⠀
Nhớ về thời bao cấp: Thế nào mới đúng mốt?
Thời trang trong giai đoạn bao cấp và đầu đổi mới luôn hằn sâu trong tâm trí nhiều người thế hệ trước theo những cách vô cùng ấn tượng.
Những chuyện vô đề về các “dân chơi hàng xịn”
Đầu thập kỷ 60 ở miền Bắc, mốt của thanh niên là diện quần ống tuýp, loại quần này tiêu chuẩn là phải chật, thật chật, đến mức lúc thay ra cần có người kéo ống quần hộ thì mới đúng điệu. Nam thanh niên để đầu “đít vịt”– kiểu tóc để dài, chải keo sáp bóng nhoáng, vuốt túm chỉa chỉa về phía sau, cưỡi hiên ngang con xe Pha vo rít (Favorite) đi ngoài đường là ai cũng phải ngoái nhìn.
Tầm sau giải phóng, ảnh hưởng với phong trào phản chiến hippy, người ta quay sang “cuồng si” mốt áo vải thô bó chẽn cùng quần ống loe rộng và để tóc dài phóng khoáng.
Thanh niên thời đó rất thích mốt quần loe trẻ trung
Cách ăn mặc như vậy đối với giới trẻ rất được ưa chuộng, song về tình hình xã hội thì cách phục sức kiểu này rất “có vấn đề”, bị xếp vào hàng văn hóa lai căng, không đứng đắn. Một số đơn vị hành chính còn treo biển rất rõ ràng “Không tiếp quần loe”, “Chúng tôi không tiếp những người mặc quần loe, quần tuýp, để tóc bù xù”. Thậm chí trên các ngã tư, đường phố thường có các đội thanh niên tình nguyện cờ đỏ chuyên chăm chăm đi cắt quần ống loe. Xử nhẹ là cắt dọc đường li trước, nặng là cắt phần ống quần rộng. Đầu đít vịt hay tóc tai râu ria xồm xoàm dài quá quy định nếu bị bắt cũng đều phải cắt trụi hết. Bên cạnh đó tiêu chuẩn đánh giá dân chơi thời ấy không nằm ngoài câu vè sau:
“Một yêu anh có Pơ giô (peugeot)
Hai yêu anh có Selko đàng hoàng
Ba yêu anh có bộ đồ sang
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô…”
Xe đạp pơ giô (trên), đồng hồ Poljot (bên trái) và đồng hồ Seiko (bên phải)
Đến những năm cuối 70, đầu năm 80, do tình hình khan hiếm hàng hóa nên đã bắt đầu xảy ra nạn buôn lậu tại các đầu mối cửa khẩu nước ta. Những con buôn vận chuyển hàng lậu được người dân “ưu ái” gọi bằng một cái tên khá kì dị: dân bám mích. Tay nào buôn hàng trót lọt được vài bữa là đã giàu lên nhanh chóng, và tất nhiên họ đều diện những bộ cánh thời thượng nhất bấy giờ. Dạo ấy, vải Pho Canada là loại thịnh hành và được ưa thích nhất bấy giờ. Thứ vải này được người bây giờ miêu tả lại bằng sự châm chọc “May đồ bằng Pho Canada, mặc mùa đông thì lạnh run, mùa hè diện vào lại nóng chảy mỡ”. Chê bai là vậy nhưng vào thời đó, phải khá giả lắm mới có mà mặc. Phất lên nhanh nhờ buôn gạo, bột mì, phân bón, dân bám mích không thoát khỏi thành ngữ sâu cay “ Trưởng giả học làm sang”. Giữa mùa hè nắng chang chang đổ lửa, thế mà các tay chơi “dân bám mích” vẫn cố đóng nguyên cả bộ kiểu ký giả may bằng vải Pho Canada, đầu đội mũ phớt len, đeo kính râm, đi đôi sa bô nặng chịch…trông vô cùng bức bối, ngột ngạt. Đối với những quán ăn hay hàng giải khát, hôm nào gặp được toán dân chơi đóng bộ bảnh chọe này là biết ngay đã vào dịp vớ bở, tha hồ mà chặt chém…
Cho tới giữa năm 80 đến đầu 90, danh xưng “dân chơi hàng hiệu” chuyển sang cho những người may mắn có người nhà đi xuất khẩu lao động hoặc đi học ở nước ngoài về. Màu mốt nhất thời đấy là các tông cỏ úa, tím than. Người sành thời trang là phải diện áo lông Đức hoặc áo bay Nga mặc quần giả bò cưỡi Custom Minks, Simson, Suzuki 100 mận chín, Honda Super Cub C50… Một bộ hoàn chỉnh như vậy đáng giá bằng cả một gia tài vì thế nên nếu có “ cưa” cô nào là đổ cô ấy. “Một trăm lời nói không bằng ống khói Hon Đa” – như các đại gia, thiếu gia ngày nay, các dân chơi thời xa vắng như thế này luôn được người đời nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ pha chút thèm thuồng, ghen tị.
Áo Nato một thời rất “hot”
“Anh chàng” đi Suzuki mận chín là điển hình của dân chơi bấy giờ với mũ cối, áo Nato
Một thanh niên “chịu chơi” khác với style rất lãng tử
Để hoàn thiện cho phong cách, chắc chắn phải có…tờ 10 đồng đút ngay ngắn vào túi áo trước ngực
Gần hơn chút nữa, vào cuối 80 đầu 90, định nghĩa người ăn diện đúng điệu là phải mặc áo chim cò Thái Lan, quần bò mài… trông rất hoa lá cành, đỏm dáng.
Thiếu nữ “băng đỏ” xinh đẹp với một trong những cách mặc thời trang nhất giữa thập niên 80: Áo len cổ lọ bên trong, áo lông Đức bên ngoài. Người ngồi bên cạnh cũng rất hợp thời cùng áo Nato và mũ bò kiểu Levi’s
Và những nghề chỉ thời ấy mới có
Có những thứ chỉ tồn tại ở một thời điểm nhất định. Những nghề phục vụ sự mặc thời bao cấp là một trong những thứ như vậy. Xuất phát từ việc mọi cái đều phải nhận qua tem phiếu, nhiều người dân rơi vào tình cảnh quần áo giày dép thiếu thốn, vải vóc không dư thừa, một năm con em cán bộ công nhân viên chức nội thành cũng chỉ được phát có khoảng 2,5 mét vải. Chính bởi vậy nên người thời ấy rất giữ gìn trang phục, bởi nếu rách tả tơi quá thì cũng không có cái khác để mà thay. Phỏng theo nhu cầu ấy, một số nghề nho nhỏ nhưng đặc biệt đã nở rộ.
Hồi ấy có nghề may lộn lại quần. Sở dĩ có nghề này xuất phát từ việc thiếu vải. Mỗi người chỉ có khoảng 1 -2 cái quần để mặc đi mặc lại, mặc đến khi sờn rách, bạc màu. Thế là người ta đem chiếc quần “Chử Đồng Tử’’ ra hiệu nhờ tháo hết đường chỉ ra, lộn bên trong ra bên ngoài hoặc cắt đôi ống quần xoay đằng trước ra đằng sau rồi mới may lại. Mặt trong quần do ít tiếp xúc với ánh nắng nên vẫn còn rất mới, nếu không may có chỗ rách nào thì mạng lại bằng chỉ cùng màu.
Lại có giai đoạn Hà Nội nở rộ các hàng chuyên hàn dán dép nhựa, dép cao su. Người ta nấu chảy các miếng nhựa, cao su vụ để tra vào chỗ bị đứt, mẻ. Ngoài ra còn có nghề làm dép râu rất được chuộng. Đế dép được làm bằng vỏ xe nhà binh cũ, quai dép bằng ruột xe. Vỏ xe và ruột xe được cắt nhỏ, gọt theo dạng bàn chân, xỏ lỗ để luồn quai. Dép râu mang ít mòn, ít hư chỉ tội là hay bị đen chân do ruột cao su và kiểu dáng không thanh nhã, nặng nề, xấu xí.
Nghề vá sửa dép cao su, dép nhựa đã từng có thời rất phổ biến
Nghề “thợ nhuộm” đã có từ lâu ở miền Bắc, sau 1975, nghề này có cơ hội phát triển ở miền Nam do nhiều người có nhu cầu nhuộm đen quần áo cho sạch hoặc để “đỡ thấy dơ” hơn, tiện cho công việc lao động. Cũng có người đi nhuộm đồ trắng hay màu thành đenchỉ để tỏ ra cũng thuộc nhóm người lao động. Đồ được đem đi nhuộm là áo quần quân đội từ áo quần kaki vàng của sĩ quan, đến đồ xanh, đồ rằn ri của lính hay đồ trắng cảnh sát,… đều bị nhuộm thành màu đen hết.
Nghề chuyên nhuộm các loại quần áo có màu thành màu đen
Ngoài ra còn một số nghề độc đáo khác như may áo vải bao bột mì, nghề phân kim (thu mua vụn vàng bạc để chế tác lại), sang sợi vá quần áo…đến nay đã gần như tuyệt diệt).
Theo KHÁM PHÁ
Tags: Việt Nam giai đoạn 1976-1986, Việt Nam giai đoạn 1986 - 1990, Thời trang, Thời bao cấp