Nghịch lý trường công ở Việt Nam

Câu chuyện thiếu trường công và trường công không đủ năng lực gánh vác hết số học sinh hết lớp 9 ở Hà Nội và TP HCM là một thực tế bất thường.

Paris, nơi tôi đang sống, có 111 trường trung học phổ thông cho 20 quận nội thành, trong đó một nửa là trường công. Tỷ lệ số dân trên một trường công ở đây, chỉ bằng khoảng một nửa TP HCM.

Từ ngày 7/5 hàng năm, các học trò lớp 9 bắt đầu chọn nguyện vọng vào lớp 10 của mình trên hệ thống website Affelnet. Mỗi em học sinh được chọn 5 nguyện vọng vào 5 trường. Từ các kết quả như điểm quá trình học tập, điểm trung bình cuối năm lớp 9 và khoảng cách từ nhà đến trường, các em sẽ được tính điểm chung trong hồ sơ. Kết quả các em được vào nguyện vọng nào, sẽ công bố vào tháng Bảy.

Những ngày này học sinh ở Pháp không mấy căng thẳng, học sinh ở tỉnh lẻ thì còn thoải mái hơn. Chất lượng của các trường không chênh lệch nhiều, trừ một vài trường chuyên. Phần lớn các em và gia đình sẽ chọn một trường công lập bình thường gần nhà.

Ở Paris, vẫn có những gia đình cố gắng hết sức để con mình vào được trường Henri-IV hay Louis-le-Grand, hai trường uy tín vì có nhiều học sinh vào được các trường đại học danh tiếng. Nhưng dù có lựa chọn thế nào, chắc chắn một điều là em nào cũng sẽ có một chỗ ở trường công mà không tốn học phí, chỉ đóng tiền ăn theo thu nhập của gia đình.

Không khí cuộc chuyển cấp của các học sinh Pháp khác hẳn không khí đang căng như dây đàn trong cuộc đua vào lớp 10 công lập của khoảng 200 ngàn gia đình ở Hà Nội và TP.HCM.

Và điều khác biệt cơ bản là, hệ thống trường công của Hà Nội và TP HCM không đảm bảo chỗ cho tất cả mọi người. Như tại Sài Gòn, trong số 87.000 học sinh thi vào cấp 3 năm nay, sẽ có 22.000 em không được học trường công.

Tôi có một đứa cháu đang ở TP HCM và một đứa con người bạn đang ở Pháp. Cả hai đều vừa kết thúc lớp 9 và chuẩn bị vào cấp ba, nhưng trong hai bối cảnh hoàn toàn khác nhau.

Tôi gọi điện về, đứa cháu ở TP HCM thì cả ngày chỉ ăn với ôn bài, sáng luyện thi ở trường, chiều tối thì đi học thêm.

Còn cậu bé con người bạn ở Pháp thì vẫn bình thường như suốt năm học. Chị bạn bảo nó đã chọn một trường tiện đường, có nhiều bạn cũ, và vẫn học nhạc, đi câu lạc bộ thể thao, tham gia lớp vẽ và nghệ thuật như trước… Đầu tháng 7 học sinh sẽ nghỉ hè, các gia đình thường đi du lịch, sau đó có đứa về nhà ông bà, rồi chơi cả mùa hè, đợi ngày nhập học lớp 10.

Cuộc đua vào lớp 10 công lập của các sỹ tử tuổi 15 đang trở nên khốc liệt hơn nhiều năm khi số thí sinh tăng mạnh trong khi chỉ tiêu gần như không đổi. Với phần lớn gia đình Việt Nam, vào trường công là lựa chọn duy nhất vì họ không thể lo nổi những khoản phí đắt đỏ của trường tư, chưa kể cái nhìn của xã hội về trường tư chưa được cải thiện nhiều.

Có thể ở Việt Nam nhiều người đã quen với điều này. Nhưng đó là một thực tế bất thường. Hệ thống trường công lập phải đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân về giáo dục đã trở thành một lẽ đương nhiên. Tùy theo nhu cầu tăng hay giảm của dân cư trong vùng mà hệ thống trường địa phương cần được quy hoạch mở rộng hay thu hẹp.

Sự cạnh tranh chỉ xuất hiện nếu trong số các trường công có một số ít có ưu điểm vượt trội, học sinh và người dân khi đó sẽ cân nhắc việc giữa những cái tốt, sẽ chọn cái tốt hơn.

Khi hệ thống trường công đã có sự đảm bảo chất lượng tối thiểu, thì sự lựa chọn giữa các trường công với nhau, hay giữa công – tư lúc này lại phụ thuộc vào quan điểm sống của phụ huynh. Hệ thống trường tư ra đời không phải vì hệ thống trường công không đáp ứng được hết nhu cầu, mà vì hệ thống trường tư có một số ưu điểm linh hoạt hơn theo đánh giá của phụ huynh.

Tôi tự hỏi, vậy thì câu chuyện thiếu trường công và trường công không đủ năng lực gánh vác hết số học sinh hết lớp 9 ở hai đô thị lớn của Việt Nam là vì thiếu tiền để xây dựng thêm hay chưa được quan tâm đúng mức?

Hay là có một sự “trùng hợp ngẫu nhiên” khi hệ thống trường tư phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, và giáo dục dường như đang được xem là một thị trường béo bở?

Chúng ta đều biết rằng giáo dục và y tế là hai nhu cầu cơ bản và thiết yếu nhất, và cũng là hai dịch vụ công mà bất kì chính phủ nào cũng cần nhiều ưu tiên nhất. Trường công, trong một mô hình giáo dục đạt tiêu chí cơ bản, phải đủ để đáp ứng nhu cầu trước hết về số lượng của người dân, để nếu phụ huynh và học sinh có nhu cầu muốn “chọi”, thì không phải vì lý do thiếu trường công.

Ngân sách thu được từ thuế và phí của người dân, doanh nghiệp một phần để duy trì hoạt động của bộ máy Nhà nước, và phần lớn cần được sử dụng để phục vụ lại người dân, trong đó có hai dịch vụ thiết yếu kể trên.

Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam hiện nay vào khoảng 25,75%, 60/223 tỷ USD. Nếu so với tỷ lệ trung bình của thế giới là 15%; hay Malaysia, Philippines là 14%, Thái Lan là 15,5%, Trung Quốc là 9,5% thì có thể thấy, đóng góp của người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam đã khá cao.

Và cuối cùng, chúng ta vẫn chấp nhận một hệ thống giáo dục “đảm bảo” rằng sẽ có ít nhất một trong 4 đứa trẻ không được vào trường công, như ở TP HCM.

Nếu bạn thay thế mệnh đề này bằng bệnh viện công, nơi có quyền từ chối khám chữa bệnh cho một trong 4 bệnh nhân vì quá tải, bạn sẽ thấy vấn đề.

Theo VÕ ĐÌNH TRÍ / VNEXPRESS 

Tags: