Phú Quốc đang bị thương mại hóa như thế nào?

Trong mắt người bạn địa phương, Phú Quốc đã thay đổi rất nhiều và đang tiếp tục thay đổi nhanh chóng, nhiều khi theo hướng xấu.

Bài viết của Cameron Shingleton, tác giả cuốn sách “Những điều bạn chưa viết về trai Tây” (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt. Sinh ở Melbourne, Australia, anh tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Melbourne. Trong 5 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hoá Đông – Tây.

Từ khi qua Việt Nam sống 2012, tôi đã đi du lịch Phú Quốc ba lần. Chỉ trong vòng 5, 6 năm Phú Quốc đã thay đổi rất đáng kể.

Lần đầu tiên đi, tôi có người hướng dẫn “riêng”. Bích là một người bạn Việt Nam làm việc ở một resort. Sau khi xuống máy bay, bạn này giúp tôi kiếm nhà trọ gọn gàng, gần như giữa rừng, sau đó giới thiệu tôi với một người bạn Nga tên Viktor. Anh ấy là trung gian du lịch có cô bạn gái Việt Nam quản lý một quán ăn ở “Chợ Đêm”, nơi chúng tôi ăn và tám chuyện đến khuya buổi tối đầu tiên tôi xuống chơi.

Một chỗ khác Bích đã chỉ cho tôi sáng hôm sau là quán cà phê bên bờ biển gần resort cô ấy làm. Đối với tôi, đây là nơi lý tưởng tôi đã ngồi đọc sách, ngẫm nghĩ đến cả buổi trưa. Lần khác, cô ấy chỉ cho tôi con đường đất đỏ dọc bờ biển, đi độ 30 km đến cực bắc hòn đảo. Tôi đi một mình bằng xe máy không phải chuyện dễ – mỗi 2, 3 km thì phải qua một cây cầu nhỏ bắc qua dòng suối. Còn đi những khúc đường phẳng hơn tôi có thể chiêm ngưỡng quang cảnh đẹp cả hai phía, một bên là biển màu xanh ngả xám, bên kia là núi non xanh ngắt.

Khi tôi quay lại khoảng một năm sau đó, Bích đã dọn đi làm hướng dẫn viên ở Sapa. Nhưng phần lớn những điều đã hấp dẫn tôi ở Phú Quốc vẫn còn.

Nhưng có gì đó đã thay đổi mà mình chỉ thấy ở những chi tiết. Phải chăng trong chuyến đi đầu tiên tôi đã vui chơi đến độ không thấy rác bị vứt bừa bãi gần “quán cà phê biển” ưa thích của tôi? Cũng có thể vì lần thứ 2 ra đảo tôi đã hỏi Viktor cặn kẽ hơn về những điều đang xảy ra ở Phú Quốc. Chúng tôi gặp lại ở Bãi Sao, anh ấy nhăn mặt chỉ vào hướng nam nói về những dự án lớn sẽ chiếm hết một số bãi biển được biết là đẹp nhất đảo.

Rồi chuyến đi thứ 3 cũng vậy. Lần này tôi đi cùng với một bạn Việt Nam khác, có ý định chỉ cho Kim những quang cảnh đẹp tôi từng xem. Buồn thay phần lớn không còn nữa. Con hẻm dẫn đến “nhà trọ trên rừng” toàn là xe ủi đất, con đường đất đỏ vắng vẻ dọc bờ biển sắp được thay thế bằng đường nhựa.

Bãi biển gần “quán cà phê biển” mà không thuộc resort cũng dơ. Đi từ Nam sang Bắc dọc bờ biển bằng xe máy, chúng tôi ngang qua vườn trồng tiêu nhìn dễ thương, kèm theo bãi rác khổng lồ chiếm hai bên đường. Đi từ Bắc sang Nam chúng tôi đi kiếm Vườn quốc gia Phú Quốc, nằm rõ trên bản đồ, với ý định dã ngoại một ngày. Một nhân viên kiểm lâm cho chúng tôi biết miền rừng thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc không còn như trước đây, những phần còn lại hình như khách du lịch bình thường không vào được.

Một Phú Quốc xấu xí hơn

Từ hồi đó tôi không ra đảo ngọc nữa, nhưng ít lâu sau tôi kết bạn với một người không chỉ quê ở Phú Quốc mà có 2 bên nội ngoại đều là dân Phú Quốc từ nhiều thế hệ trước. Trong mắt của bạn Tú này, Phú Quốc đã thay đổi rất nhiều và đang tiếp tục thay đổi nhanh chóng, nhiều khi theo hướng xấu.

Trước đây 10 năm, người dân địa phương đánh bắt cá khá dễ ở gần bờ biển. Ngày nay, giá hải sản ở Phú Quốc ngày càng tăng vì nguồn thuỷ sản gần bờ bị khai thác hết. Phần lớn hải sản mà khách du lịch mua với giá trên trời là do “ghe cào” đánh bắt triệt để ngoài khơi một cách có tác động lớn đến hệ sinh thái biển.

Một hậu quả nữa là người địa phương kiên trì với nghề đi biển không còn cơ hội để kiếm sống, không chỉ vì vùng nước chung quanh Phú Quốc đã biến thành một kiểu “sa mạc sinh thái” mà vì làng chài truyền thống của người Phú Quốc đã bị dọn đi để nhường chỗ cho resort mới.

10 năm trước, (Tú kể) bãi biển hoang sơ rất dễ kiếm. Ngày nay thì khác hẳn. Bãi biển khách du lịch bình thường tiếp cận được thì dơ bẩn, phần bãi biển còn lại thì dành cho khách bỏ ra tiền triệu để ở resort không cho phép người dân hay kẻ khác chõ mũi vào.

Tôi hỏi về nước mắm Phú Quốc vì từ khi đến Việt Nam tôi gần như bị nghiện nước mắm. Bạn tôi bảo là theo cô ấy biết hầu hết nhà thùng nước mắm truyền thống của dân địa phương đã được bán đi lâu rồi, còn nhà máy “sản xuất” nước mắm bây giờ chủ yếu để ghi điểm với khách du lịch. Phần lớn nước mắm được biết là đặc sản của Phú Quốc được chế biến ở đất liền, dán nhãn rồi nhập vào Phú Quốc bán lại.

Càng nghe tôi càng có cảm giác tôi là đứa không sắc sảo lắm…

Tôi hỏi Tú về chuyện rác. Cô ấy bảo Phú Quốc không có nhà máy xử lý rác nào cả, đống rác toả ra mùi nồng nặc trên đường đi resort không phải để phân loại hay đào hố để chôn. Tiếc thay, người dân Phú Quốc không có thói quen phân loại rác, còn nhà chức trách thì không biết cách khích lệ, cũng không có kế hoạch xử lý tình trạng một cách bài bản.

Tôi khăng khăng là dân địa phương ít nhất phải có lợi từ chuyện giá đất ở Phú Quốc ngày càng tăng. Nhầm to. Phần lớn những người bán đất cho nhà đầu tư lớn ngày nay là nhà kinh doanh từ xa đến đã mua đất từ người dân lâu rồi. Đúng là việc bán đất của gia đình đã đem lại một món tiền lớn cho một số người dân nhỏ. Nhưng đúng nữa là khá nhiều người dân không biết cách giữ tiền, không nắm vững những kiến thức căn bản về kinh doanh. Một số nữa rõ ràng là đối tượng của tình trạng bao chiếm đất hoặc bị vướng vào vụ tranh chấp đất kéo dài.

Nói chung bạn tôi có cái nhìn khá bi quan về tác động của sự phát triển vào quê hương mình, không những vào môi trường thiên nhiên mà còn vào môi trường sống. Còn Vườn quốc gia Phú Quốc tôi thì khu vực rừng ngày càng nhỏ, một phần đã bị quy hoạch để nhường chỗ cho mấy khu nghỉ dưỡng cao cấp. Là người sinh ra và lớn lên ở Phú Quốc, Tú chưa bao giờ được bước chân vào Vườn quốc gia Phú Quốc!

Những câu hỏi không lời đáp

Tôi bắt đầu đọc tài liệu về Phú Quốc, từ nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Tôi xác định được khá rõ ràng là việc xây dựng resort dọc biển Phú Quốc có tác động lớn đến môi trường vùng duyên hải lẫn khả năng sinh sống của người dân Phú Quốc. Nhưng để tìm kiếm một nghiên cứu khoa học cặn kẽ về ảnh hưởng tiềm ẩn của những dự án đang hoặc sắp thực hiện hay số lượng khách du lịch dự kiến trong những năm tới thì thông tin không có sẵn.

Việc quy hoạch hoá bờ biển khiến người dân địa phương bị bắt buộc tái định cư – một quá trình dẫn tới chuyện không còn một làng chài truyền thống nào ở Phú Quốc nữa.

Một trong số những dấu hiệu báo động tôi được biết đến là một số nhà phát triển có vẻ sẵn sàng áp dụng những biện pháp khác thường để thúc đẩy dự án của họ, bao gồm cả việc thuê những băng nhóm có hung khí để ngăn cấm mọi người tiến tới khu thi công hay chỉ đi đường ra biển của người dân từ xưa đến nay.

Liệu đầu tư công có mục đích rõ ràng là tạo ra cơ sở hạ tầng vì lợi ích chung hoặc chỉ để phục vụ cho ngành du lịch cũng là vấn đề hóc búa.

Nhưng rõ ràng là nền giáo dục Phú Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn. Trên đảo có đến 3 trường phổ thông, nhưng đến nay chưa có kế hoạch mở trường nghề có thể giúp người Phú Quốc có kỹ năng cần thiết để tự phát triển doanh nghiệp hay khả năng ngôn ngữ để có việc làm trong ngành du lịch thật đàng hoàng. Kiến thức về ngành du lịch, vốn đầu tư và chuyên môn hành chính và khoa học để quản lý sự phát triển cho tích cực – gần như tất cả là điều “từ xa đến”.

Môi trường chính sách hiện giờ của chính quyền địa phương có thực sự xứng đáng để có sự phát triển bền vững ở Phú Quốc là một điều mơ hồ nữa. Thông tin công khai cho thấy khá rõ thước đo hiệu quả làm việc của những chủ tịch huyện là sự gia tăng GDP khiến cho nhà chức trách chú tâm những dự án đầy hứa hẹn về ngắn hạn, nhưng ít làm tăng giá trị của nền kinh tế trên chặng đường dài. Chuyện Phú Quốc thiếu biện pháp bảo vệ môi trường thực sự hiệu quả là một ví dụ điển hình. Miền biển, miền duyên với hệ sinh thái mỏng manh chính là những điều cần đến một cái nhìn dài hạn; và chúng là yếu tố sẽ quyết định khách du lịch có còn hướng tới Phú Quốc.

Một số câu hỏi khác phát sinh từ tác động tiềm ẩn của sự phát triển đến cơ cấu xã hội. Công nhận là sự phát triển kinh tế đã giúp cho mỗi nhà ở Phú Quốc có nguồn điện ổn định. Công nhận cảnh nghèo khó mà 10 năm trước vẫn bắt gặp được đã được xoá bỏ. Và công nhận trên hết là ngành du lịch đã tạo công ăn việc làm cơ bản cho người dân Phú Quốc (mặc dù cũng phải công nhận hơi quá nhiều người đành phải đóng vai trò đầy tớ cho khách du lịch, phó mặc thăng trầm cuộc sống theo mùa du lịch). Vấn đề điển hình ở đây là kế hoạch mở sòng bạc quy mô lớn biến Phú Quốc thành hiện trường cho một cuộc thí nghiệm: Việc hợp pháp hoá trò cờ bạc trên đất Việt Nam người Việt Nam có thể tham gia. Cuộc nghiên cứu khoa học về tác động tiềm ẩn của ngành cờ bạc đến xã hội là một điều (theo tôi) không thể thiếu ở những tranh luận về kiểu sòng bạc “mở” hình như sắp được đưa vào hoạt động ở Phú Quốc.

Ba loại khách du lịch đến Phú Quốc

Suy nghĩ lại những người tôi đã từng gặp, tôi nghĩ có thể phân biệt 3 loại khách du lịch chính hướng tới Phú Quốc.

Tôi tạm gọi loại thứ nhất là “ba lô cao cấp”. Là khách du lịch Tây – có lẽ chiếm đa số khách đến 10 năm trước – tìm đến Phú Quốc vì bãi biển vắng vẻ và hoang sơ hoặc nói chung vì môi trường còn nguyên. Cũng có thể nói, họ hướng tới Phú Quốc chính vì Phú Quốc không quá tiện nghi. Đối với những người này, việc đi du lịch ở Phú Quốc vẫn có cái gì đó mạo hiểm. Như tôi, họ bị hấp dẫn bởi những nơi hẻo lánh chứ không phải nơi nhộn nhịp.

Nhưng tôi đoán là chuyện họ thích sự giản dị của thiên nhiên không có nghĩa là họ không sẵn sàng bỏ tiền để uống cocktail ngon và ngắm hoàng hôn. Và tôi chắc là theo thời gian cũng có khá nhiều người Việt, nhất là người Việt trẻ thích du lịch bụi, đã theo vết chân của họ.

Thứ hai có một kiểu khách du lịch đổ xô về sau, chúng tôi hay gọi là “công chúng ăn chơi”: Nhiều khi là người Nga, một số lượng lớn là khách Việt, trong mấy năm gần đây có ngày càng nhiều người Hoa nữa. Những người này hay đi theo tour và điều họ quan tâm tương đối đơn giản. Họ đến Phú Quốc để thưởng thức bãi biển đẹp, khí hậu dễ chịu, hải sản ngon. Đối với họ, những hoạt động du lịch chung quanh đảo cũng quan trọng – từ môn thể thao dưới nước đến chuyến đi mua sắm. Nhưng quan trọng hơn cả là đặt phòng ở một khách sạn, xịn hay xoàng theo túi tiền từng cá nhân, nơi họ có thể nghỉ dưỡng ở mép hồ bơi nếu việc ra bãi biển quá vất vả.

Phần lớn “công chúng ăn chơi” sẵn sàng bỏ ra khá nhiều tiền để uống cocktail ngon và theo sở thích họ hướng tới khi ở nhà. Tóm tắt lại, họ không tới Phú Quốc để hưởng thụ thiên nhiên hay văn hoá địa phương. Nếu có thứ gì đó có mùi biển thì cũng chẳng sao, miễn là nó chùi sạch được vào buổi tối.

Thứ ba là một khách du lịch cũng có túi tiền khá lớn, có thể được gọi là “khách có trình độ”, cũng có thể gọi là “khách có điều kiện”.

Khách kiểu này cũng thích phơi nắng trên bãi biển đẹp (điều kiện là bãi biển vắng và sạch). Họ cũng sẵn sàng bỏ ra tiền để ăn (nhưng nhất định phải có thành phần chất lượng cao, tốt nhất là có mùi vị rất Phú Quốc). Họ rất có thể thích hớp nhìn hoàng hôn từ phòng khách sạn (nói đúng hơn từ nhà trọ kiểu homestay). Khi họ xong việc nghỉ dưỡng ở góc đảo nào đó, họ muốn thực sự hiểu nhiều hơn về quy trình sản xuất nước mắm (điều kiện là nhà thùng nước mắm chính hiệu).

Những người này không chỉ muốn chuyến du lịch của họ có tâmmà còn phải có nguyên tắc nữa. Chuyện làng chài Phú Quốc bị quy hoạch hàng loạt hay miền duyên hải bị phá hoại để có chỗ cho con đường nhựa nằm trong tầm bận tâm chủ yếu của họ. Nếu họ phát hiện ra hải sản “Phú Quốc” không xuất phát từ biển Phú Quốc, hoặc nhận ra nước biển chung quanh đảo ngọc ngày càng cằn cỗi về mặt sinh thái, thì có khả năng họ huỷ bỏ chuyến đi luôn.

Tình huống khó xử của Phú Quốc

Đi du lịch Phú Quốc đôi ba lần, tôi thấy Phú Quốc đang đối mặt với một tình huống khó xử là phải quyết định muốn thu hút khách du lịch loại gì.

Mặc dù số khách “bao lô cao cấp” và “có trình độ cao” cũng nhiều, nhưng nó vẫn thua xa số “công chúng ăn chơi”. Vấn đề là số tiền kiếm được bằng cách phục vụ cho nhóm người này khổng lồ, không cần phải lo quá nhiều về những tác dụng về mặt môi trường hay xã hội.

Cái mà mọi người đến Phú Quốc đều muốn thưởng thức và nhiều khi sẵn sàng tốn nhiều tiền để có là điều 5 – 10 năm trước có thật: Một lối sống thong thả ở một môi trường đẹp tự nhiên, còn nguyên. Vấn đề thứ 2 là vì thiếu một mô hình phát triển thực sự bền vững, môi trường còn nguyên của Phú Quốc có gì đó ngày càng giả tưởng.

Dĩ nhiên trong tương lai gần không sẽ thiếu một số khách du lịch sẵn lòng trả thêm một số tiền lớn để hưởng thụ những vùng ban sơ mà ngày càng nhỏ và hiếm. Cũng có thể có một số người có thể tiếp tục xem thoả thích hình ảnh đẹp mà ngày càng giả tạo. Nhưng có nguy cơ trong vòng 10 năm nữa hình ảnh ảo tưởng không tin được nữa.

Trước khi điều đó xảy ra, những câu hỏi nghiêm túc về chính sách phát triển đảo cần được đưa ra gấp. Hoạt động du lịch loại gì tương thích với viễn cảnh tốt đẹp là Phú Quốc tiếp tục là địa điểm du lịch hấp dẫn về lâu dài? Báo cáo khoa học về tác động của hoạt động du lịch đến môi trường thiên nhiên và sinh sống có nội dung và kết luận gì? Biện pháp bảo vệ môi trường hiện nay có đủ để bảo đảm sự phát triển kinh tế Phú Quốc một cách thực sự bền vững không? Chính quyền huyện đảo có chính sách cụ thể nào sẽ giúp cho từng nhóm xã hội, bao gồm người dân địa phương, có cơ hội công bằng để hưởng lợi do sự phát triển kinh tế?

Theo tôi, sự phát triển bền vững không chấp nhận đánh đổi lợi ích chung tương lai bằng lợi nhuận ngắn hạn là một tiêu chuẩn tối cần thiết khi nói về việc định hướng cho Phú Quốc. Liệu điều này được chú tâm đầy đủ trong chính sách hiện nay vẫ là điều đáng ngờ.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,