Những điều cần biết về vaccine phòng COVID-19 của Trung Quốc

Cả vaccine Sinopharm và Sinovac đã được WHO cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, đều đang được sử dụng ở Trung Quốc và hàng chục quốc gia trên thế giới. Nhưng chúng ta đã biết gì về vaccine Trung Quốc và chúng có gì khác với những loại vaccine đang phổ biến hiện nay?

Những điều cần biết về vaccine phòng COVID-19 của Trung Quốc

Các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm đã ký kết chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, nhằm phân phối vaccine cho các nước nghèo hơn. Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) cho biết, họ sẽ cung cấp 110 triệu liều vaccine này như một phần của chương trình.

Vaccine Sinovac hoạt động như thế nào?

CoronaVac là tên sản phẩm của Công ty dược phẩm sinh học Sinovac có trụ sở tại Bắc Kinh, thuộc loại vaccine bất hoạt.

Vaccine này hoạt động bằng cơ chế sử dụng các phần tử virus đã chết được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, sau đó tiêm vào cơ thể, để kích hoạt hệ thống miễn dịch tự sản sinh kháng thể chủ động đối với một số tác nhân gây bệnh.

Công nghệ sản xuất vaccine Sinovac khác với công nghệ mRNA được ứng dụng sản xuất hai loại vaccine Moderna và Pfizer. Công nghệ vaccine mRNA sẽ đưa một phần mã di truyền của virus corona vào cơ thể, kích hoạt cơ thể nhằm tạo ra các protein của virus, nhưng không phải toàn bộ virus, đủ để huấn luyện hệ thống miễn dịch tấn công lại các tác nhân gây bệnh.

CoronaVac là phương pháp truyền thống hơn được sử dụng thành công trong nhiều loại vaccine từng được bào chế trước đây, nhằm phòng chống bệnh dại, cúm…

Về lý thuyết, một trong những ưu điểm chính của Sinovac là nó có thể được bảo quản trong nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn ở 2-8 độ C, giống như vaccine AstraZeneca được tạo ra từ một loại virus biến đổi gen gây ra bệnh cảm cúm thông thường ở tinh tinh.

Ngược lại, vaccine công nghệ mRNA của Moderna cần được bảo quản ở nhiệt độ lạnh sâu -20C, còn vaccine Pfizer phải ở -70C.

Điều đó có nghĩa là cả vaccine Sinovac và Oxford-AstraZeneca đều rất hữu ích đối với các nước đang phát triển – vốn có thể không có đủ phương tiện để bảo quản một lượng lớn vaccine ở nhiệt độ rất thấp.

Hiệu quả của vaccine Sinovac?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các nghiên cứu cho thấy vaccine Sinovac “ngăn ngừa bệnh có triệu chứng ở 51% số người được tiêm chủng và ngăn ngừa bệnh COVID-19 tình trạng nghiêm trọng và nhập viện ở 100% người được nghiên cứu”, đối với những người thuộc độ tuổi trên 18, khi vaccine này được phê duyệt vào tháng 6.

Tuy nhiên, trong các thử nghiệm lâm sàng nói trên, chỉ có rất ít người trên 60 tuổi được tham gia, vì vậy hiện không thể ước tính tính hiệu quả đối với những người thuộc nhóm tuổi này.

Một công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy, kết quả nghiên cứu ở Chile, Sinovac có tỷ lệ hiệu quả chống lại COVID-19 là 65,9%, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện là 87,5% và hiệu quả ngăn ngừa tử vong là 86,3%. Tuy nhiên, có rất ít dữ liệu về hiệu quả của nó đối với biến thể Delta.

Còn hiệu quả của vaccine Sinopharm?

WHO cũng đã phê duyệt vaccine Sinopharm do một công ty nhà nước Trung Quốc sản xuất. Giống như Sinovac, đây là một loại vaccine bất hoạt kích hoạt cơ thể sản sinh các kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Virus được nuôi cấy, sau đó bị bất hoạt trước khi được tiêm vào cơ thể người, vì vậy nó không thể truyền bệnh COVID-19.

Vào thời điểm phê duyệt, WHO cho biết: “Hiệu quả của vaccine đối với bệnh có triệu chứng và nhập viện được ước tính là 79%, đối với tất cả các nhóm tuổi.”

Tuy nhiên, thêm một lần nữa, không có đủ người trên 60 tuổi tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng, nên vaccine Sinopharm cũng không đủ bằng chứng thuyết phục để ước tính hiệu quả cho nhóm tuổi trên 60. Tuy nhiên, hiện nay vaccine này vẫn khuyến nghị tiêm cho người lớn tuổi.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nước này đã cung cấp hơn một tỷ liều vaccine cho cư dân của mình.

Sự lây lan của chủng virus corona gây bệnh COVID-19 ở Trung Quốc phần lớn đã được kiềm chế – và đất nước đã mở cửa trở lại sớm hơn các nước khác trên thế giới.

Những quốc gia nào đang sử dụng vaccine Trung Quốc?

Hơn 80 quốc gia đang sử dụng vaccine Trung Quốc, bao gồm nhiều quốc gia ở châu Á, trong số đó có Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines.

Tuy nhiên, một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao bằng vaccine COVID-19 của Trung Quốc vẫn đang chứng kiến sự gia tăng số lượng người nhiễm bệnh. Chẳng hạn, Chile đã phải tái áp đặt lệnh giới nghiêm và đưa trở lại các hạn chế về đi lại để đối phó với biến thể Delta, có khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến thể trước đó. Hơn 70% người Chile đã được tiêm chủng đầy đủ và hầu hết đều được tiêm vaccine Sinovac.

Trong khi đó, Seychelles và Mông Cổ gần đây đã ghi nhận một số trường hợp gia tăng cao nhất trên đầu người, mặc dù dân số của họ không lớn.

Cả hai quốc gia này đều phụ thuộc lớn vào Sinopharm và các chương trình tiêm chủng của họ đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine đầy đủ là 68% người lớn Seychelles và 55% ở Mông Cổ.

Thái Lan đã thay đổi chính sách vaccine để tiêm trộn vaccine Sinovac của Trung Quốc với vaccine AstraZeneca nhằm tăng cường khả năng bảo vệ, sau khi hàng trăm nhân viên y tế vẫn nhiễm COVID-19 dù đã được tiêm đầy đủ vaccine Sinovac.

Trong khi đó tại Indonesia, Hiệp hội các bác sĩ cho biết, một số nhân viên y tế đã chết dù được tiêm đủ hai liều vaccine Sinovac. Hiện nước này đang có kế hoạch dùng các loại vaccine COVID-19 khác nhau để tiêm liều thứ hai hoặc tiêm nhắc lại để tăng hiệu quả.

Vaccine Trung Quốc không tốt?

Vaccine không phải là yếu tố duy nhất để giải thích những gì đang diễn ra hiện nay ở những quốc gia này. Một lý do rất có khả năng đã xảy ra là hiệu quả của vaccine có thể bị suy giảm hoặc chúng không hiệu quả đối với các biến thể mới.

Gần đây, Pfizer cho biết, họ sẽ xin cấp phép cho một mũi tiêm nhắc lại ở Mỹ với kỳ vọng cải thiện khả năng miễn dịch.

Tại Indonesia, Hiệp hội các bác sĩ cho biết, các bệnh đi kèm có thể là một phần nguyên nhân gây ra cái chết của các nhân viên y tế. Nước này cũng có tỷ lệ tiêm chủng cực kỳ thấp – chỉ hơn 5% dân số được tiêm cả hai liều.

Tại Chile, một số chuyên gia đã cho rằng, sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm bệnh rất có thể do khoảng thời gian tiêm giữa hai liều quá ngắn.

Giáo sư Ben Cowling, Trưởng Khoa Dịch tễ học và Tin sinh học tại Đại học Hong Kong, cho biết mặc dù có “hiệu quả khiêm tốn” đối với bệnh COVID-19 có triệu chứng, nhưng cả Sinovac và Sinopharm đều cho “mức độ bảo vệ rất cao” đối với bệnh nặng. Điều đó có nghĩa là những vaccine này đã cứu sống rất nhiều người.

Sinovac và Sinopharm có hiệu quả với virus biến thể mới?

Nghiên cứu do Sinovac và Sinopharm công bố cho biết, vaccine đã cho thấy tính hiệu quả chống lại loại virus lần đầu tiên được tìm thấy ở thành phố Vũ Hán, nhưng chưa có dữ liệu mới nào công bố về hiệu quả đối với các biến thể mới.

Dựa trên các nghiên cứu nhằm tạo được mô hình chống lại virus, Giáo sư Cowling ước tính, khả năng bảo vệ được cung cấp bởi vaccine bất hoạt chống lại biến thể Delta có thể thấp hơn 20% so với chủng ban đầu. Các tính toán của ông cho thấy, tỷ lệ có thể còn thấp hơn đối với biến thể Beta lần đầu tìm thấy ở Nam Phi – biến thể khác biệt nhất với virus ban đầu.

Theo Nhà virus học Jin Dong-yan, cũng từ Đại học Hong Kong, có khả năng hiệu quả của vaccine Trung Quốc sẽ giảm so với các biến thể, bao gồm cả Delta. Nhưng ông khẳng định, “Sinovac và Sinopharm đều là những vaccine tốt” và những người không được tiếp cận với các vaccine có hiệu quả cao hơn vẫn nên tiêm.

Điều quan trọng là tiếp tục tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội và các biện pháp phòng dịch khác.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM / BBC / CHINA DAILY

Tags: , ,