⠀
Trường chuyên lớp chọn dưới cái nhìn của một cựu học sinh
Có còn cần phải học trường chuyên không? Có đáng để quyết đấu sứt đầu mẻ trán để giành một suất trong cuộc đua đầu vào trường chuyên không? Trường chuyên có thật sự hơn trường thường – hay đó chỉ là một cỗ máy đè đầu cưỡi cổ học trò trong áp lực thành tích và thi cử? Có quá nhiều những lời đồn về trường chuyên – học lệch, áp lực, học sinh là những con gà công nghiệp, không biết đến niềm vui cuộc sống, không được trải qua tuổi thanh xuân đích thực.
Một số người còn đặt nghi ngờ về sự cần thiết trong việc tồn tại khái niệm trường chuyên. Từng là một học sinh trường chuyên, tôi hiểu thấu hai chiều cảm xúc: khi được trầm trồ khen ngợi vì đã vượt từng này thí sinh để vào được trường chuyên, khi bị chất vấn trường chuyên chắc học nặng lắm nhỉ, chắc không có thời gian sống đúng lứa tuổi của mình.
Dẫu cho phần lớn những lời đồn về trường chuyên, từ góc độ trải nghiệm cá nhân mình, tôi thấy đều phiến diện. Nhưng cuộc tranh luận về trường chuyên vẫn mở ra một cuộc tranh luận khác đáng để tranh luận hơn, đó là sự công bằng/bất công của chế độ nhân tài. Chế độ nhân tài, tiếng Anh là meritocracy, là sự lai ghép giữa từ “merit” trong ngôn ngữ Latin nghĩa là tài năng, và từ “cracy” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp nghĩa là “quyền lực”. Quyền lực của tài năng, ý nghĩa của cụm từ rất rõ ràng. Quyền lực nên được trao cho những hiền tài, những người trí tuệ thay vì trao cho con ông cháu cha. Điều này dường như là hiển nhiên đúng, nhất là trong bối cảnh xã hội mà người ta vẫn còn lưu truyền câu: thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ (chương trình Táo Quân năm 2017 cũng từng có một màn tung hứng hài hước với câu nói này). So với ba “hạng mục” trên, ta tin rằng trí tuệ chắc chắn là tốt hơn, tốt hơn rất nhiều.
Những dấu vết đầu tiên của chế độ nhân tài có thể tìm thấy trong tác phẩm “Cộng hòa của Plato”, khi triết gia Hy Lạp hình dung ra một quốc gia lý tưởng, với người đứng đầu là các triết gia. Theo Plato, mỗi cá nhân trong thành bang chỉ nên làm đúng một công việc phù hợp nhất với họ và chỉ một nhóm người rất nhỏ là các triết gia mới nên đứng ở vị trí lãnh đạo – vì chỉ có các bậc túc giả này mới biết phải làm thế nào cho đúng. Chế độ khoa cử của Trung Hoa cũng là một trong những “phát kiến” đầu tiên đặt nền móng cho chế độ nhân tài. Thời Ngụy – Tấn, ở Trung Hoa còn tồn tại chế độ “cửu phẩm trung chính chế”, nghĩa là ở mỗi địa phương, quan lại được chọn ra do sự tiến cử, và con em trong các gia đình danh môn mặc nhiên được chọn cho các chức vị quan trọng. Đến thời nhà Tùy, Tùy Văn Đế đã cho hủy bỏ chế độ này, một phần để làm suy yếu các thế lực địa phương, thiết lập chế độ khoa cử để tìm ra người thực có tài để trao cho họ quyền cai quản.
Chế độ nhân tài tưởng như đã sửa chữa được những khiếm khuyết và méo mó của chế độ đẳng cấp, nhưng có thật là nó sửa chữa được tận gốc chế độ đẳng cấp hay chăng? Năm 1958, nhà xã hội học Michael Dunlop – người đã sáng tạo ra thuật ngữ “chế độ nhân tài” – phát hành tác phẩm “The Rise of the Meritocracy” (Sự trỗi dậy của chế độ nhân tài), trong đó ông hư cấu nên một xã hội tương lai ở Anh, ở đó những thành phần tinh hoa trí thức lên nắm quyền. Họ loại bỏ hoàn toàn những giai tầng dựa trên máu mủ, huyết thống, cha truyền con nối trước đó. Nghe lý tưởng không? Rất lý tưởng. Nhưng như người ta thường nói “hãy cẩn thận với những gì bạn ao ước”, một xã hội nhân tài trị tưởng như rất đáng ao ước, cuối cùng cũng có thể trở thành một xã hội phản địa đàng. Xã hội ấy dần dần cũng tạo nên những giai cấp – chỉ khác là lần này, khoảng cách giữa các giai cấp được coi là hợp lý, bởi ai tài giỏi hơn thì chẳng phải người ấy xứng đáng giàu có hơn và địa vị cao cấp hơn hay sao?
Nhưng có lẽ, chỉ cách thức của xã hội ấy là thay đổi, còn bản chất của nó vẫn không khác mấy. Nó vẫn coi cuộc sống là một đường đua, chỉ là nó thay đổi cách tính điểm có vẻ công bằng hơn, nó trao huy chương cho người chạy nhanh nhất thay vì như trước đây là trao cho con của người quản lý trường đua. Tuy nhiên, nó lại bỏ qua một điều quan trọng: con của người quản lý trường đua có nhiều cơ hội và điều kiện luyện tập để chạy nhanh hơn những người còn lại.
Một trong những triết gia chính trị tạo được ảnh hưởng rộng khắp nhất hiện nay, Michael Sandel, đã đưa ra những lý luận sắc sảo về cái mà ông gọi là “tính chuyên chế của chế độ nhân tài”, trong một tác phẩm ăn khách vừa được dịch và phát hành ở Việt Nam. Sandel kể lại rằng, một lần nọ trong buổi thuyết giảng ở đại học Hạ Môn, một trong những trường công lập nổi tiếng ở Trung Quốc, ông đề nghị sinh viên thảo luận về câu chuyện gây bão khi ấy về một cậu thiếu niên Trung Quốc bán thận để sắm chiếc iPhone và iPad đời mới nhất. Trong khi phần lớn sinh viên cho rằng nếu đây là quyết định tự nguyện của cậu bé, không bị ép buộc hay lôi kéo, thì chẳng có vấn đề gì cả, cậu có quyền làm như vậy. Một số khác lại cho rằng câu chuyện chỉ cho thấy sự bất công khi người giàu có thể kéo dài sự sống trên tuổi thọ của người nghèo. Đúng lúc đó, một sinh viên lên tiếng, rằng người giàu đã nỗ lực làm ra của cải, họ có thành tựu, có tài năng nên họ xứng đáng sống lâu hơn.
Đó là một suy nghĩ đáng lưu tâm. Chúng ta ngày nay được khuyến khích làm chủ đời sống của mình, tự chịu trách nhiệm và không đổ lỗi. Chúng ta được dạy để tin rằng mình có thể thành công và cuộc đời là công bằng với tất cả mọi người. Do đó, khi chúng ta thành công, đó là bởi chúng ta nỗ lực, chúng ta có tài, chúng ta xứng đáng. Nhưng song song cùng suy nghĩ tích cực đó là sự phán xét rằng những người thất bại, những người nghèo khổ là do họ đã không nỗ lực. Vậy thì họ nghèo khổ là đúng, không có gì phải bàn cãi cả. Đến đây, ta lại phải nhắc đến một câu nói thường xuyên được gán cho Bill Gates (dù không có nguồn đáng tin cậy nào chứng thực) và liên tục được các doanh nhân diễn thuyết lại khi đi truyền cảm hứng cho người khác: “Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó đó không phải là lỗi của bạn, nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó đó mới chính là lỗi của bạn”.
Có chắc là vậy không? Michael Sandel đưa ra một ví dụ thế này: giả sử có hai xã hội có cùng tổng thu nhập là 100 USD, trong đó 20% người giàu nhất chiếm 62 USD, 20% người nghèo nhất chiếm 1,7 USD. Chỉ khác là xã hội thứ nhất thì người giàu – nghèo được phân chia dựa trên dòng giống, còn xã hội thứ hai người giàu – nghèo được phân chia dựa trên thành quả và tài năng. Xã hội nào công bằng hơn? Rõ ràng là xã hội nào cũng bất công cả, nhưng cái bất công của xã hội thứ hai được coi là công bằng hơn. Nhưng ta có bao giờ nghĩ rằng, những người được sinh ra trong gia đình giàu có sẵn, được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến, được trải hoa hồng trên mỗi bước họ đi, thì họ sẽ có nhiều điều kiện hơn để phát huy tài năng của mình và khai phá hết thảy tiềm năng sẵn có của mình? Thậm chí, trong xã hội thứ hai, nghèo là một cái tội. Nghèo đồng nghĩa với vô đạo, vì nghèo đồng nghĩa với lười biếng, kém cỏi, dốt nát. Người nghèo trong xã hội đó không chỉ là người không may mắn vì sinh ra trong gia đình thiếu thốn nữa, mà trở thành thành phần đáng vứt đi và bị khinh rẻ. Còn giàu đồng nghĩa với tài giỏi, chăm chỉ, với công lý, với đúng đắn, và người giàu trong xã hội thứ hai này cũng có thể đánh mất lòng thương cảm với những người yếu thế hơn.
Quay lại với câu chuyện trường chuyên, có lẽ tâm lý sùng bái trường chuyên của một số người và kỳ thị trường chuyên của một số người khác cũng đều là hai tâm lý bình thường sinh ra từ sự trỗi dậy của chế độ nhân tài. Người có nhiều điều kiện để được đãi ngộ bởi chế độ nhân tài sẽ tung hô trường chuyên, khao khát trường chuyên, nhưng những người không hội tụ những điều kiện ấy lại muốn chống lại nó, phủ định nó. Cả hai tâm lý ấy rốt cuộc đều vướng mắc ở điểm họ coi cuộc sống là một đường đua, đã là một đường đua thì phải có người thắng và kẻ bại, ai cũng muốn là người chiến thắng chứ không ai muốn bị coi là thất bại tạo hóa cả. Một bên coi trường chuyên là dấu hiệu của người chiến thắng, một bên coi trường chuyên là dấu hiệu của sự thất bại về trong đời sống đích thực đầy màu sắc bên ngoài trường chuyên. Trong khi đó, cuộc sống không nhất thiết phải là một đường đua, chúng ta không phải những vận động viên chạy vượt rào xem ai cán đích đầu tiên, cuộc sống không một chiều như thế, cuộc sống có vô vàn ngã rẽ, mở ra vô tận, và con người không hề chạy chung trên một lộ trình, mà mỗi người lại đi theo một phân nhánh khác.
Mà ngay kể cả khi cuộc sống là một đường đua thì thất bại cũng chưa chắc là sự đối lập với thành công. Tôi nhớ trong một truyện ngắn tự truyện của Haruki Murakami, ông kể về việc từng hâm mộ một đội bóng chày toàn thua, và ông buộc phải thích nghi với việc hôm nay lại là một trận thua khác, để rồi ông nhận ra trong cuộc đời, thua bao giờ cũng nhiều hơn thắng. “Trí khôn thực sự của đời người được nuôi dưỡng từ việc “làm cách nào để thua đẹp” chứ không phải “làm thế nào để thắng đối phương”, và ông sẽ luôn hét sang phía bên kia sân vận động, nơi có những người hâm mộ của đội chiến thắng: “Các người còn lâu mới hiểu lợi thế này của bọn tôi”.
Theo cách này, tất cả chúng ta không hề là những người chiến thắng theo cách của riêng mình như trong những cuốn sách tự lực. Tất cả chúng ta đều là những người vừa thành công, vừa thất bại, thành công ở chỗ này và thất bại ở chỗ kia. Cuộc sống đáng sống ở điểm đó.
Theo HIỀN TRANG / AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Giáo dục