Sự rối rắm trong cách hành xử của Philippines đối với Trung Quốc

Sự chuyển hướng mạnh mẽ khỏi quan điểm truyền thống vốn thường dựa vào đồng minh hiệp ước là Mỹ của Manila đã khiến dư luận trong nước và khu vực không khỏi choáng váng, nhất là trong bối cảnh tham vọng về chủ nghĩa mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc ngày càng lộ rõ.

Trong một bài phát biểu trước các doanh nhân người Philippines và Trung Quốc hôm 19/2, Tổng thống Rodrigo Duterte đã bất ngờ đùa rằng nếu Trung Quốc muốn, “họ có thể biến Philippines thành một tỉnh của mình, như Phúc Kiến”. Điều đáng chú ý là Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa cũng tham dự sự kiện này và là một trong số những người hoan nghênh phát biểu gây tranh cãi của ông Duterte, bên cạnh nhiều thương nhân và giới chủ doanh nghiệp nhiều ảnh hưởng.

Nhà lãnh đạo Philippines trước đó còn phủ nhận những lo ngại ngày càng gia tăng về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại những hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng trước đó, kể cả hoạt động tại các thực thể lân cận mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Bài phát biểu này là “nỗ lực” mới nhất của Duterte nhằm “bảo vệ” chính sách ủng hộ Trung Quốc mà ông theo đuổi từ khi lên nắm quyền. Sự chuyển hướng mạnh mẽ khỏi quan điểm truyền thống vốn thường dựa vào đồng minh hiệp ước là Mỹ của Manila đã khiến dư luận trong nước và khu vực không khỏi choáng váng, nhất là trong bối cảnh tham vọng về chủ nghĩa mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc ngày càng lộ rõ. Những tuyên bố của Duterte nhanh chóng vấp phải phản ứng dữ dội từ phía người dân Philippines. Giới chỉ trích chính quyền cho rằng Philippines dưới sự lãnh đạo của Duterte đang có nguy cơ trở thành một nước vệ tinh hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc.

Dư luận càng bất bình hơn trước các thông tin cho biết Trung Quốc đã đơn phương đặt tên cho 5 thực thể chìm dưới mặt biển tại Rãnh Benham ở phía Đông Biển Philippines và đệ trình Tổ chức Thủy văn học Quốc tế (IHO), một cơ quan liên chính phủ được thành lập để đảm bảo các vùng biển và đại dương đều được đo đạc và giám sát cụ thể.

Rãnh Benham nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines song ngày càng có nhiều người lo ngại rằng việc Trung Quốc đặt tên cho các thực thể kể trên là bước đầu để cường quốc này gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực, và là tiền đề để Bắc Kinh từng bước tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển giàu tài nguyên này.

Năm 2017, Philippines đã chính thức đặt lại tên cho Rãnh Benham thành “Rãnh Philippines” để khẳng định chủ quyền đối với vùng biển này. Không giống như Biển Đông, khu vực phía Đông Biển Philippines và Rãnh Benham không phải là nơi các quốc gia đối địch có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Ngày càng có nhiều người Philippines cho rằng cách tiếp cận mềm dẻo của Tổng thống Duterte không thể ngăn chặn hay kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Chính tâm lý này đã dẫn đến một cuộc vận động công khai mới kêu gọi chính quyền có lập trường cứng rắn hơn để chống lại sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Nghị sỹ Gary Alejano, xuất thân từ quân đội và là một người thường xuyên chỉ trích ông Duterte, nói: “Thật không thể chấp nhận được việc Tổng thống, nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước, lại nói đùa về việc biến Philippines thành một tỉnh của Trung Quốc”. Từng là sỹ quan hải quân, ông Alejano có mối quan hệ khá sâu sắc với giới lãnh đạo quốc phòng Philippines, những người được cho là rất lo ngại về các chính sách của Duterte và ý đồ của Trung Quốc.

Năm ngoái, các nguồn tin quân sự thân cận đã tiết lộ cho ông Alejano nhiều ảnh chụp vệ tinh cho thấy sự hiện diện nhanh chóng về quy mô và số lượng của quân đội Trung Quốc tại các thực thể mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Ông Alejano, một nhà lập pháp thẳng thắn, cũng là người công bố tin tức cho biết Trung Quốc đang siết chặt vòng vây xung quanh đảo Thị Tứ bằng cách chặn Hải quân Philippines tiếp cận thực thể này.

Thất vọng với cách tiếp cận quá mềm mỏng của ông Duterte, nhiều quan chức quốc phòng hàng đầu của Philippines gần đây có xu hướng thích công bố các thông tin liên quan tới việc Trung Quốc đang dần từng bước củng cố hạ tầng và sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách tiết lộ cho giới truyền thông hoặc cho những người chỉ trích ông Duterte tại Quốc hội.

Nghị sỹ Alejano nhấn mạnh tới chủ nghĩa dân tộc và miêu tả bài phát biểu của ông Duterte gần đây là một “câu bông đùa thiếu trách nhiệm”. Ông cho rằng điều này không khác gì “cái tát thẳng vào mặt nhiều người dân Philippines, kể cả những chiến sỹ đang canh giữ các hòn đảo bị chiếm đóng, những người không ngừng nghỉ kiên cường bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước Trung Quốc”.

Tom Villarin, một nhà lập pháp khác, cảnh báo rằng những tuyên bố kiểu này, cho dù chỉ là nói đùa, cũng đủ phản ánh “thói quen ngả theo mong muốn của Trung Quốc” và tâm lý “sẵn sàng đánh đổi cả chủ quyền” của ông Duterte. Nhà lập pháp cánh tả Ariel Casilao thì chỉ trích điều mà ông cho là thái độ “chấp nhận thua cuộc… trước các hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Nhận thức được sự phản ứng ngày càng gia tăng ở trong nước đối với chính sách Trung Quốc của Duterte, Lầu Năm Góc đã tăng cường các nỗ lực để duy trì hợp tác an ninh mạnh mẽ với giới quốc phòng Philippines. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte lại lựa chọn cách hạn chế mối quan hệ này bằng một trong những biện pháp như hạn chế các cuộc tập trận chung vốn chủ yếu nhằm vào Trung Quốc.

Lần đầu tiên từ năm 2014, Washington gần đây đã triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson tới Philippines. Giới chức nói rằng đây là hoạt động thông thường để thể hiện quan hệ giữa hai đồng minh hiệp ước, song thời điểm Mỹ triển khai con tàu tân tiến này được cho là có ý nghĩa khác. Chuyến đi của USS Carl Vinson diễn ra một tuần sau khi Lầu Năm Góc đưa tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Hopper lần đầu tiên đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh Bãi cạn Scarborough. Đối lập với các tuyên bố và hành động của Tổng thống Duterte, giới tướng lĩnh Philippines vẫn rất ủng hộ và hoan nghênh các nỗ lực của Mỹ nhằm theo dõi và hạn chế tham vọng hàng hải của Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc dường như vẫn không hề “nao núng”. Một học giả nổi tiếng người Trung Quốc gần đây từng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh “có quyền xây dựng tại bất kỳ đâu cần thiết trong lãnh thổ (tuyên bố) của mình” ở Biển Đông. Một Bắc Kinh ngày càng lớn mạnh đang lợi dụng các biện pháp đối phó của Mỹ làm cái cớ để tăng cường hơn nữa sự hiện diện về mặt quân sự trong khu vực.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / ATIMES

Tags: , ,