⠀
Người Việt ngày càng lười đẻ con: Hệ lụy đáng sợ cho tương lai
Tỷ lệ sinh thấp đang là vấn đề thách thức của dân số Việt Nam, theo các chuyên gia.
Hương, 28 tuổi, quê Thái Bình, cùng chồng lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh 6 năm, nhưng cặp đôi vẫn quyết định chưa sinh con vì kinh tế khó khăn. Trước đại dịch, đôi trẻ làm thuê cho quán ăn và tiệm làm đầu, thu nhập trung bình 13 triệu một tháng, chỉ đủ thuê nhà, ăn uống, hiếu hỉ và gửi về quê.
“Tôi thậm chí còn không dám đổi điện thoại mới, vì tiền tháng nào tiêu hết tháng đó, không dư một đồng tiết kiệm”. Vật lộn với mưu sinh, hai vợ chồng không dám sinh con vì sợ đồng lương không đủ chu cấp cho đứa bé cuộc sống đầy đủ. Dịch bệnh ập đến, TP Hồ Chí Minh đóng cửa mọi dịch vụ, hai người thất nghiệp, trông chờ vào khoản trợ cấp từ mạnh thường quân, giấc mơ có con ngày càng xa vời.
Trong khi đó, Linh, một nhân viên ngân hàng, sống tại Hà Nội, thu nhập 15 triệu một tháng, chồng cô làm bán hàng cho một hãng xe với đồng lương 20 triệu cũng không dám sinh con. Đôi vợ chồng trẻ mới ký hợp đồng mua một căn chung cư với số tiền vay lên tới 1,5 tỷ, trả gốc lẫn lãi trong 10 năm, mỗi tháng 14 triệu. “Gần 10 năm đi làm, gia đình tôi tiết kiệm được hơn 1 tỷ thì dồn hết mua nhà. Giờ lại thêm khoản vay nợ trả trong 10 năm, chắc tôi không sinh con nữa”. Theo ước tính của Linh, chi phí sinh hoạt tối thiểu cho một gia đình 4 người tại Hà Nội rơi vào khoảng 30 triệu đến 35 triệu/1 tháng, trong đó tiền học cho con (trường tư) tầm 15 triệu, ăn uống 10 triệu, dịch vụ giải trí xăng điện nước… tầm 7 triệu.
“Giờ hai vợ chồng chỉ sống vào một phần lương nên nếu sinh con ra, tôi sẽ nuôi con như thế nào đây? Liệu tôi có cam lòng để con mình thiếu ăn thiếu mặc, học trong môi trường đông và nhiều áp lực, tằn tiện không dám mua quần áo, thậm chí bộ đồ chơi như con bạn bè mình”, người phụ nữ trăn trở. Ở một khía cạnh khác, nữ nhân viên ngân hàng là tuýp phụ nữ độc lập, tự chủ về tài chính, không muốn sống phụ thuộc vào chồng cũng không muốn làm “nô lệ” cho gia đình.
Linh kể, chứng kiến nhiều người phụ nữ kiệt quệ, thậm chí rối loạn tâm lý, trầm cảm vì stress dài ngày, khi phải gồng mình lên vừa đi làm kiếm tiền, vừa chăm dạy con, vừa đảm đang việc nhà. Trong khi chồng đi biền biệt tối ngày, giao phó mọi việc cho bạn đời, về đến nhà là nằm xem tivi hoặc chơi điện tử. “Tôi không muốn sống trong cảnh rối ren đó. Cho nên, chỉ khi nào kiếm được nhiều tiền hơn để thuê giúp việc, tự chủ về tài chính, tôi mới sinh con”, cô quả quyết.
Linh hay Hương chỉ là một số trường hợp trong hàng triệu phụ nữ đang cân nhắc có nên sinh con trong bối cảnh chi phí cuộc sống ngày càng tăng cao, cộng thêm tương lai bất an vì dịch bệnh hiện nay. Xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa không còn xa lạ. Theo những báo cáo gần đây nhất của Bộ Y tế và số liệu tổng điều tra dân số năm 2019, hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Đáng nói, mức sinh ở TP Hồ Chí Minh là thấp nhất (1,3 con/phụ nữ) và mức sinh tại địa phương này đã thấp hơn mức sinh thay thế (1,39 con/phụ nữ) trong hơn 20 năm qua, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai.
Tại hội thảo về dân số năm 2020, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đang giữ tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức 2,1 con một mẹ. Đây là mức sinh thay thế cần thiết để duy trì dân số. Nhưng nếu mức sinh thấp hơn, dân số sẽ nhanh chóng bị “già hóa”, tạo ra nhiều sức ép về các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Cụ thể, tỷ lệ sinh thấp dẫn đến già hóa dân số do sự chênh lệch trong tháp dân số, trong đó người quá độ tuổi lao động sẽ chiếm số lượng bằng và nhiều hơn so với những người trong độ tuổi lao động. Lúc này, người con một trong gia đình có thể sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cho cả bố mẹ lẫn ông bà. Ngoài ra, số lượng người già tăng lên, dẫn đến việc quá tải trang thiết bị y tế và dịch vụ cho người cao tuổi, từ đó đẩy giá thành của dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này tăng, áp lực này lại được đặt lên vai những người trẻ.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt lực lượng lao động trẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một đất nước có tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài cao như Việt Nam. Trong khi đó, việc một số khu vực sinh quá ít, một số tỉnh thành có tỷ lệ sinh quá cao, dẫn đến sự chênh lệch không chỉ mức sinh mà còn là cách biệt về kinh tế, giáo dục, văn hóa, việc làm… Theo một chuyên gia về dân số, gia đình đông con sẽ không thể đầu tư về giáo dục, dinh dưỡng, thời gian, nguồn lực khác… cho đứa trẻ như cha mẹ chỉ có một con. Điều này sẽ khoét sâu sự bất bình đẳng từ giữa các gia đình cho đến cả vùng miền.
Theo ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Quy mô dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, hai lý do cho hiện tượng “ngại đẻ”, một là kinh tế phát triển dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ. Thứ hai, vấn đề học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ khiến nhiều người không muốn đẻ… Một chuyên gia dân số khác nhận định, các cặp vợ chồng trẻ bây giờ mong muốn con được học tập đầy đủ, chất lượng cuộc sống gia đình tốt hơn, do đó họ có thể không muốn sinh thêm. Đây là tâm lý “ít hơn là nhiều hơn”, không chỉ phổ biến ở các đô thị Việt Nam mà đã tồn tại hàng chục thập kỷ ở Mỹ, châu Âu, rồi lan đến châu Á như Nhật, Hàn, Trung Quốc…
Rất nhiều người trẻ thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1997) và Gene Z (20 tuổi) không muốn lập gia đình, hoặc lập gia đình thì không sinh con, đẻ ít con để tận hưởng cuộc sống mà không phải gồng gánh trách nhiệm với bất cứ ai. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt, giáo dục, dịch vụ, giải trí, nhà ở… tại các thành phố lớn tăng quá nhanh, quá cao so với đồng lương, khiến nhiều người ngần ngại không muốn sinh con.
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, dự báo sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc năm 2019 ở mức 0,92 con trên một phụ nữ độ tuổi sinh đẻ – thấp nhất thế giới – và tiếp tục giảm vào năm 2020. Dịch bệnh, khiến nhiều người trẻ bi quan trước việc kết hôn và sinh con, được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này. Năm qua, lần đầu tiên trong lịch sử, dân số Hàn Quốc giảm hơn 20.800 người, còn hơn 51.800.000. Nhật Bản cũng chỉ có 848.000 ca sinh trong năm 2020, ít hơn so với năm 2019 và thấp nhất kể từ lần thu thập dữ liệu gần nhất trong vòng 120 năm qua. Số trẻ em chào đời trong năm 2021 dự kiến dưới 800.000, do nhiều gia đình lo sợ mắc COVID-19 khi đến bệnh viện khám thai và áp lực tài chính.
Nhiều giải pháp được đề ra để kích thích mức sinh, như dự thảo Đề cương Luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo đề xuất phụ nữ ở vùng đang có mức sinh thấp được hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi sinh con thứ nhất; tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi sinh con thứ hai (khoảng hơn 9 triệu). Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia đề xuất hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, hỗ trợ viện phí cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai. Song song đó là giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc y tế, miễn giảm học phí, thay đổi hình thức, thời gian trông trẻ mầm non – mẫu giáo, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản… giúp các cặp vợ chồng yên tâm sinh thêm con.
Tại Hàn Quốc, chính quyền ban hành kế hoạch kể từ năm 2022, mỗi gia đình sinh con sẽ được thưởng 2 triệu won (1.826 USD) và khoản hỗ trợ 300.000 won mỗi tháng. Số tiền sẽ tăng lên 500.000 won mỗi tháng vào năm 2025. Trợ cấp kéo dài đến khi đứa trẻ tròn một tuổi. Mỗi cặp vợ chồng cũng nhận được tối đa là 3 triệu won mỗi tháng trong thời gian nghỉ thai sản.
Theo một chuyên gia dân số, việc giải bài toán “mức sinh thấp” là một bài toán rất khó, cần đồng bộ nhiều giải pháp. Theo Linh, nhân viên ngân hàng, việc thưởng tiền chỉ là giải pháp khuyến khích: “Tôi sẽ không đẻ thêm con chỉ vì 9 triệu nhưng nếu nhà nước miễn giảm học phí từ mẫu giáo đến đại học cho trẻ, thì lại là câu chuyện khác”. Cô nhấn mạnh thêm việc giáo dục, truyền thông về bình đẳng giới, để nam giới làm việc nhà nhiều hơn, chia sẻ gánh nặng với bạn đời, giúp người phụ nữ rảnh rang, có nhiều thời gian đầu tư hơn cho bản thân, cũng là cách kích thích mức sinh tăng lên.
Theo HOÀNG LAN / AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Dân số