Toàn cảnh cuộc vây hãm Waco ở Mỹ năm 1993

Vào năm 1993, một biến cố khủng khiếp đã xảy ra tại Waco, Texas, Mỹ khiến 76 người thiệt mạng, sau khi nhà chức trách tiến hành bố ráp một giáo phái.

Toàn cảnh cuộc vây hãm Waco ở Mỹ năm 1993

Vụ vây ráp bắt đầu từ ngày 28/2/1993, khi Cơ quan kiểm soát đồ uống có cồn, thuốc lá và vũ khí (ATF) tìm cách thực thi một lệnh lục soát ở nông trại Mount Carmel Center, một khu bất động sản của nhóm tôn giáo Branch Davidians, Waco, Texas. Chính quyền tình nghi người lãnh đạo giáo phái này, David Koresh, chứa chấp vũ khí bất hợp pháp và chế tạo ma túy.

Cuộc đụng độ ban đầu biến thành vụ đấu súng dữ dội, kéo dài hai giờ đồng hồ, khiến bốn nhân viên công lực và sáu người theo giáo phái thiệt mạng. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) sau đó tiến hành một cuộc bao vây kéo dài, nỗ lực lương thượng với Koresh, buộc ông đầu hàng.

Rốt cuộc, cuộc bố ráp kết thúc ngày 19/4, 50 ngày sau khi nó bắt đầu. FBI đã tổ chức tấn công vào giáo phái của Koresh bằng vũ khí hạng nặng bao gồm xe tăng, khiến nơi trú ẩn của họ bốc cháy kèm theo tiếng nổ lớn. Cuộc tấn công khiến 76 người thiệt mạng, bao gồm Koresh. Tổng cộng, 82 người đã chết vì vụ vây ráp.

Ngược dòng thời gian, giáo phái Branch Davidians là một nhánh của Tin lành được hình thành năm 1955 ở một nhà thờ cách phía đông Waco vài dặm, rồi vài năm sau chuyển tới Mount Carmel Center. Năm 1959, bà góa phụ của người sáng lập giáo phái Victor Houteff, Florence Houteff, tuyên bố sắp có lần tái sinh thứ hai của Chúa Jesus và các thành viên giáo phái được yêu cầu tụ tập đón sự kiện đó. Nhiều người đã bán hết nhà cửa, tài sản để chuẩn bị cho sự kiện này, vốn không bao giờ xảy ra.

Quyền lãnh đạo giáo phái sau nhiều năm rơi vào tay Vernon Howell, người sau này đổi tên thành David Koresh vào năm 1990 “vì lý do kinh doanh và hoạt động với công chúng”. Sau này khi cuộc vây ráp kết thúc, người ta phát hiện Koresh là cha của ít nhất 12 đứa trẻ trong giáo phái với “vài bà vợ”, trong đó có những người mới 12 tuổi khi mang thai lần đầu. Khoảng năm 1992, hầu hết khu đất của giáo phái đã được bán đi, trừ phần lõi khoảng 31 hecta. Khi đó, nhiều thành viên đã gắn bó với giáo phái được vài thế hệ. Koresh thì liên tục rao giảng về ngày tận thế và sự cứu rỗi mà ông ta sẽ mang tới, nhân danh Chúa trời.

Từ ngày 27/2/1993, báo địa phương Waco Tribune-Herald bắt đầu đăng tải phóng sự điều tra dài kỳ “Kẻ cứu rỗi tội lỗi” của hai phóng viên Mark England và Darlene McCormick cáo buộc Koresh xâm hại thể chất các trẻ em trong khu nhà của giáo phái và cưỡng hiếp nhiều bé gái vị thành niên. Koresh là một người ủng hộ chủ nghĩ đa thê và kết hôn với nhiều phụ nữ trong cộng động. Bài báo nói ông ta từng tuyên bố có tới 140 bà vợ.

Ngoài ra, Koresh và các tín đồ bị tình nghi sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Tháng 5/1992, Phó cảnh sát trưởng hạt McLennan, Daniel Weyenberg, gọi cho ATF báo cáo về việc một tài xế của bưu chính Mỹ phát hiện một kiện hàng được chuyển tới khu của Branch Davidian bị vỡ ra và bên trong toàn vũ khí, lựu đạn và chất bột đen. Ngày 9/6, điều ra chính thức được mở và một tuần sau vụ điều tra được xếp vào dạng đặc biệt nhạy cảm.

Ngày 30/7, các mật vụ David Aguilera và Skinner giả trang tới gặp một tay lái súng của Branch Davidians, Henry McMahon, người đã gọi cho Koresh. Koresh đề nghị bán vũ khí cho các mật vụ ATF và yêu cầu nói chuyện với Aguilera, nhưng Aguilera từ chối. ATF bắt đầu theo dõi khu nhà của giáo phái vài tháng trước cuộc bố ráp, với việc cải trang của họ khá nghèo nàn và dễ phát hiện.

Cuộc điều tra phát hiện giáo phái sở hữu rất nhiều vũ khí trái phép, trong đó có những loại có sức sát thương lớn. Lệnh khám khu nhà do Aguilera vận động nói giáo phái sở hữu hơn 150 khẩu súng với khoảng 8.100 viên đạn. ATF cũng cho rằng Koresh đang chế tạo trái phép ma túy tổng hợp methamphetamine trong khu nhà giáo phái. Cuộc tập kích khám xét dự kiến là ngày 1/31993 với bí danh “Giờ trình diễn”, nhưng sau đó được đẩy lên ngày 28/2 sau loạt bài trên báo Waco Tribune-Herald, mà nhà chức trách đã tìm cách ngăn xuất bản nhưng không được.

Dù ATF muốn bắt giữ Koresh bên ngoài Mount Carmel, nhưng ông ta hiếm khi nào rời đi. Ngày 28/2, ATF đành tìm cách thực hiện lệnh khám xét. Koresh và các tín đồ chống cự, không cho khám xét và tình trạng giằng co diễn ra. Không ai biết bên nào nổ súng trước, khi cả hai phía cáo buộc lẫn nhau. Cuộc đọ súng ban đầu dẫn tới cái chết của bốn nhân viên ATF, 16 người bị thương. Trong khi phía Branch Davidians có 5 người chết. Sau hai tiếng đọ súng, hai phía ngừng bắn. Tình hình đã trở nên rất khó kiểm soát.

ATF rút ra, và FBI vào cuộc. Jeff Jamar, đứng đầu bộ phận hiện trường của văn phòng FBI tại San Antonio, là tổng chỉ huy cuộc bố ráp. Ban đầu, những người giáo phái còn liên lạc được với bên ngoài qua điện thoại, Koresh thậm chí trả lời phỏng vấn của truyền thông, nhưng sau đó FBI cắt mọi liên lạc của Davidian với thế giới bên ngoài. 15 ngày tiếp theo, chỉ có 25 chuyên gia đàm phán của FBI là liên hệ được với những người bên trong Mount Carmel.

Trong vài ngày đầu, FBI tin rằng họ đã đạt được đột phá khi đi tới thỏa thuận với Koresh rằng những người Branch Davidians sẽ rời khu nhà trong hòa bình. Các chuyên gia đàm phán cũng thương lượng để phía giáo phái thả 19 trẻ em, tuổi từ năm tới 12, mà không có bố mẹ. Trong tòa nhà còn lại 98 người. Nhưng rồi nhà chức trách trở nên thiếu kiên nhẫn khi các em nhỏ bị thả ra nói rằng các em bị xâm hại ở bên trong tòa nhà (dù rằng điều này, tức tuyên bố của các em, rất khó kiểm chứng). Đó là lý do chính để Tổng thống Bill Clinton và Tổng chưởng lý Mỹ Janet Reno ra lệnh tấn công tòa nhà bằng hơi cay.

Phía giáo phái, căng thẳng đã khiến Koresh trở nên khó thương lượng. Ông ta tuyên bố mình là chuyển thể thứ hai của Jesus. Một tuần lễ trước vụ tấn công 19/4, FBI xem xét giải pháp dùng súng bắn tỉa hạ Koresh và các nhân vật chủ chốt của Branch Davidians, nhưng rồi phương pháp đó không được áp dụng.

Ngày 19/4, vụ tấn công xảy ra, bắt đầu với hơi cay. FBI được vũ trang hạng nặng tiến vào khu nhà. Vào giữa buổi sáng, họ tưởng như đã làm chủ tình thế. Nhưng vào buổi trưa, ba vụ nổ lớn xảy ra (cho đến giờ vẫn chưa xác định được nguyên nhân) ở ba phần khác nhau của tòa nhà. Chỉ có chín người trong giáo phái rời tòa nhà sau những vụ nổ, những người còn lại không đi và tất cả đều thiệt mạng, bị đè dưới đống đổ nát, chết bỏng, nghẹt thở hoặc bị bắn chết.

Theo THỂ THAO & VĂN HÓA

Tags: ,