Làm gì để bọn ‘ăn đất’ không còn hoành hành, tàn phá đất nước?

Đất nước đang tăng tốc phát triển, nhưng khiếu kiện về đất đai cũng rất lớn. Nguyên nhân trực tiếp tại có bọn “ăn đất”. Nhưng tại sao lại có bọn đó? Nếu tìm ra được cái “nguyên nhân của nguyên nhân” mới giúp giải quyết vấn đề.

Làm gì để bọn ‘ăn đất’ không còn hoành hành, tàn phá đất nước?

Thống kê tư pháp cho thấy 70% khiếu kiện trong xã hội liên quan đến đất đai. Tỷ lệ này kéo dài đã nhiều năm, gây nhức nhối trong lòng dân, lòng xã hội.

Vấn đề đất đai và quản lý đất đai đã đến hồi báo động.

Không báo động sao được khi đất đai đã và đang là mẫu số chung của hàng loạt những khiếm khuyết, sai lầm, lãng phí, mất mát, kém hiệu quả trên hoạt động thực tiễn của nền kinh tế.

Đó là qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất bị “treo” khiến mọi mục tiêu tốt đẹp trong đó đều bị ngưng trệ hoặc phủ định.

Vốn đầu tư đã sẵn sàng nhưng mặt bằng lại chưa được giải phóng khiến công trình bị đình hoãn, kéo theo bị đội vốn có khi gấp đôi dự toán ban đầu.

Người bị thu hồi đất sau khi nhận được tất cả các khoản tài chính theo qui định, thì họ chỉ có thể mua lại được một diện tích bằng 1/10, thậm chí 1/100 diện tích đất bị thu hồi của mình. Thiệt thòi, bất công thật khôn tả.

Đó là việc những khu đất “vàng, kim cương” tại những vị trí đắc địa đã bị bán đi với “giá bèo” gây tổn thất cho ngân sách nhà nước.

Và còn “nghìn lẻ một” các chuyện khác về những nghịch lý đã và đang hiện diện trong lĩnh vực đất đai. Trong số đó đáng kể là đầu tư công liên tiếp nhiều năm không hoàn thành kế hoạch; thị trường bất động sản thường xuyên kêu cứu; dân mất ruộng đổ vào thành phố kiếm việc làm…

Mặc dù Nhà nước đã biết, đã sửa, nhưng không xuể. Tất cả những nghịch lý đó đều đổ dồn vào việc làm suy giảm tốc độ tăng trưởng, qui mô, hiệu quả của nền kinh tế. Những nghịch lý đất đai vẫn tồn tại và đang thách thức bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Đất nước đang tăng tốc phát triển, nhưng khiếu kiện về đất đai cũng rất lớn. Nguyên nhân trực tiếp tại có bọn “ăn đất”. Nhưng tại sao lại có bọn đó? Nếu tìm ra được cái “nguyên nhân của nguyên nhân” mới giúp giải quyết vấn đề.

Kẽ hở nào để người ta “ăn” đất? Đó là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung – quan liêu – bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Trong sự chuyển đổi này, Việt Nam đã thành công trong nhiều lĩnh vực, nhưng với đất đai lại chậm từ bỏ kế hoạch hóa tập trung – quan lieu – bao cấp, chưa có thị trường đất đai.

Đất đai về mặt tâm linh, đó là hồn thiêng núi sông; về mặt tình cảm, đó là đất mẹ; về mặt kinh tế, đó là bất động sản mẹ của mọi bất động sản trên đất (gọi là bất động sản con).

Không có bất động sản mẹ làm gì có bất động sản con. Bất động sản mẹ hắt hơi thì bất động sản con sổ mũi.

Tầu hỏa, tầu bay, tầu thủy tuy chuyển động với tốc độ ngày càng cao, nhưng ngành tài chính – kế toán vẫn xếp chúng vào loại tài sản cố định, loại bất động sản trên đất, đồng hạng với nhà cửa, cầu, đường.

Đất tuy cùng là một loại bất động sản nhưng khác nhau tại 63 đơn vị cấp tỉnh, hơn vài nghìn đơn vị cấp huyện, hơn vài vạn đơn vị cấp xã.

Vì không có thị trường đất đai nên Nhà nước phải đứng ra làm thay thị trường này từ A đến Z nào là: phân loại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất (có phân biệt về thu tiền hay không thu tiền, về hạn điền đối với diện tích và thời gian), cho thuê đất (có ưu tiên nhiều cấp độ), thu hồi đất (có phân biệt nhiều loại), giải phóng mặt bằng (có phân biệt về giá đất, về đền bù bất động sản trên đất, về xây dựng khu tái định cư, về khuyến khích chuyển cư, về hệ số K nâng giá đất, về áp dụng cưỡng chế thu hồi đất)…

Không có thị trường đất đai, thị trường bất động sản trên đất trở nên hẫng hụt như máy bay không có sân bay để đậu đỗ và cất cánh. Không có thị trường đất đai, mọi tài sản trên đất đều bị hạch toán sai lệch dẫn đến hạch toán nền kinh tế méo mó. GDP đã được tính lại nhưng vẫn phát sinh những yêu cầu phải tính lại tiếp.

Vì sao GDP danh nghĩa với GDP sức mua của Việt Nam chênh nhau tới 3 lần, vào loại cao nhất thế giới? Việt Nam giàu hay nghèo? Việt Nam chưa giàu đã già, đúng hay sai?

Tất cả sẽ có trả lời rõ ràng nếu có thị trường đất đai trong nền kinh tế Việt Nam. Công cuộc Đổi Mới không bác bỏ thị trường đất đai. Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế được mô hình thị trường đất đai theo định hướng XHCN, trong đó đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

Khi có loại thị trường này thì bọn “ăn đất” sẽ không còn chỗ dung thân, kiếm sống, tung hoành như mấy chục năm qua.

Theo TS ĐINH ĐỨC SINH / VIETNAMNET

Tags: