Rốt cuộc thì ai sống ký sinh vào ai?

Có rất nhiều cảm nhận về bộ phim Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon-ho. Từ một góc nhìn nào đó, người xem có thể nghĩ rằng đây là câu chuyện về một gia đình nghèo khó bám vào một gia đình đại gia, không phải ăn bám, mà bằng cách trao đổi, bỏ sức lao động để nhận lấy một sự đổi đời.

Ai sống ký sinh vào ai?

Có thể cách thức “đột nhập” của gia đình đó là không chính đáng, bắt đầu từ dối trá nhân thân, thậm chí còn tàn nhẫn hất người khác ra, không chỉ một người mà một gia đình khác vốn đang sống “ký sinh” vào gia đình đại gia kia. “Miếng (ăn)” thì chỉ có một, nên phải ra tay thay vì thỏa hiệp chia sẻ. Từ đó dẫn tới sự trả thù tàn khốc của gia đình “bị hại”…

Liệu đây có phải là một “bản án” dành riêng cho người nghèo? Liệu cái nghèo là tiền định, là số mệnh, là khó bề thoát ra, và rằng sống bám người giàu – lao động đáng hoàng chớ không ăn bám – cũng như dối trá, là “độc quyền” của người nghèo?

Đạo diễn Bong Joon-ho cảnh cáo: “Nhìn qua thì bộ phim giống như cái nhìn châm biếm về cách các gia đình nghèo khó ăn bám người giàu. Nhưng đó là một nhận định nguy hiểm… Trong phim, gia đình giàu có… chẳng thể tự mình làm gì, mà phải phụ thuộc vào người khác để rửa bát, lái xe, làm các công việc lặt vặt… Xét trên góc độ sức lao động, người giàu cũng là một dạng ký sinh trùng”.

Nhân đạo diễn “Cành cọ vàng” 2019 nói đến chuyện người giàu cũng … “ký sinh”, có thể bổ sung: Có khi họ không chỉ ký sinh có chừng đó, mà còn ký sinh sự phát triển kinh tế, và có khi độc quyền “ký sinh”.

Thật vậy, không thể không nhìn thấy nơi bộ phim này một minh họa cay đắng của điều gọi là “lý thuyết nhiễu giọt xuống” (trickle-down theory) vốn là chỗ dựa của những nền kinh tế đang tự an ủi rằng có những người có thu nhập cao, thậm chí thật cao, thì mới có những mảnh vụn vương vãi cho người nghèo nhờ vào. Nôm na, một người giàu mướn biết bao người khác, từ trí thức tới công nhân, lao công, giúp việc… Cứ thế mà đồng tiền nhiễu xuống đó đi vào chợ búa (thị trường).

Cách đây 31 năm, tờ Christian Science Monitor số ra ngày 23/3/1988 đặt dấu hỏi: (Lý thuyết) nhiễu giọt xuống vẫn là chính sách tốt nhất? Tờ báo nêu thực trạng của cuối thập niên năm 1980 đó: “Đối với nhiều người, Ngân hàng Thế giới (WB) đồng nghĩa với tiến bộ kinh tế ở các nước đang phát triển. Các nhà quan sát chỉ ra những câu chuyện thành công ở Hàn Quốc và Đài Loan, và các ngành công nghiệp nói chung mạnh khỏe của Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, là bằng chứng cho sự tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ bởi đầu tư của WB. Nhưng một số nhà quan sát cho rằng có nhiều cách để đo lường sự phát triển của thế giới thứ ba ngoài việc nhìn vào GDP hoặc lượng tiền tệ cứng mà chính phủ kiếm được từ xuất khẩu”.

Cũng theo tờ báo này, trong một cuộc họp của WB tháng 3 năm đó, đã có những chỉ trích WB. Một vấn đề mà tờ báo đó đặc biệt nêu ra: “Trong 40 năm qua, công thức phát triển công nghệ của WB, xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn (đường, đập, cống…) thường được chấp nhận như là công thức cho sự tiến bộ của thế giới thứ ba. Cách tiếp cận này đôi khi được gọi là “nhiễu giọt xuống”. Một số nhà phê bình lo ngại về tác động của các chính sách của WB đối với người nghèo. Và họ đặt câu hỏi liệu các dự án của WB có được thiết kế để giúp đỡ người nghèo thực sự cải thiện số phận của họ hay không”.

Thế cho nên, Chủ tịch WB lúc đó là ông Barber B. Conable đã hứa hẹn điều chỉnh: “Ở các nước châu Á tăng trưởng nhanh nhất, chúng ta đã có một số lượng đáng kể những người nghèo nhất bị bỏ lại” bởi sự tăng trưởng kinh tế dẫn đến thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Chúng tôi sẽ tiến hành một chương trình mục tiêu tập trung vào việc xóa bỏ các hình thức nghèo đói tồi tệ nhất, tại các quốc gia có thu nhập thấp ở châu Á”.

Từ đó dẫn đến điều mà sang thế kỷ 21 được WB đặt là một trong những “mục tiêu thiên niên kỷ”. Từ tháng 3/1988 đó tới nay, ở đây, ở kia vẫn còn những chính sách dựa trên “sự nhiễu giọt” từ người giàu rơi xuống người nghèo, những tự hào tính toán tăng trưởng bằng GDP, WB vẫn tài trợ vốn vay xây dựng cao tốc bên cạnh tài trợ xóa đói giảm nghèo. Vẫn “đồng rụng, đồng rơi… phen này ắt hẳn gà ăn bạc”.

Bộ phim Ký sinh trùng kết thúc bằng việc thể hiện nhát dao “xử” ông chủ của người lái xe: có ký sinh tụi tôi cũng chẳng sao, song chớ bao giờ khinh khi tụi tôi! Ông chủ đã phạm sai lầm khi không che giấu sự khó chịu đến bịt mũi vì không chịu nổi cái mùi nghèo toát ra từ người lái xe và cả nhà người ấy.

Theo DANH ĐỨC / THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN 

Tags: