Thị hiếu thấp kém dung túng cho sự tràn lan của video độc hại, nhảm nhí

Mỗi cá nhân phải là một người dùng mạng tỉnh táo, để không bị hùa theo đám đông, tránh những nội dung độc hại hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, giảm thiểu những hệ lụy về sau.

Đám đông livestream, chụp ảnh câu like tại đám tang một nhân vật trong làng giải trí. Ảnh: Thanh Niên Online.

Dựa trên sự phát triển của nền tảng internet, nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Bán hàng trên sóng livestream, hoặc kiếm tiền từ những quảng cáo chèn vào các video triệu view trên Facebook, TikTok… trở thành công việc chính của rất nhiều người. Thậm chí, nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng nổi tiếng và trở thành hiện tượng, kiếm được số tiền rất lớn từ các nền tảng mạng xã hội.

Thực trạng

Không ít người đổi đời nhờ các kênh YouTube, Tiktok cá nhân khi chia sẻ cuộc sống làng quê, phục dựng lại những nét đẹp văn hóa trong ẩm thực Việt Nam.

Chẳng hạn, chủ kênh YouTube Ẩm thực mẹ làm vừa lọt tốp Forbes 30 under 30 châu Á vì đã có những ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực truyền thông, tiếp thị và quảng cáo.

Do đó, không thể phủ nhận rằng YouTuber, TikToker đang dần trở thành một ngành nghề mới được công nhận trong xã hội.

Tuy vậy, mọi điều mới bắt đầu đều cần có quá trình để hoàn thiện. Bên cạnh những video có nội dung tích cực, lành mạnh, hiện xuất hiện rất nhiều video được xây dựng trên những “content” bẩn, lố lăng.

Một bộ phận YouTuber, TikToker sẵn sàng câu view bất chấp, khi sử dụng hình ảnh nhạy cảm, thông tin cá nhân, hoặc cắt ghép video sai sự thật nhằm trục lợi.

Việc câu view, câu like này còn tác động đến cuộc sống riêng của nhiều người, đôi khi gây ra bạo lực mạng, khiến công việc, tinh thần của người trong cuộc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chúng ta đã có những quy định pháp luật để xử phạt các hành vi vi phạm. Dù vậy, nhiều người vẫn bất chấp, bởi số tiền mà các video triệu view mang đến lớn hơn rất nhiều lần số tiền bị xử phạt. Nhiều người buổi sáng lên cơ quan nhà nước đóng phạt, chiều về tiếp tục lên video câu view.

Đã đến lúc cần có sự sửa đổi bổ sung các chế tài trong xử phạt việc vi phạm an ninh mạng, nâng cao mức xử lý vật chất để tăng tính răn đe. Nếu cái bỏ ra nhiều hơn cái được nhận, hẳn là sẽ không ai còn mặn mà tiếp tục vụ làm ăn lỗ vốn như thế.

Người dùng phải tỉnh táo, khôn ngoan

Việc các YouTuber, TikToker tạo ra những nội dung bẩn, câu view bất chấp chuẩn mực đạo đức, đang khiến cái nhìn của xã hội về nghề này trở nên xấu xí.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các cá nhân đang làm nghề chân chính bằng những nội dung tích cực. Để “dẹp loạn”, các YouTuber, TikToker chân chính nên là những lá cờ tiên phong, sử dụng tiếng nói và sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa, kêu gọi và tạo ra một môi trường mạng trong lành, bài trừ những người đầu cơ trục lợi với các nội dung bẩn.

Việc tiếp tục theo dõi, hợp tác với các YouTuber, TikToker vi phạm là một hình thức tiếp tay cho họ tồn tại trong mạng lưới của nghề kiếm tiền trên thế giới phẳng.

Tình trạng các video triệu view vi phạm chuẩn mực đạo đức cũng thể hiện tình trạng xuống cấp về văn hóa của người dùng mạng xã hội. Nhiều người tạo ra các video hot, nội dung giật gân vì nắm bắt được sự tò mò, thị hiếu của người dùng mạng.

Điều này không chỉ gây hại cho nạn nhân, người nhà nạn nhân, mà còn làm ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận giới trẻ.

Để định hình tư tưởng, cách hành xử đúng đắn, các cơ quan ban ngành, trang chủ của YouTube, TikTok cần giám sát chặt chẽ nội dung đăng tải, kiểm duyệt video sát sao hơn, để kịp thời loại bỏ những nội dung bẩn trên nền tảng.

Ngoài ra, người dùng cần tích cực bài trừ những nội dung bẩn bằng cách nhấn nút báo cáo (report), hủy theo dõi, hủy đăng ký kênh.

Đặc biệt, không bình luận, like, share, bởi dù với mục đích lên án, không đồng tình, thì cũng sẽ làm video lên xu hướng; mục đích tăng view, tăng like để kiếm tiền của các chủ kênh vẫn sẽ đạt được. Nổi tiếng dựa trên tai tiếng cũng là một cách để các YouTuber, TikToker trục lợi.

Khi video không được quan tâm, không kiếm được tiền, thì dần dà, những chủ kênh sẽ không xây dựng và đăng tải nội dung tương tự. Đúng như quan hệ cung – cầu, hết cầu thì cung sẽ ngừng.

Mỗi cá nhân phải là một người dùng mạng tỉnh táo, để không bị hùa theo đám đông, tránh những nội dung độc hại hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, giảm thiểu những hệ lụy về sau.

Theo CƯƠNG TRÚC / NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tags: , ,