Khi Thụy Điển chấm dứt kỷ nguyên trung lập kéo dài hai thế kỷ

Ngày 2/3/2024, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover đã ký dự luật phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và chuyển văn kiện này tới Văn phòng Tổng thống để ban hành. Hai thế kỷ trung lập xem như đã chính thức khép lại.

Khi Thụy Điển chấm dứt kỷ nguyên trung lập kéo dài hai thế kỷ

Trở thành thành viên thứ 32 của NATO, Thụy Điển tô đậm thêm ý thức phòng vệ trong chiến lược đối ngoại của mình và qua đó cũng gián tiếp khắc sâu hơn những lằn ranh, trong thế giới đang chuyển mình tái xác lập một trật tự mới hiện tại.

Chặng đường trắc trở

Cùng tuyên bố nguyện vọng gia nhập NATO vào đầu năm 2022, sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại miền Đông Ukraina, tuy nhiên, đến ngày 4/4/2023, Phần Lan đã kịp trở thành thành viên thứ 31, với sự chấp thuận của toàn bộ 30 thành viên NATO trước đó – lộ trình gia nhập ngắn nhất trong lịch sử liên minh phòng vệ quân sự này. Gần một năm sau, Thụy Điển mới “chạm đích”, cho dù quan điểm, vị thế, điều kiện cũng như lập trường của họ khá tương đồng, so với người láng giềng Scandinavia.

Lý do của sự chậm trễ đó xuất phát từ những vấn đề khách quan nhiều hơn là chủ quan (nghĩa là việc Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, còn Thụy Điển thì không). Phải đến tận tháng 2/2024 mới đây, những mối “hiềm khích” giữa Thụy Điển với Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên chủ chốt của NATO, mới được dàn xếp êm đẹp. Trước đó, bên cạnh việc cáo buộc Stockholm dung dưỡng các phần tử “khủng bố”, Ankara còn duy trì thái độ cực kỳ cứng rắn, sau những sự vụ mang tính chất xúc phạm tôn giáo có hệ thống (như đốt Thánh kinh Hồi giáo Quran ở nơi công cộng) mà luật pháp Thụy Điển cho phép.

Trong khi đó, với Hungary, lý do được đưa ra cho sự chậm trễ của tiến trình kết nạp Thụy Điển là sự công kích của chính giới Thụy Điển nhắm vào nền dân chủ tại Budapest.

Nhưng, cuối cùng, bằng cách này hay cách khác, chủ yếu là với sức đẩy của những thỏa hiệp lợi ích (như chuyện Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị được mua tiêm kích hiện đại F-16 từ Mỹ – cường quốc dẫn dắt NATO), mọi chuyện cũng đâu vào đấy. Từ ngày 26/2/2024, Quốc hội Hungary, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, đã phê chuẩn đề nghị gia nhập NATO từ Thụy Điển, chấm dứt 18 tháng trì hoãn động thái này, cũng kết thúc một kỷ nguyên kéo dài đến hơn 200 năm, mà trong đó Thụy Điển không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào.

Chiến lược phòng thủ toàn diện

Nói như Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, bằng việc trở thành thành viên NATO, quốc gia này “đã đạt được một bước tiến lớn”. Bước tiến ấy, một cách cụ thể, là sự tăng cường chiến lược mang tên “Phòng thủ toàn diện” đã được Chính phủ Thụy Điển nêu rõ từ trước: “Mọi người dân trong độ tuổi từ 16 đến 70 sống ở Thụy Điển đều là một phần trong hệ thống phòng thủ tổng thể của quốc gia”.

Làm rõ hơn về cách tiếp cận vấn đề (đối với các kịch bản xảy ra chiến tranh) theo hướng “xã hội hóa” này, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Jonson nhấn mạnh: “Điều quan trọng là tạo ra nhận thức trong xã hội của bạn, rằng môi trường an ninh đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây”. Đó là một thực tế mà từ góc nhìn của mình, các nhà lãnh đạo ở Stockholm hay Helsinki (thủ đô Phần Lan) không thể né tránh được nữa, để lựa chọn một sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Nó cũng có nghĩa là sự xác nhận: Tiến trình tái phân cực trong trật tự thế giới (thay thế trật tự đơn cực hướng Tây hiện tại) đang hàm chứa rất nhiều bất trắc cũng như cạm bẫy, cho dù đó vẫn là xu thế tất yếu.

Từ Moskva, nhà khoa học chính trị Nga Lydia Sidorova nhận xét: Về mặt kỹ thuật, Thụy Điển đã hội nhập sâu vào NATO từ trước. Việc Thụy Điển chính thức gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu giờ đây chỉ tạo thêm các nghĩa vụ tài chính và quy định mới đối với Stockholm. “Thụy Điển có tiềm năng quân sự rất lớn; trong một thời gian dài, nước này đã tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm cả việc hợp tác với Phần Lan và Na Uy”.

Trong khi đó, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu quốc tế tại Moskva Nikita Lipunov đánh giá: “Việc Thụy Điển gia nhập NATO là mối đe dọa đáng kể đối với an ninh của Nga vì điều đó sẽ giúp Mỹ tự do triển khai lực lượng tới biên giới Nga, với Biển Baltic về cơ bản trở thành “một cái hồ” của NATO”. Quả thật, với sự gia nhập của hải quân Thụy Điển, NATO xem như đã hoàn toàn khống chế Biển Baltic. Đó là chưa kể, hiện tại, Thụy Điển giữ vị trí của một trong những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Và, cũng như người hàng xóm Phần Lan, Stockholm sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

“Đó là một bước thay đổi đối với khả năng răn đe và phòng thủ của NATO, một bất ngờ mang tính chiến lược và hoàn toàn trái ngược với những gì phía Nga đã nghĩ đến” – Oana Lungescu, một nhà nghiên cứu nổi tiếng tại Viện Các lực lượng thống nhất Hoàng gia Anh và là cựu phát ngôn viên NATO của hai nước Bắc Âu, tự tin khẳng định.

Những giới hạn mong manh

Tựu trung, với việc Quốc hội Hungary chấp thuận thông qua đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển, ý thức phòng vệ của quốc gia Scandinavia ấy đã hòa làm một vào bức tranh tổng thể chung của NATO, trong vị thế là sự tăng cường đáng kể sức mạnh của NATO ở sườn Đông Bắc. Thậm chí, vượt khỏi phạm vi Biển Baltic, với Phần Lan và Thụy Điển, có thê tin rằng các nhà lãnh đạo NATO đã hướng tầm mắt đi xa hơn, đến Bắc Băng Dương cũng như những cuộc tranh giành lợi ích trong tương lai quanh Vòng Cực Bắc.

Rõ ràng, đây sẽ là những thách thức rất lớn đối với các toan tính của Điện Kremly, trong nỗ lực tái định hình trật tự thế giới. Tuy vậy, vẫn sẽ là quá sớm để khẳng định rằng NATO có thể vượt qua những giới hạn cuối cùng, nhằm áp đặt sức mạnh.

Ngày 19/2/2024, trả lời phỏng vấn Báo Rzeczpospolita của Ba Lan, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo khẳng định: Việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Phần Lan là không cần thiết, do chính NATO cũng có thể cung cấp khả năng răn đe hạt nhân. Ông cho biết, vũ khí hạt nhân đã được triển khai ở một số quốc gia trong liên minh, như vậy là đủ để đảm bảo an ninh cho khối này. Chúng ta có thể hiểu, cho dù đã gia nhập NATO, nhưng Phần Lan cũng không hề muốn bị “đẩy lên tuyến đầu”, nhất là khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mới làm rõ hôm 17/12/2023: “Họ (phương Tây) đã kéo nước này vào NATO. Chúng ta có tranh chấp gì với Phần Lan không? Tất cả các tranh chấp, bao gồm cả những tranh chấp có tính chất lãnh thổ vào giữa thế kỷ 20, đều đã được giải quyết từ lâu”.

Dĩ nhiên, Moskva chắc chắn cũng sẽ tiến hành những biện pháp phòng ngừa cần thiết, như tăng quân ở gần biên giới (mới) với NATO, tức là biên giới Nga Phần Lan. Song, về cơ bản, quan hệ ngoại giao giữa nước Nga với hai quốc gia Bắc Âu từng là những ngọn cờ của phong trào không liên kết cũng chưa đến nỗi trở nên tồi tệ. Do đó, cũng như Phần Lan, chưa chắc Thụy Điển đã chấp nhận làm biến đổi hiện trạng này, như một thứ “lễ vật ra mắt”.

Có lẽ, cũng nên nhắc đến, vào ngày 2/3/2024, hãng tin quốc tế AFP dẫn kết quả một cuộc thăm dò do Công ty phân tích Indikator cùng Đài Truyền hình Thụy Điển SR thực hiện cho thấy: Mặc dù đồng ý rằng việc gia nhập liên minh sẽ giúp tăng cường an ninh của Thụy Điển, 55% người dân Thụy Điển tham gia khảo sát tin là đất nước của họ đã hy sinh khá nhiều để trở thành thành viên NATO.

Chỉ đơn giản, khi từ bỏ vị thế trung lập truyền thống đã được duy trì qua hai cuộc Đại chiến thế giới, cũng như Phần Lan, Thụy Điển muốn chuẩn bị cho mình nhiều cảm giác an toàn nhất có thể, thông qua khả năng răn đe, trong những biến động khôn lường của thời đại đầy những mảnh vỡ nhưng cũng hứa hẹn không ít cơ hội kết nối đa phương này.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,