Thực trạng ‘già trước khi giàu’ thách thức tham vọng Trung Quốc

Trung Quốc vẫn được biết đến là một cường quốc về dân số khi số dân của nước này chiếm tới 1/5 dân số toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ già hóa nhanh có lẽ là thách thức nội địa lớn nhất của Trung Quốc.

Thực trạng ‘già trước khi giàu’ thách thức tham vọng của Trung Quốc

Dân số bắt đầu già hóa đúng lúc kinh tế và tầng lớp doanh nhân trung lưu đang trong giai đoạn bắt đầu đà tăng trưởng. “Già trước khi giàu” mang lại một gánh nặng xã hội vô cùng lớn trong khi chưa có đủ tích lũy cần thiết để trang trải. Câu chuyện nổi tiếng về sự tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc, với tốc độ khoảng 10%/năm trong 40 năm được nhận định có thể sắp kết thúc bởi một trong những yếu tố chính là lực lượng lao động.

Tác động của mức sinh thấp và già hóa dân số lên kinh tế-xã hội Trung Quốc

Dân số luôn là “đại sự” đối với bất kỳ quốc gia nào. Với đất nước có số dân đông nhất thế giới như Trung Quốc, điều này càng trở nên quan trọng.

Theo số liệu tổng điều tra dân số nước này vừa công bố, mặc dù sau 10 năm, dân số Trung Quốc đã tăng hơn 72 triệu người và hiện đang ở mức 1,41 tỷ dân, nhưng đây vẫn là mức tăng thấp nhất được ghi nhận kể từ khi chính phủ Trung Quốc tiến hành cuộc điều tra dân số đầu tiên vào năm 1953 và tốc độ tăng đang giảm rõ rệt.

Điều đáng báo động là Trung Quốc chỉ ghi nhận 12 triệu ca sinh trong năm 2020, đánh dấu mức giảm năm thứ tư liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ năm 1961.

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu số ca sinh của nước này tiếp tục giảm thấp hơn 10 triệu/năm (tức thấp hơn số người chết) trong thời gian tới, dân số Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm và có thể đạt đỉnh vào khoảng năm 2022.

Đến nay, Trung Quốc đã có 6 tỉnh dân số tăng trưởng âm, nơi giảm sâu nhất lên tới gần -17%.

Hiện tỷ lệ sinh của nước này cũng đã giảm xuống còn 1,3 trẻ em trên 1 phụ nữ, trong khi tỷ lệ này nếu dưới 1,5 và duy trì trong một khoảng thời gian nhất định sẽ bị coi là rơi vào “bẫy tỷ lệ sinh thấp”. Cùng với đó, trong 10 năm tới, số phụ nữ từ 22-35 tuổi đang trong thời kỳ sinh đẻ của Trung Quốc sẽ giảm hơn 30% so với hiện tại.

Trong khi số trẻ được sinh ra ngày càng ít đi, thì số người già ở Trung Quốc lại tăng nhanh, nói như lời của ông Ninh Cát Triết, Cục trưởng Cục Thống kê nước này là “mức độ già hóa ngày càng sâu”. Tổng số dân trên 60 tuổi ở Trung Quốc giờ đã lên tới hơn 264 triệu người, chiếm 18,7% và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Tác động của tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số thể hiện trên nhiều phương diện. Dễ nhận thấy nhất là số lượng người trẻ và trong độ tuổi lao động giảm, kéo theo nhiều vấn đề đối với nền kinh tế mà lâu nay dựa vào cái gọi là “lợi tức dân số” để củng cố tăng trưởng.

Ngoài ra, đó còn là những thách thức về thay đổi cơ cấu lao động do dân số già hóa mang lại, năng suất lao động của những người cao tuổi sẽ thấp hơn năng suất của các nhóm tuổi trẻ hơn trong lực lượng lao động.

Dân số già cũng sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho lương hưu và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chi phí y tế và các phúc lợi xã hội cho người già sẽ tăng lên, dẫn tới thu nhập của nền kinh tế và các hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng.

Thậm chí có dự báo cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Vì sao Trung Quốc vẫn chưa thể nới lỏng hoàn toàn chính sách dân số trong ngắn hạn?

Trên thực tế, Trung Quốc đã nhìn ra những bất cập và mâu thuẫn trong vấn đề dân số và đã có sự điều chỉnh, ví dụ như cho phép các gia đình sinh con thứ 2 từ cuối năm 2015, đề xuất phương án thí điểm nới lỏng hoàn toàn chính sách dân số ở khu vực Đông Bắc – nơi có mức tăng trưởng âm liên tục trong 5 năm trở lại đây.

Tuy vậy, việc nới lỏng hoàn toàn chính sách dân số trên cả nước là việc không hề đơn giản. Mọi quyết sách đều cần có lộ trình và phải đưa ra trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động, rủi ro và kết quả thực tế. Một quyết định vội vã trong lĩnh vực dân số, có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, thậm chí là cả một dân tộc.

Đến nay, mặc dù tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang giảm, nhưng theo đánh giá của nước này Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới và đang tiếp tục đứng trước các áp lực về tài nguyên, việc làm… Hơn nữa, việc nới lỏng hoàn toàn chính sách dân số không hẳn đồng nghĩa hay có thể đảm bảo rằng chất lượng dân số sẽ nâng lên.

Bên cạnh đó, các chính sách này liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành, lĩnh vực và tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Để thực hiện hiệu quả, cần có sự thống nhất và phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị. Trong khi những điều này đều cần có thời gian, lộ trình và phải được xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Các giải pháp nổi bật của Trung Quốc

Thực trạng “già trước khi giàu” và những gánh nặng lên nền kinh tế khi dân số già hóa buộc Trung Quốc phải có những giải pháp cho vấn đề này.

Như đã nói ở trên, một trong những biện pháp được Trung Quốc áp dụng là từng bước nới lỏng chính sách dân số. Sau khi ban hành chính sách 2 con vào năm 2015, tỷ lệ sinh của nước này được cải thiện đáng kể trong 2 năm liền kề, lên hơn 18 triệu và 17 triệu trong năm 2016 và 2017. Tuy nhiên sau đó con số này lại giảm dần đều khoảng 2 triệu mỗi năm.

Đầu năm nay, trang thông tin chính thức của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã đăng tải một văn bản liên quan đến việc cho phép thí điểm nới lỏng hoàn toàn chính sách sinh con ở khu vực Đông Bắc, nơi dù đã cho phép sinh con thứ 3 nhưng dân số vẫn giảm. Đây được coi là bước đi đầu tiên trong việc từng bước xóa bỏ chính sách sinh đẻ có kế hoạch được Trung Quốc thực hiện từ hơn 40 năm nay.

Bộ Giáo dục Trung Quốc và các cơ quan chức năng nước này cũng đang soạn thảo quy định hạn chế hoạt động dạy và học thêm. Động thái này được đưa ra nhằm giảm áp lực cho trẻ em và gánh nặng tài chính cho cha mẹ, qua đó khuyến khích các gia đình sinh con.

Bên cạnh đó, trong kế hoạch phát triển 5 năm tới (2021-2025), Trung Quốc đã đề cập đến việc áp dụng các biện pháp mới để tăng tỷ lệ sinh và giải quyết tình trạng dân số già nhanh. Ví dụ như các chính sách về trông giữ trẻ, phát triển thanh thiếu niên, chăm sóc người già và chế độ thai sản sẽ được hoàn thiện hơn, trong khi quy định về việc cả bố và mẹ đều có ngày nghỉ hưởng nguyên lương để chăm sóc con nhỏ trong một khoảng thời gian nhất định sẽ được xem xét thực thi.

Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc sẽ xem xét việc nâng tuổi nghỉ hưu để giảm bớt áp lực đối với hệ thống lương hưu, bởi chính sách cũ đã thực hiện suốt 50 năm qua, trong khi tuổi nghỉ hưu 50 và 55 dành cho nữ, 60 đối với nam của nước này hiện đang ở mức thấp nhất thế giới.

Mới đây, có chuyên gia Trung Quốc còn đề nghị chính phủ cấp 1 triệu nhân dân tệ (gần 3,6 tỉ đồng) dưới dạng tiền mặt, giảm thuế và trợ cấp nhà ở…, hỗ trợ những đôi vợ chồng cho mỗi đứa con chào đời, để cải thiện việc dân số đang giảm.

Theo VOV

Tags: , ,