⠀
Lai Châu và Lào Cai năm 1992 trong ảnh của Hans-Peter Grumpe
Cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ ở Lai Châu và những sắc màu rực rỡ của chợ phiên Sa Pa năm 1992 đã hoàn toàn chinh phục tâm hồn của nhiếp ảnh gia Đức Hans-Peter Grumpe.
>> Việt Nam đầu thập niên 1990 qua 1.600 bức ảnh của Hans-Peter Grumpe
Từ Điện Biên Phủ đến Lai Châu: Bản của người Thái
“Năm 1992, khu vực này vẫn là ‘điểm nóng’. Đó là khu vực biên giới ‘nhạy cảm về mặt quân sự’ giáp Lào và Trung Quốc, và không có thông tin trong hướng dẫn hoặc bản đồ. Ô tô trong khu vực này rất hiếm, nếu có thì là xe tải, thường thì chúng tôi không nhìn thấy trong nhiều ngày. Dân ở đây chủ yếu là các sắc tộc thiểu số của người Thái và H’Mông. Những nhóm sắc tộc này cũng sống ở khu vực biên giới Lào và Trung Quốc. Tại một số bản làng người dân chạy ra đường để xem mỗi khi có ai đó đi qua bằng xe hơi. Trong một bản người Thái, có lẽ mọi người tin rằng họ đã nhìn thấy ma quỷ khi tôi ra khỏi xe. Họ hét lên và bỏ chạy theo mọi hướng. Chỉ sau khi chúng tôi tìm được nhà của trưởng bản và tự giới thiệu, họ mới dần dần trấn tĩnh và tụ tập trong nhà của ông này. Ở Lai Châu không có khách sạn, nhưng chúng tôi có chỗ ở trong nhà nghỉ của UBND tỉnh” – Hans-Peter Grumpe.
Trình bày với trưởng bản.
Nhà bếp.
Dân bản kéo về ngắm khách lạ.
Sự tò mò của dân bản.
Chân dung người trong bản.
Gánh nước bằng ống tre.
Một bản của người Thái nằm bên sông.
Phụ nữ dân tộc Thái.
Thu hoạch măng.
Trẻ em địa phương.
Cửa hàng của bản.
Từ Điện Biên Phủ đến Lai Châu: Bản của người H’Mông
Người H’Mông Đỏ.
Bản của người H’Mông.
“Chúng tôi chỉ vào bản khi đã được trưởng bản mời” – Hans-Peter Grumpe.
Lai Châu
Sông Đà ở Lai Châu.
Thị trấn Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay).
Trẻ em ở Lai Châu.
Dừng chân trên một cây cầu ở Lai Châu.
Chiếc xe đã “run rẩy” khi đi qua cây cầu treo bằng gỗ này. Độ rộng của cầu chỉ nhỉnh hơn bánh xe một chút.
Bản của người Thái Trắng ở Lai Châu
“Ở Lai Châu, chúng tôi gặp một cảnh sát viên sống trong một bản Thái Trắng gần đó. Ông mời chúng tôi đến nhà ông” – Hans-Peter Grumpe.
Tầng trên là phòng khách.
Sau chiếc rèm là buồng ngủ.
Ngay phía sau là nhà bếp.
Các thành viên gia đình chủ nhà.
Người chủ nhà hút thuốc bằng điếu cày.
Người dân trong bản.
Trên đường đến Sa Pa
“Giữa Lai Châu và Sa Pa chỉ có một vài khu dân cư, nhưng có rất nhiều cảnh quan đẹp. Đường đi là một con đường đất tốt hơn một chút. Chúng tôi cần 10 giờ để đi khoảng 200km” – Hans-Peter Grumpe.
Sa Pa
“Sa Pa bây giờ là điểm thu hút du khách và là nơi nên đến cho mọi du khách ở miền Bắc Việt Nam. Thị trấn nằm ở độ cao khoảng 1600m, được người Pháp xây dựng vào năm 1922 như một khu nghỉ mát trong dãy ‘Alps xứ Bắc Kỳ’. Đỉnh núi cao nhất Việt Nam, Fansipan với độ cao 3144m, ở rất gần. Năm 1992, khu vực này không phải là nơi khách du lịch thường ghé thăm, và khu chợ nổi tiếng vẫn còn nguyên bản. Trong những hướng dẫn du lịch trước đây của tôi nơi này hầu như không được đề cập. Hướng dẫn viên của tôi đã phải mất 2 giờ tại đồn cảnh sát vì số hộ chiếu không chính xác đã được điền vào giấy phép du lịch của tôi.
Một năm sau đó (1993), mọi thứ đã thay đổi: Các chuyến du lịch tự do không cần giấy phép bổ sung đã có thể thực hiện, và các nhóm du lịch đầu tiên đã tìm về Sa Pa. Trong cuộc hành trình năm 1993, tôi đã gặp một cặp vợ chồng người Pháp trên máy bay về Hà Nội, người đã hỏi tôi như một ‘người sành sỏi’ về những gì tôi có thể giới thiệu cho họ ở miền Bắc. Vì tôi rất vui mừng về chuyến đi năm ngoái, tôi đã khuyên họ đi Sa Pa và thăm khu chợ ở đây. Hai tuần sau, tôi lại gặp họ lần nữa, và họ kể với tôi rất nhiệt tình về chuyến đi của mình. Đã có nhiều lựa chọn chỗ ở, khoảng 30-40 khách du lịch ở đó và người dân địa phương bán quần áo và đồ trang sức của mình cho họ – những sự thay đổi chóng mặt. Trong một chuyến du lịch năm 2004 thì Sa Pa đã được giới thiệu là ‘một thị trấn rất nhỏ với khoảng 10.000 dân, bao gồm nhiều khách sạn, nhà hàng và các cơ sở du lịch ….’.
Vào thời điểm đó, tôi sống ở một biệt thự cũ của Pháp, vốn được dành cho người hưu trí, tôi nghĩ đó là lựa chọn duy nhất trong thị trấn. Từ ban công tôi đã có một cái nhìn tuyệt vời về Sa Pa với phong cảnh núi non hùng vĩ. Vào ban đêm, tôi có vài khách thăm quan trong phòng: Hai con dơi và một con chuột. Khi đó tôi thức dậy vì một âm thanh lạ lùng, và khi tôi bật đèn pin, một con chuột mập đang gặm bánh xà phòng của tôi” – Hans-Peter Grumpe.
Thị trấn Sa Pa năm 1992.
Vào thời điểm này vẫn còn nhiều phế tích kiến trúc cổ quanh Sa Pa.
Nhìn từ ban công của nhà nghỉ.
Ruộng bậc thang Sa Pa.
Ống dẫn nước suối bằng tre.
Chợ Sa Pa
“Chợ họp vào ngày thứ 7 hôm sau. Từ khắp nơi, người H’Mông Đen, Thái, Dao Đỏ và những sắc tộc khác trong bộ trang phục đẹp đẽ của mình đã đổ vào thị trấn suốt cả ngày. Đặc biệt là người Dao với chiếc khăn màu đỏ to của họ rất nhút nhát, khi tôi cố chụp ảnh, họ che mặt hoặc chạy đi. Nhiều người không đến chỉ để buôn bán. Khu chợ đã phát triển theo thời gian thành một chợ tình vào tối thứ 7. Khi trời tối, họ tụ tập gần khu chợ. Việc tán tỉnh diễn ra bằng cách hát: Một cô gái hát một giai điệu, một chàng trai cũng hát trả lời. Thứ 7 này toàn khu vực mất điện nên mọi thứ hầu như diễn ra trong bóng tối, chỉ có một vài ngọn nến hoặc đèn dầu để thắp sáng khu chợ tình. Vì vậy, tôi hầu như không bị chú ý khi trà trộn trong người dân địa phương. Điều tồi tệ là tôi đã không có thiết bị ghi âm.
Chủ nhật là ngày buôn bán chính. Các đường phố và đặc biệt là cầu thang đầy người. Mọi người cố gắng chào bán sản phẩm của mình cho người khác. Một bữa tiệc đầy màu sắc cho nhiếp ảnh gia!” – Hans-Peter Grumpe.
Khung cảnh khá yên tĩnh trước khi chợ họp.
Người Dao Đỏ dễ nhận ra với chiếc mũ đỏ lớn.
Người H’Mông Đen.
Cân dung cô gái Dao Đỏ.
Quán ăn ở chợ.
Cụ bà đọc sách.
“Chợ họp chủ yếu ở khu vực gần cầu thang, ngoài ra cũng có một khu nhà chợ. Người tham gia chủ yếu là người Dao Đỏ và người H’Mông Đen ở quanh Sa Pa. Một số đi 40 km bằng chân đất! Tất cả vẫn mặc quần áo truyền thống, tự làm và nhuộm bằng thuốc nhuộm thực vật (chủ yếu là màu chàm ở người H’Mông). Đáng chú ý là những bông tai bạc to lớn của phụ nữ H’Mông, một số phụ nữ Dao thì cạo lông mày của mình” – Hans-Peter Grumpe.
Khu vực bán thịt nằm ở trong nhà.
Người H’Mông Xanh (?).
Dáng vẻ kiêu hãnh của một thanh niên H’Mông.
Tiệm làm đầu của người Kinh.
“Ngay cả khi đi bộ hoặc đứng, những phụ nữ H’Mông vẫn làm việc: Họ bện dây thừng bằng cây gai dầu” – Hans-Peter Grumpe.
Tại địa điểm này, chợ tình diễn ra vào buổi tối.
Người H’Mông cũng buôn bán, trao đổi hàng hóa với các cửa hàng của người Kinh.
Người đàn ông với những chiếc khèn, nhạc cụ đặc trưng của người H’Mông.
Trẻ em ở chợ Sa Pa.
Thiếu nữ H’Mông.
Trên đường về nhà.
>> Việt Nam đầu thập niên 1990 qua 1.600 bức ảnh của Hans-Peter Grumpe
Theo HPGRUMPE.DE
Tags: Lai Châu, Sa Pa, Việt Nam thập niên 1990, Lào Cai, Hans-Peter Grumpe