, nhưng vẫn thấy mình thật nghèo nàn”, Hsu nói với CNBC.

Hsu thuộc nhóm lao động trẻ, độc thân ở Đài Loan, những người không thể tích cóp, dùng hết thu nhập mỗi tháng để trang trải sinh hoạt phí, nhu cầu cá nhân, hay còn được gọi là “yue guang zu” (tạm dịch: gia tộc ánh trăng).

Tương lai u ám của thế hệ trẻ ‘gia tộc ánh trăng’ ở Trung Quốc

Những người thuộc “gia tộc ánh trăng” mắc nợ thẻ tín dụng vì thói quen chi tiêu hoang phí. Ảnh: The Straits Times.

Thuật ngữ này mô tả việc chi tiêu hết số lương thay vì dành dụm như các thế hệ trước, hoặc như Hsu nói: “Tiền vào từ tay trái chạy qua tay phải”.

Chung Chi Nien, giáo sư tại Đại học Bách khoa Hong Kong, cho biết cụm từ trên có nguồn gốc ở Đài Loan nhưng hiện cũng được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc và xứ Cảng Thơm để nói về giới trẻ.

Không thể tiết kiệm

Theo một báo cáo địa phương, ước tính có khoảng 40% thanh niên độc thân sống ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến đang xài hết tiền lương hàng tháng và không mấy dư dả.

“Hành vi này rất khác với cha mẹ của họ, những người tiết kiệm ‘từng đồng, từng cắc’. Còn thế hệ trẻ thì tiêu hết số tiền họ có”, Chung, chuyên gia về xã hội học kinh tế, cho biết.

Theo ông, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng khiến ngày càng nhiều người gia nhập “gia tộc ánh trăng”, đặc biệt là nhóm có thu nhập thấp.

Trong khi tỷ lệ lạm phát 2,4% của Đài Loan thấp hơn nhiều so với một số nơi trên thế giới, giá tiêu dùng và chi phí thực phẩm vẫn tăng.

Đối với A-Jin (34 tuổi), các khoản cố định như bảo hiểm, tiện ích và đi lại đã chiếm hơn một nửa mức lương 30.000 TWD (khoảng 985 USD) của cô.

“Tôi chỉ còn lại 10.000 TWD/tháng cho tiền ăn và các phí khác. Ăn uống bên ngoài tốn khoảng 300 TWD/ngày. Không có cách nào để tích cóp. Nếu trường hợp khẩn cấp xảy ra, chẳng hạn tai nạn xe hơi, tôi sẽ không có tiền mặt để giải quyết”, A-Jin, làm việc trong ngành dịch vụ, chia sẻ.

Với một số cá nhân khác, tâm lý “you only live once” (tạm dịch: bạn chỉ sống một lần) đang khuyến khích họ hưởng thụ nhiều hơn, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc mắc nợ.

Kể từ khi Hsu gia nhập thị trường lao động cách đây 10 năm, anh đã phải vật lộn để tích lũy tiền bạc vì muốn nhanh chóng trả các khoản nợ thời sinh viên.

“Thay vì tiết kiệm số tiền còn lại vào cuối tháng, tôi quyết định trả hết nợ nần của mình”, nam kỹ sư xây dựng nói.

Tuy nhiên, trong một lần bị chấn thương đầu gối nghiêm trọng và phải nghỉ việc không lương 2 tuần, Hsu nhận ra rằng anh không thể tự nuôi sống bản thân.

“Lúc đó tôi nghĩ nếu có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán mọi thứ và làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn thì tại sao không?”.

Nhưng trước khi biết điều đó, Hsu đã có tới 4 thẻ tín dụng và gần 70% thu nhập của anh sẽ dùng để trả những khoản nợ đó, chỉ còn lại rất ít để tích cóp.

Hsu thừa nhận trong khi 1/2 tiền nợ là dành cho các chi phí cần thiết hàng ngày, thì nửa còn lại là để thỏa mãn những “lựa chọn và mong muốn trong cuộc sống”.

“Tôi đã tiêu xài hoang phí mất kiểm soát khi nghĩ rằng: ‘Vì có thẻ tín dụng, hãy mua một chiếc ôtô’. Khi lướt các trang thương mại điện tử, việc mua hàng cũng diễn ra quá dễ dàng”, Hsu bày tỏ.

Không có mục tiêu

Giáo sư Chung nhận định khái niệm “gia tộc ánh trăng” đã phản ánh sự vỡ mộng mà những người trẻ tuổi cảm thấy về cuộc sống ngày nay.

Nó giống như các thuật ngữ đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong hai năm qua, ví dụ “tang ping” và “bai lan”.

“Trong bối cảnh của Đông Á, cha mẹ họ đã trải qua quá trình công nghiệp hóa rất thành công và hoàn thành các mục tiêu trong cuộc sống. Nhưng đó là một thực tế khác đối với thế hệ này. Con cái nhìn thấy thành công của phụ huynh, nhưng không thể đạt được như vậy. Có một khoảng cách rất lớn giữa kỳ vọng và thực tế”, ông nói thêm.

“Gia tộc ánh trăng” tồn tại chủ yếu vì quyền sở hữu bất động sản không còn dễ dàng đối với những người trẻ tuổi ở Đài Loan, bởi thiếu nhà ở trong khả năng chi trả.

Theo UN Habitat, nhà ở được coi là có giá phải chăng khi tỷ lệ giá nhà trên thu nhập là 3,0 trở xuống.

Để so sánh, con số hiện tại của một trong 4 “con rồng châu Á” là 9,6 và 15,7 ở thành phố Đài Bắc, theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ.

“Kỳ vọng mua được nhà riêng, kết hôn và xây dựng tổ ấm giờ đã quá xa vời. Giới trẻ thà từ bỏ giấc mơ đó và tiêu tiền vào những thứ mà họ đảm bảo sẽ có được hôm nay”, ông Chung cho hay.

Những điều này được gọi là “xiao que xin” – có nghĩa “hạnh phúc nhỏ nhưng rất chắc chắn” trong tiếng Quan Thoại.

″Đó có thể là bất cứ điều gì, từ việc mua một tách cà phê từ Starbucks, đến chuyến du lịch nước ngoài – những thứ sẽ mang lại cho bạn cảm giác vui vẻ để bù đắp cho việc đánh mất mục tiêu chung trong cuộc sống”, chuyên gia về xã hội học kinh tế nói với CNBC.

Hsu cũng đồng tình với ý kiến trên. Đồng thời anh chia sẻ một câu nói phổ biến ở Đài Loan mô tả tình trạng hiện tại: “Nhà không phải để ở, mà là để đầu tư”.

“Một căn hộ 3 phòng ngủ hiện có giá 20 triệu TWD. Tôi cần tiết kiệm bao lâu với mức lương hàng năm là 720.000 TWD?. Bạn sẽ chỉ nghiêm túc làm một việc gì đó nếu có mục tiêu rõ ràng. Nếu không có khả năng mua nhà, việc tiết kiệm chẳng có ích gì”, anh nói thêm.

Tương tự, A-Jin cho biết cô không có mục tiêu dài hạn cho tài chính hay cuộc sống và đã hoàn toàn từ bỏ việc mua nhà.

“Miễn là tôi có thức ăn, no bụng và không chết đói. Với tôi thế là đủ”, cô bày tỏ.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,