Ngày cuối cùng của Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn

“Khi chiếc trực thăng CH-46 đáp xuống chiến hạm USS Blueridge, nhiệm vụ bảo vệ xem như hoàn tất”, Colin Broussard, cận vệ của đại sứ Mỹ Graham Martin tại Sài Gòn, nhớ lại. “Tôi vứt khẩu tiểu liên Magnum, tháo luôn khẩu colt 45 và ném lên boong”. 

Tôi và Jim Daisy đã trải qua 48 giờ không ngủ, không ăn uống và cả không hút thuốc. 2 đứa tìm thấy khoảng trống dọc hành lang, đặt lưng xuống và đánh một giấc thật đẫy. Câu chuyện Việt Nam của tôi chấm dứt kể từ hôm nay, 30/4/1975.

Ngày 29/4/1975, Sài Gòn bị tấn công. Tôi nghe có đến 16 sư đoàn quân giải phóng đang bao vây Sài Gòn, mở những đợt tấn công dữ dội vào phi trường Tân Sơn Nhất và Bộ tư lệnh hành quân. Trung sĩ Jim Daisy và tôi, trung sĩ Colin Broussard, được lệnh của PPSU – lực lượng an ninh bảo vệ yếu nhân – phải bảo vệ Đại sứ Graham Martin cho đến khi hoàn tất chiến dịch di tản. Jim giữ nhiệm vụ lái xe, còn tôi hộ tống.

Vòng vây của quân giải phóng càng lúc càng siết chặt. Nỗi sợ hãi ở Sài Gòn lên đến tột độ. Nhiệm vụ của Jim hôm đó là lái xe cho đại sứ và hợp tác với các nhân viên PPSU còn lại về tất cả những gì liên quan đến việc di tản. Tôi giữ nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ đại sứ. 4 đội PPSU khác lúc này đang toả ra khắp thành phố, đón gia đình các sĩ quan cảnh sát đặc biệt của chính quyền Sài Gòn đi di tản.

Sáng nay, thi thoảng, đạn rocket của quân giải phóng rơi xuống Sài Gòn, như rocket của người Đức bắn sang Anh vậy. Họ dang “quây” phi trường Tân Sơn Nhất bằng các loạt pháo 122 li. Bên ngoài toà đại sứ, khoảng 5.000 người vây kín các bức tường bên ngoài, tìm cách leo vào trong. Lính thủy đánh bộ trấn thủ trên bờ tường, xô đám đông trở lại dưới sự hỗ trợ của các họng súng máy được bố trí ở các góc tầng thượng. Tổng quân số lính thuỷ chúng tôi còn lại đến ngày cuối cùng là 65 người. Tất cả đều cố sức cản dòng biển người đang cố gắng vượt rào. Những người làm việc cho chế độ Sài Gòn lúc ấy hiểu người Mỹ đang bỏ đi. Và họ bắt đầu hoảng hốt. Ngày hôm ấy, những chuyện không tưởng liên tục diễn ra cạnh bức tường toà đại sứ, kể cả chuyện một bà mẹ trẻ đã ném cả đứa con qua bức tường cao 2,4 mét với hy vọng ai đó sẽ nhặt đứa bé và đưa sang Mỹ.

Ông Graham Martin là một đại sứ chuyên nghiệp, không phải là một chính trị gia được bổ nhiệm. Ông nguyên là nghị sĩ, mất một con trai trên chiến trường Việt Nam. Lúc ấy, ông không muốn ai nghĩ đến chuyện sắp phải di tản. Tôi nhận chuyển một công điện mật cho đại sứ, đoán là của Tổng thống Ford hoặc Ngoại trưởng Henry Kissinger. 25 năm sau, tôi mới biết là mình đoán đúng. Đó là thư của Tổng thống Ford, ra lệnh mở chiến dịch di tản.

Trước ngày Sài Gòn sụp đổ 2 tháng, Tổng lãnh sự Albert Francis ở Đà Nẵng yêu cầu Martin cấp cho vài vệ sĩ hộ tống mình trong chuyến thăm Huế. Tôi và Jim được lệnh lên đường. Chúng tôi đáp chuyên cơ từ Sài Gòn đi Đà Nẵng, sau đó lên trực thăng ra Huế, đáp xuống phía đối diện sông Hương. Albert Francis bàn việc với tay tỉnh trưởng trong lúc tiếng súng giao tranh vang lên rất rõ, chỉ cách đó khoảng 10 km. Đến chiều, chúng tôi lên trực thăng rời Huế. Hôm sau, Huế thất thủ. Chúng tôi thả Albert xuống Đà Nẵng và bay trở lại Sài Gòn. 2 tháng sau, Đà Nẵng thất thủ, kế đến là Sài Gòn.

Lúc này, quân giải phóng đang tấn công vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tiếng pháo nổ rung chuyển khắp nơi. Tôi không rõ quân đội Sài Gòn có đủ sức bảo vệ thủ đô không. Từ nóc toà đại sứ, tôi thấy một chiếc C-130 đang cố gắng cất cánh, nhưng cánh bị trúng đạn và đổ nhào xuống đường băng. Đại sứ Martin muốn biết rõ tình hình phi trường, xem chuyên cơ có lên xuống được hay không nên ông quyết định đích thân đi thị sát. Ông lệnh cho tôi chuẩn bị. Tôi cố gảii thích rằng rất nguy hiểm nếu như ông muốn đi. Tuy nhiên, ông vẫn lệnh phải chuẩn bị sẵn sàng nên tôi không hỏi nữa. Lúc rời phòng đại sứ, tôi nghe viên chỉ huy phó phản ứng quyết định ra phi trường của đại sứ.

Tôi gọi Jim qua bộ đàm, yêu cầu cả toán PPSU chuẩn bị. Sau đó, tôi nói chuyện với thiếu tá Kean – sĩ quan chỉ huy lực lượng lính thủy, báo cáo chuyện đại sứ muốn thị sát phi trường. Kean lệnh cho 2 trung sĩ Segura và McDonald lên chiếc Jeep Advanced đến phi trường. Đây là loại “Jeep thông minh”, có thể cho chúng tôi biết đi đường nào thì tốt nhất. Lúc này, tôi nghe nói “Việt Cộng” đã có mặt trên đường phố Sài Gòn, trong đó có nhiều biệt đội ám sát. Cả bọn chúng tôi leo lên xe, đóng cửa kín mít và lên đạn. Daisy lái xe, trung sĩ Paul Gozgit ngồi cạnh đại sứ, tôi và trung sĩ Maloney đi chiếc xe thứ hai cùng 2 sĩ quan cảnh sát đặc biệt. Tôi biết đây là chuyến đi rất mạo hiểm. Dọc dường, người dân đứng dài 2 bên đường chờ đón quân giải phóng, không biết có biệt đội ám sát nào trong đám đông ấy không. Tôi tập trung, lên đạn, tay thò vào cò súng sẵn sàng chờ biến cố. Tôi có cảm giác khả năng có thể bị tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được phi trường. Những cột khói đen nghi ngút bốc lên từ những chiếc máy bay trúng đạn. Quân giải phóng vừa ném bom phi trường, nếu chiếc máy bay nào còn nguyên vẹn thì cũng không thể cất cánh. Cả phi trường lỗ chỗ toàn hố bom.

Đến cổng phi trường, đoàn xe bị chặn lại. Chúng tôi bước ra, triển khai đội hình vây quanh cửa xe đại sứ trong khi McDonald thuyết phục binh sĩ gác cổng cho chúng tôi vào trong. Cả bọn lại lên xe, tiến vào. Đây là lần đầu tiên chúng tôi bị quân Việt Nam Cộng hoà chặn lại. Ngước nhìn những cột khói, những đám cháy lớn khắp nơi ở phi trường, đại sứ hiểu, không còn hy vọng tiến hành di tản bằng chuyên cơ. Ông lệnh chúng tôi quay trở lại toà đại sứ, phát lệnh di tản bằng trực thăng. Đây là điểm khởi đầu của chiến dịch “Operation Frequent Winds”. Bản White Christmas cất lên trên hệ thống radio – ám hiệu báo cho người Mỹ biết cuộc di tản bắt đầu. 11 giờ trưa hôm ấy, đại sứ yêu cầu tôi đưa ông về nhà. Nhân viên cả toà đại sứ hoảng hồn, năn nỉ ông suy nghĩ lại và đừng đi vì đạn pháo, rocket đã nổ lác đác trong thành phố. Nhưng ông vẫn phẩy tay, vì thế, tôi tiếp tục chuẩn bị.

Nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi khi ấy là “Việt Cộng” mới chính là người đang thực sự điều hành thành phố. Trước đó vài ngày, quân giải phóng đã lấy vài chiếc chiến đấu cơ từ Đà Nẵng và ném bom Dinh Độc Lập – cách toà đại sứ không xa. Tôi cố gắng lái chiếc Chevy 454 chống đạn vượt qua cổng chính. Nhưng vừa mở ra, đám đông đã tràn vào khiến thiếu tá Kean và binh sĩ phải vất vả lắm mới đóng cổng lại được. Đành bỏ xe, đại sứ yêu cầu tôi và Jim tháp tùng ông về nhà bằng cách… đi bộ, cách toà đại sứ khoảng 2 dãy nhà. 2 chúng tôi nhìn nhau và nghĩ – có lẽ đây là ngày tận số. Chúng tôi xách tiểu liên, lựu đạn và vượt lối đi bí mật thông qua toà đại sứ Pháp (kế bên) để ra ngoài phố. Vừa vào đến nhà, ngay bên kia đường xảy ra một cuộc đọ súng. Chúng tôi vào nhà, đốt sạch tài liệu. Jim dùng lựu đạn tiêu hủy toàn bộ hệ thống radio. Tôi điện cho chỉ huy, xin được đón luôn 2 lính thuỷ đang gác nhà đại sứ. Cuối cùng, sau 5 phút, tôi đề máy được chiếc Pontiac và gọi Jim đưa đại sứ ra ngoài. Đi thôi! Jim ấn đại sứ ngồi vào băng sau và ngồi chắn bên cạnh. 2 lính thủy cầm M16 chĩa ra 2 bên cửa. Tôi đề máy chiếc xe chống đạn, tông thẳng vào chiếc cổng cao 2,5 mét lao ra ngoài và tăng tốc đến Toà đại sứ Pháp. Cả bọn lại luồn về toà đại sứ. Martin bảo rằng ông nợ chúng tôi một chai rượu mạnh. Tôi thông báo với sĩ quan chỉ huy là nhiệm vụ đã hoàn tất. Đám lính thuỷ bắt đầu hạ cây cối trong toà nhà, cắt điện thoại liên lạc, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc di tản bằng trực thăng.

Chiếc trực thăng CH-53 (chở được 50 người) dầu tiên hạ cánh xuống tầng thượng. Thiếu tá Kean và thượng tá Valdez điều động việc đưa người lên trực thăng, sau ỏ trực chỉ ra hạm đội 7. Cuộc di tản kéo dài đến 4 giờ sáng 30/4 thì kết thúc, trong đó có Đại sứ Martin, Jim và tôi. Toán lính thủy còn lại gồm 11 người được bốc đi lúc 5 giờ, đúng lúc tiếng xích xe tăng quân giải phóng bắt đầu lăn vào nội đô Sài Gòn. Trên tàu, những sĩ quan Việt Nam Cộng hoà lỉnh kỉnh những túi xách, vali. Tât cả đều phải qua kiểm tra của lực lượng an ninh chiến hạm. Họ xổ túi xách, vali, vàng thỏi, kim cương và những bó tiền lớn – toàn là 100 USD, vương vãi khắp sàn tàu. Chiến hạm USS Blueridge đến vịnh Subic (Philippines) vào ngày 4/5, mỗi đứa chúng tôi được phát 100 USD. Đến lúc ấy, tôi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện mua vài bộ quần áo mới, tắm rửa, cạo râu và thư giãn…

Theo VNEXPRESS

Tags: ,