Nỗi buồn của ‘thị trường’ khoa học ở Việt Nam

Tôi nhận được những đề nghị kỳ lạ nhất thế giới: mua bài báo khoa học với giá 2 cây vàng.

Nỗi buồn của ‘thị trường’ khoa học ở Việt Nam

Bài viết của Giáo sư Vũ Ngọc Hải, Đại học Myongji, Seoul, Hàn Quốc.

Khi làm việc tại trường đại học Hàn Quốc, cứ mỗi 4-5 năm, chúng tôi có một năm “nghỉ phép” để đến một nước khác làm việc nhằm tiếp cận tri thức mới. Mới đây, tôi chọn điểm đến là một tập đoàn công nghiệp lớn tại Việt Nam. Ở đây, tôi thấy môi trường khoa học đang chuyển mình mạnh mẽ. Tôi nhận được nhiều lời mời hợp tác để cùng xin các dự án nghiên cứu được tài trợ từ nước ngoài, viết công bố khoa học quốc tế. Trong đó có cả đề nghị “bán” chất xám cho người khác bằng bài báo khoa học.

Vì sao bài báo khoa học lại có giá trị cao? Trong học thuật, chúng là tổng hợp kết quả nghiên cứu công phu, được đăng trên các tạp chí uy tín thế giới đã công nhận. Để có được một bài báo khoa học, các nhà nghiên cứu phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức và tiền bạc cho các thiết bị thí nghiệm, máy móc, vật tư… Và quan trọng nhất, chỉ người làm khoa học thật sự nghiêm túc mới có thể viết được các bài báo này.

Đối với tổ chức nghiên cứu và những người làm khoa học trên thế giới, bài báo có quyền lực rất lớn. Số bài báo quyết định chất lượng và thứ hạng quốc tế của một tổ chức, điều kiện tiên quyết của người làm khoa học để có học hàm, học vị, được nể trọng.

Bởi quyền lực ghê gớm đến thế nên bài báo có “giá trị tiền tệ” của riêng nó. Ngay tại Đại học Myongji tôi đang giảng dạy, nhằm nâng cao thứ hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế và quốc gia để phục vụ tuyển sinh, trong vòng 5 năm, trường dành ngân quỹ khổng lồ, khoảng 3 triệu USD để tuyển 100 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ mỗi năm. Họ yêu cầu mỗi giáo sư phải phụ trách hai postdoc (nghiên cứu sinh sau tiến sĩ). Mỗi nghiên cứu sinh này được nhận lương khoảng 30 ngàn USD hàng năm với yêu cầu duy nhất là viết 2 bài báo thuộc danh mục SCI (Danh mục Trích dẫn Khoa học – Science Citation Index). Tính ra, mỗi bài báo có giá khoảng 350 triệu đồng.

Vì kinh phí hấp dẫn này, chúng tôi nhận được số đơn đăng ký khổng lồ và chọn được nhiều nhà khoa học tốt đa số đến từ Ấn Độ và Việt Nam. Đây có lẽ cũng là một hình thức “mua bài” nhưng hợp lệ và không vi phạm đạo đức học thuật. Và ở tầm vĩ mô, sau 5 năm, năng lực nghiên cứu và số đề tài, dự án của trường tăng lên ngoạn mục.

Còn những đề nghị tôi nhận được ở Việt Nam được hiểu là người mua trả tiền để được đứng tên làm tác giả chính hoặc đồng tác giả trong một bài báo, mặc dù họ không đóng góp gì trong toàn bộ quá trình nghiên cứu và viết bài. Người muốn mua là ai? Các nghiên cứu sinh có gần chuyên ngành với tôi muốn đặt hàng tôi viết báo và họ đứng tên để việc tốt nghiệp được nhanh và dễ dàng; một số đồng nghiệp muốn có bài báo khoa học để hoàn thành nghĩa vụ với trường.

Tôi biết một số đại học Việt Nam yêu cầu giảng viên, nghiên cứu viên phải có các bài báo quốc tế, và họ được thưởng nhiều nếu vượt chỉ tiêu về công bố quốc tế. Mặc dù chính sách thưởng cho các bài báo là đúng đắn để khuyến khích người làm khoa học song đi kèm với nó luôn là những hình thức “lách luật” bởi người ta có thể dùng chính tiền thưởng đó để đi mua tri thức.

Làm một con tính nhỏ, tôi giật mình. Giá một bài báo trung bình cỡ 10 tờ giấy A4 trọng lượng 40 gram khoảng 70 đến 100 triệu đồng – tương đương 2 cây vàng. Như vậy, giấy đắt gấp đôi vàng.

Bộ Giáo dục từ năm 2019 quy định rất nghiêm ngặt về bài báo quốc tế đối với học hàm và học vị. Ứng viên phải có hai bài báo quốc tế mới được bảo vệ luận án tiến sĩ. Đây chắc chắn là một quy định đúng, góp phần đưa học hàm học vị trở về đúng giá trị của nó. Tuy nhiên, đối với những người muốn dùng bằng cấp vào mục đích khác, việc mua bán đã xảy ra như tôi từng gặp.

Bên cạnh đó, có hiện tượng sử dụng quan hệ để xin – cho các bài báo khoa học, ví dụ như cấp trên nhờ cấp dưới đang làm việc tại nước ngoài “gài” tên mình vào bài báo, bạn bè nhờ vả nhau để được “đứng tên ké” trong bài. Với những người mua đã leo được lên ghế cao nhờ cách làm này, một bài báo có giá 2 cây vàng vẫn còn quá rẻ. Với người bán, giả sử trung bình tôi có 4-5 bài báo mỗi năm, chỉ cần động tác nhỏ là thêm tên tác giả khác, tôi đã có thể thu nhập 300-400 triệu đồng. Sự trong sạch của nền khoa học nước nhà khi đó chỉ còn phụ thuộc vào lương tâm học thuật của người làm khoa học.

Làm thế nào để quản lý “thị trường khoa học” này? Việc đầu tiên là nhà nước hãy đưa học hàm, học vị trở về đúng với sứ mệnh của nó là dành cho người làm giảng dạy, nghiên cứu, không phải để thăng quan tiến chức. Một số đại học lớn như Bách Khoa Hà Nội, Quốc gia, việc yêu cầu các nghiên cứu sinh, học viên cao học phải tham gia toàn thời gian có lẽ đang là cách làm đúng. Ở các đại học mới, nơi tham vọng tăng trưởng số bài báo theo định hướng đại học nghiên cứu và xếp hạng như Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội (USTH) hay mới hơn là Đại học Phenikaa cũng đã có những chiến lược tăng trưởng bài báo một cách khá bền vững bằng cách đầu tư vào đội ngũ nghiên cứu cơ hữu; không chấp nhận các hình thức mua bán chất xám.

Từ góc độ quản lý giáo dục, theo kinh nghiệm từ Hàn Quốc nơi tôi làm việc, năng lực nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu chỉ được đánh giá dựa trên các bài báo mà tác giả chính là giáo sư, nghiên cứu viên toàn thời gian của tổ chức đó. Đối với nghiên cứu sinh, họ cũng phải là tác giả chính của các bài báo khoa học quốc tế, phải tham gia thực sự vào các dự án nghiên cứu của giáo sư hướng dẫn mới được tốt nghiệp.

Chấn chỉnh ngay sự liêm chính trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam là điều quan trọng để không còn hiện tượng mua bán chất xám, giới học thuật quốc tế cũng sẽ bớt đi các dấu hỏi về nền khoa học non trẻ của chúng ta.

Theo VNEXPRESS

Tags: