Sự thần kỳ của nền điện ảnh tài liệu Bỉ

Trong đại dương phim tài liệu hành tinh ngày một mênh mông, nổi lên một nền điện ảnh tài liệu bé hạt tiêu đáng nể. Ấy là điện ảnh tài liệu Vương quốc Bỉ.

Với không những giới chuyên môn của nghệ thuật thứ bảy, mà cả công chúng mọi lứa tuổi trên thế giới, phim tài liệu là đặc sản điện ảnh của đất nước chỉ có khoảng 10 triệu dân này. Đặc sản ấy phi thường ở chỗ nó không do các tác giả làm nên mà do các nghệ sĩ. Nó không tầm thường dung tục, nhưng cũng không nghệ thuật thuần túy. Nó đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ tối cao của nhiều loại đối tượng hưởng thụ. Nó giống như những bản tin thời sự mà hầu ai cũng muốn theo rõi hàng ngày, để hiểu biết, chia sẻ, suy xét và hành động cho chuẩn với đạo lý, định hướng chung hướng thiện của xã hội con người.

Nước Bỉ và lịch sử điện ảnh thế giới

Từ đầu TK XVIII, khi nghệ thuật nhiếp ảnh bắt đầu manh nha, không ít người đã ao ước ghi lại được những hình ảnh chuyển động. Nhiều nhà khoa học đã dành thời gian và công sức nghiên cứu nhằm thỏa mãn nhu cầu đó của công chúng. Một trong những người tiên phong là bác sĩ kiêm nhà khoa học, ngôn ngữ học Xứ sở sương mù Peter Mark Roget (1779-1869). Ông quan tâm tới nhiều lĩnh vực, và tác phẩm để đời của ông là về ngôn ngữ, bộ Từ điển từ và ngữ tiếng Anh đồng nghĩa, xuất bản năm 1852 và được tái bản liên tục cho tới bây giờ. Song ông cũng thường được coi là thủy tổ của nghệ thuật thứ bảy. Số là ông quan sát khi di chuyển trên những chiếc xe ngựa chạy nhanh, và phát hiện được sự chuyển động của các hình ảnh vốn đứng im, qua những khe hở thẳng đứng của màn cửa. Ảo giác kỳ thú này được ông công bố trên tạp chí Giao lưu triết học, năm 1824. Ông bận bịu nhiều chuyện khác, nên đành bỏ lửng phát hiện vô cùng quan trọng này. Người đồng hương vĩ đại của ông, nhà bác học Michael Faraday (1791-1867), dù ngập đầu vì nhiều dự án phát minh và sáng chế, vẫn thử làm bằng được một thiết bị chứng minh cho bắt chộp kỳ lạ của P.M.Roget, bắt chộp sẽ đóng một vai trò cực kỳ to lớn trong đời sống nhân loại. Thiết bị ấy gồm hai đĩa, mỗi đĩa được chia ra 16 hình rẻ quạt, tựa một chiếc quạt hình tròn, mười sáu nan, cán là tâm hình tròn ấy. Hai đĩa được lắp song song trong một ống hình trụ. Khi chúng quay ngược chiều nhau, hình vẽ trên một nan, được chiếu vào tấm gương, sẽ như rung động. Sau khi thuyết trình công trình của mình năm 1830 tại một hội thảo ở Viện hoàng gia Anh, M.Faraday in nó thành sách năm 1831.

Có lẽ M.Faraday không biết rằng trước đó, năm 1828, nhà vật lý Bỉ Joseph Plateau (1801-1883) đã trình bày nguyên lý về ảo giác hình ảnh động trong luận văn khoa học của mình. J.Plateau nghiên cứu công phu và say mê kỳ lạ về hiện tượng võng mạc mắt người lưu giữ trong một thời gian nhất định những hình ảnh mà con người nhìn thấy. Trong một lần thí nghiệm, ông nhìn thẳng vào mặt trời trong 25 giây và mắt gần như mù. Mười mấy năm sau, do sự liều mình ấy, ông bị mù thật. Nguyên lý ảo giác hình ảnh chính là cơ sở để ông nghĩ ra, một phần được được cổ vũ bởi phát minh của P.M.Roget, một thiết bị tương tự của M.Fraday, nhưng với một khác biệt đáng kể. Lúc đầu, ông cũng vẽ một hình ảnh duy nhất trên tất cả các nan quạt. Như thế, chỉ có một hình ảnh động đậy. Dần dần, ông thử vẽ các cử chỉ kế tiếp của một vận động của người được vẽ. Mỗi nan quạt là một bộ phận nối dài của vận động muốn thể hiện. Do đó, khi đĩa hình quay nhanh, người ta sẽ nhìn thấy qua một khe hở của đĩa còn lại, như người được vẽ đang làm một động tác y hệt ngoài đời. Đáng chú ý, J.Plateau cứ hồn nhiên làm việc cật lực, không mảy may lo tới lợi ích cá nhân, ví như chuyện bản quyền thời hiện đại. Ông quên không ghi tên và ký trong nhiều ghi chép về các bước hoàn thiện nghiên cứu và sáng chế của mình. Một thời gian dài, ông tự vẽ lấy nhiều đĩa, nhưng hình vẽ quá vụng về. Cho người khác xem những hình như vậy là một sự xúc phạm. Ông không giấu dốt, và tha thiết mời một họa sĩ cùng thời, Jean Baptiste Madou (1779-1877), cộng tác. Qua ngọn bút tài hoa và chí tình của họa sĩ này, bên cạnh những người và vật quen thuộc, hình ảnh một số nhân vật đương thời đi vào những phim hoạt hình đầu tiên của loài người dưới dạng những chân dung đặc tả nhấp nháy, vừa trang trọng vừa ngộ nghĩnh.

Gần đồng thời với bánh xe của Faraday, ông chính thức khai sinh sản phẩm cho thấy hình ảnh di động như thật, với tên gọi trò chơi triết học. Nó lập tức được nhân bản, gây hứng thú không chỉ với người lớn, mà ghê gớm nhất là đối với trẻ nhỏ. Năm 1833, người Anh Arkesman bắt đầu bán nó ở thủ đô Xứ sở sương mù. Một năm sau, công dân Pháp Alphonse Guiroux giới thiệu nó ở Paris. Từ đó, nó đi vào đời sống nhân loại, như một biểu tượng nghệ thuật đúng nghĩa nhất, nghĩa là nghệ thuật chỉ thành nghệ thuật khi đồng thời là khoa học đích thực. Gốc của biểu tượng này là cái đẹp, mà trọng tâm là sự trung thực trong học hỏi và nghiền ngẫm, trong cảm xúc và bày tỏ cảm xúc, với người và với mình, với hiện tại và tương lai. Các thế hệ đương thời và hậu thế truyền tụng mãi mãi những ứng xử cao đẹp của những người liên quan đến biểu tượng đang được đề cập. Cùng năm và hoàn toàn độc lập với J.Plateaui, nhà khoa học Áo Simon Stamper (1792-1864) tung ra đĩa ảnh như của nhà vật lý Bỉ. Song biết nó không hoàn thiện bằng của J. Plateau, ông vui vẻ nhường vinh dự khai sáng nó cho đồng nghiệp Bỉ đáng kính. Michael Faraday thì thẳng thắn tuyên bố rằng vinh dự tìm ra phương thức làm cho hình ảnh chuyển động là của J.Plateau, một mẫu mực của nghiên cứu khoa học và của sáng tạo nghệ thuật. Mẫu mực đó là bất tử !

Tiếc là do nhiều nguyên nhân, J.Plateau cho rằng chiếc đĩa hình do mình phát minh chỉ là một trò chơi con trẻ đơn thuần. Về sau, nhất định công dân Pháp Louis Ông hoàng (1841-1890) dựa vào chiếc đĩa và tấm gương của ông để đi tới cùng và năm 1888, chính thức “công bố” phát minh thiết bị “chụp” được chuyển động của hoạt động con người, thiết bị được coi là cha đẻ của máy quay và chiếu phim hiện đại. Dù sao mặc lòng, nhân dân Bỉ vẫn coi J.Plateau là ông tổ điện ảnh của họ, chí ít cũng trong phim tài liệu và phim hoạt hình. Hình bóng cao quý khổng lồ của ông đã và đang chi phối ngoạn mục nền điện ảnh tài liệu Vương quốc Bỉ.

Năm 1886, công trình của anh em nhà Lumière của Pháp được giới thiệu ở thủ đô Bruxelles, kèm theo là những thước phim đầu tiên của hai người. Các nhà làm phim Bỉ xuất hiện ngay tức khắc. Năm sau, 1887, rạp chiếu bóng đầu tiên của Bỉ ra đời tại thủ đô với cái tên đã đi vào lịch sử: Nhiệm vụ trung tâm. Được trình chiếu liên tục ở đây là những cảnh đời Bỉ quen thuộc và được để ý nhất, những cảnh đời luôn luôn ẩn chứa những suy nghĩ nhân bản hết sức dung dị và thâm trầm. Với thời gian, dân Bỉ cho thấy họ có lẽ là người mê phim tài liệu nhất thế giới. Ở Bruxelles chẳng hạn, trong 21 rạp chiếu bóng, có đến 5 rạp chuyên chiếu phim tài liệu, khán giả luôn chật kín khán phòng, rạp nào ở Vương quốc Bỉ cũng dành một thời lượng đáng kể cho phim tài liệu.

Nền nghệ thuật phim tài liệu Bỉ

Như sẽ thấy, đối với người Bỉ, nhà điện ảnh và công chúng, phim tài liệu là quan trọng, không kém gì phim truyện. Đầu tư cho phim tài liệu không hề nhỏ. Hiển nhiên, đầu tư không chỉ là tiền bạc và lao động, mà chủ yếu là chất xám, khoa học và tâm huyết tận cùng. Dân Bỉ không hề mờ mắt trước những siêu phẩm thương mại của Hollywood. Họ cứ bình tâm ghi lại qua phim ảnh trôi chảy của cuộc đời thường nhật, không chỉ ở đất nước họ, mà ở mọi chân trời góc bể. Họ cứ thanh thản chia sẻ cùng nhau và cùng đồng loại muôn phương những cảm xúc và suy tư, tích cực là chủ đạo, toát ra từ những hình ảnh chân thực hẳn không diễn ra là thứ hai.

Phim tài liệu Bỉ là điển hình của phim tài liệu thế giới, quy tụ một cách thuyết phục những vấn đề căn cốt và những đặc trưng tiêu biểu của loại hình. Tồn tại và phát triển đã hơn một thế kỷ, nền điện ảnh tài liệu này thực sự khởi sắc và lừng lẫy toàn cầu từ những năm 30 TK XX. Năm 1929, Bỉ rơi vào suy thoái kinh tế. Đến 1932, sức sản xuất giảm một phần ba, thất nghiệp tàn phá thế giới lao động. Như lửa đổ thêm dầu, cuộc đình công từ tháng 5 năm ấy của thợ mỏ ở Borinage đẩy bi kịch xã hội Bỉ lên đỉnh điểm. Lương thực thực phẩm thiếu hụt, bệnh tật hoành hành, tinh thần bị chấn thương nghiêm trọng, nhà cửa bị cướp bóc và hủy hoại, gia đình đổ vỡ, bắt bớ, đàn áp, ám sát và tự tử…, thảm họa Borinage 1932 được lịch sử Bỉ ghi nhận như việc nền cộng hòa Tây Ban Nha bị chủ nghĩa phát xít Franco tiêu diệt. Ngày 10-7-1932, Louis Tayenne, một thợ trẻ, bị sát hại, trong một cuộc đối đáp kịch liệt giữa những người đình công và các lực lượng giữ gìn trật tự xã hội. Chi nhánh Hội Cứu trợ đỏ quốc tế ở Bỉ đã quyên tiền giúp đỡ gia đình nạn nhân chôn cất anh mồ yên mả đẹp. Một năm sau, một lễ tưởng niệm người công nhân bất hạnh được tổ chức, và thật bất ngờ, số người dự, toàn thợ mỏ, lên tới gần 10 nghìn người. Hai nhà quay phim nghiệp dư, Jean Fonteyne và Albert Van Omeslaghe, đã vội vàng và hết sức chăm chú ghi hình, để lưu giữ cho hiện tại và mai sau những chuyện khó dùng lời để diễn tả. Hai người bàn bạc chớp nhoáng về chủ đề và những cái cần ghi, rồi thi nhau quay thật chuẩn, không để tay máy bị run. Lời của các thủ lĩnh chính trị – lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh – được thể hiện xen kẽ giữa các hình ảnh. Được các tổ chức công đoàn Bỉ ủng hộ và nuôi dưỡng, bộ phim câm Biểu tình tưởng nhớ Louis Tayenne này chấn động mạnh mẽ xã hội Bỉ thời ấy và đến nay vẫn được xem lại. Nó được coi là phim tài liệu đích thực thứ nhất, không chỉ của Bỉ, vì bất chấp cường quyền, nó đề cập trực diện vũ trụ lao động đầy rẫy bất công, khốn khổ và tủi nhục.

Bi kịch Bordinage thu hút chú ý của toàn xã hội Bỉ, trong đó có các văn nghệ sĩ. Dựa vào báo cáo của Chi nhánh Hội Cứu trợ đỏ quốc tế về sự kiện, đạo diễn Henri Storck (1907-1999), cha đẻ của phim tài liệu Bỉ, mời nhà điện ảnh Hà Lan sừng sỏ Joris Ivens (1898-1989) cùng làm phim Thống khổ của Bordinage, năm 1933. Joris Ivens không hoàn toàn tin vào bản báo cáo và yêu cầu H.Storck cùng đến Bordinage kiểm tra tại chỗ. Đối với bậc thày phim tài liệu của quê hương của danh họa Vincent Van Gogh (1853-1890), người thật, việc thật, sự thật nói chung bao giờ cũng thiết yếu hơn cái nghệ sĩ có trong đầu. Cuộc sống của thợ mỏ ở Bordinage kinh khủng hơn nhiều tưởng tượng của hai ông, và Henri Storck đã thốt lên: “Chúng tôi không còn nghĩ đến điện ảnh nữa… Thẩm mỹ gì gì đều trở nên vô duyên và lạc lõng. Máy quay của chúng tôi chỉ còn là tiếng gào thét phản đối quyết liệt!”. J.Ivens thì nhắc đi nhắc lại rằng: “Nhà làm phim phải phẫn nộ với tội ác người bóc lột người, trước khi chọn góc quay thích hợp nhất để ghi lại thực tế và sự thật…”. Với phong cách giản dị nhất có thể, hai ông làm nên một tác phẩm nhói đau và giục giã. Những bất công ghê rợn hành hạ dã man những người thợ bị dồn đến đường cùng, những thủ đoạn thâm độc (nhằm chiếm đoạt càng nhiều càng hay mồ hôi nước mắt của dân lao động) cùng những trò lừa mị siêu đẳng (để dễ bề hút máu họ) của giới chủ và nhà cầm quyền đồng loã, được phơi bày trần trụi đến thế là cùng. Nét mới so với nhiều phim tài liệu cùng thời là sự đoàn kết giữa người bị áp chế với nhau, và giữa họ với các văn nghệ sĩ, người bênh vực họ. Một chuyện thật liên quan đã được chép vào lịch sử điện ảnh Bỉ. Ấy là, J.Ivens dự trù dựng lại cảnh công nhân mỏ Bordinage biểu tình đòi quyền lợi chính đáng của họ, với nhiều ảnh Karl Marx giơ cao trên đầu. Biết trước nguy cơ J.Ivens có thể bị bắt, thợ thuyền sở tại đã chủ động mít tinh và biểu tình thị uy, ngăn cản cảnh sát hành động…

Hai phim trên đã từng bị cấm chiếu và bị gây khó dễ rất nhiều, không chỉ ở Bỉ. Vì sao thì đã rõ rồi. Kỷ lục phim tài liệu bị cấm, 35 năm, hẳn là kiệt tác Đã bay bổng bông hoa mỏng mảnh, 1960, của Paul Meyer (1920-2007). Phim thuật lại lao động nhọc nhằn như tù khổ sai trong hầm mỏ và sinh hoạt cơ cực trăm bề của công nhân mỏ, đa phần là dân Italia nhập cư và con cái nheo nhóc của họ, mà nạn thất nghiệp là một nghiệp chướng kinh hoàng. Song đó mới là một nửa sự thật. Sự thật còn lại là niềm vui sống hồn nhiên trăm hình ngàn vẻ. Trò chơi đủ kiểu của con trẻ, những vũ hội tưng bừng ngày lễ, cưới xin xúc động cảa các đôi uyên ương giữa đói nghèo và bức bí… Quyền sống chính đáng của con người phải trả giá quá đắt, đôi khi đến không ngờ. Một cô gái, để không mất việc trong một nhà máy gạch, chấp nhận qua đêm với chủ, vào hôm cô thành hôn. Mẹ cô vờ không biết. Theo Paul Meyer, nhà điện ảnh phanh phui tận cùng những vấn nạn nhân sinh không khác thời Trung cổ, “sự thật là sự thật, và chỉ sự thật mới biến con người thành một sinh thể tự do”. Ông đi trước thời đại, nhấn mạnh vai trò tiên quyết của sự hiên minh trong tiến trình xã hội. Sự nghiệp thăm thẳm của ông mở đường cho việc xây dựng một thế giới, ở đó, con người và lao động đạt đến phẩm cấp tối thượng.

Thể hiện chính xác tối đa sự thật, đó là lý tưởng thẩm mỹ của điện ảnh tài liệu Bỉ. Sự thật không chỉ của việc và người, của tư tưởng và tình cảm, mà cả của băn khoăn và ước mơ của thời đại. Định hướng đó vẫn được các thế hệ làm phim tài liệu Bỉ kiên trì theo đuổi và thực hiện. Đáng mừng, số lượng nữ đạo diễn tăng đáng kể. Phạm vi quan tâm mở rộng hơn trước nhiều. Hầu như điểm nào trên hành tinh cũng lọt vào tầm ngắm của điện ảnh tài liệu Bỉ. Trong Một mùa hè với Anton, 2012, nhà điện ảnh tài liệu nữ Jasna Krajicovic trình ra mùa huấn luyện quân sự mùa hè độc đáo tại Nga hôm nay, dành cho trẻ vị thành niên, từ 12 tuổi. Khám phá ấy nói thật nhiều về thời chúng ta đang sống. Châu Phi hình như được điện ảnh tài liệu Bỉ chú tâm đặc biệt. Tháng 5-2013 mới đây, Phụ nữ da màu của Patricia Gérimont và Jean Claude Taburiaux đã giành giải thưởng lớn của ban giám khảo Liên hoan phim tài liệu quốc tế Ville sur Yron, Pháp, chuyên về nông thôn và nông nghiệp. Phim kể về hai phụ nữ da đen Mali, một ở thành phố, một ở nơi khỉ ho cò gáy, dù vất vả hay dễ thở, đều quyết sống đói cho sạch, rách cho thơm. Hiện tượng hai năm nay là Trà hay điện của Jérôme Le Maire. Ra đời năm 2012, bộ phim đã được trình chiếu tại nhiều nơi và nhiều LHP quốc tế, đoạt 11 giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có giải phim tài liệu hay nhất ở LHP Magritte 2013. Có thể được coi như một kỳ tích điện ảnh, bộ phim dựng lại chân thực đến từng chi tiết nhỏ việc đưa điện về một làng núi xa xôi của Morocco. Làng chưa có đường vào, khắp nơi những đá là đá, dân sống như thời Trung cổ, đổi chác sản vật trực tiếp để thỏa mãn những nhu cầu ăn ở tối thiểu. Tuy vậy, họ không man di mọi rợ, vui vẻ đón nhận đời sống hiện đại. Để có điện, nhà nhà đều phải vay nợ ngân hàng. Những đổi thay đã bắt đầu một cách hài hước. Vâng, đời sống nhân loại vẫn còn nhiều mâu thuẫn trĩu nặng. Hố sâu ngăn cách giàu nghèo vẫn còn lớn biết bao. San bằng hố đó phải là đồng thuận và nỗ lực chung của mọi cộng đồng…

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: ,