Sự bất an của người già châu Á trong một thế giới đã thay đổi

Khi xã hội chưa sẵn sàng cho sự già hóa dân số, người cao tuổi có thể cảm thấy cô đơn, bất lực, vô dụng dù ở với con cái, người giúp việc hay trong viện dưỡng lão.

Sự bất an của người già châu Á trong một thế giới đã thay đổi

Ngày 7/9, mạng xã hội lan truyền clip dài gần 7 phút ghi lại cảnh bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, ở xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chửi bới, đổ rác lên đầu mẹ ruột 88 tuổi.

Đầu tháng 9, cụ bà qua đời. Công an huyện Cần Đước đã khởi tố, bắt tạm giam bà Hoa để điều tra về tội ngược đãi, hành hạ mẹ ruột. Bị can thừa nhận đã đánh mẹ vì cụ bà không để lại tài sản cho mình.

Tại nhiều nước châu Á, quan niệm đẻ con để có chỗ nương tựa lúc về già từng phổ biến. Thế nhưng, giờ đây, điều này không đúng trong nhiều trường hợp.

Tuổi thọ trung bình của người châu Á ngày càng tăng nhưng con người vẫn chưa được chuẩn bị để đối mặt với tuổi già. Nhiều người cao tuổi cảm thấy bơ vơ trong những năm tháng cuối đời, trong khi con cái họ coi tuổi thọ của bố mẹ là gánh nặng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 người cao tuổi, có một người bị lạm dụng. Dù đang ở cùng con cái, người giúp việc hay trong viện dưỡng lão, người cao tuổi cũng có thể cảm thấy cô đơn, bất lực và vô dụng.

Nỗi đau khi về già

Đầu tháng 5 vừa qua, một người đàn ông tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) bị bắt giữ vì chôn sống mẹ ruột 79 tuổi tàn tật tại một nghĩa địa bỏ hoang. Vụ việc được cô con dâu trình báo sau khi phát hiện chồng đưa mẹ ra khỏi nhà vào tối 2/5 nhưng trở về một mình.

Người con đã thú nhận việc chôn sống mẹ. Sau khi xác định vị trí, cảnh sát đã cứu được bà cụ. Ngay khi tỉnh dậy trong bệnh viện, người mẹ không ngừng van xin cảnh sát đừng trừng phạt con trai.

Hơn một tuần sau, dư luận Trung Quốc tiếp tục chấn động vì một vụ án liên quan đến bạo hành người cao tuổi khác. Một cụ ông 83 tuổi đã bị người giúp việc hành hung đến chết tại nhà riêng.

Camera giám sát ghi lại cảnh hung thủ dùng khăn bịt mặt, ngồi hẳn lên người cụ ông. Nạn nhân qua đời do ngạt thở. Theo cảnh sát, người giúp việc mới chỉ làm được 8 ngày và có tiền án bạo hành, song vẫn được các con nạn nhân giao phó toàn bộ công việc chăm sóc người cha già cả.

Tại Trung Quốc, tỷ lệ người cao tuổi bị lạm dụng cao gấp đôi các quốc gia khác bởi chính sách một con thực hiện suốt nhiều năm, theo ifeng. Các nhà xã hội học tại đất nước tỷ dân từng nhiều lần nhận định: “Xã hội có lẽ chưa sẵn sàng cho sự già hóa dân số”.

Không chỉ Trung Quốc, các quốc gia châu Á khác cũng đang phải vật lộn với tình trạng tương tự.

Ở Hàn Quốc, năm 2019, 740.000 người cao tuổi sống một mình. Theo một nghiên cứu của Bộ Phúc lợi nước này, con số này tăng thêm trung bình 50.000 mỗi năm.

Do sống một mình, không ít người qua đời nhiều ngày, nhiều tuần, vẫn không ai biết. “Cả ngày, các cụ quanh quẩn trong nhà và chỉ có một tha thiết là lâu lâu lại được nhìn, thậm chí là nghe tiếng con cái”, Ko Myung-hee, quản lý tại trung tâm chăm sóc người cao niên cao cấp tại Hàn Quốc, nói.

Ở Nhật Bản, người già cũng không thoát khỏi cảnh cô quạnh, bị hắt hủi. Theo cuộc khảo sát của Bộ An sinh, khoảng 30% viện dưỡng lão từ chối nhận người già nếu họ không có ai đứng ra bảo lãnh.

Nhiều người lớn tuổi đơn thân bị đuổi khỏi các nhà trọ do bị cho là không có khả năng thanh toán hoặc qua đời mà không ai biết. Họ phải bơ vơ một mình trong căn phòng chật chội ở trung tâm bảo trợ xã hội vào những năm cuối đời.

Tuổi thọ trở thành gánh nặng

Martha Lee (từ chối tiết lộ tên thật vì sợ bị kỳ thị), sống tại Singapore, đã một mình chăm sóc mẹ hơn 15 năm qua trong khi 5 anh chị em khác trong nhà chỉ hỗ trợ tài chính. Người phụ nữ 60 tuổi này đã phải bỏ việc nhưng mọi thứ vẫn rất khó khăn khi mẹ bà bị mất trí và sức khỏe ngày một yếu.

“Tôi thực sự không bao giờ nghĩ rằng mẹ vẫn còn sống khi mình đến tuổi 60”.

Bà Martha Lee thuộc “thế hệ sandwich” của Singapore – những người đang phải còng lưng chăm sóc bố mẹ lẫn con cái cùng một lúc. Hầu hết thế hệ sandwich là những người trong độ tuổi 30-60 nhưng vẫn có nhiều người đã nghỉ hưu ở độ tuổi 60-70.

Khi Singapore đứng đầu thế giới về tuổi thọ trung bình – gần 85 năm, vượt xa cả Nhật Bản – những người về hưu không còn lớn tuổi nhất trong gia đình. Tại cuộc họp vào tháng 8/2019, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết số lượng người già trăm tuổi đã tăng gấp đôi từ gần 500 trong năm 2007 lên 1.300.

Tình hình được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn khi tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tiếp tục tăng cao. Người Singapore đang sống lâu hơn bao giờ hết. Thế nhưng với những đứa con ngoài 60 tuổi như bà Lee, tuổi thọ của bố mẹ đã trở thành gánh nặng thay vì là món quà.

Hồi tháng 5, mạng xã hội Weibo xôn xao bức ảnh “người con duy nhất”, được chụp tại một bệnh viện ở Trung Quốc. Trong hình, một người đàn ông ngồi giữa hai giường bệnh, một mình chăm sóc cha mẹ già bệnh tật.

“Bóng lưng mỏng manh và bất lực đó có thể là của tất cả chúng ta sau này”, một người dùng bình luận dưới bức ảnh.

Cha mẹ ngày càng già đi, trong khi con cái vẫn cần phải kiếm sống, mưu sinh. Tỷ lệ sinh giảm, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, khiến gánh nặng không thể san sẻ. Trong lúc đó, cô đơn, vô dụng, bất lực là những gì người già phải trải qua trong xã hội ngày nay.

“Dù đang ở đâu, người cao tuổi cũng gặp những vấn đề nan giải chưa thể thoát ra. Hoàng hôn cuối ngày không bao giờ đẹp nhất, nếu có chỉ trong lời bài hát mà thôi”, ông Tạ Phúc Chiêm – chuyên gia xã hội học Trung Quốc – nói.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,