Thế kỷ 21 liệu có phải là ‘Thế kỷ Châu Á’?

Thế kỷ 21 có thể được gọi là “Thế kỷ châu Á” hoặc một tên gọi khác, điều này không quan trọng. Cho dù tăng trưởng thực tế của châu Á chậm lại, song điều quan trọng là khu vực này đang trỗi dậy, mức sống của người dân vẫn tiếp tục được nâng cao.

Bài viết của tác giả Dan Steinbock, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Thương mại Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ (của Mỹ), đồng thời là học giả của Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Thượng Hải (của Trung Quốc) và học giả Trung tâm ASEAN (của Singapore). Bài viết được đăng trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (82015).

Nếu như thế kỷ 19 do đế quốc Anh “làm mưa làm gió”, thì thế kỷ 20 lại là thiên hạ của Mỹ và hiện nay có thể nói là “Thế kỷ châu Á”, bởi vì động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chuyển dịch từ phương Tây sang phương Đông.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2011, đến năm 2050 có thể sẽ có khoảng hơn 3 tỉ người dân châu Á có mức sống tương đương với người dân châu Âu, và đến lúc đó sản xuất của châu Á có thể chiếm hơn 50% giá trị toàn cầu. Vào thời điểm ADB công bố báo cáo trên, châu Á đang trỗi dậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm của châu Á cao hơn 4-6 lần Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của các nền kinh tế mới nổi lớn của châu Á vẫn kém xa châu Âu. Dự báo xu thế này vẫn sẽ duy trì tới năm 2020.

Ngoài ra, xu thế tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao trong khu vực cũng đang chậm lại. Cùng với việc chỉ số tăng trưởng GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục sụt giảm so với dự báo, các chuyên gia phân tích đều lần lượt hạ thấp dự báo tăng trưởng đối với phần lớn các quốc gia châu Á. Nguyên nhân chính được cho là tăng trưởng kinh tế do Mỹ dẫn dắt đã không thể thúc đẩy kinh tế châu Á. Thậm chí, việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong thời gian tới rất có khả năng làm suy yếu động lực tăng trưởng của khu vực này.

Ở châu Âu và Nhật Bản, viễn cảnh tăng trưởng kinh tế ngày càng ảm đạm, đây là một sự thật không thể tranh cãi. Trong khi đó, ở Trung Quốc, mặc dù chính phủ nước này đang thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế, lấy tiêu dùng làm chủ đạo, đồng thời trong quá trình này tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới song tốc độ tăng trưởng chậm lại vẫn là bình thường. Ở một số nền kinh tế lớn ở châu Á như Ấn Độ, Việt Nam và Myanmar, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa vẫn tạo ra động lực to lớn, song thời đại tăng trưởng kinh tế cao đã đi qua. Đối với các quốc gia châu Á đang trỗi dậy như Ấn Độ, Myanmar và Philippines…, tăng trưởng dân số vẫn duy trì ở mức độ cao. Song nếu dân số ngày càng trẻ trong khi cơ hội việc làm là không đủ thì “kỳ tích tăng trưởng” có khả năng biến mất, thay vào đó là sự xuất hiện của các khu dân nghèo ở thành phố, thị trấn hoặc xã hội bấp bênh, không ổn định.

Để đề phòng sự xuất hiện các diễn biến tiêu cực, châu Á cần đẩy nhanh sự hòa hợp về kinh tế và gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn. Chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc sẽ thúc đẩy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn với sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) mới được thành lập.

Đối với bản thân châu Á, các quốc gia trong khu vực không thể tiếp tục đầu tư ra nước ngoài mà không chú ý đến trong nước. Trong quá khứ, châu Âu và Mỹ đều như vậy, kết quả đó là tài nguyên công nghiệp của các nước đó bị đào khoét đến trống rỗng. Ở châu Á, hiện tượng xuất siêu cho thấy trong quá khứ các nước này lấy xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện nay, châu Á cần chấp nhận thực tế cán cân thương mại bị thâm hụt, và chính sách nên tập trung vào đầu tư, nguồn nhân lực và mô hình tăng trưởng tiên tiến hơn.

Giải pháp lý tưởng là kết hợp Đông Nam Á và Nam Á nhằm tăng cường sức mạnh tổng thể của châu Á. Có thể nói, ở góc độ toàn cầu, không có khu vực nào sánh được với khả năng thương lượng về giá cả của khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á. Về lĩnh vực quan hệ đối ngoại, nếu châu Á bị “chia năm sẻ bảy”, tăng trưởng của khu vực khó có thể duy trì; chỉ có đoàn kết nhất trí, các quốc gia châu Á mới có thể đạt được thành tích xuất sắc trên trường quốc tế.

Thế kỷ 21 có thể được gọi là “Thế kỷ châu Á” hoặc một tên gọi khác, điều này không quan trọng. Cho dù tăng trưởng thực tế của châu Á chậm lại, song điều quan trọng là khu vực này đang trỗi dậy, mức sống của người dân vẫn tiếp tục được nâng cao.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,