Phía sau ánh hào quang ở ‘thiên đường chuyển giới’ Thái Lan

Thái Lan được coi là “thiên đường chuyển giới” nhưng thực tế cuộc sống như một “kathoey” hay còn gọi là “ladyboy” không phải lúc nào cũng rực rỡ như những gì mọi người nhìn thấy. Nhiều người chuyển giới địa phương nói rằng, họ thường bị phân biệt đối xử trên thị trường việc làm, không được gia đình chấp nhận và đôi khi bị thiệt thòi vì nhiều quy định của luật pháp không còn phù hợp.

Phía sau ánh hào quang ở ‘thiên đường chuyển giới’ Thái Lan

Ngành công nghiệp có doanh thu hàng trăm triệu baht mỗi năm

Trong chiếc váy đen dài, hở vai, trang điểm đậm, Tanwarin Sukkhapisit, 45 tuổi, người phụ nữ chuyển giới đầu tiên trúng cử nghị sĩ Quốc hội ở Thái Lan chia sẻ với phóng viên về những gì đã trải qua để có được như ngày hôm nay cũng như cuộc sống của cộng đồng người chuyển giới.

“Ở nhiều quốc gia phương Tây, người chuyển giới thường bị lạm dụng bằng lời nói hoặc bạo lực nhưng ở Thái Lan, điều này ít xảy ra tại những nơi công cộng. Có lẽ, không có quốc gia nào trên thế giới mà người chuyển giới xuất hiện nhiều như ở Thái Lan. Họ làm việc trong tiệm làm tóc, massage, xuất hiện trên xe buýt, tàu hỏa và nhiều công việc trong lĩnh vực du lịch.

Có những người đàn ông mặc quần áo phụ nữ trong khi những người khác đã phẫu thuật cấy ghép ngực hoặc đang dùng hormone. Cũng có khá nhiều người đã chuyển giới nữ hoàn toàn. Các chương trình truyền hình cũng có sự tham gia của cộng đồng người chuyển giới. Bangkok Post, nhật báo tiếng Anh lớn nhất đất nước chạy quảng cáo toàn trang về các phòng khám cung cấp các thủ tục xác định lại giới tính”, Tanwarin Sukkhapisit nói.

Tanwarin Sukkhapisit cho biết thêm, gần đây, ngay cả Bộ Du lịch đã quảng bá hình ảnh đất nước là một nơi mà tất cả các giới tính và xu hướng tình dục đều được chào đón. Trang web quảng bá du lịch Thái Lan đưa hình ảnh những người đồng tính nam, đồng tính nữ, người chuyển giới hạnh phúc đi nghỉ ở những địa điểm như Bangkok, Pattaya và Krabi, bên dưới là dòng chữ: “Thái Lan chào đón mọi màu sắc dưới ánh cầu vồng. Hãy đến Thái Lan để được tự do”.

Nhiều công ty ở Thái Lan “ăn nên làm ra” nhờ các dịch vụ phục vụ cộng đồng LGBTQ. Ngoài các phòng khám xác định lại giới tính còn có nhiều câu lạc bộ, khách sạn, dịch vụ nhằm vào đối tượng đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, khách du lịch đến Thái Lan để xác định lại giới tính. Kết hợp lại, ngành công nghiệp này đã tạo ra doanh thu hàng trăm triệu baht mỗi năm.

Những rào cản từ định kiến xã hội

Thanaporn Phromphron, 37 tuổi, người phụ nữ chuyển giới làm việc trong một quán bar thiếu sáng cách phố đi bộ – trung tâm giải trí về đêm nổi tiếng của thành phố Pattaya kể lại rằng, cô lớn lên trong một gia đình thuần nông ở miền tây Thái Lan. Cô nhận ra mình là con gái ở tuổi lên sáu. Đến năm 19 tuổi, khi bước vào giảng đường đại học, cô mới bắt đầu mặc váy và dùng hormone. Ban đầu, cha mẹ Thanaporn Phromphron kịch liệt phản đối điều này.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thanaporn trải qua nhiều công việc lặt vặt nhưng không đủ tiền để trả các khoản vay từ thời sinh viên. Cô quyết định đến Pattaya, nơi được coi là “thủ đô du lịch tình dục toàn cầu”, trở thành một ladyboy giống như nhiều người chuyển giới Thái Lan.

Câu chuyện của Thanaporn khá điển hình cho những kathoey khác ở Thái Lan. Người Thái có xu hướng lịch sự với các thành viên của cộng đồng người chuyển giới mà họ không biết rõ thân thế nhưng lại thường không chấp nhận nếu ai đó trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết là người chuyển giới.

Kết quả một cuộc khảo sát mới công bố cho kết quả bất ngờ, khoảng 60% các ông bố và hơn 30% các bà mẹ không đồng tình với việc con cái muốn xác định lại giới tính. Những người chuyển giới lớn lên trong những gia đình như vậy thường di chuyển đến một thành phố lớn để được sống thật với mình sau khi họ hoàn thành việc học phổ thông hoặc đại học.

Worawalun Taweekarn, 25 tuổi luôn muốn trở thành một giáo viên toán và cô đã tốt nghiệp đại học cách đây hai năm. Tuy nhiên, giới tính lại là rào cản khiến cô chưa thực hiện được ước mơ của mình. “Bạn thật hấp dẫn. Các chàng trai sẽ luôn để mắt đến bạn” – một trong những người phỏng vấn nói với tôi. Tôi nói: hãy cho tôi cơ hội thể hiện những gì mình có. Cuối cùng, tôi vẫn bị từ chối”, Worawalun Taweekarn nói về lần phỏng vấn xin việc đầu tiên của mình.

Prempreeda Pramoj, nhà hoạt động bảo vệ cộng đồng người chuyển giới nói rằng, trong quan niệm của nhiều người, phụ nữ chuyển giới chỉ phù hợp với những công việc như làm đẹp, giải trí hay công nghiệp tình dục. Nhiều công ty không muốn tuyển dụng các thành viên của cộng đồng chuyển giới.

Một luật sư có tên là Wannapong Yodmuang đã thực hiện một thử nghiệm khi gửi hai hồ sơ xin việc có hình ảnh, lý lịch giống nhau cho hàng trăm công ty có nhu cầu tuyển dụng. Điểm khác biệt duy nhất là một số hồ sơ ghi giới tính là “chuyển giới” và những hồ sơ còn lại ghi “nam” hoặc “nữ”. Đúng như dự đoán, tỷ lệ công ty phản hồi cho các hồ sơ ghi giới tính là “chuyển giới” rất thấp.

Theo CẢNH SÁT TOÀN CẦU

Tags: , ,