Thấy gì từ nghị quyết lịch sử lần 3 vừa được thông qua ở Trung Quốc?

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc khóa XIX, diễn ra từ ngày 8 đến 11/11, đã thông qua nghị quyết lịch sử lần thứ ba dưới thời đại của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Thấy gì từ nghị quyết lịch sử lần 3 vừa được thông qua ở Trung Quốc?

Trước đây chỉ có hai nghị quyết lịch sử – một dưới thời ông Mao Trạch Đông, người sáng lập nước CHND Trung Hoa, và một dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, người được xem là “kiến trúc sư của Trung Quốc hiện đại”.

Xây dựng tương lai từ hào quang quá khứ

Nghị quyết đầu tiên năm 1945 nhằm đảm bảo quyền kiểm soát vững chắc của Mao Trạch Đông với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao, chuẩn bị cho sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới, đưa Trung Quốc “đứng lên”.

Nghị quyết thứ hai năm 1981 nhằm giải quyết các vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ Đảng sau tình trạng hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa, củng cố sự ủng hộ đối với Đặng Tiểu Bình và chính sách cải cách mở cửa của ông, khiến Trung Quốc “giàu lên”.

Theo quan điểm của ĐCS Trung Quốc, cả hai nghị quyết trên đều nhằm thống nhất tư tưởng và tập hợp sức mạnh để hoàn thành sứ mệnh lịch sử mới, và đây cũng chính là điều mà Đảng mong đợi từ Hội nghị Trung ương 6 dưới thời Tổng bí thư Tập Cận Bình, khi Trung Quốc xác định họ đang bước vào “thời kỳ cơ hội chiến lược” để Trung Quốc có thể “mạnh lên” trong hành trình phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Nghị quyết lịch sử lần 3 có tiêu đề “Nghị quyết của trung ương về những thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm đấu tranh của Đảng”. Tuy nhiên, tiêu đề của nghị quyết thời đại Tập Cận Bình đề cập đến “thành tựu và kinh nghiệm” thay vì “một số vấn đề” về lịch sử Đảng như trong tiêu đề nghị quyết thời Mao và Đặng.

Nghị quyết của Mao Trạch Đông được đưa ra sau cuộc thanh trừng chính trị và tư tưởng trong Phong trào Chỉnh đốn Diên An. Nghị quyết này tổng kết các cuộc tranh giành quyền lực diễn ra trong nội bộ Đảng cũng như các chính sách của các cựu lãnh đạo trong quá khứ. Nghị quyết của Đặng Tiểu Bình đã chỉ trích “những sai lầm” trong 10 năm Cách mạng Văn hóa và đề xuất hình thức lãnh đạo tập thể nhằm ngăn chặn chủ nghĩa sùng bái cá nhân.

Khác với hai nghị quyết trước đây, nghị quyết lịch sử thứ ba không công khai giải quyết các tranh cãi trong quá khứ. Do đó sẽ không đánh giá lại sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và các tổng bí thư như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Trọng tâm của bản nghị quyết năm 2021 là đề cao những thành tựu trong quá khứ và xây dựng các kế hoạch hướng đến tương lai.

Trải thảm đỏ cho nhiệm kỳ 3

Thông cáo Hội nghị Trung ương 6 nhấn mạnh sự lãnh đạo của ông Tập là “yếu tố then chốt đối với công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Thông cáo cho biết cần phải đánh giá lại lịch sử Đảng để “kiên định duy trì vai trò hạt nhân của đồng chí Tập Cận Bình trong Ban Chấp hành Trung ương và toàn Đảng, đồng thời giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất”.

Một điểm đáng chú ý là trong bản thông cáo dài hơn 7.000 từ này, tên của ông Tập đã được nhắc đến 14 lần so với 7 lần của chủ tịch Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình được nhắc đến 5 lần, trong khi Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào chỉ được nhắc đến 1 lần.

Bản thông cáo cũng dùng nhiều câu chữ để đúc kết 13 thành tựu quan trọng trong 9 năm “thời kỳ mới” do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo, bao gồm việc hoàn thành “mục tiêu 100 năm” đưa Trung Quốc đi lên xã hội khá giả và nghị quyết lần này sẽ vạch ra những đường hướng mới giúp Trung Quốc thực hiện “mục tiêu 100 năm” lần hai.

Đây có thể coi là nỗ lực mới nhất của ông Tập nhằm đảo ngược chủ trương phân quyền của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, vốn bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình và được duy trì bởi các thế hệ lãnh đạo tiếp theo như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, trong hoàn cảnh ông Tập ngày càng có nhiều kẻ thù hiện hữu sau cuộc chống tham nhũng quyết liệt suốt 8 năm qua với hơn 500 quan chức cấp tỉnh và người nhà của họ đã bị điều tra xử lý.

Kể từ khi Quốc hội Trung Quốc xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước vào năm 2018, ông Tập cũng có khả năng sẽ trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Trung Quốc và nghị quyết lịch sử quan trọng này được sử dụng nhằm nâng cao vị thế để ông tiếp tục cầm quyền trong nhiệm kỳ thứ ba.

Kích hoạt chủ nghĩa dân tộc

Trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với môi trường an ninh quốc tế đầy thách thức, chủ nghĩa dân tộc đã được các nhà lãnh đạo nước này khai thác một cách triệt để nhằm duy trì sự bền vững của chính thể và bảo vệ tính chính danh của đảng cầm quyền, vốn là trụ cột của nền an ninh Trung Quốc.

“Ánh hào quang” của lịch sử gần đây được Trung Quốc sử dụng như một công cụ đắc lực để bồi đắp chủ nghĩa dân tộc và tăng cường tinh thần đoàn kết toàn dân.

Cuốn Sơ lược lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa được xuất bản năm 2021 thể hiện rõ lập trường chống lại thuyết phủ nhận lịch sử. Thông cáo Hội nghị Trung ương 6 nhấn mạnh ĐCS Trung Quốc cần phải có “cái nhìn đúng đắn” về lịch sử, đồng thời cần hiểu lý do thành công trong quá khứ và để có thể tiếp tục thành công trong tương lai.

Theo ông Tập, “chủ nghĩa hư vô lịch sử” hoặc phủ nhận vai trò nền tảng của Đảng trong việc đạt được thành công ngày hôm nay là sai lầm nghiêm trọng. Ông không muốn hướng chú ý đến vấn đề gây mất đoàn kết.

Rút ra bài học lịch sử có vẻ như rất mông lung nhưng lại cần thiết về mặt chính trị, nó giúp hướng tới sự đồng thuận, truyền cảm hứng cho các đảng viên, giúp luận giải về sự cần thiết của kỷ luật và chấn chỉnh Đảng, về “vòng tuần hoàn kép”, về “thịnh vượng chung” và về giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc dường như đã bị kích hoạt quá mức với các kiểu đấu tranh chính trị, với các hình thức kiểm soát và giám sát, với hàng loạt cuộc vận động nâng cao tinh thần yêu nước, và sự quay lại của chủ nghĩa sùng bái cá nhân như đã phân tích phía trên khiến cho dư luận lo ngại.

Chuẩn bị cho Đại hội Đảng XX
Có thể nói, Hội nghị Trung ương 6 là sự kiện chính trị quan trọng cuối cùng chuẩn bị cho Đại hội Đảng XX vào mùa thu sang năm.Đại hội này rất có thể sẽ đề cao “Tư tưởng Tập Cận Bình” – với tên gọi rút gọn (chứ không phải “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới”), qua đó nâng tư tưởng của ông lên ngang tầm “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, thể hiện vai trò lịch sử vượt trội hơn hẳn so với hai vị lãnh đạo tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đồng thời phê chuẩn các chức vụ cao nhất của ông Tập trong ĐCS Trung Quốc, Quân Giải phóng nhân dân và Nhà nước.
.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: , ,