Khi ‘quan hệ rộng’ trở thành một vấn nạn xã hội

Lâu lâu khi lái xe, tôi thấy những người bị cảnh sát bắt đứng trên vỉa hè, vẻ mặt lo lắng và tay cầm điện thoại, đang cố gắng gọi điện cho người quen để xin được “giải cứu”.

Bài viết của tác giả Marko Nikolic (1987), là người Serbia, sống ở Việt Nam từ 2014. Là nhà giáo và nhà văn, tác giả của ”Phố Nhà Thờ” (Nhã Nam), tiểu thuyết đầu tiên do người nước ngoài viết bằng tiếng Việt.

Tôi đã có ý tưởng viết bài này khi một người bạn dạy cho tôi tục ngữ Việt Nam “nhất quan hệ nhì tiền tệ”. Quả thật, chúng ta đều biết rằng những mối quan hệ xã hội rộng rãi xưa nay là một lợi thế vô cùng lớn trong thế giới ngày càng cạnh tranh. Theo một số chuyên gia, ít nhất 70% công việc ở Mỹ được tìm thông qua các giới thiệu cá nhân.

Từ khi doanh nhân nổi tiếng Mỹ Andrew Carnegie tuyên bố một thế kỷ trước rằng “tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội”, chủ đề networking (kỹ nằng xây dựng mối quan hệ) đã tốn rất nhiều giấy mực và chúng ta hay nghe nói rằng đó là chìa khóa thành công có thể mở ra vô vàn cơ hội mới, ví dụ giúp ta tìm công việc hay các khách hàng tiềm năng mới hay giúp ta tiếp cận thông tin hữu ích chỉ có sẵn cho những người “trong cuộc”. Đã có nhiều cuốn sách dạy kỹ năng này, từ việc nâng cao ý thức đến cách kết giao những mối quan hệ mới và nối lại những mối quan hệ cũ.

Networking dựa trên một nguyên tắc quan trọng (mà nhiều người quên) có thể đúc kết bằng tục ngữ “dig a well before you are thirsty”, tức là chúng ta phải nghĩ dài hạn và đào một cái giếng (xây dựng mạng lưới quan hệ) trước khi ta khát nước (cần sự giúp đỡ). Bởi vì một khi ta “khát nước” thì thường đã quá muộn rồi.

Ở Việt Nam cũng như ở các nước khác, việc có những mối quan hệ rộng rãi hình như không có gì sai cả. Giả sử chúng ta muốn xin việc tại công ty ABC chẳng hạn. Chúng ta sẽ có khả năng xin việc cao hơn nếu ta quen một người làm việc tại công ty đó và người đó có thể giới thiệu ta với sếp mình. Lời giới thiệu tốt đẹp của người quen sẽ giúp ta nổi bật lên giữa mớ đơn xin việc và nhiều khả năng sếp sẽ mời chúng ta đến phỏng vấn.

Tuy nhiên, tất cả sẽ hoàn toàn khác nếu ta sử dụng mối quan hệ để làm “thỏa thuận” với sếp và mua chuộc công việc thay vì đi theo thủ tục tuyển dụng. Trong trường hợp này, sếp lợi dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân và tuyển dụng ta không dựa trên năng lực khách quan của ta. Ở đây lợi thế của “quan hệ rộng” trở nên tiêu cực, phi pháp và bất công bằng.

Đáng buồn thay, vấn nạn này đã đâm rễ sâu không chỉ ở Việt Nam mà còn trong nhiều nước trên thế giới. Người ta có thể thu lợi từ các mối quan hệ trong mỗi lĩnh vực xã hội và theo rất nhiều cách miễn là họ quen biết một người sẵn sàng lạm dụng chức vụ hay quyền hạn của mình vì một lợi ích cá nhân hay để giúp đỡ nhau (“hôm nay tôi giúp anh, lần sau anh giúp lại tôi”). Vậy, người ta có thể “chạy” nhiều thứ: chạy việc, chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy tội, chạy đi học, chạy điểm, chạy bằng cấp…

Nạn “chạy” thực chất là hành vi tham nhũng và tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự 2015. Nhưng trơ trêu thay, khi tôi gõ “chạy việc” lên Google, phần lớn bài mà tôi tìm được liên quan đến các trường hợp mà thỏa thuận ngầm giữa người đưa và người nhận hối lộ bị đứt vỡ và người “chạy” bị lừa đảo và mất tiền mà không nhận được thứ mình muốn.

Nói cách khác, hình như chúng ta chỉ sẵn sàng lên án sự này khi thỏa thuận ngầm bị phá vỡ và người chạy bị thiệt hại. Có lẽ đó cũng là điều dễ hiểu bởi các trường hợp trục lợi qua mối quan hệ cá nhân thường khó nhận diện và khó kết tội. Bên cạnh đó, nó đã thành một luật ngầm mà ai cũng biết, một hệ thống mà chúng ta vừa không tránh khỏi được vừa không đủ dũng cảm đứng ra tố cáo.

Ví dụ, trong vụ án nâng điểm tiền tỷ ở Sơn La làm xáo trộn dư luận và gây bức xúc trong nhân dân trong những ngày gần đây, các bị cáo đã tham gia sửa điểm thi và nhận một tỷ đồng “cảm ơn” của gia đình bốn thí sinh. Thế nhưng, lời khai “ngây thơ” của họ được nhiều độc giả xem như “khó tin” hay “hài kịch”. Cụ thể, mẹ của một thí sinh tham dự kỳ thi THPT cho biết chị đã sử dụng mối quan hệ với giáo viên để nhờ vả một cách vu vơ tự nhiên: “cứ nhờ vậy, được thì tốt, không thì thôi”.

Điều này cho thấy, cái “quan hệ” ấy đã biến tướng đến mức mà chính người trong cuộc không nhận thức được là nó là tội ác ghê gớm nữa. Tương tự, một phụ huynh ở Hòa Bình bị cáo buộc đưa hối lộ để sửa điểm không muốn nhận tội và khẳng định không nhờ ai cả mà “con tôi là bị nâng điểm chứ không phải được nâng điểm”.

Vậy, tôi muốn lên tiếng về một số hệ lụy và sự bất công về mặt xã hội mà nạn “chạy” gây ra.

Thứ nhất, người có “quan hệ rộng” có lợi thế không công bằng trên thị trường việc làm bởi vì mối quan hệ của họ (và tiền mà họ sẵn sàng đút lót) sẽ được ưu tiên so với năng lực thật của người khác và có thể làm mất cơ hội của những người đủ điều kiện được tuyển dụng. Mỗi khi trường hợp như vậy xảy ra, xã hội có thể mất thêm một người có năng lực tốt. Tuy nhiên, để xây dựng một xã hội tiến bộ thịnh vượng, chúng ta cần đến năng lực của mỗi từng người. Làm sao chúng ta có thể thúc đẩy người trẻ học tập chăm chỉ và nỗ lực phát triển năng lực của mình nếu một khi họ ra trường, năng lực của họ không có trọng lượng trên thị trường việc làm? Khi người tài giỏi thấy bạn cùng lớp hay hàng xóm của mình dùng mối quan hệ và tiền để mua công việc, họ sẽ vỡ mộng và tự hỏi tại sao mình bỏ bao thời giờ, công sức tiền của để đi học suốt đời và phát triển năng lực nếu công việc là một thứ mà bất cứ ai có thể mua. Để khắc phục sự sai lệch này, các thủ tục tuyển dụng trong khu vực công phải minh bạch hơn nhiều.

Thứ hai, nạn “chạy” góp phần làm hình thành và nuôi dưỡng một lớp người “ăn hại” hưởng lợi từ các “quan hệ” và nhận tiền thù lao dù không nhất thiết lo làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình. Một bộ phận của những người như vậy có thể thiếu năng lực lao động hay thiếu động lực phấn đấu, điều có thể dẫn đến hiệu suất kém. Và hiệu suất kém này không chỉ giảm sức cạnh tranh của đơn vị mà còn làm tốn tiền của nhà nước nếu người lãnh lương nhà nước chỉ ngồi “chém gió” và không đóng góp một cách xứng đáng. Đó cũng là một sự bất công đối với những người làm việc và nộp thuế một cách đàng hoàng tử tế.

Cuối cùng, những người có “quan hệ rộng” có thể phát triển hội chứng xã hội mà tôi đặt tên là “Mày biết tao là ai không?”. Những người có hội chứng này tin rằng mối quan hệ với những người có quyền lực, địa vị cao mang cho họ một sự đảm bảo, che chở nhất định. Cảm giác này khiến họ tự tin và cao ngạo đến nỗi họ bắt đầu tin mình được miễn trừ với pháp luật. Không ít lần trong thời gian qua, những kẻ “Mày biết tao là ai không?” đã gây chuyện ở nơi công cộng khiến công chúng Việt Nam phẫn nộ. Những sự cố như vậy có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết xã hội và dấy lên câu hỏi: quyền lực của “quan hệ rộng” có đáng sợ không?

Theo VNEXPRESS 

Tags: , ,